Biển Đông và hải đảo Việt Nam

10:59 SA @ Thứ Sáu - 06 Tháng Tám, 2010

Tác giả : Thiện Cẩm, Nguyễn Đình Đầu, Nguyễn Thái Hợp, Nguyễn Nhã, Nguyên Ngọc, Phan Đăng Thanh, Nguyễn Q.Thắng, Hoàng Việt
Số trang : 168 trang
Giá bìa : 30000 VNĐ
Khổ sách : 13x19 cm
Loại bìa : Mềm, tay gập
Phát hành : Công ty CP Đại lý xuất bản VNN
Năm xuất bản : 2010
Tình trạng : Còn Sách
Sách do Nhà nước đặt hàng xuất bản.

Biển Đông là biển lớn nhất trong sáu biển lớn của thế giới với diện tích khoảng 3.447.000 km2. Trong Biển Đông bao la đó, lãnh hải của Việt Nam chiếm khoảng trên 1.000.000 km2. Trước khi bị một số nước xâm chiếm, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hoàn toàn thuộc chủ quyền Việt Nam. Ngay từ thế kỷ XVIII nước ta đã thiết lập đội Hoàng Sa để khai thác hải sản và bảo vệ chủ quyền của mình.

Giới thiệu Sách

Ngày xưa, khi đề cập đến lãnh thổ Việt Nam, nhiều người thường chỉ nghĩ đến phần lục địa, chạy dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, bắc giáp Trung Quốc, Tây giáp Lào và Campuchia. Tuy nhiên, theo định nghĩa hiện đại, lãnh thổ không chỉ gồm có vùng núi, vùng trung du, vùng đồng bằng và sông ngòi, mà còn bao gồm tất cả vùng trời, vùng biển và hải đảo. Như vậy, đất nước Việt Nam của chúng ta không chỉ chạy dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, mà còn trải rộng từ Tây Trường Sơn tới Đông Trường Sa.

Quê hương Việt Nam thân yêu có một bờ biển dài khoảng 3.260km, chạy từ biên giới Trung Quốc tới vịnh Thái Lan. Ngoài ra, Việt Nam cũng là một quốc gia có nhiều hải đảo và quần đảo: ước tính gần 3.000 hòn đảo lớn nhỏ. Vì vậy, lãnh thổ của chúng ta đâu chỉ thu hẹp ở phần lục địa, với khoảng 329.314,5km2, mà còn trải rộng ra Biển Đông và vùng lãnh hải bao la. Ranh giới của Việt Nam đương nhiên được mở rộng gấp nhiều lần và tiếp giáp với lãnh hải của tám quốc gia và vùng lãnh thổ: Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Indonesia, Malaysia, Brunei, Campuchia và Thái Lan. Do đó, đất nước Việt Nam đã được nhân rộng gấp ba hay gấp bốn lần không những về lãnh thổ, mà cả về tiềm năng, sức sống và định hướng phát triển tương lai.

Biển Đông là biển lớn nhất trong sáu biển lớn của thế giới với diện tích khoảng 3.447.000km2. Trong Biển Đông bao la đó, lãnh hải của Việt Nam chiếm khoảng trên 1.000.000km2. Trước khi bị một số nước xâm chiếm, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hoàn toàn thuộc chủ quyền Việt Nam. Ngay từ thế kỷ XVIII nước ta đã thiết lập đội Hoàng Sa để khai thác hải sản và bảo vệ chủ quyền của mình.

Ở giai đoạn phát triển và hội nhập hiện nay, Biển Đông đóng một vai trò rất quan trọng đối với đất nước chúng ta, vì vừa cung cấp tài nguyên lớn lao, vừa trở thành cửa ngõ, bàn đạp để vươn ra đại dương. Đây là con đường huyết mạch nối liền các quốc gia Tây Á và Nam Á với các nước Đông và Bắc Á, cũng như với thế giới. Chính vì vậy một số nước đang nhòm ngó vào Biển Đông.

Việc Trung Quốc yêu sách chủ quyền trên 75% diện tích ở Biển Đông và việc họ thi hành lệnh cấm đánh bắt cá từ ngày 16.5.2009 bằng cách tăng cường tàu ngư chính đang làm cho Biển Đông trở thành một “nguy cơ” bất ổn cho khu vực. Đặc biệt, từ cuối năm 2007, khi Trung Quốc đơn phương đặt hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trực thuộc hệ thống hành chính của mình, thì thực sự họ đã đi xa hơn cuộc tranh chấp lẻ tẻ trên Biển Đông. Phải chăng đây là một hành động xâm phạm lãnh thổ của Việt Nam, bất chấp Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Luật Biển 1982, mà Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei cùng ký?

Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là một quốc gia trải rộng nhiều nhất ra Biển Đông. Nhưng mãi đến tháng 3 năm 2009 vừa qua, Hội thảo quốc gia đầu tiên về chủ quyền ở Biển Đông mới được tổ chức tại Hà Nội. Một số tham luận đặt vấn đề rõ rệt và minh mạch về chủ quyền của Việt Nam trên vùng Biển Đông. Rất tiếc Hội nghị chỉ thu hẹp vào việc thảo luận giữa một số chuyên gia về biển của các quốc gia trong khu vực và thế giới. Hầu như không có sự tham gia của các tổ chức phi Chính phủ và cũng chưa được phổ biến trên các mạng thông tin đại chúng. Nhiều người có lý để đặt vấn đề : tại sao xã hội dân sự không tham gia suy nghĩ và có ý kiến về một vấn đề quan trọng liên quan đến lãnh thổ, cũng như vận mệnh của dân tộc?

Trong cuộc gặp gỡ với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, ngày 9 tháng 4 năm 2009, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã ghi nhận những đóng góp tích cực và kiến nghị thẳng thắn và sôi nổi về những vấn đề liên quan đến đất nước. Ông khẳng định: “Đảng, Nhà nước đánh giá rất cao vai trò của các nhà khoa học. Đây không phải là vấn đề mang tính lý luận, mà đây là nhận thức, là quan điểm. Sự đóng góp của các nhà khoa học, trí thức rất to lớn, hiệu quả trong công cuộc kháng chiến cứu quốc trước đây, xây dựng và phát triển đất nước ngày nay. Không ai có thể phủ nhận những đóng góp, công lao to lớn này”.Ông yêu cầu các nhà khoa học tham mưu cho Nhà nước trong những gì trực tiếp liên quan đến khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo… Và ông kết luận: “Những gì Đảng và Nhà nước không nói được thì các đồng chí thuộc các tổ chức phi chính phủ phải nói…”.

Chính trong tinh thần và ý hướng đóng góp đó, Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình cùng với NXB Tri thức tổ chức tọa đàm khoa học về “Biển Đông và Hải đảo Việt Nam”. Đây là cuộc tọa đàm khoa học đầu tiên do xã hội dân sự tổ chức. Qua tọa đàm này Ban Tổ chức mong muốn vừa thể hiện mối quan tâm của dư luận xã hội, trong cũng như ngoài nước, vừa góp phần cung cấp một số chứng cứ lịch sử và khoa học về chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Kết luận rõ rệt mà tọa đàm muốn chứng minh: Những bản đồ cổ, những luận chứng lịch sử từ thời nhà Lê, chúa Nguyễn và triều Nguyễn, cũng như các châu bản của triều Nguyễn chứng minh rõ rệt rằng Việt Nam đã thực thi chủ quyền trênvùng lãnh hải rộng lớn này một cách liên tục và hòa bình.

Mãi cho đến năm 1909, sử liệu của Trung Quốc vẫn công nhận đảo Hải Nam là ranh giới phía Nam của mình. Yêu sách mới đây của Trung Quốc về cái gọi là “Đường lưỡi bò” trên Biển Đông là hoàn toàn không có cơ sở lịch sử và trái với Luật Biển Quốc tế của Liên Hiệp Quốc. Hơn nữa, cho đến nay Trung Quốc cũng chưa đưa ra các bằng chứng lịch sử có sức thuyết phục về việc thực thi chủ quyền của họ trên Biển Đông từ thời xa xưa.

Tọa đàm hân hạnh có sự đóng góp tham luận và tham gia thảo luận của các thành viên CLB Phaolô Nguyễn Văn Bình, NXB Tri thức, các chuyên gia và các nhà nghiên cứu. Ban Tổ chức và các diễn giả ý thức rõ rệt giới hạn và đặc điểm của một tọa đàm khoa học. Do đó, chúng tôi chỉ muốn vừa giới thiệu một số đóng góp nhỏ bé về lĩnh vực học thuật, vừa gây thêm ý thức trong xã hội dân sự. Chúng tôi cũng mong muốn rằng Biển Đông và Hải đảo Việt Nam sẽ là một cơ hội tốt để đoàn kết tất cả người Việt trong cũng như ngoài nước, vì tiền đồ dân tộc.

Khi tổ chức và thực hiện tọa đàm này chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn. Rất may, Ban Tổ chức cũng nhận được rất nhiều khích lệ, cảm thông, đồng hành và cộng tác tích cực từ nhiều phía, đặc biệt của các diễn giả. Chính nhờ vậy mới hình thành cuộc tọa đàm hôm nay. Cho dù tọa đàm này còn quá nhiều bất cập, nhưng tổ chức được một tọa đàm khoa học về đề tài “Biển Đông và hải đảo Việt Nam” trong bối cảnh hiện nay có thể coi là một việc làm cần thiết và có ý nghĩa, vì tình yêu và trách nhiệm đối với dân tộc Việt Nam.

Chúng tôi xin hân hạnh giới thiệu với bạn đọc cuốn Kỉ yếu tọa đàm này với lòng mong muốn tiếp tục được cùng nhau suy nghĩ và thảo luận chung quanh vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam trên Biển Đông. Có một bài viết đã được trình bày trong hội thảo nhưng chưa được đưa vào cuốn sách: “Chủ quyền quốc gia Việt Nam trên vùng Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa” của tác giả Đinh Kim Phúc. Vì tính quan trọng của bài viết, tác giả Đinh Kim Phúc và nhà xuất bản Tri thức sẽ cho xuất bản bài viết này trong một cuốn sách riêng: Chủ quyền quốc gia Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Mời các bạn đón đọc.

T/m ban tổ chức tọa đàm
Linh mục Nguyễn Thái Hợp
Chủ nhiệm CLB Phaolô Nguyễn Văn Bình

***

Mục lục sách

  • Lời giới thiệu - Nguyễn Thái Hợp
  • Từ Trường Sơn Đông tới Song Tử Tây - Thiện Cẩm
  • Sử liệu của thời Nguyễn và chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - Nguyễn Q. Thắng
  • Hoạch định của nhà Nguyễn thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - Hãn Nguyên Nguyễn Nhã
  • Giới thiệu một số bản đồ cổ thềm lục địa, Biển Đông và hải đảo Việt Nam - Nguyễn Đình Đầu
  • Biển, đảo Việt Nam và quy chế pháp lý của nó - Phan Đăng Thanh
  • Tính phi lí của yêu sách “đường lưỡi bò” ở Biển Đông - Hoàng Việt
  • Nỗi niềm Biển Đông - Nguyên Ngọc
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tài nguyên địa chính trị của Việt Nam

    09/06/2014Vũ Hồng LâmTài nguyên địa chính trị là một khái niệm ít được dùng nhưng bản thân tài nguyên địa chính trị lại được khai thác và sử dụng thường xuyên. Vận mệnh của một dân tộc, sự thịnh suy của một quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào tài nguyên địa chính trị của quốc gia ấy, vào khả năng khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên này...
  • “Người ta hèn là do dân trí thấp”

    07/01/2010Đoan Trang (thực hiện)Xuất thân từ một thanh niên nghèo ở Hà Tĩnh, lận đận kiếm sống bao năm, nhưng anh lại dốc hết tâm sức vào một việc rất có vẻ “vác tù và hàng tổng” - đưa sách về nông thôn - với niềm tin mãnh liệt: Dân tộc mình muốn 50 năm nữa tiến bộ thì bây giờ phải biết đọc sách.
  • Lại nghĩ về biển đảo

    15/09/2009Dương Trung QuốcViệc nghiên cứu những di sản, truyền thống hàng hải của người Việt từ những thế kỷ rất xa xưa là vô cùng cần thiết. Nó khẳng định năng lực truyền thống của người Việt đối với biển Đông. Nó giải thích vì sao các Chúa Nguyễn đã từng đánh bại cả hạm thuyền của Hà Lan ở Đàng Trong và sớm tổ chức lực lượng vươn tới các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa khi chưa có một quốc gia nào tiếp cận... Nó cũng gợi ra cả cái huyền thoại có thực của các "con thuyền không số" tạo nên "con đường Hồ Chí Minh trên biển" trong chiến tranh hiện đại...
  • Người trẻ cần có tư duy "nhìn ra phía biển"

    27/06/2009Lê Ngọc Sơn (thực hiện). Ảnh: Quỳnh HoaBên cạnh việc được coi là một ông nghị “nói nhiều” ở Quốc hội, ông Dương Trung Quốc là một nhà Sử học có tiếng. Ông chia sẻ những cảm nhận của mình về lòng yêu nước của người trẻ hiện nay.
  • Đảo và Tâm hồn

    22/03/2009Hòn đảo ấy chẳng ảnh hưởng gì đến tôi, không có nó, sáng sáng vẫn uống một tách cà phê, làm một cái sandwich, vẫn tán gẫu với bạn bè. Thiếu nó, chẳng ảnh hưởng gì những điều tôi vẫn hay làm trong cuộc sống, đọc một cuốn sách hay, nghe một bản nhạc lãng mạn hay ngồi chat với một người bạn thân thương. Không có nó, bầu trời vẫn sáng, mặt trời vẫn mọc ở đằng đông và những nụ hoa vẫn nở...
  • Tản văn về 'Địa Linh, Nhân Kiệt và Phong Thủy'

    18/02/2009Nguyễn Tất ThịnhTrong bài viết này tôi không muốn dựa vào các định nghĩa, lạm dụng cách nhìn có vẻ khoa học như nhiều người từng quen tai. Cố gắng không so sánh mà chỉ đặt ra những câu hỏi. Những câu hỏi là bắt đầu của tư duy và nhận thức, nó ám ảnh những khả năng, làm chúng ta trăn trở về sứ mệnh của con người. Hơn nữa dấy lên những khí chất còn tiềm ẩn của một dân tộc trong hành trình phát triển chứ không phải tự ru ngủ mình.
  • Chủ quyền quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế hiện nay

    14/07/2007Nguyễn Tuấn DũngViệc bảo đảm chủ quyền của mỗi quốc gia phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, chịu sự tác động của các nhân tố kinh tế, chính trị, quân sự… Trong phạm vi bài viết này, nêu lên một vài suy nghĩ về chủ quyền quốc gia Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá kinh tế hiện nay...
  • xem toàn bộ