Tiếng kêu đòi sự công bằng
Mấy ngày qua, lá thư của một nữ sinh ở Vinh (Nghệ An) được đăng tải trên mạng của Bộ GD&ĐT, đang gây xôn xao dư luận toàn xã hội. Xôn xao không chỉ bởi đây có lẽ là lần đầu tiên, một học sinh lớp 12 dám trực tiếp gửi thư đến một vị lãnh đạo cao cấp của bộ, mà còn bởi nội dung lá thư tuy chỉ nói chuyện riêng, nhưng qua đó lại đụng chạm đến một vấn đề nhức nhối từ lâu của ngành giáo dục, và vì thế mang một ý nghĩa xã hội khá rộng lớn. Đó là chuyện cộng điểm thưởng trong các kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Theo em học sinh này, với kết quả thi cùng đạt 23,5 điểm như em, nhưng nhờ được cộng 1 - 2 điểm thưởng nên có bạn được theo học những trường lớn ở HN, trong khi em chỉ trúng tuyển nguyện vọng 2 vào một trường ĐH nhỏ ở miền Trung. Vì nhà nghèo, không có tiền đi học xa, nên em đã phải từ bỏ ước mơ vào ĐH.
Và trí óc, con tim còn rất non nớt của em cũng cảm nhận rõ rằng: ở đây có sự bất công. Bất công - bởi nhiều bạn đạt học sinh giỏi là do "chạy" thầy, "chạy" cô chứ không phải do học giỏi. Bất công - bởi những bạn con nhà giàu đã được học thầy cô giỏi, được vào trường chuyên, lớp chọn, đến khi đi thi lại còn được cộng thêm điểm. Trong khi đó, những học sinh nhà nghèo như em, thiệt thòi đủ điều, lại không có sự ưu tiên đó. Chẳng khác gì chạy thi mà phải chấp đối thủ một đoạn đường!
Chủ trương cộng điểm thưởng cho học sinh giỏi nhằm khuyến học, khuyến tài. Từ chỗ chỉ cộng điểm thưởng cho các học sinh đoạt giải quốc tế, quốc gia, những năm gần đây Bộ GD&ĐT mở rộng chủ trương này tới cả học sinh giỏi... cấp trường. Từ một ý định tốt, nhưng khi đi vào thực thi lại bộc lộ quá nhiều bất cập. Trong bối cảnh nền giáo dục nước ta phát triển chưa đồng đều, bệnh thành tích còn nặng nề, thì chủ trương cộng điểm thưởng này chẳng khác gì "vẽ đường cho tiêu cực chạy". Không ai có thể đảm bảo mọi danh hiệu học sinh giỏi đều là xứng đáng, không ai có thể bảo đảm đó không phải là do "chạy chọt".
"Bộ GD&ĐT chưa công minh. Em muốn Bộ GD&ĐT nên cắt bỏ chế độ cộng điểm thưởng..." - kiến nghị thẳng thắn trong lá thư nêu trên cũng có thể coi như tiếng kêu thống thiết của nhiều học sinh khác đòi hỏi phải khôi phục sự công bằng. Đáng mừng là vị Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - người nhận lá thư này - đã có thái độ cầu thị. Ngoài việc trả lời trực tiếp cho em học sinh, Bộ GD&ĐT đã triển khai ngay một số công việc cần thiết như yêu cầu thanh, kiểm tra những hiện tượng tiêu cực (nếu có), hứa đưa ra lấy ý kiến rộng rãi để tiến tới xoá bỏ chế độ cộng điểm thưởng...
Dư luận rất mong việc điều chỉnh - khôi phục sự công bằng - sẽ được ngành giáo dục làm khẩn trương, đừng để kéo dài quá lâu như đối với những bất hợp lý trong chế độ học bổng đã bị dư luận nói rất nhiều vẫn chưa thấy sửa.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuVăn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuBa yếu tố làm nên thành công của doanh nhân
29/07/2005Nguyễn Trần Bạt