Chữ “Nhẫn” thời nay
Ca dao trước có câu: “Chồng giận thì vợ làm lành. Miệng cười hớn hở rằng anh giận gì”? Nếu người đàn ông nào may mắn lấy được người vợ ấy có lẽ khó mà giận được. Thế nhưng trong thực tế chẳng mấy khi tìm được người đàn bà như thế. Nhất là thời nay, nam nữ bình đẳng chẳng ai chịu nhường ai. Trái lại, phụ nữ có khi còn nóng tính hơn cả đàn ông...
Tôi nhớ thời còn đi học, có một thầy giáo rất hiền dạy môn lịch sử Đảng. Ngồi nghe thầy phân tích nguyên nhân thành công, thất bại của những cuộc khởi nghĩa thì thấy thầy thật là thông thái. Có lẽ trong cuộc đời thực làm việc gì thầy cũng suy tính trước sau như thế thì chẳng bao giờ thất bại được. Nào ngờ một hôm nghe các bạn trong lớp thì thào với nhau: “Cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Huy Nhượng bị dìm trong bể máu”. Tôi ngạc nhiên quá, chưa hiểu đó là cuộc khởi nghĩa nào mà trong sách không thấy nói. Đến khi nghe các bạn giải thích, mới biết đó là cuộc nổi dậy của thầy Nhượng. Hồi đó các gia đình giáo viên đều ở trong khu tập thể của trường rất gần với khu nhà nội trú của sinh viên. Có chuyện gì to tiếng trong nhà, đám sinh viên tò mò nghe thấy hết. Họ đồn rằng thầy Nhượng chuyên bị bà vợ quản lý nhà ăn bắt nạt. Nhưng con giun xéo mãi cũng quằn. Một hôm có lẽ thấy các “điều kiện đã chín muồi”, thầy quyết định “khởi nghĩa”. Như mọi bữa ăn bình thường, bà vợ vẫn vừa ăn vừa nói chồng xa xả. Bỗng nhiên thầy Nhượng đặt bát xuống, quát một tiếng rồi đứng bật dậy trông điệu bộ rất “hoành tráng”. Bất ngờ thầy cúi người cầm nồi cơm giơ lên cao chắc là định đập xuống đất. Nhưng có lẽ sợ nồi bị bẹp mà thời bao cấp không dễ mua được cái nồi khác nên nghĩ thế nào thầy chỉ đặt nghiêng cái nồi xuống sàn rồi lấy tay vần mạnh một cái. Cái nồi lăn lông lốc như bánh xe rồi đổ kềnh khiến cơm tung tóe ra sân. Tưởng là bà vợ trông thấy thế mà khiếp vía. Ai ngờ bà ta nổi tam bành hét lên một tiếng còn to hơn rồi bê cả mâm cho bay vèo ra sân kêu đánh “xoảng” một tiếng làm cả xóm giật mình. Canh rau, nước mắm, dấm ớt bắn tung tóe, bát đĩa vỡ loảng xoảng. Lũ trẻ con khóc ré lên hoảng loạn. Thầy Nhượng đứng ngây ra nhìn mặt cắt không còn hột máu. Tôi kể câu chuyện có thực này để thấy cái máu tam bành của phụ nữ thời nay. Những gia đình như thế trong thời bao cấp có thể vẫn tồn tại dù có năm ngày ba trận. Nhưng ngày nay nếu cứ sống như vậy e có ngày sẽ đưa nhau ra tòa.
Theo dõi quan hệ của nhiều cặp vợ chồng trong một thời gian dài, người ta nhận thấy có những giai đoạn vợ chồng hay cãi nhau và có những giai đoạn ít cãi nhau hơn. Thoạt đầu là thời kỳ mới chung sống khoảng từ hai đến ba năm. Giai đoạn này, sau khi ánh hào quang của tình yêu không rực rỡ nữa, hai “tiểu vũ trụ” bắt đầu nhận ra họ chẳng hợp nhau đến mức như họ tưởng. Những thói quen, sở thích, cá tính, những quan niệm về những giá trị tinh thần, đạo đức mà họ mang vào cuộc sống chung từ hai “nền tiểu văn hóa” khác nhau, hóa ra không giống nhau nhiều lắm. Vì thế giai đoạn này rất nhiều cuộc cãi vã nổ ra có khi khá quyết liệt để giành phần thắng về phía mình. Vì thế, tỷ lệ ly hôn xảy ra trong thời kỳ này khá cao. Nhưng qua được giai đoạn này lại đến một thời kỳ êm ả. Một là đã có kẻ thắng, người thua. Hai là người ta cũng nhận ra những cuộc tranh cãi vô bổ chẳng đi đến đâu và tự điều chỉnh mình cho bớt căng thẳng. Nhưng độ 10 năm sau lại xảy ra một thời kỳ xung đột thứ hai. Bởi vì theo lẽ tự nhiên, con người liên tục thay đổi trong suốt chiều dài cuộc đời mình. Những ham mê, sở thích, cách nhìn cuộc đời của bạn đã thay đổi. Trong khi đó, bên cạnh chúng ta lại có một người bạn đời, cũng thay đổi như thế. Nếu hai quá trình thay đổi ấy không cùng một hướng thì đến một ngày, bạn sẽ nhận ra, giữa hai người xuất hiện rất nhiều mâu thuẫn. Đến thời điểm này tỉ lệ ly hôn cũng cao. Nhưng vượt qua được, họ sẽ đi đến bền vững cho đến cuối đời. Và ở chặng đường cuối cùng này bên cạnh những cặp vợ chồng hòa hợp đến mức giống nhau một cách lạ lùng, là những cặp khác hẳn nhau đến không nhận ra và đến mức độ cãi nhau suốt ngày hoặc chán không thèm cãi nhau nữa.
Như vậy, chúng ta thấy, trong cuộc sống vợ chồng hiện đại, khi hai người bình đẳng với nhau, không ai lệ thuộc ai thì sự tranh cãi là đều không tránh khỏi. Song nếu cứ chuyện bé xé thành to, hơi cãi cọ một chút mâm bát lại bay vèo vèo thì hạnh phúc vợ chồng là hoang tưởng. Muốn cho có thể ngăn chặn được những cuộc xung đột để không dẫn đến đổ vỡ hôn nhân cần nắm được kỹ thuật an toàn, biến những cuộc tranh cãi thành trao đổi một cách hòa bình, không làm mối quan hệ xấu dần đi, phải tôn trọng mấy quy tắc sau đây:
Thứ nhất, khoanh vùng phạm vi tranh cãi hẹp đến mức tối thiểu. Nghĩa là cãi nhau vì cái gì thì chỉ nói về cái đó, móc quá khứ của nhau để tìm ra những sai lầm, kém cỏi từ ngày xửa ngày xưa rồi tổng kết rút ra kết luận.
Hai là, khi tranh cãi không dùng những lời lẽ xúc phạm nhau. Để thuyết phục bạn đời tin rằng họ sai, thì phải dùng lý lẽ sao cho dễ hiểu với một thái độ ôn hòa chứ không dùng những lời lẽ cay độc có tính mạt sát. Thứ ba, cần phải tỉnh táo nhận ra cái sai của mình. Nếu tranh cãi với một người không có khả năng nhận ra đúng sai thì có khác gì nói với đầu gối. Thứ tư, điều quan trọng cuối cùng là biết làm lành và tha thứ. Người ta cũng cho rằng, tranh cãi vợ chồng không nên đi tới thắng thua, không dồn đối phương vào chân tường. Thật có lý khi có người còn cho rằng, trong tranh cãi vợ chồng, “thắng” đồng nghĩa với “bại”. Bởi vì sau chiến thắng là bầu không khí nặng nề đầu độc cả gia đình. Các nhà nghiên cứu đã ghi âm nhiều cuộc “nội chiến” và nhận thấy có những cuộc “chiến tranh tàn khốc” bắt đầu từ những lý do hết sức vớ vẩn, thậm chí sau khi “ngọn lửa chiến tranh” được dập tắt người ta không nhớ nổi bắt đầu cãi nhau vì cái gì. Nên nhớ rằng, để cãi nhau phải có ít nhất hai người nhưng để ngưng cãi nhau thì chỉ một người cũng làm được. Cho nên nếu một trong hai người biết dừng lại đúng lúc thì mái ấm gia đình sẽ an toàn.
Nói như thế không có nghĩa là luôn luôn nín nhịn, thậm chí phải làm theo ý muốn của người khác dù biết điều đó là sai để tránh xung đột. Nếu bạn “giữ gìn hòa bình” theo kiểu đó, đối phương sẽ lấn tới và biến bạn thành kẻ lệ thuộc vào họ. Các nghiên cứu mới đây của Mỹ phát hiện một trong những nguyên nhân quan trọng làm gia tăng tỷ lệ ly hôn trên thế giới hiện nay chính là xu thế sống lệ thuộc vào người bạn đời. Từ trước đến nay người ta thường chỉ quan niệm hai tiếng “lệ thuộc” trên khía cạnh kinh tế, thực ra khái niệm ấy rộng hơn nhiều và nếu chúng ta không tìm cách giải thoát mình khỏi sự lệ thuộc thì chính nó sẽ hủy hoại hôn nhân. Nhà tâm lý học Edmund J.Bourne định nghĩa: “Lệ thuộc là xu hướng đặt ý muốn của người khác lên trên khát vọng của chính mình”. Nghĩa là bạn luôn sẵn sàng hy sinh những nhu cầu của mình để làm hài lòng người bạn đời. Niềm hạnh phúc của bạn phụ thuộc vào việc bạn cảm thấy người chồng hay vợ hài lòng tới mức nào. Có thể bạn nghĩ rằng cách sống như thế là vị tha, cao thượng nhưng thực ra, bạn đã sống cho họ chứ không phải cho mình. Nếu tất cả chúng ta đều sống như vậy thì thế giới này có gì đáng để mơ ước?
Khi kết hôn với ai, ta muốn mang lại hạnh phúc cho người ấy. Nhưng cả hai đều phải có trách nhiệm mang lại hạnh phúc cho nhau và tránh những điều bất hạnh. Nếu một người luôn phải nhẫn nhịn, cố gắng làm cho người kia thỏa mãn dù phải hy sinh hạnh phúc của chính mình thì sớm muộn gì cũng trở thành bất hạnh mà thôi. Lối sống như thế sẽ dẫn tới lo âu, phiền muộn. Bởi vì khi vượt qua ngưỡng giới hạn, nó biến con người lành mạnh trở thành thiếu lành mạnh. Nó gây ra nhiều điều xấu hơn là sự tốt lành.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005