Bản chất lãnh đạo TQ vẫn không hề thay đổi
Cuộc phỏng vấn Trung tướng Phạm Xuân Thệ - Nguyên Tư lệnh Quân khu I về việc Trung Quốc cải tạo đảo phi pháp thuộc chủ quyền của Việt Nam...
Gần đây việc Trung Quốc đẩy nhanh tốc độ cải tạo các bãi đá ngầm thành các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam cũng như sự kiện máy bay của Mỹ 8 lần bị hải quân Trung Quốc xua đuổi khi bay trên khu vực gần với các vị trí đảo đá nhân tạo mà Trung Quốc chiếm giữ phi pháp đã và đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Về những vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng Phạm Xuân Thệ - Nguyên Tư lệnh Quân khu I để tham khảo những ý kiến và nhấn định của ông về tình hình Biển Đông.
Anh hùng LLVTND, Trung tướng Phạm Xuân Thệ - Nguyên Tư lệnh Quân khu I (Ảnh: N.Minh).
PV: Thưa Trung tướng, những việc làm gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông khiến cho cộng đồng quốc tế và trong khu vực hết sức lo ngại. Vậy ông đánh giá như thế nào trước những hành động ngang ngược này của phía Trung Quốc?
Những hành động vừa qua trên Biển Đông như kéo giàn khoan, ra lệnh cấm đánh cá, cải tạo đảo phi pháp…đều nằm trong chiến lược bá quyền của Trung Quốc tại khu vực này. Nó đã đi ngược lại tất cả những luật lệ của quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS). Trong đó, hoạt động cơi nới, mở rộng các đảo đá ngầm thành những hòn đảo nổi nhân tạo trên khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam là vô cùng nguy hiểm.
Qua đây có thể thấy rõ hơn được âm mưu thôn tính Biển Đông của Trung Quốc nhằm chiếm và khống chế trọn tuyến đường hàng hải quan trọng này. Bản chất này của lãnh đạo TQ từ xưa cho tới nay vẫn không hề thay đổi.
PV: Ông có thể nói rõ hơn về nhận định này được không?
Kể từ giữa thế kỷ 20 cho tới nay, bất cứ quốc gia nào có cùng biên giới với Trung Quốc đều xảy ra mâu thuẫn và tranh chấp về lãnh thổ như Nga, Ấn Độ, Mông Cổ... Thậm chí trên biển, trong đó có thể kể tới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philipines và Việt Nam cũng đã và đang xảy ra tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc.
Người xưa đã có câu nói: “Giang sơn dễ đổi, những bản tính khó rời”. Bản chất của các lãnh đạo Trung Quốc từ nhiều thế kỷ nay vẫn không hề thay đổi. Trong lịch sử hàng ngàn năm qua, các triều đại Trung Quốc đã luôn tìm cách thôn tính các quốc gia láng giềng bằng nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Việt Nam chúng ta cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó. Nhưng đồng thời, lịch sử cũng đã khẳng định một chân lý, chiến thắng chưa chắc đã thuộc về kẻ mạnh với quân số đông và vũ khí vượt trội.
Bản chất của một nước lớn những luôn muốn mở rộng và bành trướng lãnh thổ đã ngấm sâu vào các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc.
PV: Trước việc mới đây Trung Quốc tự ra lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, bao gồm cả khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam, theo ông Việt Nam cần có cách tiếp cận như thế nào?
Đây rõ ràng là một quyết định phi pháp và vô giá trị đối với Việt Nam mà đại diện Bộ Ngoại giao và Hội Nghề cá của ta đã khẳng định trước báo giới.
Chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS và DOC. Việc Trung Quốc ngang nhiên ra lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông mà bắt cả ngư dân Việt Nam không được ra biển khai thác thủy hải sản là điều rất nực cười. Biển Đông không phải là ao nhà của Trung Quốc mà họ tự cho mình cái quyền ấp đặt nước khác không được ra biển đánh bắt cá cả.
Giờ đây, việc ngư dân ra khơi bám biển ngoài việc đánh bắt thủy hải sản phát triển kinh tế thì quan trọng hơn, chính họ là những người đang góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo cho Tổ quốc. Đảng, Nhà nước và Chính phủ cần có các chính sách ưu tiên tạo thuận lợi hơn cho bà con yên tâm ra khơi bám biển.
PV: Trở lại câu chuyện cải tạo đảo, Trung Quốc đang có những toan tính gì phía sau đó, thưa Trung tướng?
Trong khoảng thời gian gần 10 năm công tác tại Quân khu I, tôi cùng với các đồng đội của mình đã nhiều lần chứng kiến sự ngang ngược của phía Trung Quốc. Địa bàn của đơn vị chúng tôi đóng trên địa phận các tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Bắc Ninh, Bắc Giang. Việc quân đội ở khu vực biên giới như ở khu vực cầu sông Bắc Luân thường xuyên bắc loa tuyên truyền phía Trung Quốc không được xâm phạm lãnh thổ của ta diễn ra thường xuyên. Nhưng phía láng giềng không hề nghe và thậm chí còn…bắc loa công suất lớn hơn để nói lại ta trong khi chính họ là những người xâm phạm biên giới.
Điều này cho thấy, không chỉ trên đất liền và ngày nay là trên biển. Trung Quốc luôn muốn tìm cho mình những điểm có lợi theo hướng có lợi cho họ.
Việc Trung Quốc gia tăng tần suất cải tạo các đảo, đá ngầm trên Biển Đông thành những hòn đảo nổi nhân tạo khiến cộng đồng quốc tế phản đối gay gắt (Ảnh: Internet).
Từ việc chiếm các đảo, đá ngầm trong tự nhiên từ nhiều năm trước, tới việc cơi nới cải tạo thành đảo nhân tạo rồi đưa dân ra đó ở sinh sống. Trong thời gian không xa, Trung Quốc cũng sẽ đưa ra các đảo mới cải tạo phi pháp đó đầy đủ các trang thiết bị phục vụ dân sinh, rồi cả súng ống đạn dược cho quân đội đồn trú hòng thiết lập thêm một đơn vị hành chính nữa giống như cái gọi là “thành phố Tam Sa” mà nước này đã làm từ năm 2012. Điều này đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, nhất là Việt Nam và Philipines.
Nguy hiểm hơn nữa, một khi Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng trái phép tại các đảo vừa cải tạo phi pháp; cộng với việc áp dụng quy định các khu vực cách đó 12 hải lý thì sẽ tạo ra một vùng biển khép kín mà theo Trung Quốc, đó là vùng biển của họ.
Chiêu bài “sự đã rồi” luôn được Trung Quốc thường xuyên áp dụng dựa vào sức mạnh cơ bắp và tài chính. Trong vấn đề Biển Đông cũng như vậy. Âm mưu của họ là muốn hiện thực hóa cái gọi là “yêu sách 9 đoạn” vô lý trên Biển Đông.
PV: Trước những diễn biến căng thẳng này, phía Mỹ đã cử máy bay do thám tới bay gần khu vực đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm giữ trái phép trên Biển Đông và bị Hải quân Trung Quốc xua đuổi, Trung tướng nhận định gì về sự can thiệp của Mỹ trong vấn đề Biển Đông hiện nay?
Chúng ta cần hiểu vấn đề này một cách thật đầy đủ và thận trọng.
Nếu coi Mỹ tới đây là để hoàn toàn giúp Việt Nam thì tôi nghĩ chưa chắc đã phải. Bởi đằng sau họ còn có các đồng minh thân cận như Nhật Bản, Hàn Quốc và Philipines nữa. Còn tất nhiên, sự có mặt của Mỹ ở thời điểm hiện tại rõ ràng đã tạo ra một cơ hội để nhằm hạn chế được sự ngang ngược của phía Trung Quốc. Khiến nước này cũng phải dè chừng trước những bước đi mới.
Mỹ hành động như vậy là để bảo vệ quyền lợi của họ ở Biển Đông – Một con đường kết nối giao thương quan trọng của Mỹ với các quốc gia Đông Nam Á. Bên cạnh đó, chính điều này đã khiến cho các nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ Philipnes và Việt Nam càng xích lại gần nhau hơn đối với vấn đề Biển Đông.
Những hình ảnh mà phóng viên hãng tin CNN của Mỹ ghi lại khi ngồi trên máy bay do thám bay trên Biển Đông hôm 20.5 bị hải quân Trung Quốc dùng loa xua đuổi đã cho thấy một sự bất chấp luật pháp quốc tế và ngang ngược của Trung Quốc. Chắc chắn trong thời gian tới, tình hình tại khu vực này sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp.
PV: Về góc độ cá nhân, Trung tướng có góp ý gì đối với các cơ quan Đảng, Nhà nước trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay?
Năm nay, tình hình trên Biển Đông có phần phức tạp hơn do phía Trung Quốc đang ráo riết xây dựng đảo trái phép nên đòi hỏi Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế cần tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa trên mặt trận chính trị ngoại giao, gây sức ép với Trung Quốc.
Trung Quốc càng ngang ngược, ta càng phải kiên quyết đấu tranh.
Vấn đề cốt yếu hiện nay là ta phải đấu tranh làm sao cho Trung Quốc không thể tiếp tục cải tạo trái phép các hòn đảo đá ngầm mà họ chiếm giữ phi pháp được. Một khi Trung Quốc đã xây dựng trạm quan sát không lưu, đưa vũ khí, trang thiết bị để bảo vệ và đưa dân ra đó ở thì công cuộc đấu tranh sẽ còn khó khăn hơn rất nhiều. Về điều này, tôi cho rằng lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Bộ Quốc phòng sẽ có những bước đi phù hợp trong thời gian tới.
Xin cảm ơn Trung tướng!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn