Lời thúc giục cho sự nghiệp văn hóa nước nhà
Lễ trao Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh lần 7-2014 vừa tổ chức đêm 24-3 tại TP.HCM dành cho các cá nhân đoạt giải thuộc ba hạng mục: Vì sự nghiệp văn hóa - giáo dục, Dịch thuật và Nghiên cứu...
Theo đó, cùng nhận giải Vì sự nghiệp văn hóa - giáo dục là ông Thomas J. Vallely với những đóng góp cho nền giáo dục đại học VN và hai vợ chồng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ - nhà thơ Lê Giang với những đóng góp xuất sắc trong việc sưu tầm, nghiên cứu và truyền bá văn hóa dân gian Nam bộ; phó giáo sư Ngô Đức Thọ với hành trình nghiên cứu, dịch thuật và truyền bá văn hóa Hán Nôm trong nhiều năm qua được trao giải Dịch thuật lần này. Và giải Nghiên cứu được trao cho nhà nghiên cứu sử học Tạ Chí Đại Trường, với ghi nhận “những đóng góp độc đáo và mới mẻ của ông trong nghiên cứu sử học”.
Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh là hoạt động của Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh (trực thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật VN), tiền thân là Quỹ dịch thuật Phan Châu Trinh, được thành lập từ năm 2006. Quỹ có sứ mệnh “Góp phần phục hưng, du nhập, khởi phát và lan tỏa tinh thần canh tân văn hóa - giáo dục trong cộng đồng”. Giải thưởng được trao hằng năm, dành cho các nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động văn hóa - giáo dục, các nhà khoa học, các dịch giả trong và ngoài nước.
Như vậy, năm nay hạng mục VN học của Giải thưởng Phan Châu Trinh đã không có chủ nhân.
Trong diễn từ nhận giải lần này, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ cho rằng: “Tình hình văn hóa giáo dục nước nhà hiện nay không cho phép ai ai chỉ lo lấy phần mình, mà rất cần đội ngũ quyết tâm, thật sự biết quý trọng văn hóa, biết xăn tay áo, vạch kế hoạch bảo tồn văn hóa dân tộc, khẩn trương gìn giữ những gì ông cha để lại bằng một tinh thần mới”.
Phó giáo sư Ngô Đức Thọ xem giải thưởng này như một lời nhắc nhở cho sự nghiệp nghiên cứu Hán Nôm của ông, và “mong sao chúng ta sớm tìm ra phương cách thích hợp với thời kinh tế thị trường để có thêm nhiều công trình dịch thuật giới thiệu các tác phẩm Hán Nôm, đáp ứng mục tiêu chấn hưng văn hóa nước nhà”.
Nhà nghiên cứu Tạ Chí Đại Trường vì lý do sức khỏe đã không đến được buổi trao giải nhưng ông cũng gửi đến bài diễn từ, trong đó bày tỏ mối quan tâm sâu sắc đến lịch sử nước nhà và lịch sử ngành sử học kể từ khi VN độc lập năm 1945 đến nay.
Ông Thomas J. Vallely - nhà sáng lập Chương trình VN tại Đại học Harvard - trong diễn từ của mình đã nhấn mạnh nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của cải cách giáo dục ở VN. Ông nói: “Khả năng cải cách giáo dục của chính phủ nhằm cải thiện cơ hội giáo dục cho người dân sẽ quyết định đáng kể cách thức người dân cảm nhận về chính phủ của mình”. Và ông cũng cảnh báo về một cái bẫy nguy hiểm đối với các quốc gia là “niềm tin cho rằng mình là ngoại lệ, vượt ra ngoài những quy tắc có tính phổ quát”. Ông cũng cho biết qua quá trình theo dõi ông đã nhận ra cái “ngoại lệ VN” thể hiện ít nhất ở hai lĩnh vực: cách thức đo lường, đánh giá tiến bộ; và quản trị đại học. Nguyên thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải nhân dịp này cũng có gửi đến buổi lễ trao giải một bức thư ngắn chúc mừng cá nhân ông Thomas J. Valledly, bày tỏ: “Anh rất xứng đáng với giải thưởng văn hóa có uy tín trong xã hội, đặc biệt là trong giới trí thức VN”.
Dịp này, hội đồng quản lý Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh cũng thông báo bắt đầu từ năm 2015, hệ thống giải thưởng Phan Châu Trinh sẽ có thêm một giải thưởng mới có tên “giải thưởng Tinh hoa văn hóa VN thời hiện đại” nhằm tôn vinh sự nghiệp suốt đời của những nhà văn hóa lớn kể từ khoảng đầu thế kỷ 20, còn sống hay đã mất.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiNếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn Quân