Để chống lạm quyền và tham nhũng tài sản công
Liệu có sự khác biệt giữa kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay và trên thế giới?
Nền kinh tế thị trường "xã hội chủ nghĩa" đang được thực hiện ở Trung Quốc và Việt Nam đã chấp nhận quyền tư hữu về tư liệu sản xuất, về vốn và sức lao động, và do đó tư nhân có quyền tập hợp vốn nhằm mục đích mở rộng tư sản, dù cả hai nước đều dành quyền "chủ đạo" cho công hữu.
Như thế có thể nói không có sự khác biệt lý thuyết giữa nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hay Trung Quốc và các nền kinh tế ở các nước tư bản, kể cả Mỹ, vì mọi nước đều cho phép tư nhân nắm lực lượng sản xuất gồm từ vốn, máy móc đến lao động và mọi nước đều chấp nhận sự tồn tại sở hữu nhà nước.
Ngoài ra mọi nước đều nhìn nhận vai trò của hợp tác xã tự quản trong sản xuất. Sự khác biệt nếu có chỉ là ở quy mô sở hữu chứ không ở bản chất của chế độ sở hữu. Chẳng hạn ở Singapore, nơi mà nhà nước làm chủ sở hữu đất đai, sở hữu công ty đầu tư vốn nhà nước Temasek, và kiểm soát các công ty Singapore Airlines, SingTel..., nơi có đến 60% GDP là phát sinh từ khu vực nhà nước, cao hơn cả Việt Nam, cũng không thể gọi là nhà nước xã hội chủ nghĩa được.
Do đó không thể định nghĩa xã hội chủ nghĩa bằng sự hiện diện của công sản vì như thế mọi nước trên thế giới này đều có thể là xã hội chủ nghĩa. Việc định nghĩa thế nào là chủ nghĩa xã hội về mặt kinh tế, xin để các nhà lý thuyết hiện nay trả lời. Không lẽ ta định nghĩa nó là một nền kinh tế tư bản có ước muốn xóa bỏ tư hữu về phương tiện sản xuất trong tương lai hay trên cơ sở dự báo là nền kinh tế lúc nào đó sẽ tự phát triển đến chỗ đó?
Tại sao cần sự tồn tại của tài sản công?
Lý do đơn giản nhất khiến cho các nước không thể xóa bỏ hoàn toàn công hữu là có những cái rõ ràng là tài sản công như biển, rừng núi, bầu trời...không do lao động tạo ra mà vì lợi ích chung không nên tư hữu hóa. Đó là chưa kể đến những hoạt động mà tư nhân không làm nổi như chuyên chở công cộng... Đây là những vấn đề cổ như trái đất ít ai còn đặt ra để tranh luận.
Tuy nhiên còn một vấn đề khác mà hiện nay một số nhà kinh tế cũng đặt ra, liên quan đến mô hình phát triển kiểu Trung Quốc. Đó là, đành rằng sản xuất công có hiệu năng kém, nhưng nó có thể là công cụ cho phép nhà nước tập trung tư bản nhanh và dễ dàng hơn để phát triển quy mô nền kinh tế nhanh chóng hơn (tất nhiên kể cả việc bóc lột thặng dư lao động ở mức cao hơn).
Đối với những nước có ảnh hưởng chủ nghĩa dân tộc cao thì cách suy nghĩ này là khá phổ biến. Đây là một thử nghiệm chưa có câu trả lời. Kinh nghiệm cũng cho thấy khi quy mô sản xuất đã đến điểm giới hạn, khi tăng hiệu suất sản xuất là mấu chốt phát triển thì nền kinh tế đó cần giải công hoàn tư. Liệu việc giải công có thể giải quyết dễ dàng không là một câu hỏi. Ngoài ra, cái giá phải trả về giá trị xã hội sẽ như thế nào khi lạm quyền, tham nhũng biến của công thành của tư dễ dàng trở thành bản chất của xã hội. Đây là bài toán mà cả Trung Quốc và Việt Nam đang gặp phải.
Quản lý tài sản công
Rõ ràng tài sản công hiện diện ở mọi nền kinh tế và như vậy tìm một giải pháp hữu hiệu để quản lý tài sản công là vấn đề chung của bất kỳ một nền kinh tế nào.
Tất nhiên hầu hết các nước đã rút ra một kết luận rõ ràng là không thể quản lý tài sản công có hiệu năng một cách đại trà được và do đó sau một thời gian thử nghiệm với doanh nghiệp quốc doanh, họ đều đã quyết định giảm khu vực này tới mức tối thiểu, chỉ để chúng tồn tại ở những hoạt động công ích mà tư nhân không làm được.
Singapore chỉ là một trường hợp đặc biệt vì nó là một nền kinh tế thành phố, chỉ có thể tập trung vào một vài lãnh vực công nghiệp và dịch vụ.
Có hai lý do cơ bản khiến cho việc quản lý doanh nghiệp nhà nước khó có hiệu quả: (1) người điều hành là công chức, dù có chuyên nghiệp đến đâu, cũng chỉ nghĩ đến làm tốt nhất công việc mình được giao phó hơn là mang đầu óc của một doanh nhân sẵn sàng chấp nhận rủi ro đồng vốn để phát triển nhằm vừa tăng quy mô vừa đạt lợi nhuận cao, và có tầm nhìn xa sẵn sàng chuyển đổi hướng sản xuất khi kỹ thuật và sản phẩm được coi là sẽ lỗi thời; (2) trong trường hợp là doanh nghiệp quốc doanh, người quản lý, vì do các chính trị gia bổ nhiệm, nên dễ dàng trở nên lạm quyền tham nhũng nếu như không có cơ chế kiểm soát.
Ở Việt Nam, người ta vẫn thường kết án tình trạng vô chủ của tài sản công. Phải chăng như thế thật? Hay cụ thể hơn, phải chăng tài sản công không được giao cho cấp chính quyền quản lý? Vậy thì luật ở Việt Nam hiện nay như thế nào?
Thật ra, chính Luật Đất đai năm 2003, điều 7, đã xác định ai là đại diện quyền làm chủ và có trách nhiệm quản lý. Theo điều này, Quốc hội ban hành quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cả nước; Chính phủ [trung ương] có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh.
Có nhiều đóng góp cho nền kinh tế nhưng nông dân gặp phải nhiều bất công. Ảnh Lao Động
Ở các tỉnh không thuộc trung ương, luật giao cho ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai và quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương. Còn việc quản lý vốn cổ phiếu nhà nước ở các doanh nghiệp nhà nước đã được cổ phần hóa thì đã được giao cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.Cho nên hiện nay nhiều đất công sản, từ bờ biển, rừng, đất nông nghiệp được thu hồi để cho tư nhân thuê dài hạn đều là quyết định của các cấp nhà nước cả đấy chứ! Việc giao đất đai cho các cấp "vì mục tiêu phát triển kinh tế" chỉ có nghĩa là muốn làm gì thì làm vì hoạt động nào mà lại không thể coi là hoạt động kinh tế miễn là nằm trong quy hoạch đã định sẵn (nếu thật sự nhà nước ở khắp mọi cấp đã có quy hoạch mọi khoảnh đất công).
Như vậy Nhà nước có toàn quyền lấy lại đất nông nghiệp của dân và tự quyết định giá đền bù. Luật viết "giá đất để tính bồi thường là giá đất theo mục đích đang sử dụng đã được ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định và công bố; không bồi thường theo giá đất sẽ được chuyển mục đích sử dụng". (Nghị định số 17/2006).
Rõ ràng là người nông dân chỉ thấy bất lợi về phần mình, còn quan chức thấy rõ mối lợi thu hồi được đất. Chính vì thế từ năm 2006 đến nay ta thấy có sự nhảy vọt đơn khiếu nại của nông dân về thu hồi đất để xây sân golf, địa ốc, khu du lịch...
Có một sự bất công đối với nông dân khi chính hoạt động của họ đã đưa đất nước từ một nước thiếu ăn sang dư thừa để xuất khẩu sau đổi mới. Trong khi tất cả các khu vực đều có thể tư nhân hóa phương tiện sản xuất, và Nhà nước hoàn toàn không có quyền thu hồi lại quyền sử dụng các mảnh đất dùng trong công nghiệp, thì Nhà nước lại hoàn toàn có quyền thu hồi lại mảnh đất đã được giao cho người nông dân sản xuất.
Giá trị của đất luôn luôn tăng khi khả năng phát triển xuất hiện. Và sự khác biệt giá giữa giá thu hồi và giá sử dụng mới tất nhiên sẽ được cưa đôi giữa doanh nghiệp có quyền sử dụng mới và người nắm quyền lực nhà nước. Đồng tiền bé tí được đền bù không thể bù lại mất mát của một người nông dân không có mảnh đất cắm dùi, không biết làm gì để sinh sống.
Ngoài vấn đề đất đai, việc ăn cắp của công hiện nay nằm ở tình trạng thiếu cơ chế tổ chức và kiểm soát quyền lực có thể sử dụng công sản.
Đây không phải là những vấn đề mới vì mọi nước có nền kinh tế thị trường đều đã trải qua và có kinh nghiệm. Việc quản lý đúng đắn công sản ở Việt Nam đòi hỏi:
1. Tư hữu hóa ruộng đất. Không có lý do gì ở các hoạt động doanh nghiệp khác quyền sử dụng đất được tôn trọng dài lâu thì quyền này lại rất hạn chế đối với nông dân. Quyền sử dụng đất có thể bị lấy lại bất cứ lúc nào và giá đền bù là do chính người thu hồi quyết định.
2. Công sản phải được giao cho các cấp chính quyền quản lý, nhưng việc sử dụng (hoặc bán đi) phải thông qua việc quyết định của các cơ quan lập pháp dân cử, đó là Quốc hội hay hội đồng nhân dân các cấp. Không một cơ quan hành pháp nào được tự quyết định.
3. Thực hiện quyền quyết định của các cơ quan lập pháp dân cử theo đúng tinh thần luật pháp là bằng lá phiếu.Để làm điều này, cơ quan lập pháp phải có tài chính, hoạt động toàn thời gian, thảo luận, kiểm tra và biểu quyết mọi chuyện luật pháp đã giao cho.
Ở Việt Nam hiện nay, thực tế là cơ quan lập pháp các cấp vẫn còn duy trì cách làm hình thức của quá khứ. Quốc hội vì thế không chuyên nghiệp, họp một năm hai lần, lại gồm các đại biểu mà đa phần không bỏ toàn thì giờ đại diện nhân dân, cơ bản là đại diện quyền lợi cơ quan hoặc doanh nghiệp họ đang phục vụ.
Cho nên có thể nói gần như Quốc hội đã không quyết định những việc được luật pháp giao phó, như sử dụng đất đai, vốn... mà giao lại cho cơ quan hành pháp làm thay. Rất nhiều việc do đó hành pháp tự làm mà không thông qua Quốc hội. Các cơ quan dân cử như hội đồng nhân dân cấp dưới cũng thế. Trong tình trạng như thế, lạm quyền là chuyện đương nhiên. Người ta khó có thể tưởng tượng được ở một nước dân chủ nào đó việc thành lập một tập đoàn như Vinashin lại không có quyết định của Quốc hội.
4. Bảo đảm sự độc lập của cơ quan tư pháp. Chỉ khi nào tư pháp được độc lập, không phụ thuộc vào sự "chỉ đạo" của các quyền lực khác thì mới hy vọng chống được lạm quyền và tham nhũng.
5. Chuyên nghiệp hóa các cơ quan hành chính nhà nước và bảo đảm việc hưởng lương xứng đáng. Nhân viên hành chính là những người từ cấp vụ trưởng trở xuống (và ở một vài ngành đặc biệt có thể lên tới chức tổng cục trưởng), được tuyển dụng và đề bạt hoàn toàn dựa trên tính xứng đáng về khả năng nghiệp vụ chuyên môn, khả năng quản lý và lý lịch hoàn thành nhiệm vụ. Họ chỉ biết đến công việc và luôn nghiêm chỉnh thực hiện nhiệm vụ theo đúng luật pháp và quy định của các cơ quan công quyền, và không làm khác.
Tính chuyên nghiệp của các cơ quan công quyền hiện nay ở Việt Nam chưa có, và cũng chưa có sự phân biệt rõ ràng các chức vụ hành chính và các chức vụ chính trị được cấp dân cử cao hơn đưa vào. Các chức vụ chính trị đại diện ý tưởng của người đứng đầu hành pháp, nhưng nền hành chính phải đại diện sự chuyên nghiệp để bảo đảm việc thực hiện những ý tưởng của những người lãnh đạo chính trị tuân thủ luật pháp và chấp hành tuyệt đối các quy định hành chính đã được đề ra; những quy định đặt nền tảng cho một nền hành chính trong sạch, không phân biệt đối xử.
Tất cả cơ cấu vận hành nói ở trên thật ra là nhằm bảo đảm một nhà nước không lạm quyền và trong sạch. Không thể nói Việt Nam còn nghèo nên chưa thể có được các cơ quan lập pháp hoạt động chuyên nghiệp toàn thời gian, vì các nước còn nghèo hơn cũng đã có.
Người ta thấy công sản ở Singapore không phải nhỏ, đặc biệt là đất đai và họ cũng là nhà nước có một đảng lãnh đạo như ở Trung Quốc và Việt Nam nhưng tại sao lạm quyền và tham nhũng lại được coi là thấp nhất thế giới? Phải chăng vì họ có một thể chế theo đúng những điều nói đến ở trên?
Nguồn:Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá