Hàng loạt các “vị trí quan trọng trong nền kinh tế” đầu tư dàn trải, thua lỗ nặng nề

11:29 SA @ Thứ Năm - 04 Tháng Mười Một, 2010
Đây là bài báo đăng trên báo Đại Đoàn Kết ngày 9/7/2008 (dư luận rất quan tâm)về sự thua lỗ trầm trọng và hoạt động lệch lạc của các Tổng Công ty Nhà nước, trong đó có Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Vinashin, khi đó Tổng công ty đã trình Chính phủ dự án xây dựng đội tàu 19.000 tỷ... Thế rồi cho mãi đến hôm nay, tại kỳ họp Quốc hội ngày 1/11/2010, Quốc hội vẫn đang tranh luận về việc ai sẽ phải chịu trách nhiệm về sự thua lỗ, "sụp đổ" của Tập đoàn Vinashin. Hình như theo cơ chế thì không ai chịu trách nhiệm về hậu quả, chỉ có người nhận trách nhiệm về thành tích... Quả thực, có đại biểu Quốc hội đã đề cao năng lực của Chính phủ, quyết đoán, phản ứng nhanh với Vinashin bằng quyết định kịp thời tái cơ cấu doanh nghiệp. (Một dạng cám ơn "tinh thần" khẩn trương chở người bệnh đi cấp cứu kịp thời, sau khi phát hiện con bệnh đã ốm nặng hơn 2 năm *)!!!).

Chungta.com xin đăng lại bài tin này để tham khảo về một mặt hoạt động của các Tổng công ty Nhà nước do Chính phủ quản lý, chỉ đạo...



Vấn đề Doanh nghiệp Nhà nước đầu tư ngoài ngành với tổng số tiền lên tới 7 ngàn tỷ đồng; Hàng loạt những tập đoàn, TCTy 90-91 khổng lồ đang kinh doanh thua lỗ nặng nề hoặc có lãi không bằng một hợp tác xã tư nhân và việc cắt giảm các dự án đầu tư theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đang là những vấn đề dư luận hết sức quan tâm...


Sáng qua (10-7-2008) Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã tổ chức buổi họp báo để thông báo tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2008. Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn chủ trì buổi họp báo. Tham dự còn có Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, Phó Tổng kiểm toán Nhà nước Lê Minh Thái cùng lãnh đạo nhiều Tập đoàn, Tổng công ty (TCT) Nhà nước.

Đầu tư ngoài ngành lên tới 7 ngàn tỷ đồng

Tại buổi họp báo, hai vấn đề được đặc biệt quan tâm đó là tình hình đầu tư vốn và hoạt động huy động vốn cho đầu tư của các Tập đoàn và TCT. Mặc dù báo cáo của Ban chỉ đạo ghi nhận việc các tập đoàn, TCT hoạt động theo mô hình công ty mẹ, con là hướng đi đúng trong tiến trình đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp. Nhưng không thể phủ nhận một thực tế, thời gian qua cũng có một số tập đoàn, TCT đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bất động sản với số tiền lên tới hơn 7000 tỷ đồng.

Báo cáo do Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp khẳng định: Các Tập đoàn, Tổng Công ty đang giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế, làm công cụ vật chất để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô. Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2008, tổng vốn nhà nước của 7 tập đoàn, 11 TCT 91 và 56 TCT 90 chiếm 402.815 tỷ đồng, tổng doanh thu 510.811 tỷ đồng, đạt 59,3% kế hoạch năm, tăng 50,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 79.329 tỷ đồng, đạt 53,5% kế hoạch, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2007. Tổng số tiền nộp ngân sách là 78.066 tỷ đồng, đạt 68,4% kế hoạch, tăng 58,6%.

Về vấn đề này, Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo các DNNN không được sử dụng vốn đầu tư của chủ sở hữu, quỹ đầu tư phát triển và nguồn vốn xây dựng cơ bản để tham gia góp vốn thành lập, mua cổ phần của các quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán. Việc đầu tư phải không làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên cho đến thời điểm này, vẫn có những tập đoàn tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực ngoài ngành như việc Tập đoàn Dầu khí đầu tư vào ngân hàng Hồng Việt là một ví dụ. Tình hình đầu tư vào các lĩnh vực ngoài ngành đang gây ra những lo ngại, thậm chí các chuyên gia kinh tế nước ngoài còn cảnh báo về tính hiệu quả.

Về lĩnh vực hoạt động huy động vốn cho đầu tư của các tập đoàn, TCT báo cáo của Ban chỉ đạo cho biết: Tính đến 31-12-2007, tổng vốn huy động (bao gồm cả vốn vay trong nước, vay nước ngoài, vay ngắn hạn, vay dài hạn và các khoản nợ phải trả khác) của 76 tập đoàn, TCT là 514.465 tỷ đồng, gấp 1,36 lần vốn chủ sở hữu.

Trước số liệu tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của các DNNN như trong báo cáo nêu ra, nhiều câu hỏi tại buổi họp báo đã dẫn chứng về tỷ lệ này được báo chí đề cập trong thời gian gần đây gấp tới 20 lần, chiếm 40% GDP. Ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính, thành viên Ban chỉ đạo giải thích: Như chúng tôi vừa nêu, tỷ lệ nợ trên vốn của các doanh nghiệp hiện nay không lớn, chỉ khoảng 1,36 lần. Theo tôi hiện nay chưa có vấn đề gì lớn đối với các DNNN. DNNN của ta khác với DNNN của nước ngoài vì chủ sở hữu là Nhà nước.

Nhà nước sẽ không bù lỗ, trừ sản phẩm dầu

Theo báo cáo hàng loạt những tập đoàn, TCT lỗ với số lượng lớn như: TCT xăng dầu lỗ 900 tỷ đồng, TCT Xây dựng miền Trung lỗ 88 tỷ đồng, TCT Hàng không lỗ 83,5 tỷ đồng, TCT Chè lỗ 4,8 tỷ đồng. ..và nhiều TCT tuy không lỗ nhưng lợi nhuận đạt thấp như TCT Thủy sản Hạ Long 600 triệu đồng, TCT Thiết bị y tế đạt 700 triệu đồng... Về tình trạng kinh doanh thua lỗ của các Tập đoàn, TCT, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết thêm: Theo thống kê năm 2007 có 97% Tập đoàn, TCT kinh doanh có lãi, có nghĩa là chỉ 3% số lượng Tập đoàn, TCT lỗ. Năm 2008 này,vẫn có thể có một số DN thua lỗ.

Trả lời câu hỏi, liệu Nhà nước có bù lỗ cho các Tập đoàn, TCT do việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ để kiềm chế lạm phát, mà không được phép tăng giá bán dẫn đến thua lỗ, ông Trần Xuân Hà khẳng định: Nhà nước chỉ tiến hành bù lỗ đối với sản phẩm dầu, tất cả các sản phẩm khác doanh nghiệp tự hạch toán, tự kinh doanh và tự bù lỗ.

Liên quan đến vấn đề này, nhiều câu hỏi được đặt ra là, liệu Chính phủ có can thiệp quá sâu bằng các biện pháp hành chính, làm méo mó và không tôn trọng nền kinh tế thị trường hay không, ông Phạm Viết Muôn - Phó trưởng ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết: Mục tiêu số 1 của Chính phủ là kiềm chế lạm phát, có những thứ chúng ta phải chấp nhận hành chính. Nhiều tổ chức quốc tế cũng khuyên chúng ta nên làm như vậy, vì quy mô nền kinh tế còn nhỏ. Trong 6 tháng cuối năm, sẽ có các mặt hàng doanh nghiệp đòi tăng nhưng Chính phủ không đồng ý cho tăng để đảm bảo kiềm chế lạm phát. "Đúng là làm thế này thì sẽ làm méo mó thị trường nhưng chúng ta đành chịu méo mó thị trường để không làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Những lúc như thế này phải hy sinh cái này để được cái kia", ông Muôn nói.

Cắt giảm và đình hoãn các danh mục đầu tư

Việc cắt giảm và đình hoãn các dự án đầu tư là một trong những giải pháp được Chính phủ đề ra nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững. Trong năm 2008, các Tập đoàn, TCT sẽ tiến hành cắt giảm, đình hoãn 609 dự án, với tổng số vốn 34.190 tỷ đồng. Các đơn vị cắt giảm đầu tư nhiều là TCT Hàng Hải 6.179 tỷ đồng, Tập đoàn Dầu khí 6000 tỷ đồng (113 dự án) TCT Du lịch Sài Gòn 2.768 tỷ đồng, Tập đoàn Bưu chính viễn thông 1.880 tỷ đồng (245 dự án), Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy 6.500tỷ đồng (49 dự án)...

Tuy nhiên, tại cuộc họp báo này, dẫn chứng của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy liên tiếp được đưa ra để minh chứng cho sự cắt giảm không đúng đối tượng và cắt giảm không hiệu quả đang diễn ra. Đó là việc, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy công bố cắt giảm 6.500 tỷ đồng, nhưng đồng thời lại trình Chính phủ "siêu đề án" với tổng số vốn đầu tư 19.000 tỷ đồng để xây dựng đội tàu trong khi kết quả có khả thi hay không còn đang phải bàn cãi(!).

Về dự án của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy, ông Phạm Viết Muôn cho biết: Đề án 19.000 tỷ đồng là đề án trong tương lai, không phải là kế hoạch để thực hiện trong năm nay. Dự kiến dự án này sẽ được thực hiện kéo dài đến năm 2020, khi chúng ta đạt được mục tiêu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.


*)Tính đến 31.12.2008, một số Tổng công ty có tỉ lệ tổng nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu rất cao. (Vượt hệ số nợ an toàn cho phép là 3 lần vốn chủ sở hữu). Tập đoàn Vinashin nợ 19 nghìn 885 tỉ đồng, chiếm 15,44%tổng nợ tín dụng của 7 tập đoàn (gồm các tập đoàn: Dầu khí, Than khoáng sản, Caosu, Dệt may, Công nghiệp tàu thủy, Điện lực, Bưu chính Viễn thông, không tính Tập đoàn Bảo Việt là 128 nghìn 786 tỉ đồng). Số nợ của Vinashin gấp 10,9 lần vốn chủ sở hữu.


FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Khi chính phủ “đi buôn”

    27/08/2019TS Nguyễn Sỹ Phương, CHLB ĐứcTừ khi nước ta chuyển qua mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN, mọi doanh nghiệp phải thực hiện chức năng kinh doanh đích thực, do quy luật kinh tế thị trường đòi hỏi, nghĩa là vì mục đích lợi nhuận; nghiệp vụ kinh doanh mua và bán được trả lại đúng nghĩa đi buôn của nó, với tiêu thức lưạ chọn, mua sao cho thật rẻ, bán sao cho thật đắt. Tuy nhiên, doanh nghiệp ở ta phải tuân theo định hướng XHCN, cơ bản vẫn được điều hành theo mô hình kinh tế quản lý tập trung trước đây, nên như Vinashin mua và bán vẫn phải xin quyết định của chính phủ...
  • Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước: Quyết làm, đừng nghĩ như… xưa

    03/03/2014Thế PhanSắp xếp, chuyển đổi sở hữu (DNNN) mà trọng tâm là cổ phần hóa DNNN được coi là xương sống của công cuộc đổi mới về kinh tế. Theo đó là đổi mới cơ chế, chính sách nhằm nâng cao tính tự chủ. tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực hoạt động đồng thời dần tiến tới hoạt động trên cùng một mặt bằng pháp lý với các doanh nghiệp thuộc thành phần kình tế khác trong cơ chế thị trường. Tuy nhiên, xung quanh vấn để này còn không ít lúng túng...
  • Tư duy kinh tế thời bao cấp và phá rào, “những bài học lịch sử từ những mũi đột phá”

    31/03/2010Đặng PhongSau Tư duy kinh tế Việt Nam – Chặng đường gian nan và ngoạn mục 1975-1989, xuất bản năm 2008, tái bản năm 2009 với nhiều bổ sung và tên mới Tư duy kinh tế Việt Nam 1975-1989 – Nhật ký thời bao cấp (Nxb Tri Thức, 476 trang), sử gia kinh tế Đặng Phong đã cho ra tiếp theo ‘Phá rào’ trong kinh tế vào đêm trước Đổi mới (Nxb Tri Thức 2009, 534 trang).
  • Kornai bàn về ổn định kinh tế vĩ mô

    30/04/2008TS. Nguyễn Quang AVề cải cách và ổn định kinh tế vĩ mô đã được ông nói khá nhiều trong cuốn "Con đường dẫn tới nền kinh tế tự do" ngoài những thứ khác liên quan đến quá trình chuyển đổi như cải cách sở hữu. Ông bàn kỹ về việc phải chặn đứng lạm phát, phục hồi cân bằng ngân sách, về chính sách tỉ giá v.v...
  • Nghe các tập đoàn lớn nói

    28/04/2008TS. Nguyễn Quang ANgày 23.4.2008 trong và bên lề Hội nghị Sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, người ta đã được nghe những lời bộc bạch "lấy ngắn nuôi dài" của những người đứng đầu một số "tập đoàn" lớn, các tổ chức được Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng gọi là các "anh cả" của nền kinh tế...
  • Luận bàn về quản lý: Nhà nước, mô hình tập đoàn và cổ phần hóa

    27/04/2008Sau một năm gia nhập WTO, bên cạnh những thành tựu thu được, Việt Nam phải đối mặt với hàng loạt vấn đề lớn có xuất phát điểm từ điều hành quản lý kinh tế. Giới doanh nghiệp, người dân tiếp tục trông đợi sự chèo lái của Nhà nước nhằm giảm thiểu những rủi ro tiềm ẩn ở phía trước. Bàn về vấn đề này, các chuyên gia kinh tế khẳng định, để đáp ứng sự trông đợi đó, đã đến lúc cần một sự đổi mới về quản lý Nhà nước...
  • Trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành

    25/04/2008Minh ChâuGiá cổ phiếu và TTCK Việt Nam đang đứng trước những thử thách cam go, ông Nguyễn Trần Bạt - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Invertconsult Group đặt ra vấn đề...
  • An ninh tài chính: Một khía cạnh xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ theo định hướng XHCN

    14/04/2008Nhà báo Trường Phước (Bình luận kinh tế năm 2003)Hệ thống tài chính - tiền tệ phải được xây dựng, vận hành theo những nguyên tắc của kinh tế thị trường, công khai, minh bạch...
  • Không thể tiếp tục xóa nợ cho doanh nghiệp Nhà nước

    09/12/2005Luật gia Vũ Xuân Tiến (Giám đốc Công ty tư vấn VFAM Việt Nam)Đã từ lâu, khi nền kinh tế nước ta chỉ có các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), tình trạng thua lỗ trong các DNNN đã xẩy ra nghiêm trọng. Vì thua lỗ trong kinh doanh nên rất nhiều DNNN không còn khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn. Trong trường hợp ấy, lẽ ra phải tuyên bố phá sản doanh nghiệp thì người ta lại nghĩ ra và áp dụng một biện pháp thật hy hữu trong quản lý kinh tế, đó là: khoanh nợ, giãn nợ và xóa nợ cho những doanh nghiệp này.
  • Mô hình Kornai về các hệ thống kinh tế

    07/07/2005Tác phẩm Hệ thống xã hội chủ nghĩa. Chính trị kinh tế học phê phán và Con đường dẫn đến kinh tế thị trườngcủa Kornai János, nhà kinh tế học người Hung, giáo sư Harvard (Mỹ), đều do Nguyễn Quang A dịch, Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin, vừa ra mắt đã lập tức được coi là những cuốn sách quan trọng nhất năm 2002 ở Việt Nam. Để bạn đọc có thể dễ dàng tiếp cận với hơn 1000 trang sách ấy, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của dịch giả Nguyễn Quang A sau đây.
  • xem toàn bộ