Bàn về vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài
Hỏi: Xung quanh một số dự án FDI lớn với cam kết đầu tư tỷ đô, có hai vấn đề mà Tiền Phong gần đây đã đưa ra cảnh báo. Một là các nhà đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam như một hình thức mồi, sau đó dụ vốn đầu tư ở trong nước, trái với mục đích của FDI. Hai là việc thẩm định các dự án không được kỹ càng, dẫn đến dự án triển khai chậm và để lại hệ quả xã hội rất lớn, vì những dự án tỉ đô này cần những mặt bằng lên tới hàng trăm hecta, dân thì di dời rồi nhưng dự án thì không triển khai được.
Chúng tôi được biết ông là một trong những người thành lập công ty tư vấn về dự án đầu tư nước ngoài sớm nhất ở Việt Nam. Chúng tôi muốn trao đổi với ông về vấn đề này một cách trung thực và khách quan nhất. Với tư cách là một chuyên gia, ông đánh giá thế nào về chất lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam những năm qua?
Trả lời: Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam những năm vừa rồi không tốt bằng những năm trước đây. Sở dĩ có tình trạng như vậy là vì quan niệm của chúng ta về đầu tư trực tiếp nước ngoài không còn như trước nữa. Trước đây chúng ta bế tắc, đất nước của chúng ta khủng hoảng về kinh tế, chúng ta buộc phải đổi mới, buộc phải mở cửa và chúng ta chào đón một cách có thể nói là tương đối chân thành đối với các nhà đầu tư. Có thể nói rằng không có bất kỳ động cơ chính trị gì đáng kể vào 10 năm đầu tiên của chính sách mở cửa và chúng ta từng có một thái độ chân thành hơn. Sự trong sáng của người Việt Nam cũng như sự trong sáng của các cơ quan quản lý Việt Nam vào những năm ấy là rất đáng ngưỡng mộ. Vào những năm ấy mối quan hệ của chúng tôi với tư cách là những chuyên gia về lĩnh vực này với thủ tướng chính phủ như ông Võ Văn Kiệt, ông Phan Văn Khải, với các Bộ trưởng vào thời gian ấy, khi còn là Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác Đầu tư như Bộ trưởng Đậu Ngọc Xuân, Bộ trưởng Lữ Minh Châu, Bộ trưởng Võ Đông Giang, và một phần sau này với bộ trưởng Trần Xuân Giá là khá gần gũi. Chúng tôi cùng nhau thành lập hiệp hội các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nó chưa phải là một hệ thống hoàn toàn tốt, nhưng nó là một cái cầu nối xã hội với các nhà đầu tư và các nhà đầu tư với chính phủ một cách rất chân thật. Người có kinh nghiệm về lĩnh vực này như Bộ trưởng Đậu Ngọc Xuân, thứ trưởng Nguyễn Mại là những tiếng nói khá gần gũi và chúng tôi có thể tác động đến được. Sau này thì việc ấy khó.
Vào khoảng dăm bảy năm trở lại đây những người quản lý trong lĩnh vực này là những người làm gián tiếp, họ không phải là người tương tác một cách trực tiếp với đầu tư và quan niệm về đầu tư nước ngoài có lẽ cũng bắt đầu có vấn đề. Hiện tượng ấy không phải chỉ xuất hiện trong nhiệm kỳ hiện nay của chính phủ mà có lẽ xuất hiện từ một vài năm trước đó, đặc biệt từ khi chúng ta phân cấp quyền quyết định các dự án xuống các địa phương. Phải nói rằng mối liên lạc giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các nhà đầu tư có một màu sắc khác. Và nếu nói có khuyết tật gì từ phía chính phủ, từ phía những người cầm quyền của chúng ta đối với khái niệm đầu tư nước ngoài thì nó cũng không đơn giản hơn trước đây. Trước đây chúng ta có thể chất vấn được những người đứng đầu. Ví dụ cá nhân tôi đã từng chất vấn thủ tướng Võ Văn Kiệt, từng trao đổi và có những chất vấn thủ tưởng Phan Văn Khải ở nhiệm kỳ đầu tiên của thủ tướng Khải. Hay nói cách khác, mối giao lưu, mối liên quan giữa xã hội hoặc các chuyên gia với chính phủ vào giai đoạn ấy tốt hơn bây giờ rất nhiều. Bây giờ trong con mắt của những người điều hành cấp trung ương thì đầu tư nước ngoài là một con số thống kê, là một khát vọng về sự phát triển, về sự đòi hỏi cần phải có một số nguồn dự án để làm đẹp bức tranh thống kê về sự phát triển kinh tế nói chung chứ không phải là đầu tư nước ngoài.
Còn đối với địa phương thì nó cũng là thành tích để có những con số phục vụ công cuộc thi đua giữa các địa phương và nó làm sao nhãng mối quan tâm về nội dung của các dự án. Trong giai đoạn đầu tiên của đầu tư nước ngoài thì màu sắc chính trị không nhiều. Nhưng khoảng chục năm trở lại đây nó xuất hiện một số yếu tố chính trị. Ví dụ, bằng mọi cách lôi kéo đầu tư từ nước này, nước kia để cân bằng lợi ích. Tất cả những câu chuyện lượn tròn, lượn khéo như vậy về phương diện chính trị làm cho người ta chểnh mảng trong việc thẩm định chất lượng của công ty đầu tư và độ tin cậy của dự án đầu tư.
Hỏi: Ông có thể nói rõ hơn về sự thay đổi và nguyên nhân dẫn tới việc chất lượng của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam bị giảm sút, mặc dù con số tăng?
Trả lời: Nó giảm xuống vì chúng ta không quan niệm đúng về đầu tư nước ngoài. Sự phát triển của khái niệm đầu tư nước ngoài trong xã hội chúng ta là một sự phát triển cực kỳ phức tạp và phải nói là rất công phu trong thời gian đầu. Những năm đầu tiên của đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch trong những giao lưu với tôi có nói đến chuyện tại sao thế hệ đầu tiên của luật khuyến khích đầu tư nước ngoài không xem lãi suất ngân hàng là chi phí hợp pháp. Trợ lý của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là ông Võ Văn Sung trong khi thảo luận với tôi cũng hỏi tại sao các xí nghiệp tư nhân không được hợp tác trực tiếp với các công ty nước ngoài. Phải nói rằng quá trình đi từ những sự dọ dẫm, những sự thử nghiệm chính trị ban đầu đến khi các khái niệm ấy tương đối hoàn chỉnh có công rất lớn của thủ tướng Võ Văn Kiệt, bộ trưởng Đậu Ngọc Xuân và thứ trưởng Nguyễn Mại, thứ trưởng Đỗ Ngọc Trinh, thứ trưởng Nguyễn Nhạc. Những người ấy là bộ máy thường trực quản lý quá trình đầu tư nước ngoài. Có một sự tham gia rất tích cực và sành sỏi về phương diện đối ngoại của bộ trưởng Võ Đông Giang. Ở những thời kỳ đầu của quá trình thu hút đầu tư nước ngoài, sự cân nhắc kinh tế, chính trị, ngoại giao được kết hợp với nhau. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an vào giai đoạn đó cũng có những thành tích rất quan trọng. Những hợp tác đầu tư trực tiếp của Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng, đứng đầu là tướng Vũ Xuân Vinh đã tạo ra những dự án rất tốt. Những vấn đề an ninh, quốc phòng được xem xét đánh giá rất kỹ trong từng dự án, kể cả dự án một triệu đô la.
Tôi đã từng tham gia một dự án ở Quảng Nam, Đà Nẵng mà đích thân anh Nguyễn Được lúc đó còn là tư lệnh quân khu V và cả cựu tư lệnh khu V là tướng Phan Hoan thảo luận với chúng tôi một cách rất cẩn thận. Xã hội chúng ta đã từng có những thảo luận cực kỳ nghiêm túc, tạo ra tính hoàn chỉnh của khái niệm đầu tư nước ngoài.
Sau này khi phân cấp rồi thì câu chuyện này không được thảo luận nữa. Chính phủ ở cấp cao tiếp cận với khái niệm này ở con số thống kê vốn, còn việc đánh giá nó, thẩm định nó một cách công phu, công bằng và công khai là ít. Cho nên qua lịch sử diễn biến của khái niệm này có thể thấy rằng chúng ta phần nào chịu ảnh hưởng của bệnh thành tích nên không phân tích một cách cặn kẽ các dự án đầu tư như đối tượng kinh tế mà như công cụ để tạo ra tăng trưởng.
Hỏi: Nhưng lý do nó không được như trước đây nữa có thể được lý giải bằng việc cải cách hành chính?
Trả lời: Quá trình phân cấp xuống các địa phương không phải đơn giản là người ta phân cấp ngay như hiện nay. Trước đây chúng ta cũng có những sự phân cấp. Ví dụ các dự án nằm trong khu công nghiệp thì ban quản lý khu công nghiệp và chính quyền địa phương là có thẩm quyền cấp phép, thậm chí cung cấp cả dịch vụ để hoàn tất. Các công ty cung cấp dịch vụ như chúng tôi lúc bấy giờ rất buồn vì các khu công nghiệp tự thẩm định lấy, không cần dùng dịch vụ nữa. Khu công nghiệp Đồng Nai là một ví dụ điển hình về sự tiên phong trong việc tự quản các dự án đầu tư. Nhưng gần đây nó không còn đơn giản như thế nữa. Những dự án khổng lồ, những dự án sử dụng đến hàng nghìn hecta đất đều không qua con đường thẩm định như trước nữa. Anh yêu cầu tôi phát biểu với tư cách là một chuyên gia, thì tôi nói như vậy về thực tiễn hiện nay.
Tuy nhiên, xã hội đánh giá hiện trạng hiện nay cũng chưa đúng. Báo chí phải rất thận trọng khi gọi là đầu tư mồi, bởi vì quá trình kêu gọi đầu tư là một quá trình chuyên nghiệp. Việc xuất hiện những dự án khổng lồ như thế này làm cho chúng ta nôn nóng, chúng ta bỏ qua một công nghệ quan trọng trong việc kêu gọi đầu tư, đó là thẩm định không phải chủ đầu tư mà thẩm định người mà theo thuật ngữ quốc tế là "Developer" (Nhà Phát triển). Trên thế giới này có một danh sách Developer rất rõ ràng. Những công ty lớn như John Land, Jones Lang Wootton, Nomura… vừa là công ty quản lý bất động sản, vừa là công ty phát triển. Các Developer như vậy phải là các tổ chức đủ uy tín để gọi các nhà đầu tư và nó phải giữ uy tín, giữ thanh danh của mình cho nên nó không nướng mình trong những sự móc ngoặc có tính chất quốc tế hoặc có tính chất nội địa cho việc phát triển một dự án.
Các công ty Developer như vậy không phải là những người có vốn để thoả mãn nhu cầu phát triển của một dự án mà là những tập đoàn có uy tín và có kiến thức để tổ chức cộng đồng các nhà đầu tư. Bao giờ các Developer cũng cộng tác với một số nhà đầu tư lớn. Trong một khu công nghiệp lớn bao giờ cũng có một vài dự án thật lớn, đó là những dự án trụ cột của cả khu công nghiệp. Do việc bỏ tiền vào những dự án như vậy của các chủ đầu tư có uy tín mà từ đấy mới gọi được nhiều nhà đầu tư khác tham gia vào cộng đồng dự án để tạo ra tính trọn vẹn của một dự án phát triển. Sau đó cái dự án ấy cũng được quản lý một cách chuyên nghiệp. Ngay cả các dự án bất động sản mà nhiều người nói rằng tuy là dự án đầu tư nước ngoài nhưng lại dùng vốn đầu tư trong nước thì những Developer chuyên nghiệp cũng làm một cách rất chuyên nghiệp. Ví dụ Ciputra chẳng hạn. Nếu đem so cái mà Ciputra đang làm với một số dự án bất động sản lớn khác ở Việt Nam thì Ciputra chuyên nghiệp hơn nhiều.
Cho nên không nên xem xét năng lực tài chính của Developer mà phải xem năng lực gọi các liên kết xã hội và độ thành công trong lịch sử của các Developer này như thế nào. Chúng ta không thẩm định được chuyện ấy. Sau này những dự án khổng lồ như Nghi Sơn, Vũng Áng là không chuyên nghiệp. Không chuyên nghiệp tức là cả khu ấy không có ý đồ của một nhà kinh doanh. Nó có ý đồ của cái gì thì tuỳ từng trường hợp mà chúng ta phải phân tích rất cẩn thận. Không nên gán cho tất cả các nhà Developer là họ mưu cầu việc tổ chức, huy động các lực lượng xã hội ở nước ngoài để xây dựng một khu công nghiệp hoặc một dự án lớn ở Việt Nam để mồi. Gọi như thế có thể làm xúc phạm khá nhiều nhà phát triển tích cực đã có mặt ở Việt Nam.
Hỏi: Mô hình như ông nói là mô hình cực kỳ chuyên nghiệp. Ví dụ, ở Hải Phòng có Nomura. Họ vào đầu tư khu công nghiệp và kéo theo các nhà đầu tư khác vào. Nhưng thực tế ở Việt Nam hiện nay thì không phải là như vậy mà các chủ dự án trực tiếp vào làm. Ví dụ dự án thép Formosa, họ vào trực tiếp đàm phán với địa phương và làm luôn?
Trả lời: Nói như thế thì không có nghĩa là chỉ có các Developer thuần tuý mới gọi là chuyên nghiệp. Rất nhiều nhà đầu tư cũng chuyên nghiệp như vậy, họ có những chuyên gia phát triển của chính họ. Nomura là một nhà tài chính khổng lồ còn cái bộ phận được gọi là Nomura Land chính là bộ phận phát triển. Rất nhiều tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới có bộ phận cái đuôi là "Land". Ví dụ bây giờ chúng ta cũng có Vinatex Land chẳng hạn. Vinatex Land là một ví dụ để nói rằng chúng ta đã bắt chước được cung cách để tạo ra bộ phận nghiên cứu và tổ chức phát triển ở trong chính các tổng công ty hoặc tập đoàn lớn của chúng ta. Nếu ai đó chịu khó đi một cách chuyên nghiệp và bài bản thì tôi nghĩ là dần dần sẽ có uy tín. Tôi lấy ví dụ Jardin Matheson chẳng hạn là một công ty thương mại rất có uy tín, là một trong hai yếu tố tạo ra sự phát triển kinh tế ở Hongkong. Nó cũng có một bộ phận được gọi là Hongkong Land. Hongkong Land có thời đã từng liên doanh với công ty Colliers là một trong những Developer nổi tiếng của Hoa Kỳ và tạo ra Colliers Jardin. Hiện nay chúng ta không tiến hành công việc bằng một bộ máy chuyên nghiệp, cho nên toàn bộ quy hoạch không có chất lượng.
Hỏi: Có nhiều ý kiến cho rằng hiện nay ta đang thu hút không có định hướng. Ví dụ địa phương này muốn phát triển ngành thép chẳng hạn thì có thể trực tiếp đi đàm phán để mời nhà đầu tư vào. Ai vào làm thì chúng ta cũng chấp nhận một cách ồ ạt, nhất là bây giờ phân cấp cho địa phương rồi. Ông nhìn nhận thế nào về hiện tượng đó?
Trả lời: Có hiện tượng như vậy. Ví dụ có một số người bạn của tôi ở Hưng Yên nói rằng "Tỉnh tôi bây giờ đang phấn đấu vào câu lạc bộ nghìn tỷ". Những ngôn ngữ như vậy từ nghìn tỷ, trăm nghìn tỷ xuất hiện dần dần trong xã hội tạo ra một cuộc chạy đua không có mục tiêu. Nó tạo ra một tình trạng phát triển không có mục tiêu và đến lúc nào đó nó sẽ trở thành tình trạng phát triển nóng một cách không điều chỉnh được, đấy là cái mà Trung Quốc đang gặp phải.
Hỏi:Có vẻ như hiện nay thu hút FDI có nhiều mục đích, mà mục đích quan trọng nhất là thu hút công nghệ và trình độ quản lý?
Trả lời: Chúng ta chẳng có động cơ gì. Động cơ của chúng ta là rất không rõ ràng. Kể cả những thứ không có thật và ai cũng biết là không có thật, hỏi 100 người thì 99 người biết là nó không có thật, nhưng người ta vẫn làm. Ví dụ, dự án thép tới 10 tỷ đô la của Vinashin làm ở miền Trung chẳng hạn. Nhắm mắt cũng có thể biết rằng đấy là một câu chuyện đùa. Ngay cả Formosa cũng vậy, trên thực tế Formosa chưa bỏ ra lượng tiền nào đáng kể. Gần đây tôi nghe một số người nói rằng họ còn mang tiền đến cơ quan quản lý của chúng ta để đóng thuế trước. Tất cả những trò diễn như thế cũng chỉ đánh lừa được mấy người ở nông thôn thôi.
Trên thế giới này những ai tự nguyện nộp thuế trước thì người ấy không phải là nhà kinh doanh thật. Những ai bỏ tiền ra quá 100 triệu đô la một cách dễ dãi, người đó dứt khoát không phải là một nhà đầu tư thật. Việt Nam chưa phải là quốc gia để bất kỳ người nào giàu có trên thế giới này nói dễ và bỏ vào dễ một số tiền quá 100 triệu đô la. Tất cả những ai đưa ra cam kết 100 triệu đô la trở lên là nhà nước buộc phải nghiên cứu và thẩm định kỹ càng. Có những vùng đất người ta bỏ 10 tỷ đô la không cần phải bàn, nhưng có những đất nước bỏ 10 triệu đô la vào là người ta phải thận trọng. Việt Nam may mắn đã phát triển đến mức là bỏ vào 100 triệu đô la thì người ta cũng không phải cân nhắc nhiều lắm, đấy chính là vinh hạnh của Việt Nam. Còn những ai bảo bỏ ra hơn thế thì với tư cách là một chuyên gia tôi không tin.
Hỏi:Như ông nói thì hiện nay khâu thẩm định của ta không được như ngày xưa. Vậy theo ông bây giờ một dự án cỡ tỷ đô vào Việt Nam thì người ta thẩm định như thế nào?
Trả lời: Tôi nghĩ là thẩm định dự án 1 tỷ đô la, 100 triệu đô la hoặc 10 triệu đô la thì công nghệ là như nhau. Bởi vì ai cấp tiền? Các tổ chức tín dụng cấp tiền. Đã có thời kỳ Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng như trước đây Ủy ban Nhà nước về Hợp tác đầu tư là anh Đậu Ngọc Xuân hay anh Trần Xuân Giá nói thẳng rằng nếu không có xác nhận của các ngân hàng về số vốn hay số tiền đọng trên tài khoản của công ty ấy, không có cam kết của ngân hàng cấp vốn cho dự án ấy là không cấp giấy phép. Có một thời có dịch vụ mua bán các cam kết như thế của các tổ chức tín dụng ở trên thế giới chứ không phải ở Việt Nam. Bây giờ chúng ta bỏ qua chuyện ấy, bởi chúng ta có 64 tỉnh thành là 64 thành viên của giàn hợp xướng đòi hỏi chính phủ ủng hộ. Và chính phủ nghe không rõ giọng nào ra giọng nào. Trừ một vài giọng nổi của một số tỉnh đặc biệt hoặc giọng trầm của những tỉnh miền sâu, miền xa thì được chú ý hơn một tý bởi nó được xem là hiếm, còn lại thì giọng nào cũng như giọng nào. Tôi nghĩ do sự thi đua phát triển của các nhà chính trị địa phương đã dẫn đến tình trạng các cơ quan của chính phủ không đủ thời gian và không nỡ thẩm định quá chặt chẽ để cuối cùng mang tiếng là cản trở sự phát triển của các tỉnh. Đôi khi còn làm chậm cả tiến trình phát triển chính trị của những người đứng đầu địa phương, đấy cũng là một vấn đề nữa. Đấy là đặc thù của đời sống tinh thần của người Việt. Cái lỗi ấy nhìn lại lịch sử thì nó ghê, nhưng nó diễn ra trong đời sống hàng ngày thì nó rất thông thường và rất dễ phạm phải. Đôi khi báo chí phê phán các bộ trưởng, phê phán thủ tướng như người đứng ngoài nhìn, nhưng các anh chưa đặt mình vào sự huyên náo của các đòi hỏi. Báo chí chưa thông cảm được với tất cả cái khó xử của các cơ quan quản lý nhà nước, kể cả thể chế quan trọng là thủ tướng chính phủ.
█Hỏi:Trở lại câu chuyện nguồn vốn FDI, về nguyên tắc FDI là anh phải mang tiền từ nước ngoài vào đầu tư. Đã là nguyên tắc thì đương nhiên các nhà đầu tư nước ngoài đã vào phải chấp hành. Nhưng thực tế có một số dự án như đã trao đổi là thậm chí dùng cả vốn trong nước để làm. Theo ông việc đấy có hợp lý không?
Trả lời: Tôi không ủng hộ lắm hai cực quan điểm mà anh vừa nói là chỉ có vốn nước ngoài hoặc phần lớn là vốn gọi trong nước. Cả hai cái đó đều là những cực sai và các nhà đầu tư chân chính có uy tín và có lịch sử không rơi vào hai cực như vậy. Gọi vốn ở các thị trường nội địa, các thị trường bản xứ là quá trình rất khó. Gọi vốn ở chúng ta phải trả lãi suất cao hơn nhiều so với gọi vốn trên các thị trường quốc tế. Chẳng có nước nào trên thế giới này mà lãi suất lớn như lãi suất ở nước chúng ta bây giờ. Để mà làm thật, để mà kinh doanh thật thì những người đầu tư thận trọng chưa chắc đã xem đấy là ưu tiên. Cho nên chỉ có những người không thể gọi vốn ở đâu được thì sẽ gọi vốn ở đây. Một người không gọi vốn ở đâu được mà chỉ gọi vốn được ở đây thì không phải là nhà đầu tư nước ngoài, hay chính xác hơn chỉ là nhà đầu tư có quốc tịch nước ngoài chứ không phải nhà đầu tư nước ngoài.
Một nền kinh tế tương đối phát triển, tức là nền kinh tế có chất lượng thị trường thật thì gọi vốn ở đâu không quan trọng, vấn đề là có gọi được vốn không. Cho nên thay vì tẩy chay các dự án gọi vốn tại Việt Nam thì chúng ta chấn chỉnh các ngân hàng Việt Nam để cho những người gọi vốn không vi phạm các nguyên tắc tài chính cơ bản. Bởi vì gọi vốn ở Việt Nam cũng là một cách thúc đẩy tăng trưởng nền tài chính Việt Nam. Một kẻ chuyên nghiệp sử dụng tiền vốn Việt Nam tốt hơn nhiều so với một kẻ không chuyên nghiệp, thậm chí hay hơn người Việt Nam sử dụng tiền vốn Việt Nam. Chúng ta không phấn đấu để cho nền tài chính Việt Nam chỉ được sử dụng bởi người Việt Nam, mà chúng ta phấn đấu xây dựng một nền tài chính mà mọi người đều có quyền tiệm cận và sử dụng nó một cách tốt nhất cho sự phát triển lợi ích của nền tài chính ấy và sự phát triển chính nền tài chính ấy. Cho nên nếu vạch mặt chỉ tên những nhà đầu tư nước ngoài gọi vốn trong nước thì có vẻ chúng ta bảo vệ quyền lợi Việt Nam, nhưng trên thực tế chúng ta biến Việt Nam thành một nền kinh tế phi thị trường, ít nhất trong lĩnh vực tài chính. Báo Tiền Phong là một tờ báo rất tiên phong cho nên tôi nghĩ các anh phải thận trọng khi lên án hiện tượng như vậy.
Hỏi: Nhưng ở đây có một cảnh báo của cơ quan an ninh điều tra khi xảy ra một loạt vụ việc cách đây vài năm ở Phú Thọ. Có một số nhà đầu tư nước ngoài không phải là lớn vào đầu tư dự án một vài triệu làm nhà máy, họ vay và lấy chính tài sản của Việt Nam thế chấp, sau đó họ chuồn. Bây giờ những khoản nợ ấy vẫn treo. Đấy là những ví dụ thực tế.
Trả lời: Cái đấy không liên quan gì đến khái niệm anh vừa bàn, đấy là lừa đảo. Xem xét hiện tượng lừa đảo thì những kẻ lừa đảo nhỏ đem lại cho chúng ta ít rủi ro hơn nhiều so với những kẻ lừa đảo lớn. Những dự án lừa đảo một vài triệu đô la là học phí khiêm tốn được trả cho bài học cảnh giác của một nền tài chính. Chỉ một đêm mà một người bán hàng của ngân hàng Barings Bank ở Anh đã làm biến mất ngân hàng có lịch sử dài nhất thế giới này. Barings Bank từng là khách hàng của chúng tôi 22 năm về trước. Cho nên kết luận của cơ quan cảnh sát điều tra không liên quan đến câu chuyện các dự án FDI huy động vốn ở đâu. Chính phủ là người duy nhất biết rất rõ toàn bộ lưu lượng tiền tệ lưu chuyển trong thị trường tài chính Việt Nam và chính phủ biết rất rõ sự thiếu hụt của nền tài chính Việt Nam so với nhu cầu phát triển kinh tế nói chung và so với nhu cầu phát triển các dự án có tính chất đặc thù của nhà nước, chính phủ biết rõ hơn tất cả mọi người về nhu cầu phải làm phong phú nền tài chính. Cho nên phải có chính sách hướng dẫn như thế nào để cho tài chính vào nhiều hơn tài chính huy động quẩn tại chỗ, đấy chính là chính sách đối ngoại về phát triển thị trường tài chính. Muốn có chính sách đối ngoại về phát triển thị trường tài chính thì phải có những món võ để tạo ra tính dễ thương của nền tài chính Việt Nam. Chúng ta khắt khe quá chưa chắc đã là một võ tốt, nhưng chúng ta dễ dãi quá thì chắc chắn là một món võ dở, bởi vì nó sẽ lôi tiền đi chứ không phải mang tiền vào.
Hỏi: Nhưng pháp luật hiện nay không cấm việc huy động vốn trong nước?
Trả lời: Chúng ta đang phấn đấu để không cấm. Chúng ta thấy chính phủ Trung Quốc cũng đang phấn đấu để có thể biến thị trường tài chính của họ thành thị trường tự do hơn. Mọi chính phủ ở trên đời này đều muốn phấn đấu để có nền kinh tế thị trường thật. Chúng ta vào WTO chính là tham gia vào hệ tiêu chuẩn để tạo ra thị trường tài chính như thế.
Hỏi: Theo ông để nâng cao chất lượng đối với việc thu hút các dự án cũng như nguồn vốn FDI đầu tư trực tiếp vào Việt Nam thì chúng ta phải làm gì?
Trả lời: Xác định lại, tổ chức lại quy trình thẩm định các dự án dựa trên một kế hoạch phát triển nền kinh tế rõ ràng hơn. Tức là phải có một kế hoạch tổng thể về phát triển kinh tế, phát triển từng ngành công nghiệp, phát triển từng thế hệ công nghệ, phát triển từng mức độ khác nhau của thị trường tài chính. Tóm lại là phải nhìn nhận lại toàn bộ tiến trình phát triển Việt Nam một cách minh bạch và tỉnh táo. Hạn chế đến mức tối đa có thể bệnh thành tích để làm nơi ẩn nấp cho những động cơ không lành mạnh làm hại đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Nghiên cứu lại chế độ phân cấp, đến tỉnh thì làm đến bao nhiêu, động chạm đến bao nhiêu tài nguyên, bao nhiêu đất đai, bao nhiêu tín dụng là một giới hạn rành mạch cho quá trình phân cấp. Trên mức ấy thì thuộc về quyền của chính phủ. Tất cả các giới hạn như vậy phải nằm trong sự kiểm soát của quốc hội. Một xu cũng phải kiểm soát chứ không phải 35.000 tỷ đồng mới bắt đầu kiểm soát.
Chúng ta phải phân biệt kiểm soát tài chính và kiểm soát tài chính dự án. Chúng ta có những phân cấp kỳ lạ, nó thể hiện tính ngây thơ của quá trình tổ chức hoạt động nhà nước. 35.000 tỷ đồng quốc hội mới thẩm định thì quốc hội chúng ta trở thành một quốc hội quan liêu. Quốc hội ấy không chủ động, không có địa vị, quốc hội cũng chỉ được phân công một giới hạn. Có những chính sách chúng ta đưa ra nhìn thoáng thì không thấy gì, nhưng nếu nhìn kỹ thì thấy rất vô lý. Đến Quốc hội mà cũng được phân cấp công việc thì không còn gì để nói nữa.
Hỏi: Có thể vì Quốc hội quá nhiều việc?
Trả lời: Quốc hội nhiều việc thì Quốc hội tuyển thêm người để làm việc. Phải có ngân sách để Quốc hội thuê những người làm việc cho mình. Tôi nghĩ cần phải làm rõ hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực này một cách rành mạch. Các Bộ, các ngành phải đóng vai trò cố vấn kỹ thuật và thẩm định chất lượng kỹ thuật. Chất lượng kỹ thuật ở đây được thể hiện ở một số điểm như có khuyến khích sử dụng lao động địa phương hay không, có khuyến khích các chuyển giao công nghệ của những thế hệ tiên tiến phù hợp với từng mức độ phát triển của xã hội Việt Nam hay không, các dự án có phù hợp với năng lực quản lý của hệ thống ngân hàng và tài chính Việt Nam hay không.
Các ngân hàng của chúng ta hiện nay có thể quản lý 10 tỷ, 20 tỷ hay 100 tỷ đô la, nhưng quản lý một dự án 10 tỷ đô la thì không thể vì phải có năng lực thẩm định công nghiệp. Ngân hàng của chúng ta chỉ cấp vốn mà không có năng lực thẩm định. Trên thế giới có những cơ quan như cơ quan điều tra các vi phạm về chế độ bảo hiểm, luật bảo hiểm của công ty bảo hiểm Lloyd's còn chuyên nghiệp hơn cả cơ quan tình báo quốc gia MI6 của Anh về lĩnh vực ấy. Đôi khi các cơ quan an ninh quốc gia của Anh phải thuê công ty điều tra của Lloyd's cho các công việc mang tính nhà nước. Chúng ta chưa có bất kỳ một tổ chức nào đủ trình độ chuyên nghiệp để quản lý một dự án công nghiệp 10 tỷ đô la, mà bây giờ chúng ta có hàng chục cái như thế.
Cuối cùng là cần phải giải quyết một cách đồng bộ những vấn đề an ninh quốc phòng, những vấn đề về đồng thuận xã hội trong việc thực thi và triển khai các dự án. Chính phủ không được để chính quyền địa phương ép dân của mình để làm thuận lợi cho các dự án. Người gặt hái tất cả các hậu quả của sự quan liêu của chính phủ trung ương sẽ là Đảng. Đảng sẽ đứng trước nguy cơ mất uy tín, mất sự đồng thuận xã hội, mất sự ủng hộ của xã hội.
Hỏi: Có nhiều dự án đầu tư nước ngoài lúc người ta vào thì chúng ta rất nghênh đón nhưng cuối cùng lại không triển khai được. Ví dụ dự án 30 tỷ đô ở Thanh Hoá mà báo Tiền Phong đã cảnh báo, sau đó đúng là nhà đầu tư dỏm, rồi nhiều dự án khác đất đai cũng bỏ không. Vậy nên qui trách nhiệm cho những người đứng đầu địa phương khi đã được phân cấp như thế nào?
Trả lời: Chúng ta không thể tuỳ tiện nói đến chuyện qui trách nhiệm cho những người đứng đầu được, bởi vì trách nhiệm của những người đứng đầu ở mọi cấp phải được qui định bằng luật pháp. Hiện tượng kêu gọi qui trách nhiệm cho người đứng đầu bằng các phương tiện truyền thông thể hiện một cách rực rỡ tình trạng vô pháp luật của xã hội chúng ta. Xã hội không thể kêu toáng lên về việc qui trách nhiệm cho những người đứng đầu. Tình trạng này cho thấy rằng chúng ta chưa xây dựng được hệ thống luật pháp trong đó trách nhiệm được xác định một cách rành mạch để trở thành căn cứ thẩm định chất lượng các hành vi của những người đứng đầu.
Hỏi: Nhưng luật pháp phải đi từ thực tiễn xã hội bởi không ai khi xây dựng luật có thể lường hết được tất cả các hành vi diễn ra trong xã hội?
Trả lời: Nhưng những sự kêu toáng hiện nay của xã hội chúng ta không phải là phát hiện gì mới. Không có sáng kiến tư tưởng, sáng kiến pháp luật cũng như sáng kiến chính trị gì trong sự kêu toáng ấy cả. Sự kêu ca hiện nay của xã hội là sự kêu ca một cách sơ cấp và nó thể hiện tính sơ cấp của sự phát triển của xã hội chúng ta. Cho nên các nhà khoa học phải tham gia vào cuộc để phân tích các trạng thái sẽ có do những hạn chế đang có của hệ thống pháp luật. Chúng ta có rất nhiều tờ báo liên quan đến luật học như Công lý, Pháp lý, Pháp luật Việt Nam… đủ hết, nhưng không báo nào thảo luận những vấn đề của mình vì những vấn đề ấy quá chuyên nghiệp, ít người quan tâm. Báo của chúng ta chỉ bán được khi xã hội đọc dễ hiểu, tức là những sự kêu toáng của nó là phổ thông thì báo mới có nhiều người xem. Do tính chất thương mại của báo chí mà đôi khi chúng ta chỉ kêu lên những điều dễ hiểu, còn những rủi ro tiềm ẩn rất lớn đối với vận mệnh quốc gia thì chúng ta không nêu được.
Hỏi: Ý ông là trách nhiệm của những người đứng đầu ở các địa phương trong việc thẩm định các dự án FDI phải được qui định trong luật?
Trả lời: Đương nhiên phải được qui định trong luật, nếu không thì trách nhiệm xã hội được đặt trên cơ sở nào? Khi qui định một cách chặt chẽ bằng pháp luật thì bất cứ ai nhậm chức chủ tịch một tỉnh cũng phải cẩn thận. Ai cũng muốn đầu tư để làm chủ tịch tỉnh nhưng làm như thế nào và phải chịu trách nhiệm gì thì không rõ. Nếu không làm được thì hình phạt là gì cũng không có. Chúng ta đang có một tình trạng vô khế ước đối với tất cả các chức vụ của bộ máy quản lý nhà nước ở mọi cấp.
Hỏi: Hoặc có mà không dùng?
Trả lời: Khi có mà anh không tự dùng thì xã hội sẽ ép anh dùng, nhưng bây giờ xã hội cũng không có phương tiện để ép anh dùng. Chúng ta chưa có một hệ thống pháp luật đủ để qui định trách nhiệm, kể cả thưởng lẫn phạt những người cầm đũa chỉ huy ở các cấp độ khác nhau của hệ thống nhà nước.
Trong các giáo trình luật học của các trường đại học ở Việt Nam đều có một thuật ngữ gọi là khủng hoảng pháp chế. Khủng hoảng pháp chế là khi nhà nước chủ động và tiên phong trong việc vi phạm pháp luật. Chúng ta thử nghiên cứu xem trong các hành vi hàng ngày của các cơ quan khác nhau của nhà nước có bao nhiêu hành vi vi phạm hiến pháp? Ở các tỉnh thành đã nhiều rồi, lên trên các bộ cũng có rất nhiều vi phạm nữa. Nếu không có được hệ thống pháp luật với những qui định rõ ràng về trách nhiệm của những người đứng đầu thì nhà nước của chúng ta sẽ hoạt động trên nền tảng của tình trạng khủng hoảng pháp chế.
Những thắc mắc của xã hội như các anh phản ánh thể hiện rằng xã hội chúng ta đang ở trình độ nhận thức rất thấp về cái gọi là hoạt động nhà nước. Nói rộng ra thì có nhiều vấn đề, nhưng tóm lại thì chỉ có một vấn đề, đó là chúng ta chưa biết gì ngoài việc tất cả những ai dưới nhà nước mà lơ mơ là chúng ta gô cổ ngay. Đấy là món võ vạn năng và cuối cùng để khẳng định vai trò của nhà nước. Chúng ta quên mất rằng đấy là việc mà vạn bất đắc dĩ một nhà nước mới phải làm. Chúng ta đang lạm phát việc sử dụng các quyền lực của nhà nước trong những vấn đề đáng ra không cần phải có nó.
Hỏi: Cho nên cần phải phấn đấu để có một xã hội dân sự?
Trả lời: Người Trung Quốc chưa chấp nhận khái niệm xã hội dân sự, chúng ta cũng vậy. Người Việt Nam ở trong nước nói dưới bóng râm của chế độ chính trị của chúng ta về khái niệm này cũng mới chỉ có một vài người, nhưng cũng nói một cách khác nhau và ít người tiệm cận đến bản chất của khái niệm xã hội dân sự. Trong một nghiên cứu về xã hội dân sự tôi đã rút ra kết luận rằng bản chất của việc xây dựng xã hội dân sự chính là tôn trọng quyền con người.
Cảm ơn ông!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá