Biển Đông: Sau phát ngôn là… hành động ấn tượng?

09:56 SA @ Thứ Ba - 08 Tháng Bảy, 2014

Chuyện Biển Đông, cuối cùng, câu trả lời lại là ở… đất liền, ở chính nội lực, đòi hỏi tư duy mềm dẻo và thức thời của nước Việt.

I- Đúng ngày 1/7 của tuần này, là tròn hai tháng, Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, thực chất là sự xâm lấn chủ quyền lãnh hải và lãnh thổ nước Việt.

Mùa hè năm nay bỗng thành một mùa hè dữ dội và khắc nghiệt, không chỉ vì cái nắng nóng tới 38-39 độ C, mà còn là cái nắng rát của sự phẫn nộ, căm giận, táp từ Biển Đông vào trái tim con người, làm tổn thương sâu sắc lòng yêu nước của người dân Việt.

Suốt hai tháng qua, TQ đã đưa hơn 100 tàu các loại tàu hải giám, hải cảnh, tàu hậu cần…, kể cả tàu chiến, máy bay, diễu võ giương oai bảo vệ giàn khoan bất chính. Nhưng thực chất, hành động hung hăng đó lại bộc lộ một tâm lý logic yếm thế. Bởi vùng lãnh hải đó nếu thuộc TQ, đâu đến nỗi TQ phải phô trương sức mạnh công nghệ, quốc phòng, quân sự đến vậy. Hơn 100 tàu thuyền, máy bay, tàu chiến, hóa ra chỉ để che đậy nỗi sợ mang tính bản năng thầm kín, sâu sắc của dã tâm.

Hung hăng và sợ hãi vốn là hai mặt song hành của một hành động bất chính, phi nghĩa, trước chủ quyền một dân tộc, mà thôi!

Các nhà nghiên cứu sử học VN, và cả một khối tư liệu dư địa chí, bản đồ lưu trữ quốc gia, các dòng họ… của nước Việt, đã chứng minh nhất quán, đầy tính thuyết phục trước năm 1949, địa giới cuối cùng của TQ trên Biển Đông chỉ đến đảo Hải Nam.

Theo TS sử học Nguyễn Nhã, sách sử ghi chép về Hoàng Sa và Trường Sa của người Việt là sớm nhất thế giới, đến đầu thế kỷ 17 gần như đều nhất quán ghi chép về Hoàng Sa và Trường Sa và xuyên suốt cho đến nay. Tài liệu cổ được coi là mô tả chi tiết và cụ thể nhất về Hoàng Sa là sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (Tuần Việt Nam, ngày 04/6).

Muôn đời, các thế hệ học sinh nước Việt, trong đó có người viết bài này đã từng học về địa lý thế giới, và đảo Hải Nam chính là mỏm đất cuối cùng của TQ trên Biển Đông.

Làm sao, chỉ có hơn 60 năm, TQ đã “kịp” chứng minh cho cả thế giới biết, Biển Đông có đường lưỡi bò … …bất nhất, lúc 09 đoạn, lúc 10 đoạn, kịp liếm gần hết đại dương, từ 80% (đường 09 đoạn), nay đã thành 90% (đường 10 đoạn). Họa chỉ có là bành trướng, là xâm lấn, mới có thể bất chấp cả Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 mà TQ từng là một bên ký kết. Chỉ có lòng tham mới có thể, như câu thành ngữ VN trở mặt như trở bàn tay, vẽ ra cái lưỡi bò tưởng tượng nhanh đến như vậy.

Đi kèm với xâm lấn, là vu khống và cả “giăng bẫy”. Có lẽ, không ai tin được VN, một nước nhỏ, yếu hơn TQ, lại dám hơn 1.500 lần dùng tàu đâm, va vào tàu TQ, như lời lu loa của người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hoa Xuân Oánh. Ngược lại, báo chí VN luôn phải truyền tải những hình ảnh tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư, cả tàu cá ngư dân bị tàu TQ đâm hư hại, thậm chí tơi tả, phía VN chỉ tránh né. Chính là để tránh né “cái bẫy” khiêu khích đang lặng lẽ giương ra, thâm độc.

Hai tháng trôi qua, đủ để mỗi người VN, thêm hiểu rõ bản chất và cả… phẩm hạnh của “anh em láng giềng” TQ. Đó là họa mà cũng là phúc, để người Việt muôn đời phải tỉnh táo, cảnh giác. Cảnh giác trước lời phát ngôn đầy ấn tượng bỗng trở thành cực kỳ hài hước của ông Tập Cận Bình: “Chủ nghĩa bá quyền hay chủ nghĩa quân phiệt không có trong gene của người TQ”. Trong một bài viết trên tờ Người ĐBND, GS Trần Ngọc Trân đã phải gọi, đó là sự dối trá chính thức có hệ thống.

Hành động ngông cuồng của TQ, phản chiếu một tinh thần, như nhận định của ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện NCCL (Học viện Ngoại giao): TQ đang có những tính toán khá chiến lược và bài bản không chỉ với Biển Đông mà còn có chiến lược gọi là “Chấn hưng Trung Hoa”, trở thành nước phát triển và hướng ra biển, xây dựng TQ thành cường quốc biển (VietNamNet, ngày 02/07).

Người viết rất chú ý đến những phân tích và tổng kết khái quát của ông Aleksandr Khramchikhin (Phó Giám đốc Viện Phân tích Chính trị và Quân sự, Liên Bang Nga), trong bài viết “Vì sao Trung Quốc sẽ đè bẹp cả thế giới” trên tạp chí Văn hóa Nghệ An (ngày 03/07). Bài viết từ 15/04/2010, trên báo АПН” (Агенство политических новостей), nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự.

Tác giả phân tích 08 đặc điểm nổi bật của TQ, liên quan vấn đề phát triển kinh tế - xã hội với những vật cản về dân số, sự phân hóa giàu nghèo sâu sắc, sự chênh lệch giới trầm trọng, sức ì hệ thống…, nhưng đặc biệt là 04 mâu thuẫn lớn của quốc gia này.


Đường lưỡi bò sai trái của Trung Quốc

Đó là mâu thuẫn giữa nhu cầu duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao, đảm bảo việc làm cho dân cư ngày càng phát triển và việc giảm bớt nhịp độ tăng trưởng. Mâu thuẫn giữa nhu cầu ngày càng cao của dân số với nguồn tài nguyên. Mâu thuẫn giữa việc tiếp tục thực hiện chính sách “mỗi gia đình – một con” với nhu cầu giảm bớt hạn chế nhân khẩu theo đặc điểm xã hội. Mâu thuẫn giữa chính sách dựa vào dân số như một nguồn tài nguyên kinh tế với tình trạng số dân quá đông như một vấn đề nghiêm trọng của đất nước.

Trên cơ sở đó, tác giả chỉ ra một thực trạng đáng sợ “tài nguyên của cả hành tinh không đủ để đảm bảo cho mỗi người dân TQ có mức sống như vậy. Bởi thế, vấn đề không phải là sự xâm lược của TQ, mà là với nó, bành trướng là kế sách duy nhất để sống sót”.

Nhưng quốc gia nào cũng có chủ quyền, phép nước. Đâu phải là nơi cho một quốc gia khác muốn thò một chân sói như trong ngụ ngôn?

Vì thế, hai tháng qua, Biển Đông cũng trở thành điểm nóng thử thách cái tầm, cái tâm, cái nhân cách của những người có trọng trách với vận mệnh sinh tử nước Việt. Hãy nghe những phát ngôn ấn tượng của các vị trong các cuộc tiếp xúc với cử tri mới đây, sau những lo âu, bức xúc, phẫn nộ, bất bình của cử tri trước sự tổn thương chủ quyền đất nước.

Tổng BT Nguyễn Phú Trọng: Không ai chọn được láng giềng. Trong lịch sử đã nhiều lần, ta luôn phải tìm cách chung sống hòa bình, thân thiện, hợp tác, phát triển, đồng thời giữ được độc lập, chủ quyền”, đây là việc khó.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Truyền thống bao đời của dân tộc ta là hòa hiếu với tất cả bạn bè trên thế giới. Nhưng không đánh đổi chủ quyền quốc gia hay nhân nhượng được. Bằng mọi giá, chúng ta phải bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Không quỳ gối, run sợ trước bất kỳ sức mạnh bạo tàn nào.

Thủ tướng CP Nguyễn Tấn Dũng: Chúng ta kiên quyết đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; không chấp nhận, không khuất phục bất cứ sự áp đặt, đe dọa, lệ thuộc nào.

v.v…

Đương nhiên, quốc gia nào cũng vậy, không chọn được láng giềng (theo nghĩa ở cạnh nhau về địa lý) nhưng hoàn toàn có thể chọn bạn mà chơi. Việc chọn bạn thế nào, tùy ở cái trí, sự nhận thức, quan niệm sống, sự khôn ngoan, khôn khéo của mỗi quốc gia. Để thực sự cùng có lợi, chứ không thể môi hở cho… răng lạnh.

Số phận địa- chính trị đặt nước Việt bên bờ Biển Đông- nơi trữ lượng dồi dào tài nguyên dầu khí, thủy sản, nhưng cũng khắc nghiệt đặt nước Việt làm… láng giềng bất đắc dĩ của TQ. Số phận ấy đang một lần nữa thử thách bản lĩnh, dũng khí cả dân tộc.

Thế kỷ 21 này, thách thức lớn, lâu dài và cam go, chính là sự đối mặt với những dã tâm bành trướng phương Bắc. Liệu nước Việt sẽ vượt qua như thế nào đây? Câu hỏi này, bỗng khiến nhức nhối, và đau đớn tâm can những lương tâm chính trực, yêu nước.

*
* *

II- Nhưng xâm lấn chủ quyền lãnh hải, chủ quyền nước Việt, phô trương sức mạnh công nghệ và quân sự, quốc phòng, TQ được hay mất?

Trái với âm mưu, cái sự mất của TQ đã nhãn tiền. Trước hết, trên trường quốc tế, trong quan hệ đối ngoại. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chính thức tuyên bố yêu cầu TQ rút giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN. Hoa Kỳ tiếp tục theo dõi, ủng hộ VN đấu tranh với hành động sai trái của TQ bằng con đường hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế (VietNamNet, ngày -3/7).


An Nam đại quốc họa đồ, một trong những tư liệu chủ quyền cổ của Việt Nam

Các nước ASEAN (trừ Malaysia) đều quay lưng lại với TQ, ủng hộ VN. Đến trung lập như Indonesia cũng bắt đầu nâng cao sẵn sàng chiến đấu, theo Đa chiều- tờ báo của người Hoa ở hải ngoại- (ngày 02/7, báo GDVN). Rõ ràng, lợi ích quốc gia bao giờ cũng được các dân tộc có chung lợi ích ở Biển Đông đặt lên trên hết, duy nhất và lớn nhất.

Ngược lại, vụ việc ở Biển Đông, lại là cơ hội tốt cho nước Việt trưởng thành, ở nhiều góc độ. Đó là cái được lớn nhất và cũng là điều bất ngờ nhất với TQ. “Biến nguy thành cơ” vốn là kế sách khôn ngoan của người Việt. Nhưng sách lược, kế sách đó có thành hiện thực những năm tháng này hay không? Câu trả lời còn ở phía trước.

Ngày 03/7 mới đây, Tuần Việt Nam có bài viết “5 kịch bản cho Biển Đông”, dự báo những tình huống sẽ diễn ra trong 10 năm tới giữa TQ và VN xung quanh vấn đề này. Nhưng dù kịch bản nào, thì đã đến lúc VN cần có sự quyết đoán trong cuộc đấu tranh pháp lý, mà theo tác giả “Các sự kiện liên quan đến Biển Đông từ đầu năm 2013 đến hôm nay, cho thấy tình hình không cho phép VN chần chừ, trì hoãn trong nỗ lực giải quyết tranh chấp biển đảo với TQ tận gốc rễ”. Đây cũng là ý kiến chung của các nhà nghiên cứu, các luật gia, khi tư vấn, khuyến cáo nhà nước dựa vào luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền lãnh hải và lãnh thổ quốc gia.

Được biết, đến thời điểm này, Thủ tướng CP đã giao các cơ quan củng cố hồ sơ để báo cáo lãnh đạo Đảng, Nhà nước cân nhắc việc đấu tranh pháp lý về Biển Đông. Đó là động thái, là hành động tích cực, sau những phát ngôn ấn tượng của các vị, đáp ứng mong mỏi của người dân cả nước quyết bảo vệ chủ quyền lãnh hải và lãnh thổ quốc gia.

Nhưng sẽ còn tích cực hơn nữa, sẽ là hành động ấn tượng hơn nữa, khẳng định trí tuệ, bản lĩnh và sự khôn ngoan của cả quốc gia, nếu như trên con đường phát triển, VN tìm kiếm được nhiều giải pháp tăng cường sức mạnh nội lực kinh tế, để đất nước vượt qua sự cam go trước một láng giềng quá mạnh về nhiều mặt, lại quá hiểu… nước Việt. Hai tháng qua cũng là thời điểm ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà quản lý kinh tế bàn các giải pháp cho đất nước.

Trong nhiều tham góp tăng cường sức mạnh nội lực, người viết chú ý và đồng tình với cách nhìn nhận thiết thực, khá thực tiễn của chuyên gia Nguyễn Trần Bạt. Khi ông cho rằng, “không có bất kỳ bài toán nào dễ xung quanh vấn đề TQ. Nó sẽ đeo đẳng lâu dài với số phận dân tộc chúng ta, và chúng ta buộc phải suy nghĩ về nó như là một thuộc tính để cấu tạo ra điều kiện sống của dân tộc mình" (Người đô thị, 22/6).


Bảo vệ biển đảo quê hương. Ảnh: Kiên Trung

Đó là số phận khắc nghiệt của một dân tộc rèn nên bản lĩnh và sự khôn ngoan, biết nhu biết cương tùy thời, tùy hoàn cảnh. VN không thể “đánh trả một sự tràn ngập thương mại biên giới thường xuyên. Bởi quan hệ thương mại, kinh tế của VN và TQ là một quan hệ không dễ gì giãy ra được”. Chính vì thế, chuyên gia Nguyễn Trần Bạt cho rằng, vấn đề là VN phải khôn ngoan hơn, phấn đấu nâng cao năng lực của chính mình lên để cân bằng quyền lợi. VN buộc phải gian khổ để sống được với họ, sống cùng với họ và để sống sót. (xem thêm: Nhân tài chính trị - lời giải cho bài toán phát triển...)

Vậy sự khôn ngoan tận cùng gốc rễ, là gì? Câu trả lời không chỉ của chuyên gia Nguyễn Trần Bạt, mà còn là của rất nhiều chuyên gia kinh tế đã từng nêu lên, tôn vinh như một giải pháp hiệu nghiệm nhất. Đó là phải tái cơ cấu kinh tế.

Chuyện Biển Đông, cuối cùng, câu trả lời lại là ở… đất liền, ở chính nội lực, đòi hỏi tư duy mềm dẻo và thức thời của nước Việt.

Còn người dân đang chờ đợi, sau những phát ngôn ấn tượng, là những hành động ấn tượng?

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thành dân tộc lớn từ những bài học rất nhỏ

    11/08/2015Xuân Bình thực hiệnKhác hẳn Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc đã có những bước đi ngoạn mục, vượt thoát khỏi những ảnh hưởng, kiềm toả của Trung Hoa, trở thành quốc gia phát triển hùng mạnh, có ảnh hưởng lớn trong khu vực, với cả Trung Quốc và thế giới. Sau chuyến đi trải nghiệm văn hoá Hàn Quốc vừa qua, trong khi tình hình biển Đông, quan hệ Việt - Trung có những diễn biến phức tạp, nhà nghiên cứu văn hoá trẻ Trần Quang Đức dành cho Người Đô Thị vài trao đổi chung quanh những gì ông trực cảm về thái độ, tinh thần “thoát Tàu” của người Hàn Quốc...
  • Nhân tài chính trị - Lời giải cho bài toán phát triển

    08/07/2014Nguyễn Trần BạtNhững bài toán chính trị truyền thống bao giờ cũng chứa đựng trong nó những yếu tố riêng biệt của từng thời đại và do đó, nhà chính trị buộc phải giải các bài toán chính trị truyền thống bằng những lực lượng trong thời đại của mình trên cơ sở tính đến những nhân tố riêng biệt đó. Trong trường hợp của Việt Nam, một nhân tài chính trị cần phải giải quyết sáu vấn đề căn bản nhất - đó là định vị Việt Nam trong tiến trình phát triển của thế giới, xây dựng hệ tư tưởng kinh tế Việt Nam, xây dựng hệ tư tưởng quân sự Việt Nam, xây dựng chương trình phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa bên cạnh Trung Quốc, xây dựng tầng lớp thượng lưu và đội ngũ trí thức trong xã hội Việt Nam và thừa nhận các giá trị phương Tây...
  • Điểm lại sự tồn vong của các đế quốc trên thế giới

    30/06/2014Thanh BìnhTrong kỷ nguyên hiện đại của các quan hệ đối ngoại, rất khó tưởng tượng việc một chính quyền đơn lẻ kiểm soát hầu hết thế giới. Tuy nhiên, mãi cho tới gần đây, vào thế kỉ 20, trên thế giới vẫn còn những siêu cường mà lãnh thổ trải khắp một hoặc nhiều lục địa và con đường đi lên cũng như suy vong của chúng liên quan chặt chẽ đến ngày nay.
  • Canh tân giáo dục để canh tân đất nước

    25/06/2014Nguyễn Quang ThạchĐã đến lúc mọi công dân phải biết tự nhục khi nước hèn, nước bị bắt nạt, khi hàng triệu đứa trẻ đang sống trong nghèo đói, khi hàng chục triệu học sinh nông thôn không có sách đọc. Hãy xem những yếu khuyết nêu trên là một liều thuốc đắng dã tật cho chúng ta. Mỗi cá thể cần biết rằng xã hội, dân tộc, đất nước là ngôi nhà của chính mình...
  • Giảm lệ thuộc vào Trung Quốc như thế nào?

    24/06/2014Trần Vinh Dự - Đinh Tấn NghĩaViệc giảm thiểu các quan hệ kinh tế của Việt Nam với Trung Quốc có giúp gì cho Việt Nam trong vấn đề khẳng định và xác lập chủ quyền thực tế của Việt Nam trên biển Đông hay không? Câu trả lời là không.
  • ‘Thoát Trung’ phải miễn dịch với ‘Gene Tàu’

    20/06/2014Nguyễn Tất ThịnhVề phương diện hội nhập toàn cầu thì chúng ta cần xây dựng quan hệ với tất cả các Nước khác đem lại lợi ích phát triển cho Đất nước, đồng thời phải chấp nhận mọi thực tế tốt / xấu, thuận / nghịch…trong ‘cuộc chơi vẫn chủ đạo là mạnh được yếu thua’ . Nhưng Trung Quốc, với hệ ‘GENE TÀU’ của họ sẽ luôn là ‘ĐẦU GẤU’ Quốc tế như tất yếu, khi nó ngự trong cơ chế Ngũ cường của LHQ, và tính ‘Sư tử dã man’ của nó...
  • Trò chuyện với Thánh Nhân

    12/06/2014Nguyễn Tất ThịnhNếu Thích Ca Mâu Ni dặn: đừng gọi ta là Phật Tổ, vì Tánh Phật có trong Chúng sinh! Thì tôi nghĩ trong mỗi con người tưởng như bình thường cũng vốn chứa đựng sẵn tố chất của Thánh Nhân rồi ! Thượng Đế dùng một phần tinh thần của Ngài để tạo ra Chúng sinh…Sau này Nhân loại đã tưởng tượng ra bao nhiêu vị Thần Thánh thì ý nghĩa của điều đó là chất Thánh Nhân nằm chính trong Nhân Loại. Có điều ai khơi dậy được trong bản thân và rèn luyện được phẩm chất để khai mở ...
  • xem toàn bộ