Tâm linh và Mê tín

09:05 SA @ Thứ Hai - 15 Tháng Sáu, 2020

Khát vọng muốn tin các hiện tượng dị thường của con người lớn hơn mọi chứng cớ phản bác” (Định luật Blackmore thứ nhất).

Bài “Đất thiêng một giải nghiệm” trên Văn nghệ số 32, ngày 11-8-2007, khá điển hình cho một trào lưu mới tại nước ta hiện nay. Đó là sự lên ngôi của “khoa học tâm linh” hay các hoạt động mang tính tâm linh khác, tuy khái niệm tâm linh chưa bao giờ được làm rõ hay đạt sự đồng thuận. Đây là vấn đề quan trọng mà nếu không giải quyết, có thể gây nhiều hiểu lầm. Có ai ngờ thời thế lại đổi thay đến mức, người viết từng bị nhà thơ T.T.L. qui kết là hồng vệ binh và phản động chỉ vì không tin tâm linh có thật!

Tâm linh là gì?

Theo Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên, NXB Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học, 1995, tâm linh là “1. Khả năng biết trước một biến cố nào đó sẽ xẩy ra với mình, theo quan niệm duy tâm. 2. (ít dùng) Tâm hồn, tinh thần”. Nếu đề nghị dịch thuật ngữ ra tiếng nước ngoài, có lẽ người biên soạn sẽ lúng túng.

Liên quan với tâm linh, tiếng Anh có hai thuật ngữ là spiritualism(duy linh luận) và spiritism (thông linh luận). Duy linh luận là niềm tin tôn giáo - triết học về sự tồn tại sau cái chết, còn thông linh luận giả định về một số hiện tượng liên quan với sự can thiệp của người chết. Do nhiều tương đồng, nên chúng thường được đánh đồng với nhau. Tâm linh luận giả định có thể liên lạc với người chết qua đối tượng trung gian là giới đồng cốt - những người được xem là có khả năng nói chuyện với người chết.

Cần lưu ý rằng, linh hồn bất tử là ước nguyện rất tự nhiên của con người, vì đó là cách duy nhất để chúng ta chống chọi với thời gian và chiến thắng nỗi sợ hãi trước cái chết. Trong mọi nền văn hoá, đều tồn tại ước nguyện đó dưới nhiều hình thức, nhất là khi người xưa chưa hiểu biết đầy đủ về bản chất sự sống. Ngày nay, khi Miller (1953) tạo được axít amin nhờ tia lửa điện phóng qua ống nghiệm mô phỏng khí quyển Trái đất xưa, và khi nhiều phòng thí nghiệm đã gần tạo được tế bào nhân tạo, khoa học đã phát hiện bản chất tự nhiên của sự sống và khẳng định linh hồn không có thật. Là chức năng của bộ não, nên khi ta chết, tư duy, nhận thức và tình cảm chấm dứt, giống như hình ảnh, âm thanh trong tivi mất ngay khi ta ngắt điện. Nói cách khác, về mặt khoa học, linh hồn là quan điểm sai lầm.

Như vậy cần phân biệt ranh giới giữa các hoạt động tín ngưỡng - tôn giáo với các hoạt động khoa học. Thờ cúng và cầu xin người đã khuất phù hộ tại gia đình, đền chùa hay các cơ sở tôn giáo là các hoạt động tín ngưỡng - tôn giáo cần được giữ gìn như một nét văn hoá đáng quí. Hoạt động này được pháp luật bảo vệ. Còn tổ chức nghiên cứu xem linh hồn có thật hay không lại là việc làm lạc hậu cả về thế giới quan và phương pháp luận. Về mặt thế giới quan, những hoạt động đó kéo lùi nhận thức của chúng ta ít nhất hai thế kỉ (Khi Wohler tổng hợp được urea năm 1828, quan niệm linh hồn đã bị bác bỏ về mặt sinh học). Về mặt phương pháp, các nghiên cứu về cầu hồn hay gọi vong tại nước ta mắc lỗi nghiêm trọng trong thiết kế, đánh giá và bàn luận kết quả. Kết quả là một trung tâm nghiên cứu với nhiều nhà khoa học có tiếng đã kết luận cô đồng Phương tại Thanh Hoá thực sự có khả năng gọi hồn người chết. Trong khi đó, với sự nghi ngờ đúng đắn (xin lưu ý, tín ngưỡng hay tôn giáo dựa trên niềm tin, còn khoa học dựa trên sự nghi ngờ) và “thiết kế thực nghiệm” đơn giản, một phóng viên báo Công an TPHCM đã phát hiện sự thật khi cô đồng nổi danh này mắc bẫy nói chuyện với “vong” không có thật.

Các hiện tượng dị thường:

Như đã trình bày, vì quan niệm linh hồn đã bị xem là lạc hậu, nên giới nghiên cứu nước ngoài tỏ ra ưa thích thuật ngữ psychic, cũng được hiểu là tâm linh (theo nghĩa thứ nhất trong Từ điển tiếng Việt). Nó bao gồm ba phạm trù: ngoại cảm, tức khả năng nhận biết phi ngũ quan (gồm thần giao cách cảm, thấu thị, tiên tri và hậu tri); tác động của tinh thần lên vật chất (chẳng hạn “nhìn cong thìa”); và các hiện tượng liên quan với người chết. Người có một hay nhiều khả năng như trên được gọi là nhà ngoại cảm hay tâm linh. Thời gian qua, do nhiều nguyên nhân, giới ngoại cảm nước ta xuất hiện như nấm sau mưa. Tự cho là có nhiều khả năng khác nhau, nhưng để đáp ứng nhu cầu tìm hài cốt liệt sĩ tăng rất cao sau hai cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc, nhiều nhà ngoại cảm tuyên bố có khả năng tìm mộ, chủ yếu do “nói chuyện với người chết”.

Cần nhấn mạnh rằng, sau hơn một thế kỉ nghiên cứu, các nhà khoa học đã đưa ra tám lí do nghi ngờ ngoại cảm và tâm linh như sau:

1) Sự tiến bộ là tiêu chí bắt buộc của một khoa học tốt.Ngành cận tâm lý (nghiên cứu ngoại cảm và tâm linh) không đạt được một tiến bộ đáng kể nào, kể từ khi Hội nghiên cứu tâm linh đầu tiên trên thế giới được thành lập tại Anh năm 1882.

2) Ngoại cảm được định nghĩa khác thường, không theo nghĩa nó là cái gì, mà theo nghĩa không là cái gì, nên rất khó giới hạn phạm vi nghiên cứu.

3) Bằng chứng của tâm linh thường không đáng tin, vì chỉ dựa trên lời kể của những người thiếu kiến thức chuyên môn.

4) Nghiên cứu về tâm linh thường mắc lỗi giản lược trong nhận thức và phương pháp.

5) Tâm linh không liên quan với bất cứ lý thuyết khoa học đã được khẳng định nào.

6) Nghiên cứu tâm linh có tính lặp lại kém.

7) Ngụy tạo và lừa gạt gắn bó chặt chẽ với tâm linh trong suốt tiến trình lịch sử.

8) Nhiều hiện tượng tâm linh có thể giải thích theo cách thông thường, mà hiện tượng ma nhập là điển hình (đó là hiện tượng đa nhân cách trong lĩnh vực tâm thần học).


Xin nhấn mạnh hai lí do thứ 3 và 4. Cho đến nay, chưa một ai đưa ra được một bằng chứng thuyết phục về tâm linh. Thế nào là một bằng chứng đáng tin cậy? Đó là bằng chứng thu được trong một thí nghiệm được thiết kế đặc biệt nhằm loại bỏ các kênh cảm giác (vì ngoại cảm là khả năng nhận biết phi ngũ quan), sự lừa gạt hay nguỵ tạo. Nghiên cứu tại nước ta không thoả mãn các tiêu chí này, vì thế các kết luận đều không đáng tin. Hiện quĩ James Randi (nhà ảo thuật chứng tỏ khả năng “nhìn cong thìa” của Iuri Geller chỉ là ảo thuật) treo giải một triệu đô la Mĩ cho bất cứ ai thực hiện được khả năng ngoại cảm trong một thí nghiệm có kiểm soát. Các tổ chức nghiên cứu tại Pháp, Úc, Canada… cũng treo giải 200.000 euro mỗi nước. Và trên hết là giải thưởng 50 triệu đô la cho người chỉ ra vị trí của trùm khủng bố Bin Laden. Cần lưu ý, tất cả các nhà ngoại cảm từng thử nghiệm đều đã thất bại.

http://www.csicop.com/ để tìm hiểu thêm.

Tại sao giới bói toán hay đồng cốt dường như chính xác?

Nếu ngoại cảm và tâm linh không đáng tin cậy, tại sao một cô đồng giỏi có thể biết một số thông tin về người chết?

Nhiều người cho rằng đó là bằng chứng cho thấy linh hồn có thật và giới đồng cốt quả thật có khả năng nói chuyện với người chết. Tuy nhiên sau khám phá của Ray Hyman (cũng là sáng lập viên của CSICOP), sự thật về giới bói toán và đồng cốt đã được khám phá. Trong bài báo “Thuyết phục người lạ rằng bạn biết tất cả về họ như thế nào” trên Người yêu cầu nghi ngờ, tập 1, số 2, năm 1977, Hyman đã phát hiện kỹ thuật đọc nguội (cold reading). Đó là kỹ thuật lấy tin từ chính thân chủ bằng nhiều phương cách như nói lấp lửng nước đôi, đọc ngôn ngữ cơ thể… (thày bói hay cô đồng thường nói tràng giang đại hải, khi gặp thông tin khớp, ta thường nhướn mày, chớp mắt, rung cơ, thở nhanh… nên cô đồng nắm được. Giới chuyên môn gọi là hiệu ứng Hans thông minh, khi ngựa Hans tại Berlin đầu thế kỉ 20 “biết làm toán” do đọc ngôn ngữ cơ thể người đối diện). Chính vì vậy trong cuốn Sự thật đầy đủ về đọc nguội, Rowland viết: “Trong một buổi gọi hồn thành công, cô đồng có thể nói hầu hết thời gian, nhưng chính người hầu đồng mới là người cung cấp ngữ nghĩa và ý nghĩa của những ngôn từ đó“. Ở đây câu ngạn ngữ Tây Ban Nha tỏ ra thích hợp “Người nói nhiều đôi khi cũng đúng”!

Có thể kể thêm hai kỹ thuật đơn giản là đọc nóng (hot reading) và đọc ấm (warm reading). Đọc nóng là cách lấy tin trước khi bói hay gọi hồn. Ta cứ phải chầu chực mãi mới được bói hay hầu đồng là vì vậy. Còn đọc ấm là việc áp dụng các nguyên lý tâm lý thông thường cho thân nhân người đã khuất. Chẳng hạn giới đồng cốt Mĩ thường nói người chết cảm thấy đau đầu hay đau tim. Thông báo này có xác suất đúng cao vì đột quị não và nhồi máu cơ tim là những nguyên nhân tử vong hàng đầu tại Mĩ. Với một cô đồng giỏi cả ba kỹ thuật, người nghe không tin mới là chuyện lạ!

Vậy có thể kiểm chứng độ xác thực của khả năng “ngoại cảm tìm mộ“ hay không? Cách giải quyết thực ra rất dễ dàng: hoặc xét nghiệm ADN trên hài cốt tìm được, hoặc thực nghiệm với các trường hợp thật giả lẫn lộn. Người viết bài này tin rằng, nếu tổ chức tốt các thử nghiệm có kiểm soát, không một nhà ngoại cảm nào dám chấp nhận thách thức. Vấn đề chỉ là chúng ta có muốn kiểm chứng hay không mà thôi.

Cần bài trừ nạn mê tín mới:

Có lẽ ít người phản đối việc tách biệt hành vi mê tín khỏi các hoạt động tín ngưỡng và tôn giáo. Tuy nhiên đâu là ranh giới giữa mê tín và tín ngưỡng lại là vấn đề rất khó đạt được sự đồng thuận. Đó là vấn đề lớn của toàn nhân loại chứ không riêng của nước ta. Chẳng hạn tại Anh, nhà khoa học đoạt giải Nobel Josephson từng bỏ vật lý để nghiên cứu các hiện tượng tâm linh. Trong một bức thư gửi tạp chí Nature danh tiếng, ông chê trách thái độ thờ ơ của cộng đồng khoa học đối với lĩnh vực tôn giáo và dị thường học. Theo ông, thực hành tôn giáo bắt nguồn từ các gien liên quan với tính thiện và có thể giúp các xã hội vận hành tốt hơn. Các nhà khoa học phản đối ông, cho rằng ngoài các yếu tố tích cực, hoạt động tín ngưỡng và tôn giáo rất dễ gắn với các hành vi mê tín. Điều này không lạ, vì trong một số trường hợp, ranh giới giữa tín ngưỡng và mê tín cũng khá mơ hồ. Chẳng hạn thờ cúng người đã khuất là tín ngưỡng; vậy vay tiền bà chúa Kho là tín ngưỡng hay mê tín?

Theo quan điểm cá nhân, cần phân biệt hai kiểu mê tín: mê tín cũ và mê tín mới. Tin là có ma quỉ, linh hồn, thiên đường và địa ngục hay thực hành gọi vong, cầu hồn, lên đồng… là các hành vi mê tín kiểu cũ. Những hành vi này thì từ xa xưa cha ông ta cũng đã từng đả phá và nay chúng ta cần cương quyết và khôn khéo loại trừ. Sự vụ một cô đồng “nhập hồn lãnh tụ” cần xem là sự giả danh lãnh tụ, và việc lưu truyền băng đĩa về nó cần xem là hoạt động mê tín. Chúng và các hoạt động tương tự cần được ngăn chặn kịp thời, cương quyết, khôn khéo và lâu dài.

Khó ứng phó hơn là các hành vi mê tín mới. Tại phương Tây chúng nổi lên dưới cái tên Tân Kỷ nguyên (New Age). Trào lưu này cho rằng, dựa trên các lý thuyết mới như cơ học lượng tử, khoa học (tự nhiên) đã có thêm tính chủ quan, bên cạnh tính khách quan vốn có. Đã là chủ quan thì không thể bỏ qua các yếu tố thuộc về tinh thần hay “tâm linh” được. Tiến thêm một bước (không hợp lý, theo cá nhân người viết), trào lưu này làm sống lại các chủ đề cũ như xuất hồn, đầu thai và luân hồi, tiên tri, giao tiếp với người chết… với nhiều cơ sở nghiên cứu, thực hành và giảng dạy được thành lập, chủ yếu dựa trên tài trợ tư nhân. Như đã trình bày, đó là những hoạt động thiếu cơ sở lý luận chặt chẽ, không vượt qua được các cuộc kiểm chứng nên đều không đáng tin cậy.

Cuối cùng là một số hành vi chưa hẳn là mê tín nhưng cũng cần được lưu tâm đúng mức. Đó là việc ca ngợi và vận dụng quá mức một số quan niệm và kinh nghiệm người xưa. Với cái nhìn khá tinh nhạy, người xưa đã quan sát, chiêm nghiệm và hệ thống hoá một số quan niệm, kiến thức và thực hành trong nhiều lĩnh vực, như y thuật, thuật phong thuỷ, tử vi, kinh Dịch… Tuy nhiên do hạn chế trong hiểu biết về cấu trúc và hành vi của con người và thế giới, nên các hệ thống đó chứa đựng nhiều quan niệm và hành động sai lầm. Với trình độ ngày nay, không khó để chỉ ra đúng sai, hay dở của các hệ thống đó. Một quan điểm đúng đắn trong việc gìn giữ bản sắc là gạn đục khơi trong, loại bỏ các yếu tố sai lầm, giữ lại các kinh nghiệm đúng để ứng dụng vào cuộc sống. Chẳng hạn quan niệm địa linh nhân kiệt. Người xưa cho rằng do khí thiêng sông núi hay mạch đất mà một địa phương có thể sinh nhiều hào kiệt . Vì thế mà có các quan niệm và hành vi sai lầm như “mả táng hàm Rồng” hay trấn yểm. Ngày nay ta biết rằng, chính con người (với mọi sắc thái sinh học và văn hoá) mới là yếu tố tạo nên hay tô điểm thêm cho một truyền thống văn hoá. Nếu không sẽ không hiểu tại sao các nhà Cần Vương thất bại mà Cách mạng tháng Tám lại thành công. Một ví dụ khác là nhà ở ngã ba bị đường đâm thẳng vào thì không tốt. Kết luận có thể giống nhau, nhưng khoa học giải thích bằng các lí do như dễ bị xe đâm trong các vụ tai nạn hay ảnh hưởng của sự căng thẳng thần kinh khi sống trong căn nhà đó, chứ không phải bằng các quan niệm siêu hình của người xưa. Quan niệm xung khắc tuổi cũng vậy. Khi cả hai người cùng tin tuổi họ xung khắc thì họ sẽ xét nét nhau từng tí một và cuối cùng thành xung khắc thật; trong khi nếu cùng tin hợp tuổi thì sẽ chín bỏ làm mười và cố gắng hợp tác tối đa, kết quả là hợp thật. Như vậy chính sức khoẻ thể chất và tâm thần, chính trí tuệ, cảm xúc, niềm tin và các giá trị tinh thần, cũng như môi trường sống và làm việc có văn hoá, chứ không phải ngày tháng năm sinh hay nơi sinh, mới là yếu tố quyết định chúng ta là ai, chúng ta sống và theo đuổi các giá trị như thế nào. Thiên thần hay ác quỉ nằm trong chính chúng ta, chứ không phải ở con sông hay ngọn núi.

Để kết thúc, xin nhấn mạnh rằng, niềm tin vào sự huyền bí là nhu cầu có thật của con người, và theo các nhà khoa học, nó lớn hơn mọi chứng cớ phản bác. Vì vậy chúng ta cần lựa chọn đúng đắn giữa các hoạt động tín ngưỡng và các hành vi mê tín, cho dù trong nhiều trường hợp, ranh giới giữa chúng thật khó phân định. Với lập trường duy vật và cách nhìn biện chứng, với việc ứng dụng linh hoạt các thành tựu khoa học hiện đại, chúng ta có thể gạn đục khơi trong, góp phần gìn giữ những truyền thống văn hoá quí báu của dân tộc, bên cạnh việc kiên trì loại trừ các hành vi mê tín dị đoan.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Chuyện mê tín của người thời nay

    30/10/2017Lê CẩnĐời sống tâm linh của con người đương đại vẫn có những góc khuất dành cho những điều không thể lý giải được bằng thực nghiệm hay khoa học. Mê tín là những niềm tin “truyền tử lưu tôn” từ hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm trước. Không có cơ sở khoa học nào hết, nhưng chúng vẫn luôn chi phối sinh hoạt của con người một cách vô thức hay có ý thức
  • Thói hư tật xấu của người Việt: Trọng mê tín- xem nhẹ trách nhiệm, ham hội hè, "thần mãn"

    21/12/2015Vương Trí NhànXét cái tục hội hè của ta, rước xách rất phiền phí, ăn uống rất lôi thôi, chơi bời rất chán chê, tiêu pha rất tốn kém, thực là hại của mà lại mua lấy cái khó nhọc vào mình...
  • Thói hư tật xấu của người Việt: Tính toán thiển cận, mê tín gây lãng phí, không chuyên nhất, dễ dãi tiếp nhận

    05/08/2015Vương Trí NhànNgười An Nam vốn có cái thiên tính dễ đồng hóa, dễ am hiểu, dễ thu nạp lấy những cái khác lạ với mình, dễ đem những điều hay điều dở của người mà hóa làm của mình, nhưng cái tài đồng hóa đó thường thường chỉ là cái khóe tinh, biết xem xét và bắt chước của người, chỉ phảng phất ở bề ngoài chứ không thấu triệt được đến chỗ căn để cho tinh túy...
  • Tâm linh: Sự lẫn lộn và thảm họa

    17/09/2014Hà YênTri thức phải giúp chúng ta khám phá ra bản chất của Thế giới xung quanh và bản chất của Tâm linh con người. Vậy mà, từ thế kỷ XVII đến nay, hầu như tất cả mọi người đều cho rằng, Khoa học ngày càng đồng nghĩa với Tri thức, dẫn đến xã hội vô thần, làm cho nền tảng Tôn giáo, tình yêu và lòng trắc ẩn đã bị sai lệch hết sức thảm họa...
  • Giải thích về các nhà ngoại cảm Phan Bích Hằng và Nguyễn Văn Nhã

    29/10/2013Trưởng lão A la hán Thích Thông LạcTheo nhận xét của chúng tôi những hiện tượng đã xảy ra trong chuyến đi tìm hài cốt của cô em gái của giáo sư Trần Phương, dù cho tập trung tất cả các nhà khoa học trên thế giới cũng không giải thích được, trừ ra sự tiến bộ của khoa học đã tạo ra được một bộ óc điện tử như bộ óc của con người thì mới xác định được thế giới siêu hình có hay không. Và những hiện tượng con người có khả năng thấy và nói chuyện với ma cũng như làm thông dịch lại cho chúng ta biết...
  • Suy tưởng tiếp cận Tâm Linh

    22/04/2009Nguyễn Tất ThịnhCon người đã đưa thiết bị lên Sao Hỏa, đã vẽ nên Bản đồ Gen của chính mình….Nhưng chính vì vậy Con đường bí mật đi đến tìm hiểu ý niệm về Thượng Đế - Thế giới Tuyệt đối – có vẻ như gần hơn, lại càng làm Con người khát vọng hơn bao giờ hết! Để ít nhất cũng ngộ ra một điều rằng : Bản thân Khoa học Công nghệ, dù phát triển đến đâu nhưng là quá hữu hạn để thỏa mãn khát vọng đó...
  • Chia sẻ về Tâm linh của chúng ta

    31/03/2009Bùi Quang MinhĐó chính là lúc ta lắng đọng, suy tư và khẳng định cái quyền làm người của mình ở mức cao nhất, luôn luôn ẩn chứa trong bản nguyên ta. Đó là quyền hướng thiện, sống tốt hơn với cái nhân của ta, khám phá vô tận những giá trị tinh thần của ta. Vì những điều đó mà từ hành trình trải nghiệm của mình, chúng ta chia sẻ những phong phú, hiểu biết của bản thân ta về chính chúng ta: Một con người thực sự là gì?
  • Tâm linh là gì? Như thế nào? Từ đâu? Tại sao?

    07/03/2009Tinh TiếnTừ e dè, nghi ngại lúc đầu đến nay, sau khoảng một hai thập kỷ, "Tâm linh" trở thành một từ thường xuyên dùng tới trên cửa miệng của nhiều người, có nội dung còn rất "tù mù”, phiếm định, vì vậy chúng ta cần "kiện nghĩa" khái niệm này trong chừng mực bao quát nhất có thể được.
  • Tâm Linh…???... Chính là đức tin vậy

    04/02/2009Nguyễn Tất ThịnhNgười khác có thể tin Bạn sẽ có điều không hay, nhưng chính Bạn thì lại có khuynh hướng tin vào những điều, những cách thức có thể nào đó để mình hay hơn hoặc đỡ tồi đi. Bởi vậy Bạn biết sợ, lo xa mà muốn biết trước, cho dù manh nha…Đó là điều kì diệu ! Cho nên bản chất của Đức Tin là ở trong chính Bạn...
  • Giải mã các hiện tượng dị thường

    19/12/2008Đại tá, nhà nghiên cứu Đỗ Kiên CườngChúngta.com đăng lại loạt bài viết "Giải mã các hiện tượng dị thường" đã đăng trên báo Thể thao & Văn hóa rất bổ ích và có giá trị nhận thức cao về những hiện tượng ở ranh giới nhận thức của loài người...
  • Cần một cái nhìn khoa học tỉnh táo và khách quan

    12/07/2008Đỗ Kiên CườngĐại tá, nhà nghiên cứu Đỗ Kiên Cường tại Trung tâm Khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự - Bộ Quốc phòng, vừa qua trên tờ Thể thao & Văn hóa đã có một loạt bài viết bổ ích, trình bày về các hiện tượng dị thường khác nhau dưới một cách nhìn khoa học...
  • Vì sao mê tín dị đoan vẫn tồn tại và phát triển?

    23/11/2005B.N (theo Ca minteresse)Sự tiến triển của khoa học và những tri thức tiên tiến vẫn không đẩy lùi hoặc triệt bỏ được tệ mê tín dị đoan trong xã hội loài người. Năm 2005 này vẫn còn ghi đậm dấu ấn của điều khó lý giải đó...
  • Tử vi: Khoa học hay mê tín

    11/11/2005Hoàng Tùng (Tổng hợp từ các báo Trung Quốc)Tử vi là một dạng thức khoa học hay chỉ là một hình thức bói toán mang yếu tố mê tín và lừa đảo? Câu trả lời đó còn đang gây tranh cãi. Tuy nhiên, có thể nói, với tính chất khoa học thần bí của mình, Tử vi là một đối tượng nghiên cứu khá thú vị...
  • xem toàn bộ