Những tổng thống - vua

09:43 SA @ Thứ Hai - 24 Tháng Hai, 2014

Thế giới Ả Rập nổi tiếng với những chế độ và những “nhà cách mạng” cầm quyền suốt đời.

Chùm ảnh của phóng viên ảnh Thụy Điển Mia Grondahl gửi riêng cho Tuổi Trẻ chụp tại quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo trong những ngày biểu tình sục sôi.

Không chỉ gồm các vương quốc như Saudi Arabia, Jordan, Morocco hay Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), thế giới khá khác biệt này còn có nhiều quốc gia theo chế độ cộng hòa ra đời từ các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc được cả thế giới biết đến. Nhưng sau khi giành được độc lập, hầu hết các lãnh tụ cách mạng Ả Rập hiện đại này đều dần trở thành những ông vua thật sự của những nền cộng hòa hình thức.

Saddam Hussein làm tổng thống Iraq từ năm 1979 đến 2003 thì bị Mỹ lật đổ. Cố tổng thống Syria Hafei al-Assad cầm quyền suốt từ năm 1970 đến khi qua đời năm 2000. Lãnh tụ Libya Muammar Gaddafi lãnh đạo nước này từ ngày cách mạng thành công năm 1969 cho đến tận hôm nay, được coi là nhà cầm quyền có thâm niên nhất của cả lục địa châu Phi và thế giới Ả Rập.

Còn Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak ngồi ở vị trí này suốt từ năm 1981, sau khi tổng thống Anwar Sadat bị ám sát, đến tận nay. Tổng thống Yemen Ali Saleh cũng tại vị liên tục từ năm 1978 đến nay. Sudan cũng có ông Omar al-Bashir làm tổng thống đã được 1/4 thế kỷ. Tại Tunisia, ông Ben Ali mới bỏ chạy khỏi nước ngày 14-1-2011 sau khi đã cai trị nước này suốt từ năm 1987.

Tác giả Mia Grondahl chú thích tấm ảnh này: Trẻ em - tương lai của đất nước Ai Cập

Nếu xét về thời gian tại vị, các tổng thống trên còn cầm quyền lâu hơn cả các ông vua trong các vương quốc Ả Rập còn lại, bởi các vị vua này đều qua đời sau thời gian tương đối ngắn ngự trị trên ngai vàng. Chẳng những thế, các tổng thống cũng lại chẳng thua kém các vương triều ở “truyền thống” cha truyền con nối. Tổng thống Syria hiện nay Bashir al-Assad lên cầm quyền từ năm 2000 khi mới 37 tuổi, để kế vị tổng thống - cha vừa qua đời. Cố tổng thống Iraq từng chuẩn bị mọi mặt để con trai thứ hai Qusay Saddam lên thay thế nếu chế độ của ông không bị lật đổ năm 2003.

Giới truyền thông Ả Rập và thế giới nhiều năm nay từng tốn bao giấy mực khi bàn tán sôi nổi về những “thái tử của nền cộng hòa” sắp lên “nối ngôi cha”, mà nổi bật nhất là trường hợp Gamal Mubarak - con trai trưởng của Tổng thống Mubarak tại Ai Cập và Seif Islam - con trai của lãnh tụ Gaddafi ở Libya.

Những người phụ nữ cũng mạnh mẽ xuống đường với biểu ngữ “Chúng tôi ghét ông, Mubarak” - Ảnh: Mia Grondahl

Nhiều vị nguyên thủ quốc gia nắm quyền trọn đời tại các nước Ả Rập cũng nổi tiếng với kiểu “gia đình trị” và thu vén những món lợi khổng lồ cho bản thân và gia đình trong thời gian cầm quyền. Ông Mubarak ở Ai Cập vừa bị tố là tài sản của ông và gia đình lên đến 70 tỉ USD, chủ yếu là các tài khoản bí mật tại các ngân hàng ở Thụy Sĩ cùng những khối bất động sản khổng lồ rất đắt giá ở Mỹ, Anh và thành phố du lịch Sham al-Sheikh trên bờ đông Hồng Hải thuộc bán đảo Sinai của Ai Cập. Hai con trai của ông tổng thống này cũng được coi là các tỉ phú đôla. Cựu tổng thống Tunisia Ben Ali vừa bỏ chạy khỏi đất nước bị tố cáo có tài sản hơn 9 tỉ USD thu được do tham nhũng trong thời gian cầm quyền...

Thế giới Ả Rập cũng nổi tiếng là “rốn dầu của thế giới” nên dân chúng rất giàu (!). Nhưng cái tiếng này chỉ đúng cho các quốc gia nhiều dầu lửa tập trung ở bán đảo Ả Rập, Tây Á như Saudi Arabia cùng UAE, Iraq, Libya và Algeria ở Bắc Phi. Chứ các quốc gia còn lại phần lớn là kém phát triển và nghèo nàn bởi tài nguyên thiên nhiên hạn hẹp, dân số đông đúc, lại chịu sự cầm quyền của các ông “tổng thống vua”.

Tình trạng cá nhân cầm quyền suốt đời, lại còn tham vọng “cha truyền con nối” đã tạo ra những bất công xã hội ngày càng tích tụ đến mức bùng phát không kiểm soát được như ở Tunisia và Ai Cập hiện nay.

Cuộc “cách mạng hoa nhài” nổ ra ở Tunisia từ giữa tháng 12 năm ngoái và cuộc phản kháng đang diễn ra ở Ai Cập từ ngày 25-1 năm nay đều được cho là cách mạng tự phát của quần chúng, chủ yếu là giới trẻ, để phản đối tình trạng giá cả leo thang đến mức không chịu nổi và thất nghiệp tràn lan trong xã hội. Hai cuộc cách mạng tự phát của quần chúng này đang có dấu hiệu lan sang các quốc gia Ả Rập khác, mà mạnh nhất là tại Yemen. Còn tại Jordan và Algeria thì phản kháng bớt căng thẳng hơn.

Tổng thống Tunisia đã phải bỏ chạy khỏi nước, chấm dứt giấc mộng trị vì suốt đời. Tổng thống Ai Cập hầu như phải chấp nhận mất quyền trên thực tế, đã phải tuyên bố cả hai cha con đều không ứng cử trong cuộc bầu tổng thống sắp đến vào tháng 9 năm nay. Ông Ali Saleh ở Yemen đã nhanh miệng hơn khi chủ động tuyên bố sẽ không ứng cử lần nữa và không có ý định “truyền ngôi” cho con trai của mình.

Sự phẫn uất của quần chúng đối với cung cách cai trị của các nhà độc tài tham quyền cố vị đã đặt dấu chấm hết cho “truyền thống” cầm quyền suốt đời của các chế độ cộng hòa Ả Rập.


Gia tài của gia đình ông Mubarak là 70 tỉ USD?

Trong khi 40% dân số Ai Cập sống dưới mức 2 USD/ngày, nhật báo Guardian của Anh mới đây dẫn lời các chuyên gia Ai Cập ước tính tài sản của gia đình ông Mubarak khoảng 40-70 tỉ USD. Phần lớn của cải được cất giấu trong các tài khoản nước ngoài hoặc đầu tư vào địa ốc ở Mỹ, Anh. Vợ và các con của ông Mubarak cũng được đánh giá là những tỉ phú đôla.

Theo các chuyên gia của ABC News, gia tài của ông Mubarak tích lũy từ những khoản hối lộ các hợp đồng quân sự khi ông phục vụ trong không quân. Ông Christopher Davidson, thuộc Đại học Durham (Anh), cho biết gia đình Mubarak càng giàu thêm qua các khoản hợp tác với những nhà đầu tư, công ty nước ngoài. Theo ông Davidson, các nước vùng Vịnh yêu cầu các nhà đầu tư nước ngoài trao 51% cổ phần cho đối tác địa phương khi thành lập doanh nghiệp. Tại Ai Cập, con số chỉ khoảng 20% nhưng cũng đủ để các chính trị gia đục khoét những khoản lợi khổng lồ.

Nếu đúng như vậy, ông Mubarak hoàn toàn bỏ xa người giàu nhất thế giới hiện nay là ông trùm Carlos Slim Helu người Mexico, sở hữu 53,5 tỉ USD. “Có quá nhiều tham nhũng, lấy của công làm của riêng trong chế độ này. Nó cũng tương tự như vậy ở những nước Trung Đông khác” - giảng viên khoa học chính trị Amaney Jamal nhận xét. Theo bà Jamal, các lãnh đạo Trung Đông khác cũng có thể sở hữu khối tài sản tương tự ông Mubarak.

Trần Phương

Sức mạnh nhân dân
(La Phù, Thanh Niên)

Trong thời gian qua, tình hình tại một số quốc gia Bắc Phi trở thành vấn đề thời sự của thế giới. Tại Tunisia, Tổng thống Ben Ali phải ra đi. Ở Ai Cập, số phận chính trị của Tổng thống Hosni Mubarak đang được định đoạt. Những biến động với mức độ hiếm thấy như thế đang có chiều hướng lây lan sang cả Marốc hay Algeria, thậm chí vượt khỏi Bắc Phi và làm rung chuyển chính trường Jordan hay Yemen. Những diễn biến này khiến cả khu vực chấn động với những hệ lụy và tác động khó lường. Mỗi nước có bối cảnh và đặc thù chính trị riêng nên kết cục cuối cùng có thể khác nhau. Tuy nhiên, điểm chung là những biến động đều khởi nguồn từ sự phẫn nộ của người dân, đặc biệt thế hệ trẻ.

Nhìn lại lịch sử, người dân ở các nước Bắc Phi đã thể hiện sức mạnh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Giờ đây, chính họ một lần nữa biểu lộ sức mạnh với làn sóng biểu tình phản đối, đòi hỏi phải thay đổi chính phủ hoặc chính quyền phải thay đổi chính sách. Trong nhiều năm, nhân dân đã hậu thuẫn chính những nhà lãnh đạo đang bị phản đối quyết liệt.

Những nhà lãnh đạo ấy giờ phải trả giá cho việc đã xao lãng lợi ích chính đáng của người dân, đặc biệt là công ăn việc làm và phúc lợi xã hội, chống tham nhũng và lạm dụng quyền lực, thực hiện công bằng xã hội và nhà nước pháp quyền thực sự vì dân. Họ phải trả giá cho việc không ý thức được đầy đủ hoặc cố tình làm ngơ một chân lý là người dân là chỗ dựa cho quyền lực nhưng đồng thời cũng có thể truất phế họ.


Tham khảo:

GDP và PPP (thu nhập trên đầu người) các quốc gia Ả rập theo Số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (2010)

STTNướcPPP đứng thứ/ thế giới

PPP ($)

GDP đứng thứ/ thế giới

GDP (triệu $)

1Qatar188,23257149,995
2Kuwait1338,29358138,099
3UAE1536,97353186,908
4Ả rập Saudi3923,74223619,826
5Lebanon5415,3318359,906
6Libya5614,8786996,099
7Iran7211,02418830,715
8Tunisia829,48867100,048
9Algeria977,10347252,189
10Ai Cập1036,36726498,176
11Jordan1075,6589834,617
12Syria1115,10365105,324
13Morocco1174,77356152,619
14Iraq1253,59962115,330
15Việt Nam1283,12340275,639
16Yemen1352,5968163,329
17Sudan1372,4666898,969
Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Khi người dân cố tình 'tắt máy trợ thính'

    28/03/2019Alan PhanTrong đời sống thường nhật, có không ít người thích đem cái quá khứ vàng son (chứa rất nhiều hoang tưởng) để che đậy những yếu kém và thất bại hiện tại. Cái "tôi" của họ quá lớn để chịu đựng bất cứ một lời phê bình hay chê bai nào, dù vô tình hay nhỏ nhặt...
  • Nguy cơ tụt hậu vĩnh viễn?

    14/08/2016Nguyễn Tất ThịnhGần đây một số chuyên gia và tổ chức nước ngoài có đưa ra vài nhận xét so sánh về mức độ, trình độ phát triển của Việt Nam với các quốc gia có tăng trưởng nhưng có nguy cơ tụt hậu vĩnh viễn...
  • Bài học lịch sử

    16/11/2015Nhà văn Thiếu Sơn (1908-1978)Bỏ được chiếc ngai vàng là một bước tiến vĩ đại giúp cho nhà lãnh đạo phải thân dân, chịu sự kiểm soát của dân. Nhưng cũng do đó mà họ có sự hậu thuẫn thường xuyên của dân tộc. Thiếu sự hậu thuẫn đó hay làm mất sự hậu thuẫn đó, họ sẽ bị lạc lõng cô đơn. Nếu họ không bị nhân dân quật ngã thì họ cũng bị ngoại bang chi phối...
  • Lộng hành

    16/11/2015Nguyễn Trần BạtSự lộng hành của các khuynh hướng chính trị luôn ám ảnh nhân loại suốt từ cuối thế kỷ XIX đến nay. Lộng hành chính là kết quả của việc một khuynh hướng chính trị, khuynh hướng tư tưởng, khuynh hướng văn hoá, khuynh hướng tôn giáo không được kiểm soát và không được cân bằng bởi những khuynh hướng khác...
  • Tầng lớp đặc quyền của Đảng CS Liên Xô

    24/02/2014Vào một ngày mùa thu năm 1988, đột nhiên có hàng trăm, hàng nghìn nguời tụ tập bên ngoài của một cửa hàng ở Thủ đô Moscow. Nguyên nhân gì đã khiến cho cửa hàng không phải là lớn này trở thành tâm điểm của báo chí và dư luận đến vậy?
  • Đôi điều về quy luật phát triển của xã hội

    13/01/2014Nguyễn Văn ChiểnAi cũng biết trên thế giới ngày nay giàu mạnh nhất là 7 nước tư bản phát triển nhất mà người ta quen gọi là G.7. Vậy các nước ấy đã qua con đường phát triển như thế nào mà họ đạt được trình độ cao như vậy? Liệu các nước khác có hy vọng đuổi kịp trình độ phát triển của họ không?
  • Hiệu ứng ‘Tunisia’ và suy nghĩ về Chính trị

    02/02/2011Nguyễn Tất ThịnhMột sự kiện kinh tế - xã hội xảy ra ở một vùng Địa chính trị nào đấy, đến mức Chính quyền sở tại mất khả năng và tư cách kiểm soát nên đã xảy ra một kết cục là làm thay đổi tình thế khác với trước đó có thể được gọi là ‘cận cách mạng’, tạo nên một làn sóng lan tỏa hay cường kích vào các quốc gia lân cận...
  • Dân Tunisia lật đổ chế độ, bài học nào cho thế giới?

    28/01/2011William J. DobsonTác giả William J. Dobson giải thích những gì mà các nhà độc tài trên thế giới có thể học được từ Tunisia, có thể học được từ Ben Ali...
  • “Chống đối chính quyền là cái ác đấy!”

    27/01/2011Cảnh Chánh tổng hợpTrong năm 2009, sau khi hàng loạt phát biểu được Tân Hoa xã bình chọn là những phát biểu gây sốc trong năm, những tưởng quan chức Trung Quốc sẽ chú ý hơn lời ăn tiếng nói của mình. Nhưng tổng kết năm 2010 cho thấy chẳng có gì thay đổi...
  • Tự do báo chí bất ngờ ở Tunisia

    24/01/2011Ulrike PutzTruyền thông Tunisian đã chứng kiến một thay đổi bất ngờ và sửng sốt: Sau nhiều năm kiểm duyệt ngột ngạt, tất cả các hạn chế bỗng dưng biến mất. các báo được tường thuật tự do, các nhà báo làm việc thâu đêm - và dường như mọi người dân Tunisa đều muốn nói chuyện chính trị...
  • Vì sao Tổng thống Tunisia bị phế truất?

    17/01/2011Tường LinhTrong 23 năm cầm cương Tunisia, Tổng thống Zine al-Abidine Ben Ali đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng như cải cách kinh tế thành công và triển khai một chính sách đối ngoại mềm mỏng, có lợi cho đất nước. Chẳng ai ngờ hôm qua, 15/1, Tòa án Hiến pháp Tunisia đã quyết định bãi nhiệm Tổng thống Ben Ali, sau khi ông tạm lánh ra nước ngoài vì các cuộc bạo động nổ ra trong nước và qua đó trở thành lãnh đạo đầu tiên trong thế giới Arab mất quyền lực vì biểu tình đường phố...
  • Khát vọng của dân

    11/01/2011GS. Tương LaiNgười dân mong muốn Đại hội thể hiện rõ tính chiến đấu và sự trung thực của người cộng sản, không tránh né những vấn đề có tính nguyên tắc, công khai và minh bạch trong tranh luận chứ không dễ dàng xuôi theo những vấn đề đã được chuẩn bị sẵn...
  • Tản mạn về quốc gia và chính khách không đón đợi

    08/01/2011Bùi Quang MinhNhững con đường (đã là hiện thực hay ở dạng tư tưởng, lý thuyết) mà các cá nhân, dân tộc khác đi qua, ở những thời khắc và tọa độ địa lý khác nhau luôn là những bài học chỉ đường cho chúng ta ngày hôm nay...
  • Tại sao Quan Tham lại không thể dừng tham?

    06/01/2011Nguyễn Tất ThịnhXã hội nào từ xưa cũng có Tham Quan, cũng muốn chống lại nó! Nguyên nhân gây ra nó thì có quá nhiều bài phân tích rồi. Nhìn quanh vài nước kém phát triển ( một trong thước đo quan trọng là mức độ tham nhũng ), tôi muốn lý giải tên của bài viết này bằng bốn Lý do dưới đây, cũng ngụ ý rằng Quan Tham nào đâu đó nếu còn được ít phút tạm dừng tham có đọc thì cũng cảm thấy gai gai một tí thôi cũng tốt.
  • Ðổi mới, một quá trình cách mạng

    02/12/2010Mở đầu cho chuyên mục “Nhìn lại 20 năm đổi mới”, khởi đăng trên báo Nhân Dân từ ngày hôm nay, 30-9, bài viết của ông Hà Đăng tập trung vào trả lời các câu hỏi Ðổi mới là gì, nhằm mục tiêu gì, do ai làm, và bao giờ thì xong...
  • Để chống lạm quyền và tham nhũng tài sản công

    06/11/2010Vũ Quang ViệtViệt Nam là một nước có nền kinh tế thị trường giống như các nước kinh tế thị trường khác trên thế giới, nhưng cơ chế quản lý tài sản công thì lại không giống tuyệt đại đa số các nước này...
  • Liên Xô tan rã, Đảng Cộng sản âm thầm rút khỏi vũ đài lịch sử

    23/09/2010Đầu những năm 90 của thế kỷ 20, loài người chứng kiến sự kiện Liên Xô - cường quốc có diện tích khổng lồ trải rộng trên lục địa Á - Âu, có lực lượng vũ trang hùng mạnh... nhanh chóng sụp đổ mà không phải đối mặt với một cuộc xâm lăng hay gặp một biến cố tự nhiên đặc biệt nào. Cho đến nay, nhiều học giả trên thế giới vẫn cố gắng nghiên cứu, lý giải nguyên nhân tan rã của Liên Xô.
  • xem toàn bộ

Nội dung khác