Chưa bao giờ “văn học là nhân học” bị thách thức như bây giờ
Trần Ngọc Hiếu, giảng viên “7X đời cuối” của khoa văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, người thỉnh thoảng xuất hiện trong các hoạt động học thuật cộng đồng với giới trẻ, vừa có buổi toạ đàm “Văn chương giúp ta hiểu gì về cuộc đời của kẻ khác”?
“Đó là câu hỏi mà cá nhân mình không thể đưa ra câu trả lời cuối cùng”– thầy giáo Hiếu đáp lời khi bắt đầu câu chuyện. Hiếu nói thêm rằng băn khoăn “Mình là ai” là một “băn khoăn đẹp”.
Hiểu kẻ khác là để hiểu chính mình
“Trong giờ dạy hôm qua, tôi có nói với các học trò rằng, chưa bao giờ “văn học là nhân học” bị thách thức như bây giờ - khi robot Sophia xuất hiện với tiếng Anh tốt, có biểu cảm cơ mặt. Theo đà phát triển của công nghệ, có nhiều thứ con người kiêu hãnh thì robot có thể có nữa, như cảm xúc và ký ức chẳng hạn”.
Nhưng thầy giáo dạy văn dừng lại: “Chừng nào con người còn điều này thì còn khác. Đó là: Con người luôn băn khoăn mình là ai. Còn robot thì không”.
Sau đề dẫn từ một câu hỏi có tính triết học, thầy Hiếu dẫn dắt người nghe tới khái niệm “kẻ khác” với thông điệp:
Mỗi kẻ khác đều làm ta cần nhẫn nại hơn. Mỗi kẻ khác đồng thời là cơ hội để ta nhìn vào để thấy thêm ta, từ đó soi rọi nội tâm của chính mình. Văn chương là một phương tiện hữu ích trong việc này.
Thầy Hiếu lấy ví dụ truyện ngắn Nhật Bản mà mình tâm đắc: “Thuỷ Nguyệt “ – Trăng soi đáy nước, một tác phẩm từng xuất hiện trong sách giáo khoa.
Ở đó, nhân vật băn khoăn khoăn Thượng Đế có thực sự ưu ái con người hay không, khi mà trong thiên nhiên có loài côn trùng có mắt tự nhìn được mình; còn con người muốn thấy được mình thì phải có “kẻ khác” - kẻ ở ngoài ta?
Văn chương ở nhà trường
Thầy Hiếu kể rằng, mình đã từng yêu cầu sinh viên năm thứ nhất viết về tác phẩm có ý nghĩa với bản thân. Kết quả là có những em viết rất chân thành, dạt dào về những cuốn sách ngôn tình; bài viết hay nhất cũng là một bài viết về tiểu thuyết ngôn tình – mà “nói theo lối nghĩ quen thì “đây quả là nguy cơ đáng báo động” – thầy Hiếu hài hước.
“Thà các em viết về cái đó còn hơn là viết về những tác phẩm nổi tiếng mà không có cảm xúc, nhìn nhận riêng về nó”, thầy chia sẻ thêm.
Có một điều mà văn chương rất kỵ, nhưng lại xuất hiện phổ biến trong các bài học, bài thi ở môn văn: “Từ trường hợp hay hoàn cảnh éo le rút ra bài học nào đó”. Theo thầy Hiếu, văn chương, hay rèn luyện sự thấu cảm “không cho bài học nào”.
Một cái dở nữa mà thầy từng được học và dạy văn nữa, đó là phân loại con người theo những nhóm giai cấp, nhóm xã hội, từ đó gắn với các “chủ nghĩa nhân đạo”, “giá trị nhân đạo”,v.v... “Đó không phải là là nhiệm vụ của văn học; mọi khung phân loại đều là đơn giản hoá con người và trả giá lớn” – thầy Hiếu nói.
Sự đơn giản hoá, cùng những “công thức”...đã góp phần giết chết môn văn trong nhà trường, bởi môn văn là đồng cảm với sự đa dạng; điều quan trọng là nó hướng đến thừa nhận thế giới bên trong của con người vốn rất phức tạp, phong phú.
Liên quan đến một đề xuất gây ồn ào về tác phẩm Chí Phèo trong chương trình THPT, thầy Hiếu nói rằng đó là tác phẩm rất xứng đáng để dạy học sinh.
Với tác phẩm này, mình muốn nói với học sinh hai điều: Chúng ta có thể cảm thông thế nào với kẻ khác, với kẻ bị dán nhãn “không phải là người” - một khuôn mặt không được nhân diện, một nỗi đau không biết mình là ai của Chí Phèo. Sự dằn vặt “Ai cho tao lương thiện” là căn tính chỉ có ở con người. “Đó là những bế tắc cần sự cảm thông. Con người phức tạp vô cùng mà mình không giúp được họ, thi đầu tiên đừng vội kết luận, đổ lỗi; đừng phán xét”.
Thầy cũng cho biết thêm, nếu mang cách dạy không công thức, không gạch đầu dòng của thầy đi thi thì học trò sẽ có điểm số không cao.
Còn Trần Quốc Tuấn, một kỹ sư công nghệ thông tin của FPT trò chuyện trong giờ giải lao:
“Hồi học THPT em chỉ chú ý “cày” các môn khối A để thi ĐH. Những kiến thức của môn văn làm nền tảng chủ yếu được trang bị từ bậc THCS, đó là các kỹ năng về sử dụng từ ngữ, ngữ pháp, tập làm văn. Những thứ khác em đọc ngoài nhà trường, như truyện chưởng. Sau này đi làm và nhìn thế giới khác hơn, em thấy khá cần những giá trị của văn chương: Giúp cho việc truyền đạt thông tin từ lĩnh vực khoa học ứng dụng dễ kết nối với con người, tăng kỹ năng thấu hiểu, cảm nhận về con người và giúp bản thân cân bằng hơn”.
Tuấn nói rằng mình và những người cùng thế hệ vẫn có may mắn là “sửa lại một chút”, nhưng vẫn tiếc rằng những cảm nhận, trải nghiệm về môn học này sẽ không còn được trong lành như thời còn ngồi ghế nhà trường nữa.
Mặt trái của thấu cảm?
Các bạn trẻ đã mang tới buổi toạ đàm này nhiều chất vấn khác nhau.
Hương, một nữ sinh y khoa băn khoăn: “Làm thế nào để thấu cảm mà mình không bị tổn thương?”. Trong tháng thực tập cuối năm qua, Hương tiếp xúc với hơn 200 bệnh nhi, nhiều hôm về nhà căng thẳng, không biết thế nào để cân bằng.
Một học sinh phổ thông thắc mắc: “Mặt trái của thấu cảm là gì?”.
Một bạn trẻ khác đặt câu hỏi: Có mâu thuẫn không khi văn học là nghệ thuật là hư cấu của ngôn từ, người đọc lại tin vào cái hư cấu đó, từ đó hiểu về “kẻ khác” rồi lại nhận ra chính mình?”
Vẫn tiếp tục buổi toạ đàm bằng giọng chậm rãi, thầy giáo Hiếu giải thích rằng, “Thấu cảm còn gây tranh luận và không phải anh đã chiếm lĩnh sâu sắc được những thứ tiếp cận về điều này. Những diễn giải của anh ở đây là “nói bằng niềm tin” hơn là chân lý.
Theo đó, sự thấu cảm là ảo tưởng nếu cho rằng mình có thể đồng nhất hoàn toàn vào thế giới của người khác. Điều quan trọng là cảm nhận, lắng nghe những câu hỏi, bởi những băn khoăn tự vấn luôn là cần thiết. Thấu cảm không phải là chìa bàn tay ra cho người đau khổ, không kéo sự xa lạ về gần gũi. Ranh giới giữa thấu cảm và thương hại có thể nhập vào nhau nếu ta không tôn trọng sự riêng tư. Còn thương hại là cảm xúc nên loại trừ khi tiếp xúc với người khác. Để tránh bị đẩy sang thái cực thương hại, điều có thể thực hành là hãy kiên nhẫn với người khác.
Thầy Hiếu lưu ý rằng: Nếu không luyện tập, thì “thấu cảm” dễ trở thành cảm xúc bị thao túng. Những cảm xúc trong văn chương đòi hỏi chúng ta nhìn nhận kẻ khác bằng sự điềm tĩnh. Băn khoăn về kẻ khác cũng chính là băn khoăn về chính mình. Và trong hành trình “nhận diện kẻ khác”, rất có thể thành quả lớn nhất là “ta hiểu về chính ta” chứ không phải về kẻ khác. Trong hành trình “cùng nghĩ, cùng cảm” đó, ta tìm thấy ta ở chiều kích mới.
Trước thắc mắc về “niềm tin vào sự hư cấu”, thầy Hiếu lý giải: Hành trình đẹp nhất của con người là đi tìm cái đẹp; càng đi tìm càng không thấy, con người càng được giải phóng.
Anh nói rằng, những điều đẹp đẽ của cuộc đời là không tưởng và liên hệ tới tứ thơ của GS toán học Ngô Bảo Châu (“một câu thơ lăng nhăng mà mọi người không ai hiểu” – từ dùng của GS Châu - PV):
"Có một con đường ta đi
Giá chi không bao giờ tới đích”.
Câu thơ cho thấy một niềm tin là cuộc sống còn có những khả năng khác. Và hành trình tìm hiểu con người là hành trình bất tận.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015