Dân chủ là chìa khóa, là đòn bẩy cho sự nghiệp đổi mới
Trong lời mở đầu, nhà báo Đoàn Công Huynh, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, nói: “Báo Tiền Phong tiếp cận những vấn đề của đất nước dưới cách nhìn trẻ, đổi mới với tất cả trí tuệ, lòng dũng cảm và đức khiêm nhường.
Báo Tiền Phong khảng khái bảo vệ quyền lợi chính đáng cho bạn đọc, vì điều ngay lẽ thiệt và công bằng xã hội. Tờ báo đã và đang tiếp tục dấn thân vì tuổi trẻ, vì đất nước. Báo Tiền Phong mong muốn có một diễn đàn dân chủ, cởi mở để thu hút những ý kiến đóng góp có giá trị từ những công dân tâm huyết với đất nước, từ các chuyên gia, học giả, các nhà lãnh đạo - quản lý, các vị tướng lĩnh. Mong muốn xây dựng Đảng và đất nước, thúc đẩy xã hội phát triển”.
Đảng phải đi đầu trong đổi mới
Nguyên Bộ trưởng Tư pháp, TS Nguyễn Đình Lộc cho rằng, Đảng ta là Đảng cầm quyền. Do vậy, trong đổi mới, nếu Đảng không đi trước, Đảng không tự đổi mới thì không ai đổi mới được. Đảng phải tự đổi mới và đổi mới đầu tiên để kéo xã hội đổi mới theo.
TS Nguyễn Đình Lộc cho rằng, phải làm rõ Đảng cầm quyền khác Đảng lãnh đạo thế nào? Quyền ở đây là quyền của ai? Trong Hiến pháp 1992 ghi rõ, Đảng ta là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Do vậy, những nội dung trong Hiến pháp cần được cụ thể hóa bằng những văn bản luật.
TS Lộc đề xuất, phải thể chế hóa sự lãnh đạo của Đảng bằng một đạo luật. “Quốc hội cần ban hành một đạo luật về sự lãnh đạo của Đảng. Vì mọi quyết định của Đảng đều liên quan đến người dân. Tôi mong Đại hội XI phải đưa vấn đề thể chế hóa sự lãnh đạo của Đảng bằng một đạo luật” - TS Lộc nói.
TS Lộc cũng băn khoăn, tại sao phong trào thanh niên, sinh viên còn trầm lắng. Sinh viên hiện nay hình như chỉ lo học chuyên môn là chính. Ông mong muốn báo Tiền Phong phải đặt ra vấn đề này. Cần thúc đẩy, tạo môi trường xã hội để sinh viên bộc lộ khát vọng của mình về lý tưởng, về tương lai.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam đồng tình, phải mở rộng dân chủ trong Đảng: “Đảng muốn đổi mới thì phải nghe dân, phải dân chủ. Điều quyết định Đảng có đổi mới hay không là vấn đề dân chủ. Bác Hồ đã nói, nước ta là nước dân chủ thì Đảng là cơ quan lãnh đạo cao nhất của đất nước phải thực hành dân chủ cao nhất. Đảng nói rằng, Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân. Chúng ta phải thấm nhuần câu nói này để dân chủ thấy là vấn đề cốt lõi.
TS Nguyễn Quang A.
TS Nguyễn Quang A cho rằng, góp ý cho Đảng cũng là khai trí cho nhân dân và giới trẻ, mà giới trẻ là những người lãnh đạo trong 5-10 năm tới. Ông mong muốn thanh niên phải sáng tạo để làm chủ. “Đóng góp nên có cả ý kiến xuôi, ý kiến ngược. Nếu không có ý kiến ngược, xuôi thì không bao giờ có dân chủ. Phải tạo môi trường tranh luận cho thế hệ trẻ” - TS Quang A kiến nghị.
Đánh giá đúng trí tuệ của thế hệ trẻ
PGS - TS Lê Ngọc Tòng (Học viện CTHC quốc gia Hồ Chí Minh) mong muốn, Đảng đánh giá đúng tiềm năng, trí tuệ của thế hệ trẻ, đánh giá đúng cuộc sống của thanh niên hiện nay. TS Tòng cho rằng, thanh niên hiện nay rất khó tìm việc làm, khó lập nghiệp. Do vậy, Đảng phải giải quyết những vấn đề cuộc sống đang đặt ra đối với thanh niên; giúp thanh niên giải quyết những mâu thuẫn đặt ra trong cuộc sống của chính họ.
“Tôi đi dạy nhiều, tiếp xúc với các em sinh viên thì thấy các em cũng rất khát khao lý tưởng. Các em muốn tìm kiếm một chỗ dựa về tinh thần, muốn cống hiến cho đất nước, dân tộc và làm giàu cho chính mình” - TS Tòng nói.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại cho rằng, thế kỷ 21 là thế kỷ của nhà trường, của giáo dục. Nên, anh dạy như thế nào thì công dân anh sẽ như thế ấy. Ngày xưa chỉ có 5% dân cư đi học, đi học là sự sang trọng, học để làm quan. Bây giờ là nền giáo dục cho 100% dân cư. 100% dân cư đi học là gắn với cuộc sống, làm cho cuộc sống tốt hơn. Anh cư xử với 100% dân cư phải khác với 5% dân cư.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại .
Thế nhưng, chúng ta đang làm giáo dục theo kiểu cho 5% dân cư và “cơi nới” thêm. Dẫn đến thủng chỗ này, thủng chỗ kia, mà vá được chỗ này thì chỗ khác lại thủng. “Cái tệ hại này là do các dự án giáo dục” - GS Hồ Ngọc Đại kết luận.
Cần đổi mới lần hai
Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Ban Tổ chức T.Ư Đảng bày tỏ, đóng góp cho Đảng là tác động đến những đại biểu dự đại hội và đến toàn dân, tạo một sự chuyển biến không chỉ trong và sau đại hội. Ông Hương cho rằng, đại hội thành công hay không là vấn đề nhân sự. Ai sẽ đứng đầu Đảng, ai đứng đầu đất nước.
Nguyên Phó Ban Tổ chức T.Ư Đảng Nguyễn Đình Hương.
Đây là vấn đề lớn, là sự mong chờ của toàn Đảng, toàn dân. Đại hội VI là thắng lợi của đổi mới. Điều này không phải tự nhiên mà phải có sự đấu tranh gay gắt. “Tôi nghĩ phải có cuộc đổi mới nữa. Cuộc đổi mới này phải táo bạo hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Phải làm rõ chủ đề, tư tưởng xuyên suốt của đại hội này là vấn đề dân chủ. Dân chủ là chìa khóa, sức mạnh, đòn bẩy để đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới. Phải thực hiện dân chủ ngay từ trong đại hội. Phải toát lên không khí dân chủ”- Ông Nguyễn Đình Hương kiến nghị.
TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý (Bộ Tư pháp) thì cho rằng, trong các dự thảo văn kiện chúng ta nhắc đi nhắc lại khá nhiều từ “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, nhưng không đưa ra được một giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu xây dựng “nhà nước pháp quyền”.
Ngoài ra, điều đầu tiên để đảm bảo dân chủ là bộ máy nhà nước và con người. Bộ máy nhà nước phải dân chủ để dân có quyền quyết định những vấn đề của nhà nước. Còn nếu hô khẩu hiệu chung chung, những giải pháp chung chung thì không tạo ra được bước phát triển cho đất nước trong những năm tới.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập cho rằng, điều quan trọng là không khí trước và trong đại hội. Làm sao để không khí ngoài xã hội cũng “nóng” lên cùng đại hội. Đây là vai trò của báo chí, trong đó Tiền Phong phải là ngọn cờ đầu.
Tổng Biên tập Đoàn Công Huynh cám ơn các đại biểu tham dự buổi gặp mặt. Báo mong muốn luôn được tiếp sức từ trí tuệ, tâm huyết, khí phách của những người anh lớn của báo Tiền Phong.
TS Lê Đăng Doanh: Cần nhìn thẳng vào sự thật
Là một trong những người lớn lên và chứng kiến phong trào Ba sẵn sàng, tôi còn nhớ những lá thư viết bằng máu của thanh niên Hà Nội gửi thanh niên cả nước gửi tới báo Tiền Phong để hưởng ứng phong trào này.
TS Lê Đăng Doanh: “Cần nhìn thẳng vào sự thật”. Ảnh: Hồng Vĩnh
Các thanh niên vào thanh niên xung phong rồi vào quân đội, báo Tiền Phong luôn luôn nuôi dưỡng, phát huy truyền thống yêu nước, dấn thân của tuổi trẻ cho Tổ quốc, cho đất nước. báo Tiền Phong cũng phát động các phong trào tiến quân vào khoa học kỹ thuật…
Bây giờ thế giới đã thay đổi nhiều, thanh niên cũng khác trước nhiều, tôi nghĩ báo hãy đưa diễn đàn nói lên tiếng nói của thanh niên, bảo vệ các lợi ích hợp pháp, chính đáng và hướng thanh niên vào con đường xây dựng đất nước.
Hy vọng báo Tiền Phong sẽ là diễn đàn xây dựng và có tính chiến đấu trong việc mở rộng tư tưởng, nhìn thẳng vào sự thật, cầu thị, mạnh dạn đổi mới trong việc đóng góp cho Đại hội Đảng. Theo tôi, góp ý cho Đại hội, cần phải kiểm điểm nghiêm túc các nghị quyết của Đại hội IX và X.
Tôi đã đọc kỹ lại các nghị quyết của hai kỳ đại hội và thấy những điều tốt đẹp, tiến bộ để mở rộng dân chủ của dân ghi trong nghị quyết đều chưa được thực hiện. Một là quyền tiếp cận thông tin của công dân. Thứ hai là Luật về trưng cầu dân ý cũng thôi không có ý kiến gì. Rồi việc chuẩn bị lập tòa án Hiến pháp cũng không có ý kiến gì…
Tôi đề nghị, muốn biết sắp tới mình sẽ làm những gì, cần kiểm điểm nghiêm túc lại những việc đã làm. Tôi thấy đây là chuyện cần xem xét. Nếu kỹ hơn nữa, về vấn đề bảo vệ môi trường, theo tôi biết Nghị quyết viết rất hay về việc gìn giữ, khôi phục, phát triển đa dạng sinh học. Nhưng thực tế tình hình ô nhiễm, các sông ngòi của chúng ta ra làm sao.
Tất cả chuyện đó không thấy nói gì cả trong khi nhiều tỉnh ô nhiễm rất nặng. Hiện ở rất nhiều làng nghề, tuổi thọ giảm thấp hơn so với bình quân cả nước 10 tuổi. Tỷ lệ ung thư cũng vượt cao hơn 60%.
Tôi đề nghị cần phải nhìn thẳng vào sự thật. Sự thật là chân lý để thử thách. Những gì đứng vững trong cuộc sống thì mình làm, cái gì không đúng thì sửa đi. Thế giới đã có thay đổi rất nhiều nhưng thay đổi của chúng ta quá ít.
Chúng ta đều biết đã có Nghị quyết rồi nhưng không có người đứng mũi chịu sào, không kiểm điểm, quy trách nhiệm là thiếu. Cần thảo luận về cách làm nhân sự, tìm ra những người được tín nhiệm, có óc sáng tạo, đổi mới.
Nguồn:Tiền Phong
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá