Vì sao Tổng thống Tunisia bị phế truất?
Trong 23 năm cầm cương Tunisia, Tổng thống Zine al-Abidine Ben Ali đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng như cải cách kinh tế thành công và triển khai một chính sách đối ngoại mềm mỏng, có lợi cho đất nước. Chẳng ai ngờ hôm qua, 15/1, Tòa án Hiến pháp Tunisia đã quyết định bãi nhiệm Tổng thống Ben Ali, sau khi ông tạm lánh ra nước ngoài vì các cuộc bạo động nổ ra trong nước và qua đó trở thành lãnh đạo đầu tiên trong thế giới Arab mất quyền lực vì biểu tình đường phố.
Hơn 20 năm trước, đêm ngày 7/11/1987, Zine al-Abidine Ben Ali đã trở nên nổi tiếng khi thực hiện một cuộc đảo chính không đổ máu để giành lấy chiếc ghế Tổng thống từ tay người tiền nhiệm Habib Bourguiba. Ali thông báo rằng các bác sĩ đã khám bệnh cho Bourguiba và thấy ông không đủ minh mẫn để lãnh đạo đất nước. Vì thế, từ vị trí Thủ tướng, Ali đã giành lấy ghế Tổng thống.
Lên cao nhờ đảo chính
Ali khi đó vẫn là một nhân vật ít được biết tới, ngay cả với nhân dân Tunisia. Tờ Guardian nói rằng cho tới trước cuộc đảo chính, Ali đã là một trong những cộng sự được tin tưởng nhất của Bourguiba. Ali sinh ra tại thị trấn ven biển Hammam-Sousse vào năm 1936. Ông đã từng bị đuổi học khi thể hiện thái độ ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập cho Tunisia do Bourguiba khởi xướng và qua đó lọt vào “mắt xanh” của nhà lãnh đạo này.
Được nhắm vào vị trí lãnh đạo tương lai của quân đội, Ali đã được gửi đi huấn luyện quân sự tại nhiều học viện quân sự hàng đầu của Mỹ và Pháp. Bourguiba sau đó đưa Ali lên nắm ghế lãnh đạo lực lượng cảnh binh và tới năm 1984 thì trở thành Bộ trưởng Nội vụ.
Tổng thống Tunisia Zine al-Abidine Ben Ali,
người mới bị mất chức vì biểu tình đường phố
Sau một loạt vụ đánh bom xảy ra ở các khu du lịch Sousse và Monastir hồi năm 1987, Bourguiba đã yêu cầu xử tử nhiều nghi phạm khủng bố. Ali đã thể hiện sự phản kháng và lờ đi mệnh lệnh của cấp trên. Đây cũng được xem là giai đoạn ông hình thành và củng cố quyết tâm nắm lấy quyền lực cao nhất nước.
Năm 1987, Ali được đưa lên ghế Thủ tướng trong bối cảnh Tunisia đang bên bờ vực sụp đổ kinh tế, với lạm phát trong nước lên tới 10% và nợ nước ngoài chiếm 46% tổng lượng GDP. Cùng thời điểm, chính phủ đứng trước nguy cơ có thể bị các phần tử Hồi giáo cực đoan chiếm lấy, hàng loạt vụ đánh bom diễn ra liên miên và một âm mưu lật đổ chính phủ đã suýt diễn ra.
Trong những tháng trước khi dẫn tới cuộc đảo chính không đổ máu, Ben Ali nhận được nhiều thiện cảm của các đại sứ quán phương Tây. Ông được giới ngoại giao cho là có thể tin tưởng được và sẽ tiếp nối chính sách ủng hộ phương Tây như của người tiền nhiệm, giúp Tunisia không đi vào “quỹ đạo nguy hiểm” giống như ở Libya. Dựa trên sự ủng hộ đó, Ben Ali đã tiến hành đảo chính một cách tự tin và nắm lấy quyền lực.
Ngã ngựa vì mất lòng dân
Lên làm Tổng thống, Ben Ali cam kết sẽ đưa Tunisia đi theo hướng dân chủ. Nhưng khi tổ chức cuộc bầu cử đầu tiên của đất nước vào năm 1999, với nhiều ứng cử viên cùng tham gia, ông đã giành chiến thắng với tỉ lệ ủng hộ cao tới mức khó tin là 99,44%. Chuyện này khiến Ali bị đặt cho biệt danh “Ngài 99%”, dù người ta vẫn hay gọi ông ta bằng biệt danh khác là Ben A Vie (Tổng thống trọn đời) bởi xét tới việc ông đã cầm quyền hơn 2 thập kỷ. Hiến pháp Tunisia thậm chí đã thay đổi những 2 lần để ông tiếp tục kéo dài thời gian cầm quyền.
Không khí dân chủ không tới như lời hứa của Ali. Đổi lại, Ali mang tới cho người dân sự ổn định, việc làm, điều kiện sống được cải thiện và đầu tư nước ngoài tăng cao. Nền kinh tế từ chỗ què quặt của Tunisia đã đạt mức tăng trưởng 5%, quyền phụ nữ được thực thi khiến nước này nhận nhiều lời ca ngợi. Phần lớn người Tunisia cũng chấp nhận quyền lực của Ali để được hưởng các lợi ích của nền kinh tế đi lên.
Song sự ủng hộ đó tụt giảm nhanh cùng với sự tăng lên của tình trạng thất nghiệp trong nhóm các thanh niên đã tốt nghiệp đại học, việc giá cả hàng hóa tăng cao và sự bất công bằng giữa các vùng miền. Yếu tố không nhỏ góp phần thổi bùng thêm ngọn lửa phẫn nộ là các cáo buộc về tình trạng tham nhũng xuất hiện mạnh quanh Ali và gia đình ông, cùng lối sống xa hoa của họ.
Các vấn đề này đã được nêu chi tiết trong một số văn kiện ngoại giao mật do đại sứ Mỹ ở Tunis viết và đã được trang web WikiLeaks công bố hồi cuối năm ngoái. “Tham nhũng trong vòng tròn quyền lực đang tăng lên. Ngay cả những người Tunisia bình thường cũng biết về chuyện này và những lời than phiền đã tăng lên. Người Tunisia không thích, thậm chí ghét bỏ, đệ nhất phu nhân Leila Trabelsi và gia đình bà. Các đối thủ của chế độ bí mật chế nhạo bà. Ngay cả những người trong chính phủ cũng thể hiện sự chán nản trước các hành vi của bà” - đại sứ Robert Godec viết vào tháng 7/2009.
Các văn kiện này cho thấy con rể Ali là Mohamed Sakher El Materi, dù mới chỉ 28 tuổi, nhưng đã là một đại gia ở Tunisia. Nhân vật này đã sở hữu một công ty du lịch tàu biển, một công ty sản xuất thuốc và nhiều công ty bất động sản. Anh ta cũng có lối sống hết sức xa xỉ trong bối cảnh nhiều người dân còn phải vất vả kiếm sống. Văn kiện cho biết El Materi đã từng mở một bữa tiệc với kem lạnh và sữa chua được nhập thẳng từ vùng St Tropez của Pháp. Đây cũng là nơi Nesrine, một trong các con gái của Ali thường hay tới nghỉ ngơi. Thú nuôi trong nhà El Materi gồm có 1 con hổ lớn tên là Pasha, với thực đơn mỗi ngày gồm 4 chú gà béo.
Godec kết luận: “Sự xa xỉ trong lối sống của El Materi và Nesrine cùng cung cách cư xử của họ là lý do vì sao họ và các thành viên khác trong gia đình Ali không được ưa thích, thậm chí là bị người dân Tunisia ghét bỏ. Sự quá đáng của gia đình Ali đang ngày càng tăng lên”.
Kết quả của sự chán ghét dâng cao là biểu tình nổ ra trong những ngày cuối năm 2010, xuất phát từ việc một cử nhân trẻ Mohamed Bouazizi đã tự thiêu vì bị cảnh sát cấm bán rau quả do không có giấy phép hành nghề. Mặc dù Ali bày tỏ sự hối tiếc trước các cái chết của người thanh niên, hứa hẹn sẽ triển khai các biện pháp mang lại tự do báo chí và cam kết sẽ từ chức vào năm 2014 nhưng người biểu tình vẫn không chấp thuận, khiến ông buộc phải bỏ chạy ra nước ngoài lánh nạn.
Mohamed Bouazizi một sinh viên 26 tuổi đã tốt nghiệp đại học, không có việc làm nên phải bán rau quả trên vỉa hè kiếm sống. Anh bị cảnh sát tịch thu toàn bộ hàng hóa, với lý do “không có giấy phép”. Bouazizi đã van nài viên cảnh sát, nhưng hàng hóa vẫn bị đưa về trụ sở thị trấn. Tại đó, không ai chịu tiếp và đơn của Bouazizi cũng không ai nhận. Uất ức, Bouazizi đã tưới xăng lên người, hét to Kết thúc nghèo đói, kết thúc thất nghiệp!“, châm lửa tự thiêu ngay trước cửa dinh Tỉnh trưởng đến bỏng nặng và mất tại bệnh viện...
Những cuộc biểu tình trên toàn quốc lúc đầu là vì tình trạng đói nghèo, tham nhũng, sau chuyển thành nỗi tức giận với Tổng thống...
Tính bạo động của các đoàn biểu tình đang có xu hướng ngày càng gay gắt. Vũ khí của những người biểu tình ban đầu là đấu tranh ôn hòa, nhưng dần dần họ đã ném đá vào cảnh sát, đốt lốp xe, rồi tiến tới dùng “lựu đạn lửa” tự chế bằng những chai xăng. Họ bắt đầu đe dọa đập phá các trụ sở Thị chính và Hội đồng, các nhà Băng.
Cuộc nổi dậy tức giận dữ dội và ngày một đông chưa từng có này có nguồn gốc từ hơn một phần tư thế kỷ độc tài, nghèo đói và tham nhũng...
Tổng thống Zine al-Abidine Ben Ali cùng gia đình bỏ chạy sang Ả Rập Saudi hôm thứ Sáu, sau nhiều tuần bất ổn dẫn tới đụng độ trên đường phố thủ đô Tunis.
Quang cảnh ăn mừng trên đường phố thủ đô sau khi
Tổng thống Ben Ali từ chức
Lời cảnh báo từ Tunisia
(Hiếu Trung, Tuổi trẻ)
Sự sụp đổ của Tổng thống Ben Ali (74 tuổi) ở Tunisia được giới quan sát quốc tế mô tả một cách hình tượng là “cuộc cách mạng do WikiLeaks khởi xướng” đầu tiên trên thế giới. Thật ra “gia đình mafia” này đã tự kết liễu số phận của mình. Và “sự kiện Tunisia” không khỏi là một lời cảnh báo cho nhiều nước ở Bắc Phi...
Tổng thống bị lật đổ Zine El Abidine Ben Ali và vợ - bà Laila - năm 2009
Ảnh: Getty Images
Sakhr, con rể tổng thống bị lật đổ Zine El Abidine Ben Ali, là chủ Ngân hàng Zitouna - Ảnh: Getty Images
Theo báo Anh Telegraph, sau 23 năm trị vì, gia đình ông Ben Ali đã gom góp được một khối tài sản khổng lồ trị giá lên tới 5,5 tỉ USD gửi tại các ngân hàng ở Pháp. Tuy nhiên phu nhân Laila, trẻ hơn chồng 20 tuổi, mới là kẻ bị hàng triệu người dân căm ghét nhất. Từng làm nghề thợ cắt tóc trước khi trở thành đệ nhất phu nhân, bà Laila được mệnh danh là “nhiếp chính vương xứ Carthage (thành phố cổ ở Tunisia)”.
Rất nhiều người Tunisia cáo buộc bà Laila đã lợi dụng cuộc hôn nhân với ông Ben Ali để biến gia đình Trabelsis của bà thành một gia đình quyền lực và giàu có nhất đất nước này. Hiện có tin bà Laila đang trú ẩn ở Dubai, nơi bà thường xuyên bay đến để mua sắm xa xỉ.
“Gia đình mafia”
Người dân Tunisia gọi gia đình Ben Ali là “gia đình mafia”. Bức điện tín mà cựu đại sứ Mỹ tại Tunisia Robert F. Godec viết bị rò rỉ trên trang web WikiLeaks cho biết hai con gái của ông Ben Ali và bà Laila là Nesrine và Cyrine sống cực kỳ xa hoa. Nesrine thường chuyên chở hàng hóa xa xỉ bằng máy bay riêng đến biệt thự ở ven biển, trong khi chồng cô ta là Sakhr nuôi một con hổ làm cảnh và thường cho nó ăn thịt bò tươi.
Sakhr sở hữu một công ty tàu biển, các cơ sở sản xuất xe Audi, Volkswagen, Porsche và Renault, một công ty dược phẩm và hàng loạt công ty địa ốc. Một thành viên nhà Trabelsis là Belhassen chuyên mua đất chính phủ xác định là khu bảo tồn lịch sử, để rồi bán lại cho các công ty địa ốc với giá cắt cổ. Ngoài ra, Belhassen còn sở hữu một hãng hàng không, nhiều khách sạn hạng sang, hai đài truyền thanh và một nhà máy sản xuất xe hơi.
Trong khi gia đình này vơ vét của cải của đất nước thì tỉ lệ thất nghiệp ở Tunisia đã tăng lên đến 14%. Giá cả các loại hàng hóa cứ tăng lên, chỉ riêng giá sữa đã tăng gấp đôi trong vài tháng gần đây. Như giọt nước tràn ly, làn sóng biểu tình phản đối ông Ben Ali đã được khơi mào từ sự kiện anh Mohamed Bouazizi, một kỹ sư máy tính thất nghiệp, tự thiêu để phản đối chính quyền.
Không có việc làm, anh Bouazizi ra chợ bán rau mà không có giấy phép kinh doanh và bị nhà chức trách thu hết hàng hóa. Phẫn nộ và tuyệt vọng, anh đổ xăng vào người và châm lửa đốt. Cũng không lạ là trong các cuộc bạo động dẫn đến sự sụp đổ của ông Ben Ali, người biểu tình đã xông vào các biệt thự của nhà Trabelsis để cướp phá của cải.
“Hiệu ứng domino” tại Bắc Phi?
“Sự kiện Tunisia” được giới quan sát phương Tây bình luận là hồi chuông cảnh báo đối với thế giới Ả Rập, đặc biệt là khu vực Bắc Phi, nơi nhiều nhà lãnh đạo của Algeria, Libya, Ai Cập hay Jordan... cũng cai trị dân chẳng khác gì Ben Ali. Cả Ai Cập, Algeria và Libya đều nằm sâu ở nửa dưới bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ chức Minh bạch quốc tế. Tỉ lệ thất nghiệp cao là vấn nạn chung ở khắp Bắc Phi và nhiều nước Ả Rập.
Theo báo Telegraph, ở Algeria thời gian qua biểu tình, bạo động đã nổ ra rầm rộ tại nhiều thành phố, thị trấn lớn để phản đối tình trạng giá cả thực phẩm tăng vọt. Trong tháng này, đã có ba người chết và 240 người bị thương do các vụ đụng độ giữa người biểu tình với cảnh sát. Ở Jordan, hàng ngàn người đã biểu tình hôm 14-1 để đòi Thủ tướng Samir Rifai từ chức do đời sống người dân càng trở nên khó khăn hơn vì giá cả tăng cao. “Sự kiện ở Tunisia đáng để các chế độ trong khu vực suy nghĩ - ông Hugh Roberts, nhà phân tích chính trị ở Cairo (Ai Cập) và là tác giả cuốn sách Chiến trường Algeria 1988-2002, khẳng định - Nếu sự kiện đó có thể xảy ra ở Tunisia thì nó có thể xảy ra ở bất cứ đâu”.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá