Cần thực tâm đưa văn hóa đọc lên tầm cao
Nhân sự kiện Thủ tướng Chính phủ quyết định ngày 21-4 hằng năm sẽ là ngày sách Việt Nam, nhà văn Mai Sơn - Trưởng Ban tu thư ĐH Hoa Sen, TP.HCM chia sẻ quan điểm về văn hóa đọc sách của người trẻ hôm nay.
“Cần tìm mọi cách nâng cao văn hóa đọc của dân chúng, nhất là bạn đọc trẻ hay cần bằng mọi giá chạy theo nhu cầu thị hiếu của họ? Trả lời vế đầu là trách nhiệm của giới lãnh đạo, còn lơ là với vế đầu mà dốc sức giải đáp vế sau là thái độ của những kẻ hám lợi nhưng luôn nhân danh văn hóa đọc” - nhà văn Mai Sơn nói.
Người trẻ đang đọc kiểu “ăn liền”
. Phóng viên: Người trẻ hiện nay lướt web rất nhiều và nếu chỉ cần cập nhật thông tin thời sự qua kênh truyền thông trên mạng mà không cần đọc đến sách thì có đủ, có gọi là đã đọc không, thưa ông?
+ Nhà văn Mai Sơn: Khi thế giới ngày càng phẳng, không cần nỗ lực nhiều thì thông tin vẫn phá tung mọi trở ngại để xâm chiếm lãnh địa tinh thần của mọi người, ở mọi lúc, mọi nơi nhằm “san phẳng” và “cào bằng” tất cả chúng ta. Chính khả năng xử lý đống thông tin đó bằng tinh thần sáng tạo và tiềm lực tri thức mới là điều làm nên sự khác biệt. Và để có khả năng đó, không còn cách nào khác là tìm đến những nguồn cung cấp những giá trị chân - thiện - mỹ. Sách là một nguồn như thế, luôn chờ đợi những con người biết chọn lựa khôn ngoan.
Theo nhà văn Mai Sơn, việc đọc sách nên đi vào thực chất chứ đừng chỉ mang tính hô hào hình thức. Trong ảnh: Bạn đọc trẻ chọn mua sách tại Hội sách TP.HCM lần 8. Ảnh: TRÀ GIANG
. Hội sách TP.HCM lần 8 vừa qua, thể loại tản mạn viết về tình yêu của các tác giả trẻ chiếm phần nhiều trong danh sách sách bán chạy nhất của sự kiện này. Ông nghĩ sao?
+ Tôi không thể liều lĩnh trả lời câu hỏi này nếu chưa đọc cái gọi là “thể loại tản mạn về tình yêu” nhưng tôi nghĩ dẫu sao đó cũng là tín hiệu vui bởi đọc là một hoạt động tích cực của tinh thần, vẫn tốt hơn là không đọc gì. Nhưng đọc chỉ để giải trí lúc rảnh rỗi thì thật đáng tiếc. Bạn không nhận được gì thêm từ việc đọc những cuốn sách thuần giải trí. Chúng không ám ảnh, không thách thức trí tuệ, không kích thích trí tưởng tượng, không gây băn khoăn xao xuyến, không làm cho chân trời cuộc sống mở rộng thêm. Gấp cuốn sách lại là hết. Bạn bị đánh lừa là đã động não nhưng kỳ thực là bạn đang để cho trí óc héo mòn dần vì bạn không phải nỗ lực gì cả suốt thời gian đọc chúng.
. Vậy ông có đánh giá gì hiện trạng đọc như trên của sinh viên và những người trẻ hiện nay?
+ Nên vui mừng về phương diện “hình thức” của hiện trạng này. Nhân vật trung tâm của các hoạt động liên quan đến sách là sinh viên, là bạn đọc trẻ. Họ đến nhà sách thường xuyên; dành một phần túi tiền hạn hẹp của mình để mua sách. Họ bàn luận về sách ở mọi nơi. Nhưng về phương diện “nội dung” thì còn nhiều điều đáng lo ngại. Thói quen ăn vặt hằng ngày của các bạn trẻ đã được “nâng cấp” thành thói quen thu nhặt kiến thức tủn mủn trên các phương tiện thông tin, thậm chí qua các “chuyên gia” giả mạo, những cuốn sách tán nhảm về mọi đề tài mà nhiều người lầm tưởng là uyên bác, thâm sâu. Thay vì một mình một cuốn sách giá trị hoặc đến với các lớp hướng dẫn tử tế, các bạn trẻ thích “ăn liền” những kiến thức đến từ bất cứ nguồn nào.
Coi chừng chỉ có lợi cho nhóm đầu cơ sách
. Theo ông, cần có giải pháp nào mang tính toàn diện để nâng cao văn hóa đọc?
+ Một giải pháp mang tính toàn diện cho cả xã hội ư? Trả lời được câu hỏi này một cách thành thực tức là thành thực nghĩ rằng mình có tư tưởng và tầm nhìn của bộ trưởng Văn hóa hoặc Giáo dục. Nhưng nếu bạn tin tôi trả lời được thì tôi không ngại. Theo tôi, gói giải pháp đó là:
- Các nhà lãnh đạo phải thực tâm mong muốn đưa văn hóa đọc của đất nước lên một mức cao hơn, để người Việt Nam không bị thế giới khinh rẻ về phương diện văn hóa - giáo dục - tinh thần.
- Kế đến, đời sống vật chất của người dân phải được nâng cao lên đáng kể trong ngắn hạn, để họ yên tâm nghĩ đến việc thưởng thức những giá trị tinh thần của cuộc sống mà một phần lớn trong đó đến từ sách vở. Nói nôm na là có thực mới vực được đạo.
- Cần theo đuổi sự phát triển xã hội - con người chứ không chỉ đặt nặng sự tăng trưởng kinh tế đơn thuần được nhìn thấy qua các con số nhảy múa. Xã hội phải bớt thực dụng hơn, bớt đề cao những kẻ giàu có, đặc biệt là những kẻ giàu có một cách bất minh.
- Cải cách giáo dục theo hướng khai phóng, tức là gieo vào tâm hồn và đầu óc các học sinh niềm vui tò mò, khám phá, biện bác và cởi mở trước mọi ngã đường tương lai.
- Hãy đi vào những biện pháp thực chất và quên đi những biện pháp hô hào hình thức vì chúng chỉ có lợi cho các nhóm lợi ích cơ hội về kinh doanh sách vở chứ chẳng bao giờ có tác động đến dân chúng.
. Xin cảm ơn ông.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn