Thói hư tật xấu của người Việt: Tính toán thiển cận, mê tín gây lãng phí, không chuyên nhất, dễ dãi tiếp nhận
Lối tính toán thiển cận
(Lương Dũ Thúc, Nông cổ mím đàm, năm 1901)
Cách đại thương(1) là có gan làm giàu. Coi người ta phí(2) là bao nhiêu tiền bạc mà không sợ mất, là vì người ta tiên liệu đại lợi, kể chi sự phí. Chớ như người bổn quốc ta, muốn cho thấy trước mắt có lợi mới chịu làm. Nếu đem đại thương mà sánh với bán hàng bông(3) thì bán hàng bông ắt thấy lợi trước mắt, hễ mua sớm mai thì chiều thấy lợi, còn mua chiều sáng thấy, chớ như đại thương thì ít nữa là năm năm còn nhiều hơn là mười năm mới thấy lợi. Song so lợi dễ thấy thì là lợi ít, cái lợi mà lâu thấy thì thật lớn lắm.
Người nước nào đều có ngay gian xấu tốt, họ không phải là tiên phật chi hơn mình, song họ làm rồi thì quen, còn người mình không làm, nên cứ nghi hoặc hoài mà thôi.
(1) buôn bán lớn.
(2)bỏ tiền của ra sử dụng.
(3) bán hoa quả bông trái.
Mê tín gây nhiều lãng phí
(Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, năm 1915)
Lễ kỳ(1) an chủ ý là trừ khử ma quỷ cho dân xã bình an. Ta lại tin theo Phật thuyết, bày ra vàng mã, nào mũ Ngọc Hoàng, nào tượng Minh Vương, nào âm quan quỷ tốt, chiến khí binh tiền được việc cũng cam, nhưng nào có được việc gì đâu, rút lại chỉ tại ta tin nhảm.
(1)kỳ đây là cầu.
(2)xa xôi cách trở.
Không ai chuyên nhất việc gì
(Tân Việt(*) Mỗi người một việc - Đông Pháp thời báo, năm 1928)
Các nước phú cường, người nào làm việc gì. Nhà khoa học lo cả đời phát minh, người làm giàu thì cứ việc làm giàu. Còn nước ta thì không thế. Một người làm năm bảy việc, trong khi làm bầu gánh hát bộ, lại có xuất bản một cuốn tiểu thuyết ái tình, lại có mở một cửa hàng tạp hóa, ít lúc chi đó lại vọt xuống tàu sang Pháp làm chính trị.
Người ngoại quốc thấy vậy, cho rằng chúng ta có lòng ham hố quá , hoặc cho rằng không có đức chuyên nhất, không có tính nhẫn nại.
(*)Một bút danh mà Diệp Văn Kỳ và Phan Khôi ký chung trên Đông Pháp thời báo 1928 (theo Lại Nguyên Ân). Nghe giọng thì người viết ở đây có lễ là Diệp Văn Kỳ(?)
Dễ dãi trong tiếpnhận nên hỏng việc
(Phạm Quỳnh, Giải nghĩa đồng hóa, Nam Phong, năm 1931)
Người An Nam vốn có cái thiên tính dễ đồng hóa(1), dễ am hiểu, dễ thu nạp lấy những cái khác lạ với mình, dễ đem những điều hay điều dở của người mà hóa(2) làm của mình, nhưng cái tài đồng hóa đó thường thường chỉ là cái khóe tinh(3), biết xem xét và bắt chước của người, chỉ phảng phất ở bề ngoài chứ không thấu triệt được đến chỗ căn để(4) cho tinh túy.
Tỷ như thợ An Nam thì phóng chép tài lắm, những hình dáng kỳ đến đâu, những kiểu cách lạ đến đâu, họ cũng bắt chước được như hệt cả.
Học trò ta học rất mau, nhớ cũng rất mau, nhưng chưa chắc đã hiểu thấu đã hóa được những cái người ta dạy mình.
Một người trí não không được tiêm nhiễm những cái tinh hoa của nòi giống mà thành ra khô cạn đi - một người như thế không thể nào hiểu thấu được cái tinh thần của Tây phương. Có đồng hóa chỉ đồng hóa được cái bề ngoài, chỉ bắt chước được cái hình thức.
Cái cách đồng hóa dễ dàng thô thiển đó thiết tưởng không phải là cái tính tốt, mà có thể cho là cái tính xấu được. Chưa chắc cái học tiếp thu được dễ dàng như vậy đã làm cho óc được khôn ra, người được chín ra chút nào.
Đồng hóa một cách cấp tốc, một cách vô độ há chẳng phải là hại hơn lợi?
(1)tiếp nhận
(2)biến cải
(3)ngón nghề, mánh lới
(4) gốc rễ, cơ bản
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn