50 sắc thái giả khoa học
Theo Wikipedia thì Giả khoa học hay ngụy khoa học là một loại hình của các kiến thức hay các quy trình nào đó, mà nói chung không được giới khoa học công nhận là một môn khoa học do không đáp ứng được các nguyên tắc khoa học cơ bản, đồng thời nó luôn cố gắng tự chứng tỏ đó là môn khoa học. Nguyên tắc đó là khả năng kiểm chứng bằng các phương pháp khoa học.
Một số các biểu hiện của nó là việc giả khoa học sử dụng ngôn ngữ của khoa học, các lý thuyết không được xây dựng bằng nghiên cứu khoa học, các lý thuyết trong một vấn đề có thể trái ngược lẫn nhau, có những trường hợp có thể có xung đột với các lý thuyết khoa học.
Tựa đề này là nhái theo “50 shades of grey”, tuy thực ra chắc là có nhiều hơn 50 sắc thái giả khoa học, nhưng ở đây tôi chỉ điểm danh 15 sắc thái giả khoa học quen thuộc nhất thôi, còn lại xin mời mọi người tự điền tiếp.
1 – Ngây thơ. Kiểu dốt mà không biết mình dốt, chân thành tin rằng mình rất giỏi, cái mình nghĩ ra là kinh lắm. Thường là những vị a-ma-tơ, hoặc những vị có bằng cấp kiểu “hữu nghị” nhưng lại tin là mình giỏi thật, viết “công trình lớn” chẳng được ai quan tâm. Về cơ bản là vô hại, trừ khi vị đó lại có vai vế, áp dụng cái “khoa học” của mình vào diện rộng bắt cả nước phải hứng.
2 – Thánh bảo. Đặt các loại tư tưởng, tôn giáo lên trên khoa học. Kiểu như nhà thờ cho Giordano Bruno lên giàn thiêu, hay Stalin tiêu diệt các nhà di truyền học, chỉ vì họ “trái lời thánh bảo”, trong khi các lý thuyết giả khoa học nhưng “hợp lời thánh” được tôn vinh.
3 – Suy luận nhảm. Kiểu như A suy ra B, bởi vậy B suy ra A.
4 – Số liệu bịa. Đặc biệt khi mà khó có ai kiểm tra được số liệu. Chỗ nào thiếu thì bịa, chỗ nào không khớp lý thuyết đưa ra thì gọt số liệu cho khớp.
5 – Trích dẫn khống. Kiểu như khẳng định một cái gì đó, nhưng để làm bằng chứng khoa học thì trích đến nguồn là … bà bán nước vỉa hè nói năm ngoái.
6 – Dịch loạn. Như kiểu khoa học từ tiếng nước ngoài khi dịch sang tiếng Việt thì sai loạn, thành ra ngớ ngẩn, từ Hegel đến Marx đến các vị khác chung số phận. Rồi phát triển lý luận dựa trên sự hiểu sai bản gốc đó.
7 – Giấu chỗ sai. Biết là kết quả sai hay có lỗ hổng, nhưng ỉm đi, cứ thế công bố “công trình thế kỷ”.
8 – Chém gió. Viết những câu “đao to búa lớn”, hù doạ thiên hạ, nhưng thực ra là vô nghĩa.
9 – Tự trích nhau. Tạo một nhóm lăng xê nhau, tự trích lẫn nhau thật nhiều để đẩy nhau lên thành những người có chỉ số trích dẫn cao.
10 – Làm hàng nhái. Người ta viết A thì mình viết A’ nhái người ta. Đẻ được khối công trình mà không cần có ý tưởng gì mới.
11 – Cắt dán. Đạo văn một cách thô thiển, chôm nguyên si những đoạn văn của người khác thành của mình. Bạo dạn hơn thì chôm luôn cả bài báo hay chương sách người khác thành bài báo của mình.
12 – Xào xáo. Đạo văn ở mức tinh vi hơn, sau khi chôm câu chữ và ý tưởng từ những nguồn khác thì nấu lại cho nó có vẻ mới. (Các chương trình kiểm tra đạo văn hiện đại sẽ ngày càng chú ý hơn đến tiết mục xào xáo này)
13 – Mua bài. Thay vì tự làm, ta đi mua, tức là thuê người khác làm rồi mình đứng tên bài báo hay luận văn. Trông rất oách, và không cần hiểu bên trong viết gì.
14 – Cai đầu dài. Ở mức độ cai đầu dài, không cần mua nữa, mà tranh công, bóc lột những người làm thật.
15 – Má mì. Ở mức độ này, nuôi hẳn mấy tay làm thuê viết mướn “có trình độ nhưng mà lương chính thức còi”, trả tiền đều đặn cho chúng để chúng cung cấp đều đặn công trình cho mình đứng tên. Lợi cả hai bên, một bên bán chất xám chợ đen, một bên mua danh.
Bởi vì có rất nhiều cách làm khoa học giả như vậy, nên để phát hiện khoa học giả thì cần có những hội đồng khoa học thật có trình độ và có quy trình tốt, không giống cái hội đồng ở những nơi nao …
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015