Công bằng một tí
Xuân về xin bàn về chuyện trên trời (công bằng) trước, rồi đến chuyện dưới đất (một tí) trong niềm hi vọng mang lại sự an vui nhân độ xuân về.
Công bằng
Công bằng được định nghĩa là trả cho mỗi người cái quyền mà họ được hưởng. Ngược với nó là bất công nghĩa là xâm chiếm, tước đoạt những quyền của người khác.
Ý niệm về công bằng thường gắn với ý niệm về quyền. Nó gồm có hai loại: quyền nhân định và quyền tự nhiên. Cái trước do pháp luật qui định cụ thể để làm cơ sở xét xử ở toà án; loại công bằng đó có thể hiểu là công lý. Cái sau là một quan niệm chủ quan về công bằng trong tâm trí, là cái ý tưởng về công bằng, người ta còn dùng một tên khác để gọi nó là công tâm (equity).
Công tâm đi vào những trường hợp riêng, những điều kiện bên ngoài, làm cho mềm dịu đi, linh động lên các quy tắc đôi khi quá cứng rắn của pháp luật mà nếu áp dụng máy móc sẽ không còn công bình nữa. Aristote đã phân biệt hai loại công bình ấy.
Ông ví chúng như hai cái thước, một bằng nhôm hay sắt (của thợ mộc), một bằng vải (của thợ may), được dùng để đo những nơi bằng phẳng cứng rắn. Chuyện trên trời của công bằng là như thế.
Bây giờ xin đi xuống…. dưới đất.
Một tí
Chuyện dưới đất ở đây là sự đánh giá tín nhiệm của Quốc hội đối với hai bộ trưởng Y tế (BTYT) và Giáo dục và Đào tạo (BTGD-ĐT). Họ không được tín nhiệm cao; dù nhiều người thấy họ vất vả trong công việc.
Buổi sáng nghe thấy tin ở đâu có dịch, thì buổi chiều xem ti vi người ta thấy BTYT có mặt ở đó. Cường độ đau đớn trong lòng của BTYT trước cảnh mắt thấy tai nghe cao hơn nhiều so với tâm tư của ông Bộ trưởng Giao thông Vận tải khi thấy đường xá dở dang làm mãi không xong!
Tâm trạng của ông sau thường được giải thoát ngay: Trảm nhà thầu! BTYT không được hưởng như thế. Còn với BTGD-ĐT, tình hình cũng vậy. Ở gần, người ta thấy ông phải trả lời các đại biểu thắc mắc về vấn đề sách giáo khoa do bộ soạn. Ở xa, có một cô đi tìm hiểu đời sống Nepal, thấy cái hay của sách dạy tiếng Anh ở đó, cũng viết thư cho ông! Mặc dầu vậy, phần thưởng cho họ là mức tín nhiệm thấp! Đó là một sự bất công cho họ.
Xem xét kĩ càng các tình hình của hai bộ, khi chúng được giao cho hai vị kia thì bộ nào cũng giống như một chiếc xe hành khách. Một cái cổ lỗ, lốp mòn, máy hỏng. Một cái có đầu xe kiểu cổ hình vuông, xoáy xi lanh cũng vài lần. Nếu hai xe đó rơi vào bất cứ doanh nhân nào, chắc chắn ít người bảo đó là… của quý!
Với Bộ Y tế. Khởi đi từ lý tưởng tốt đẹp là y tế miễn phí cho toàn dân và bệnh viện được phân tuyến.
Nhưng thực tế là qua bao đời bộ trưởng, các bệnh viện cấp 1 quá tải. Bị thế thì đương nhiên chúng thiếu phương tiện, thuốc thiếu men và thừa sự cáu kỉnh lẫn sự than vãn. Thiếu giường nằm, chờ lâu và tiền cao là chuyện đã xảy ra từ lâu. Chỉ có điều là chúng có được nêu lên hay không mà thôi; mà gần đây thì nhiều. Y đức và tài ba của y sĩ, bác sĩ là một vấn đề thực tế. Họ do các trường y khoa đào tạo trước kia; không ít người được cử tuyển. Trường trồng cây; bệnh viện hái quả; quả thối; BTYT được hỏi: có chịu trách nhiệm không? Y ta chích thuốc nhầm là chết trẻ; rồi truyền vắc xin sai gây chết người. Nơi diễn ra nằm ở vùng sâu, vùng xa. Nhưng khi đau thương xảy ra, nhiều người xót ruột, bèn hô hào: BTYT từ chức!
Đấy là về mặt chữa trị. Nó do lịch sử để lại. Còn có những thứ mới phát sinh do thời cuộc: dịch sởi tràn lan; việc nhân bản phiếu xét nghiệm; trang thiết bị y tế mua sai… Tất cả nằm trong chiếc xe khách cổ lỗ kia. Chữa chỗ này, hỏng chỗ khác. Lái chiếc xe kia, BTYT không phải chỉ trông hai bên đường, đạp ga mạnh hay yếu, tức là quyết định chính sách; mà lâu lâu lại phải xuống, đẩy cái xe; ngừng lại để chữa cái máy.
Ở các nước khác, hệ thống y tế của họ đa phần là của tư nhân. Nó là một chiếc xe khách hoàn chỉnh, tự chạy, tự chữa, và phải tự cải tiến không thì mất khách. Bộ trưởng ở đó từ chức dễ dàng. Ở ta, việc ấy khó. Không phải vì bộ trưởng do cấp nào quản lý mà chính vì cái xe ì ạch!
Đi sang Bộ Giáo dục và Đào tạo thì tình hình cũng không khác chi. Khởi đi từ nguyên lý Nhà nước nắm độc quyền giáo dục; trong xe có hai bác tài: giáo dục và tuyên huấn. Người trước lo quản lý, người sau lãnh đạo. Và lãnh đạo có quyền cao hơn quản lý; nghĩa là chính trị chi phối giáo dục. Chính trị thì chỉ muốn học trò sau này lớn lên sẽ nghĩ giống và làm đúng theo mình. Mong muốn là một tâm lý; nó biến đổi thành sợ hãi; đã sợ hãi thì phải đề phòng từ xa.
Do vậy, từ năm 1958, sự nghiệp giáo dục đã được xây dựng trên nền tảng truyền đạt kiến thức theo một khuôn khổ nhất định, không nhắm khơi dạy khả năng của học sinh. Thầy dạy, trò chép và thi là nhớ lại. Hậu quả là ngày nay nhiều học sinh chán môn văn, ngại môn sử và đại học phải dạy lại. Và BTGD-ĐT đang phải đương đầu. Cách làm là soạn lại sách giáo khoa và thay đổi cách thi cử. Việc làm của BTGD-ĐT không có tính chất “làm hôm nay – cho ngày mai” mà là “chữa hôm nay – cho hôm nay”.
Lên đến giáo dục đại học thì vấn đề cũng không khác. Trước năm 1990, đa số các trường đại học nằm dưới các bộ (Luật, Ngoại thương, Giao thông…). Vai trò của nó à đào tạo nhân lực có trình độ cao cho các bộ. Nguyên tắc hướng dẫn là đáp ứng các nhu cầu của bộ. Ở đó, công chức dù là cấp nào thì cũng không cần đến nghiên cứu. Vậy đại học không hề là trung tâm của trí tuệ. Thực sự người ta cũng không cần chúng làm việc đó; vì bộ nào cũng có vài viện nghiên cứu.
Cho nên Nghị quyết Trung ương 8 về giáo dục, năm 2013 mới có nhận xét là… “việc đào tạo còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. Đào tạo thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động; chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kĩ năng làm việc”. Cho đến khoảng năm 1995, đại học được cải tổ cho hợp với tình hình mới của hội nhập.
Việc bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội. Tên của việc này nên được đổi thành "Đánh giá công việc"; giống như hàng năm doanh nghiệp đánh giá nhân viên. Đổi tên như thế thì việc làm mới có ý nghĩa. |
Hai viện đại học quốc gia Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh của Bộ Giáo dục và Đào tạo được mở với một số đại học ở dưới. Tiếp theo nhiều đại học tư ra đời. Các ngành được mở phần lớn không phải đầu tư nhiều tiền. Do vậy, khả năng của sinh viên tốt nghiệp bị lệch so với yêu cầu của thị trường. Hơn nữa, khung cảnh thì mới; nhưng người làm thì vẫn cũ, chưa bắt kịp trình độ ở nước ngoài; người ở nước ngoài về không biết hết về những thứ ở trong nước. Bởi vậy, không ít đại học loay hoay về chết lượng, về thầy trò. Cho nên đại học tự trị hay tự chủ đã là đề tài tranh luận; triết lý giáo dục là gì vẫn chưa được đồng ý. Người quản lý là bộ, người thực hiện là các trường; cả hai đều bối rối. Đối với giáo dục đại học hiện như thế mà yêu cầu bây giờ là đào tạo nhân lực trình độ cao, phát triển phẩm chất và năng lực tự học, tự làm giàu tri thức. Hoàn thiện mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia; trong đó, một số trường và ngành đào tạo ngang tầm khu vực và quốc tế. Việc ấy giống như buộc BTGD-ĐT phải vừa lái chiếc xe khách đầu vuông vừa phải chuyển đổi nó thành xe có đầu nhọn, giống như cái đầu của tàu điện cao tốc. Công việc ấy của BTGD-ĐT xem ra nặng nề hơn quả địa cầu mà thần Atlas vác ngày xưa!
Những khó khăn được chấm phá ở trên ít được trông thấy, hay dễ bị bỏ qua; nhất là khi cơn thịnh nộ của xã hội tăng cao vì có một biến cố nào đó trong y tế hay giáo dục. Lúc ấy chỉ có... yêu cầu từ chức! Bất công là ở những điều đó!
Trở lại việc bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội. Với mục đích đã được xác định, tên của việc này nên được đổi thành "đánh giá công việc"; giống như hàng năm doanh nghiệp đánh giá nhân viên. Đổi tên như thế thì việc làm mới có ý nghĩa.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn