“Căn bệnh Hà Lan” và tiền điện tử
Ngày xưa, đất nước Hà Lan đang bình yên, những ngành nghề kinh doanh phát triển tốt đẹp, xuất khẩu sản phẩm thuận lợi. Một ngày không đẹp trời, Hà Lan bỗng phát hiện ra một mỏ khí đốt rất lớn. Và dĩ nhiên là họ bắt đầu khai thác và xuất khẩu sang các nước khác. Tiền thu từ xuất khẩu bắt đầu chảy về như nước và… vấn đề bắt đầu xảy ra...
Một cách lý tưởng, nếu Hà Lan dùng số tiền “trời cho” này để phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước, đầu tư vào giáo dục, phát triển khoa học, công nghệ… thì đất nước này sẽ ngày càng vững mạnh. Thế nhưng sự thật lại khác hẳn. Từ khi kiếm tiền dễ dàng từ xuất khẩu khí đối thì các ngành sản xuất sản phẩm xuất khẩu truyền thống lại bị suy yếu. Nguyên nhân là các nguồn lực bị hút vào việc khai thác khí đốt làm giảm nguồn lực cho các ngành xuất khẩu truyền thống. Ngoài ra, thu nhập quốc dân tăng lên do xuất khẩu khí đốt cũng dẫn đến gia tăng tiêu dùng dẫn đến việc tập trung vào sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng hơn là các ngành xuất khẩu. Một nguyên nhân quan trọng nữa là nguồn cung ngoại tệ tăng lên do xuất khẩu khí đốt sẽ làm cho đồng nội tệ lên giá, dẫn đến hàng hóa xuất khẩu truyền thống trở nên kém cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tóm lại là phương án lý tưởng nêu trên đã không xảy ra, ngược lại, các ngành xuất khẩu truyền thống bị tổn hại và khi nguồn cung khí đốt cạn kiệt, nền kinh tế Hà Lan trở nên yếu kém và năng lực cạnh tranh suy giảm trầm trọng.
Căn bệnh Hà Lan thì liên quan gì đến tiền điện tử nhỉ? Có đấy bạn. Giả sử bạn đang làm một công việc gì đó, lương cao lắm cũng vài chục triệu đồng/tháng. Hoặc bạn đang làm kinh doanh, lợi nhuận trên vốn giỏi lắm cũng vài chục phần trăm/năm. Hay là bạn đang đầu tư bất động sản, cổ phiếu… lợi nhuận trên 20%/năm đã là khá tốt. Thế nhưng bạn phát hiện ra một cách kiếm tiền mới, đầu tư vào tiền điện tử có thể mang lại lợi nhuận vài chục phần trăm… một tháng, thậm chí có thể nhân đôi, nhân ba số tiền đầu tư chỉ trong thời gian ngắn. Thật… không thể tin được, hóa ra những gì mà trước giờ bạn làm thật bèo bọt. Làm cả năm không bằng người ta kiếm được trong vài tuần.
Bài viết này không nói đến tính rủi ro trong đầu tư vào tiền điện tử. Giả định là bạn cực kỳ nhạy bén và may mắn để kiếm được rất nhiều tiền từ đầu tư vào tiền điện tử. Lúc này cuộc sống của bạn sẽ trở nên vô cùng tuyệt vời chăng? Đừng vội mừng, lúc này căn bệnh Hà Lan sẽ bắt đầu “ám” bạn.
Khi có một số tiền lớn từ trên trời rơi xuống (cũng giống như trúng xổ số), hy vọng là bạn có thể dùng số tiền đó một cách khôn ngoan để phát triển năng lực của chính mình, đầu tư vào nền tảng cuộc sống: kiến thức, năng lực, sức khỏe, tinh thần lành mạnh và vững vàng, những mối quan hệ tốt đẹp, gieo những nhân tốt, làm việc thiện lành… Nếu bạn không vượt qua được thử thách này, bạn rất dễ bị căn bệnh Hà Lan:
Khi có nhiều tiền, dĩ nhiên là phải nâng cao chất lượng cuộc sống. Và bạn sẽ nhanh chóng phát hiện những nhu cầu của mình liên tục gia tăng, từ xe máy lên xe hơi, từ xe hơi lên siêu xe, từ một chiếc lên một hai chiếc, ba chiếc, thậm chí đầy cả garage. Rồi biệt thự tại những khu đô thị sang trọng, biệt thự nghỉ dưỡng tại những thiên đường du lịch… Rồi đến máy bay riêng, du thuyền… Tốc độ kiếm tiền của bạn có nhanh cách mấy cũng khó mà đáp ứng những nhu cầu ngày càng cao. Cho nên hy vọng là kiếm đủ tiền rồi sẽ “rửa tay gác kiếm” sẽ rất khó trở thành hiện thực, mà “đi đêm lắm sẽ có lúc gặp ma”. Cái gì lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn, bạn không thể gặp may mắn mãi được.
Khi đã quen kiếm tiền “khủng” một cách nhanh chóng, nhẹ nhàng, những công việc truyền thống sẽ trở nên đáng chán. Còn lâu bạn mới muốn quay trở lại làm việc hùng hục để nhặt nhạnh từng đồng. Lúc đó bạn sẽ tự thấy mình thật vĩ đại, thông minh, đi trước thời đại… Những công việc tầm thường làm sao xứng đáng với bạn được. Lúc đó bạn sẽ không thèm đi dự những khóa học về kinh doanh, về phát triển bản thân… vì chính bản thân ông thầy đứng dạy cũng không kiếm tiền giỏi như bạn. Những quyển sách làm giàu, phát triển bản thân… các kiểu chỉ xứng để đem vứt vào thùng rác. Bây giờ bạn mới là người để đi dạy lại cho thiên hạ cách kiếm tiền.
Rồi thế giới này lại tiếp tục nghĩ ra những cách kiếm tiền kinh khủng mới. Và bạn lại tiếp tục là người nhanh nhạy và đi trước người khác, bạn lại kiếm được rất nhiều tiền nữa. Thế nhưng, cứ mãi như vậy thì cuộc sống của bạn sẽ đi về đâu? Bạn sẽ có gì ngoài tiền?
Warren Buffett có nói một câu đại ý “khi nước rút xuống thì mới biết ai đi bơi mà không mặc quần”. Và ông đã chứng kiến biết bao kẻ không mặc quần mà vẫn bơi lội tung tăng. Đến khi nước rút xuống thì mọi chuyện sẽ lộ ra, hãy lo kiếm quần mà mặc nhé.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015