Công danh với sự nghiệp (phần 2)
Xem phần trước:
Vậy thì thưa các bạn: Chúng ta hãy nghĩ vừa đủ về cái công danh ấy mà thôi, cái thứ công danh nuôi dạ dày và dắt vợ con đi chơi phố. Chúng ta đi học, phải nghĩ đến sự nghiệp, để đời ta có ý nghĩa, để nước Việt Nam cũng có thể góp cho nhân loại một ít nhà thông thái, để người Việt Nam ta chẳng phải chỉ là một bọn người ngồi mát để ăn cái bát vàng mà những thiên tài các nước làm ra.
Muốn thế ta phải lập chỉ ngay từ lúc nhỏ. Lúc mới bắt đầu biết khôn, ta chớ sợ gì mà chẳng làm những Đôngkysốt, ta lập chỉ đẩy vào cái bánh xe tiến hóa sau này.
Có những cậu học trò khi xưa chép dán vào phía trong nắp hòm hai câu thơ của Nguyễn Công Trứ. Mỗi khi mở hòm, cậu học trò lại đọc thấy:
Đã mang tiếng ở trong trời đất,
Phải có danh gì với núi sông!
Các em út chúng ta, lúc mới lớn lên, cũng đều phải có cái thái độ nghiêm trang, trịnh trọng như vậy. Ở tuổi mười lăm mười sáu, đừng nên có cái não thấy sự gì cũng là khôi hài. Lúc bắt đầu mở mang trí tuệ, tội gì ta không đặt cái chí của ta cho cao? Ta cứ đặt cho siêu việt, sau này dù có phải hạ bớt xuống cũng không hề gì. Chỉ có đáng cười, đáng khinh là những bọn khi đi học chữ à, chữ de... đã cố tâm làm một cái giá mắc áo. Chỉ có dáng sỉ vả là cải hạng cha mẹ đem làm trụy lạc cái tuổi mười sáu mười bảy của đứa con mình, trong khi trí khôn nó đang như mặt trời bình minh. Hạng cha mẹ ấy luôn luôn nhắc cho con nhớ đến nồi gạo, trỏ cho con thấy cái gương ông phán, ông tham. Thật là hạng cha mẹ đem bán con vào chốn lầu xanh, lầu xanh nô lệ!
Lập chí từ lúc đi học, ta sẽ có gan mơ những anh hùng hiệp sĩ, ta không ngần ngại mà xin ngọn lửa sáng tạo đốt cháy đời ta như một que củi; chẳng có sự nghiệp nào to lớn quá đối với sự bạo dạn ngây thơ của ta.
Rồi khi lớn lên, ta sẽ thấy rằng lập chí như vậy chẳng có gì là vô lý cả. Vì ta đã biết có hai thứ sự nghiệp: có cái sự nghiệp chói lòa của những bậc anh hùng hay những đại thiên tài; lại có cái sự nghiệp khiêm nhường của tất cả những người muốn gánh vác. “Vai mang trái đất mong phò chúa, giáp gột sông trời khó vạch mây”… Nếu cái tài của ta nhỏ, đó không phải lỗi tại ta! Ta đã có gan ôm lửa sự nghiệp vào đầu!
Thật ra, ai cũng có thể có một cái sự nghiệp cả. Nghĩ ra một cái đinh cũng là một sự nghiệp; pha ra một thứ thuốc cũng là một sự nghiệp. Sự nghiệp là tất cả những cái gì vun đắp thêm cho sự sống: sự nghiệp là lấy cái vốn cũ của nhân loại mà làm cho sinh sôi nẩy nở một chút gì. Cái ý sự nghiệp là cái ý tài bồi, cái ý sáng tạo.
Còn như người đi trước dạy cho ta học được ngần nào, ta chỉ học đúng đến ngần ấy, rồi cứ thế mà kiếm ăn, đó là ta làm công danh! Làm công danh thì dù anh có thức khuya dậy sớm đến ho lao, cái siêng học của anh chỉ là một sự nhác lười vô cùng tận. Làm công danh thì cuộc sống của nhân loại sẽ mượn hình một cái ao: cái bọn làm công danh dù có béo cho mấy cũng chỉ là một bọn cá hồ, chưa hề biết sự sáng tạo không ngừng của biển cả!
Chi có sự nghiệp mới được bền lâu. Bền lâu chẳng phải ở sự lưu danh: bền lâu là ở nơi thành tích. Cái công trạng của những bậc gây dựng sự nghiệp còn ở mãi trong sự sống của một dân tộc; hay hơn nữa, của cả loài người.
Những hàng bia ở ngay Văn Miếu mà người Hà Nội ai chẳng muốn xem, chỉ vì những ông nghề có đỗ ông nghè thì cũng chẳng phải đã làm nên sự nghiệp. Chúng ta nay kính yêu Nguyễn Công Trứ, không phải là vì Nguyễn Công Trứ đỗ cử nhân, mà chỉ vì Uy Viễn tướng công là một vị doanh điền sứ đại tài; chúng ta nhớ đến Nguyễn Du không phải vì một mảnh bằng, mà chỉ vì đó là tác giả thiên văn chương tuyệt bút. Còn như Lê Lợi thì đỗ bằng gì? thì nào có công danh chi đâu? Thế mà đời đời ta nhớ công đức Thái tổ nhà Lê đã hồi sinh cho dân tộc; Nguyễn Huệ vẫn tư xưng là một người không đi học, mà nay ai chẳng nhớ ơn.
Mấy năm về trước, tôi vẫn tự hỏi: ta đã có một Văn Miếu Tàu, sao ta chưa có một Văn Miếu Tây? Văn Miếu ấy chưa ai lập ra, mà đùng một cái, cái công danh Tây đã bị phá sản. Các bạn ngẫm chuyện ấy cũng thấy rằng: công danh là cái phù vân trên đời. Công danh Tàu hay Tây, hay gì gì đi nữa, cũng chỉ như một đám mây qua; ta chớ xoay theo lắm làm gì, chỉ tổ làm nô lệ và làm mất nước. Hay nếu ta muốn có công danh thật, thì ít nhất ta cũng phải tạo nên cái công danh ta, cái công danh Nam Việt, với những bằng cấp Việt Nam; như thế thì giờ có xoay chiều nào đi nữa, ta cũng cứ là ta.
*
* *
Đó, cái ý nghĩa của sự nghiệp là như vậy. Là ở sự tạo tác, dù nhỏ, dù to. Sự nghiệp có thành công là một điều tối hân hạnh; nhưng sự nghiệp dù không thành đi nữa, thì cái ý muốn làm cho sự tiến bộ, tự nó cũng đã đẹp lắm rồi.
Tước bỏ hết cả những ý niệm về sự thành công, con người có lập chí bao giờ ít nhất cũng đã gây dựng được một sự nghiệp gần gũi, thiết thực, là cái sự nghiệp làm người. Phải, làm một con người liêm chính, đội trời đạp đất ở đời, biết cái chân giá trị nó ở nơi sự sống cao đẹp, biết tất cả cuộc đời là một sự đi lên, biết liêm si, biết nhờn tởm sự khom lưng cúi đầu, biết sợ đến rùng mình cái gông tinh thần, cái cùm nô lệ. Kiếm gạo thì cứ kiếm gạo; có ăn mới sống; nhưng không lặn hụp trong cái công danh. Sống mà không làm bẩn thỉu sự sống, cũng đã là một sự nghiệp đẹp lắm rồi!
Mà tại sao chúng ta lại không hy vọng? Một triệu học trò trong một nước, ai cũng lập chí cả, thì trong mười năm, lại chẳng sinh ra được một trăm anh tài lỗi lạc hay sao? Anh tài lỗi lạc chẳng phải là một ông bác sĩ khám bệnh lấy tiền đâu; anh tài là một người giữa cái nguy cơ quên nguồn, đã viết nên một bộ Việt sử: anh tài là một người đầu tiên làm ra một bộ tự điển quốc ngữ: anh tài là những kẻ cố làm sao cho khoa học, triết học có thể khảo cứu bằng tiếng Việt Nam...
Chúng ta hãy cố công, và cố công! Thế nào ta cũng sẽ có một ít sự nghiệp. Mà cũng có một thứ sự nghiệp này nữa, là sự nghiệp can đảm của những chiến sĩ; họ đem máu của họ, đem cái đời họ vứt vào để lấp cái hố bất công. Chớ tưởng rằng một sự sống vứt vào cái hố bất công mà mất đi. Không, nó lặn xuống dưới, làm cạn bớt cái hố; và chờ những sự sống khác vứt vào, mãi mãi vứt vào, thì cái hố cũng phải lấp cạn. Sự nghiệp là thế đó; những trang anh kiệt đã chịu tù chịu tội, các bạn tưởng họ vứt đời của họ vô bổ hay sao? Sự nghiệp của họ là đây: nếu dân Việt Nam ta còn chưa bị bọn áp chế xử như dân Mán dân Mường, dân Việt Nam ta chẳng bị liệt vào dân mọi, là nhờ có họ. Nói ra thì như là khôi hài, nhưng nếu bọn thưc dân còn chịu để cho người Việt Nam một ít quyền hạn, nếu những ông kỹ sư, bác sĩ người Việt cuối tháng còn lĩnh một món tiền phồng được ví da, đó là nhờ những anh kiệt chịu chết, để cho những phần tử khác hưởng đời. Những anh kiệt ấy tỏ rằng dân Việt Nam là dân biết chết, cho nên là dân đáng sống!
*
* *
Áp dụng những ý tưởng trên đây về công danh và sự nghiệp, thanh niên tri thức ta hiện nay phải thế nào?
Nước ta đến một nẻo quành của lịch sử; nếu không đi sang được ngả đường mới, nếu phải thụt lại đường xưa, thì chúng ta học mà làm gì nữa! Học hành! Họcchỉ để mà hành. Thời này, bọn em út chúng ta có thể cứ học tiếp theo, nhưng chúng ta phải hành chứ không được học. Mẹ chết, thì cô bé mười tuổi cũng phải thành người chị cả, cha mất rồi, thì đưa con nít lên chín cũng phải thành ông chủ gia đình. Huống chi những anh em trên tuổi hai mươi, ta còn nghĩ chuyện học nốt được sao?
Nước Việt Nam sắp thay hình lột vỏ, bọn chúng ta học là học cái gì mới được chứ? Học là công việc thời thường, hành là công việc thời biến.
Nếu trường Đại học mở cửa ra, thôi thì anh em ai nấy lại lo công danh; lo học nốt cái phần bằng còn thiếu, kẻo cô vị hôn thê vẫn chờ; lo tốt nghiệp cho khỏi uổng tiền mười năm cha mẹ gửi; lo có mảnh bằng cho yên chuyện.
Trường mở cửa, thì anh em ai lo lợi nấy, nghĩ chuyện nhà, chuyện vợ, rồi thì việc lớn chẳng ai còn thèm nhìn.
Anh em ơi! Sống chết là ở lúc này, vứt ngay cái công danh đi, nghĩ đến cái sự nghiệp. Anh em ơi! Thời bây giờ là thời ném bút. Bây giờ mà nói học vì khoa học là nói dối: chúng ta chỉ lấy cớ để trốn tránh bổn phận.
Từ rầy về sau, muôn kiếp học trò sẽ mãi mãi coi rẻ cái bả công danh.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự Lập