Không có cái gọi là "Chủ Nghĩa Duy Vật Tâm Linh"
Trên Văn hóa Nghệ An online ngày 25-7-2014 xuất hiện bài viết “Nhận thức lại bản chất của ý thức và tâm linh” của Hồ Bá Thâm với những đề xuất táo bạo về việc xem xét và mở rộng triết học duy vật biện chứng. Tác giả cũng mạnh dạn đưa ra cái gọi là “chủ nghĩa duy vật tâm linh”, nhằm gắn kết hai khái niệm đối nghịch nhau như nước với lửa (cả về mặt bản thể và nhận thức). Để chứng minh cho những đề xuất mang tính cách mạng đó, Hồ Bá Thâm đã viện dẫn tài liệu thuộc nhiều lĩnh vực học thuật khác nhau. Khối kiến thức đó và cách lập luận của Hồ Bá Thâm có thể gây ấn tượng với bạn đọc đại chúng. Tuy nhiên do đã từng gặp nhiều trường hợp như vậy, nên tôi cho rằng, do thiếu nền tảng kiến thức trong các lĩnh vực cần thiết (triết học, vật lý học, khoa học sự sống, dị thường học và một số lĩnh vực khác), nên có lẽ tác giả đã bị “tẩu hỏa nhập ma”. Một cách ngắn gọn, về mặt triết học, tôi cho rằng không thể có cái gọi là “chủ nghĩa duy vật tâm linh” với tư cách là một triết thuyết có thể sánh vai với các triết thuyết khác. Về mặt khoa học, có vẻ Hồ Bá Thâm muốn cổ vũ cho sinh lực luận, một quan niệm triết học - khoa học đã chết từ năm 1828, khi ông đang muốn tin linh hồn có thật dựa trên các hiện tượng đầu thai hoặc luân hồi. Nói cách khác, trong bài viết nói trên, Hồ Bá Thâm đã mắc sai lầm nghiêm trọng cả về triết học và khoa học.
Để tiện cho việc trao đổi, tôi xin trình bày lập luận của mình theo trình tự các vấn đề mà Hồ Bá Thâm đã nêu.
Đặt vấn đề:
Tác giả cho rằng, khoa học hiện đại và các hiện tượng tâm linh đang tạo ra những nhận thức mới về bản chất của ý thức và tâm linh, với bốn vấn đề cơ bản. Đó là: 1) Ý thức có tính vật chất hay không, và có phải là một dạng tồn tại đặc biệt của vật chất hay không?; 2) Ý thức chỉ là sản phẩm đơn thuần của bộ não con người?; 3) Có linh hồn hay không?; và 4) Có hiện tượng đầu thai hay luân hồi hay không?
Tiếp theo tác giả cho rằng, “phải chăng tùy theo cách nhận thức vấn đề này (bản chất của ý thức, ĐKC nhấn mạnh) mà các triết gia xếp thành hai chiến tuyến đối lập - duy tâm và duy vật? Tuy nhiên từ lâu, dù thuộc ý thức hệ nào người ta cũng sẵn sàng tin rằng ý thức, cảm xúc có sức mạnh vật chất to lớn. Sự khác nhau còn lại phải chăng là ở chỗ có người coi ý thức là phi vật chất, họ vạch đường ranh mơ hồ nhưng dứt khoát giữa hai thế giới vật chất và tinh thần?”.
Khi đặt dấu hỏi ở đây, phải chăng Hồ Bá Thâm cho rằng, “coi ý thức là phi vật chất” là một quan niệm sai lầm? Nếu thực sự nghĩ như vậy, tôi đề nghị ông xem xét lại kiến thức cơ bản về triết học. Vật chất và ý thức là những khái niệm cơ bản, tách biệt và đối nghịch nhau (cả về mặt bản thể và nhận thức) trong triết học. Nếu xem ý thức chính là vật chất, dù là “vật chất mịn” theo Nguyễn Hoàng Phương hay một dạng vật chất đặc biệt nào khác, thì làm gì có bài toán duy vật - duy tâm với tư cách bài toán trung tâm của triết học! Và quả thật “ý thức, cảm xúc có sức mạnh vật chất to lớn”, nhưng ý thức chỉ có thể thực hiện được sức mạnh đó thông qua hoạt động của con người, đúng như Marx đã khẳng định! Hay Hồ Bá Thâm thực sự tin rằng có thể dùng ý nghĩ để đuổi mưa, như một “dị nhân” đã hoang tưởng trong dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội?
Về mặt kỹ thuật, khi viết “ý thức, cảm xúc có sức mạnh vật chất to lớn”, tác giả đã trộn lẫn hai khái niệm thuộc hai lĩnh vực khác nhau, đó là ý thức như một khái niệm triết học và cảm xúc như một khái niệm thần kinh - tâm lý học. Đó là một điều rất không nên trong một bài báo đang muốn cải biến duy vật luận biện chứng, tức phải đáp ứng những đòi hỏi cao nhất về tính khoa học trong lập luận.
Bạn đọc có thể cho rằng tôi vội vàng, nhưng chỉ với nhận định “ngày nay dưới ánh sáng khoa học hiện đại về trường vật lý hạ nguyên tử, trường sinh học, trường tâm thần và thông tin cũng như lĩnh vực tâm linh học…, chúng ta thử đặt vấn đề nghiên cứu lại bản chất của ý thức, xem ở đây có gì phải đổi mới tư duy, làm rõ hơn hay không?”, đã có thể cho rằng Hồ Bá Thâm thiếu tư cách học thuật để đặt ra vấn đề “đổi mới tư duy”. Xin hỏi tác giả, trường vật lý hạ nguyên tử là trường gì, và tại sao nó lại liên quan với ý thức? Và khái niệm trường sinh học của cố giáo sư Nguyễn Hoàng Phương đang ám ảnh Hồ Bá Thâm? Tác giả có thể nói thêm về “trường tâm thần” để các nhà thần kinh học và tâm thần học học hỏi thêm hay không? Và lĩnh vực tâm linh học là lĩnh vực nào, liệu tác giả có thể định nghĩa khái niệm tâm linh được hay không? Muốn thực hiện một cuộc cách mạng trong nhận thức, tại sao tác giả chỉ nói khơi khơi như vậy? Và cách hành văn theo kiểu dẫn cả ngôn ngữ lúc trà dư tửu hậu “bó tay.com” thì có lợi gì cho việc nhận thức lại triết học?
Khi đọc thấy nhận định “các công trình nghiên cứu khoa học Cận tâm lý đã chứng minh bằng thực chứng rằng sau khi thể xác chết phần ý thức - tinh thần vẫn tồn tại ở một dạng khác, ở một nơi khác”, tôi những tưởng Hồ Bá Thâm dẫn ra được những bằng chứng không thể bác bỏ, điều mà tôi đã tìm kiếm hơn 30 năm trên hệ thống tư liệu quốc tế mà không thấy, theo đúng tiêu chí Carl Sagan trong khoa học (tuyên bố khác thường đòi hỏi chứng cứ khác thường), thì Hồ Bá Thâm lại dẫn Đoàn Xuân Miệu, một người mà tôi cho rằng cũng thuộc trường phái “chúng ta muốn tin” trong lĩnh vực dị thường học! Tôi xin khẳng định rằng, đó là một nhận định hoàn toàn sai lầm, vì khoa học hiện đại bác bỏ sự tồn tại của linh hồn như một sự sống sau cái chết. Và đó là sự bác bỏ của khoa học hiện hành, chứ không phải chỉ là “vẫn có những nhà khoa học (như TS. Đỗ Kiên Cường) phản đối điều này”, như Hồ Bá Thâm đã viết trong lầm tưởng.
Ý thức có phải là vật chất và có tính vật chất hay không?
Có một thực tế là nhiều người bàn luận rất hăng say về việc ý thức có thể là một dạng đặc biệt của vật chất, chẳng hạn “vật chất mịn” (Nguyễn Hoàng Phương) hay “vật chất ảo” (Hồ Bá Thâm), mà quên không giới thuyết khái niệm vật chất! Nên họ bị rơi vào cái bẫy ngôn ngữ do chính họ đặt ra. Vậy vật chất là gì?
Khác với khái niệm vật chất trong vật lý học (tôi xin giới hạn ở các quark và các lepton, cũng các trường tương tác giữa chúng), Lenin đưa ra một định nghĩa chuẩn mực về vật chất như một phạm trù triết học. Theo đó, vật chất là tồn tại khách quan, đối lập và được phản ánh trong ý thức. Định nghĩa ngắn gọn đó gồm ba chân lý: 1) vật chất là tồn tại khách quan; 2) vật chất đối lập với ý thức, cũng có nghĩa ý thức không thể là vật chất; và 3) vật chất có thể nhận thức được (nhờ ý thức như một thuộc tính của vật chất phát triển cao).
Một số người muốn bác bỏ Marx bằng cách cho rằng, trong xã hội thông tin, chính thông tin, chứ không phải vật chất, mới quyết định sự phát triển, chẳng hạn một vị phó chủ tịch Viện hàn lâm khoa học Rumania từng phát biểu khoảng mười năm trước (tôi đang tìm lại tài liệu gốc). Nếu nắm rõ quan niệm của Lenin, có thể họ sẽ không mắc sai lầm như vậy (cả vật chất, năng lượng hay thông tin theo nghĩa vật lý học đều thuộc phạm trù vật chất của triết học, vì chúng đều là những “tồn tại khách quan, đối lập và được phản ảnh trong ý thức”).
Từ khái niệm vật chất của Lenin, dễ dàng bác bỏ quan niệm xem ý thức là “vật chất ảo” của Hồ Bá Thâm. Tôi cũng đề nghị Hồ Bá Thâm hãy dẫn ra quan niệm về ý thức của Đại bách khoa toàn thư Liên Xô để bàn luận, chứ không nên dẫn Wikipedia bản tiếng Việt, vì sự vàng thau lẫn lộn trên đó. Tôi cũng khuyên tác giả hãy tham khảo một cuốn sách chuẩn mực về bản chất của ý thức Cầu thang tới tâm trí (Stairway to the Mind) của Alwyn Scott, 1995. Trong đó nhà vật lý lý thuyết của Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos, Mỹ, đã bác bỏ các lý thuyết khác (duy vật luận cứng nhắc, hành vi luận, nhị nguyên luận…) để bênh vực cho duy vật luận hợp trội (emergent materialism). Nếu đã đọc bài viết “Hợp trội luận và quy giản luận: Đối lập và song hành” của tôi trên Tia Sáng từ 2008, hẳn Hồ Bá Thâm sẽ biết rằng, đó chính là quan điểm của duy vật luận biện chứng chứ không phải cái gì khác.
Để làm sáng tỏ sự khác biệt và song hành, cũng như sự đối lập và thống nhất giữa hai phạm trù triết học căn bản là vật chất và ý thức, tôi xin dẫn ra hai minh họa đơn giản nhưng điển hình, đó là vị mặn của muối và thực tế ảo trong máy tính.
Trong trường hợp vị mặn của muối, phân tử NaCl là vật chất, còn vị mặn (trong vai trò ý thức) là thuộc tính hợp trội (emergent property) của sự kết hợp giữa các nguyên tử Na và Cl, xuất hiện theo quy luật lượng - chất của biện chứng pháp Hegel. Ta không thể tìm vị mặn đó ở các nguyên tử thành phần, mà chỉ khi các nguyên tử Na và Cl kết hợp với nhau tạo thành tinh thể muối, vị mặn mới xuất hiện. Tương tự như vậy, chỉ khi bộ não con người hoạt động một cách trơn tru, chuẩn mực thì ý thức mới xuất hiện. Không có loại “vật chất ảo” tạo nên vị mặn của muối hay tạo nên ý thức của bộ não hoàn chỉnh, như Hồ Bá Thâm lầm tưởng.
Gần với bài toán bộ não và tâm trí hơn là mối tương quan giữa máy tính và thực tế ảo. Nếu như trong mối tương quan bộ não - tâm trí, bộ não đóng vai trò vật chất, tâm trí đóng vai trò ý thức; thì trong mối tương quan máy tính - thực tế ảo, máy tính đóng vai vật chất, còn thực tế ảo đóng vai ý thức. Khi máy tính bị hỏng, thực tế ảo trong nó sẽ chết. Tương tự như vậy, khi bộ não chết, tâm trí cũng không thể tồn tại. Không có loại “vật chất ảo” nào quy định hoạt động của cả thực tế ảo trong máy tính và ý thức trong bộ não con người, như Hồ Bá Thâm quan niệm.
Nếu những lập luận trên không thể thuyết phục Hồ Bá Thâm (mà tôi e thực tế sẽ đúng như vậy, vì Hồ Bá Thâm quan niệm rất sai lầm về vật chất và ý thức như sau: “Sự tương quan của Linh Hồn và Thể Xác cũng như sự tương quan của làn sóng điện từ và chiếc máy radio. Linh hồn cũng là một loại từ trường, nhưng lại là một loại từ trường có ký ức, nó mang theo tất cả thông tin khi Thể Xác còn sống”. Viết như vậy chứng tỏ tác giả không hề biết cả máy radio và sóng điện từ để thuộc phạm trù vật chất, đều là “Thể Xác”; chỉ có hành vi hoặc chức năng của máy radio mới thuộc phạm trù tinh thần, tức là “Linh Hồn” theo cách phân chia của ông), tôi đề nghị tác giả hãy cho bạn đọc được biết loại “vật chất ảo” đó là gì, nó có đặc trưng ra sao và có thể nhận chân nó như thế nào. Xin Hồ Bá Thâm vui lòng dẫn ra các tài liệu gốc (the original papers) trên các tạp chí khoa học hoặc của các nhà xuất bản chính thống, chứ không phải các tài liệu nặng tính tư biện và không thể kiểm chứng trên internet. Đòi hỏi này không hề khắt khe, khi Hồ Bá Thâm đang có tham vọng nhận thức lại bản chất của ý thức, như tiêu đề bài của ông viết khẳng định.
Và xin tác giả đừng đưa ra các thông tin kiểu “theo Viện nghiên cứu cơ khí chính xác quốc gia Nga ở St.Peterburg cơ sở của thông tin là “trường xoắn” (Torsional field). Bằng những công cụ tân kỳ các nhà khoa học Nga đã đo lường được “trường xoắn”, cũng như chứng minh được vai trò quyết định của nó trong khả năng ngoại cảm của con người. Các tính năng quan trọng của “trường xoắn” là tác động xa, với tốc độ lớn hơn tốc độ ánh sáng. Như vậy, “thông tin - ý thức”, “năng lượng - vật chất”, là những hòn đá tảng xây nên vũ trụ và đồng thời là những biểu hiện cơ bản của các tính năng của tạo hóa”. Nếu có kiến thức cần thiết tối thiểu về triết học và vật lý, có thể thấy ngay rằng đó là những thông tin sai sự thật. (Nếu Hồ Bá Thâm thấy cần thiết, tôi sẽ chứng minh điều đó khi có dịp). Còn khả năng ngoại cảm? Xin hãy đọc các bài viết “Tất cả giới ngoại cảm đều là lừa đảo” hoặc “Ngoại cảm là ngụy khoa học” mà tôi đã công bố để biết đâu là đánh giá của khoa học hiện đại (chứ không phải của cá nhân TS Đỗ Kiên Cường, như Hồ Bá Thâm ngộ nhận). Bạn đọc dễ dàng tìm thấy các bài viết đó của tôi (và các bài viết khác về ngoại cảm và tâm linh) trên internet.
Tôi thấy cần nói thêm một thông tin để giúp Hồ Bá Thâm không tiếp tục tiếp tục ngộ nhận. Đó là lý thuyết lượng tử của ý thức của Penrose và Hammeroff. Bạn đọc quan tâm có thể đọc thêm bài “Tôi chọn cả Thượng Đế và khoa học” mà tôi đã đăng trên Tia Sáng từ 2003. Penrose cho rằng sự suy sụp của hàm sóng tại các vi ống trong não là căn nguyên của ý thức. Ở đây xin phép không trình bày những khía cạnh phức tạp của cơ học lượng tử (hàm sóng, sự suy sụp của hàm sóng khi tiến hành phép đo, sự đo đạc biến quá trình xác suất thành hiện thực tức thời…), mà tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng, giới thần kinh học không hề quan tâm một chút nào tới giả thuyết đầy tính tư biện và không thể kiểm chứng đó. Tôi thành thực khuyên Hồ Bá Thâm rằng, nếu muốn lập thuyết, xin hãy tìm đọc và thấu hiểu các công trình gốc, chứ không nên tham khảo chúng qua lăng kính của người khác.
Vũ trụ có trí tuệ hay không?
Ngay đề mục “PHẢI CHĂNG CÓ “TRÍ TUỆ VŨ TRỤ” VÀ, LINH HỒN - TÂM LINH” cũng cho thấy dường như Hồ Bá Thâm đang loạn nhận thức, khi mắc những lỗi sơ đẳng về khái niệm, nhận thức, cách hành văn và chính tả tiếng Việt! Tại sao lại xếp đồng đẳng linh hồn và tâm linh? Tại sao lại có dấu phẩy sau chữ “VÀ”? Và tại sao không có dấu chấm hỏi sau một câu nghi vấn?
Câu trả lời của tôi rất đơn giản. Hồ Bá Thâm hãy xem lại các kiến thức nền tảng để biết rằng, trong triết học, có hai trường phái là duy vật và duy tâm, tùy thuộc vào quan niệm xem vật chất hay ý thức có trước và có vai trò quyết định. Duy tâm luận hoặc xem ý thức có trước và quyết định vật chất, hoặc xem vũ trụ tự có ý thức (phiếm thần luận)
Bạn đọc có thể thắc mắc không hiểu tại sao các học giả lại đặt ra vấn đề ý thức vũ trụ. Thật ngạc nhiên đó là do sự tiến bộ của vật lý học! Giới vật lý từng ngạc nhiên là nếu chỉ một trong hàng chục hằng số vật lý (như tốc độ ánh sáng hay điện tích điện tử) thay đổi giá trị vài phần trăm, vũ trụ đã diễn biến khác hẳn và con người đã không thể xuất hiện để mà nghiên cứu vũ trụ. Nên một số nhà vật lý cho rằng vũ trụ đã được thiết kế để tạo ra con người (do một ý chí tối cao hoặc do vũ trụ tự có ý thức). Rất nhiều học giả nổi tiếng ưa thích quan niệm này, vì cho rằng như thế thì sự có mặt của con người mới có ý nghĩa, mới không chỉ là một sự tiến hóa mang tính ngẫu nhiên. Tuy nhiên đa phần giới vật lý học không đồng ý như vậy. Nhằm tránh những quan niệm mang hơi hướm tôn giáo như thế, xuất hiện giả thuyết về những vũ trụ song song hay đa vũ trụ (multiverse), đối ngược với đơn vũ trụ (universe) thông thường. Hãy hình dung trò thổi bong bóng xà phòng, mỗi bong bóng là một vũ trụ với hệ quy luật riêng. Phần lớn các vũ trụ đó không thuận lợi để sự sống và con người phát sinh và phát triển. Nhưng tình cờ trong vô vàn các bong bóng đó, có một bóng bóng có điều kiện màu mỡ đối với sự sống. Và chỉ trong 15 tỷ năm, con người đã xuất hiện để băn khoăn tự hỏi tại sao vũ trụ lại như vậy. Đó là nội dung thuyết chọn lọc tự nhiên vũ trụ, như một sự mở rộng thuyết tiến hóa Darwin trong sinh học. Bạn đọc quan tâm có thể tìm bài viết “Văn hóa có thúc đầy quá trình tiến hóa hay không?” để tham khảo thêm.
Tất nhiên Hồ Bá Thâm hoàn toàn có quyền giữ vững quan điểm cá nhân về trí tuệ vũ trụ; tuy nhiên ông cần củng cố nó bằng những lập luận khoa học và chặt chẽ hơn. Đặc biệt ông cần bác bỏ giả thuyết đa vũ trụ của vật lý học.
Đầu thai và luân hồi có thật hay không?
Nếu không tính đến những câu chuyện đầy tính giai thoại về các trường hợp đầu thai, thì thần tượng của những người như Hồ Bá Thâm chính là cố giáo sư tâm thần học Stevenson.
Tôi từng nhiều lần viết về luân hồi. Bạn đọc quan tâm có thể tìm hai bài viết trên internet “Hiện tượng luân hồi dưới quan điểm khoa học” và “Bàn thêm về luân hồi”. Nói một cách ngắn gọn, khoa học hiện hành xem giả thuyết luân hồi qua 3000 trường hợp của Stevenson chỉ là một quan điểm giả khoa học. Để tiết kiệm thời gian của bạn đọc, tôi xin trích lại những gì đã viết:
Giáo sư tâm thần học Ian Stevenson (1918-2007) là người hùng của những ai tin tưởng vào sự đầu thai. Qua nghiên cứu chi tiết khoảng 3000 trường hợp “gợi ý tới sự luân hồi” hay “kiểu luân hồi” (thuật ngữ thể hiện sự thận trong của ông), ông cho rằng đó là bằng chứng của sự đầu thai.
Tuy nhiên đa số giới khoa học không đồng ý với ông. Năm 1977, khi tạp chí Bệnh thần kinh và tâm thần dành gần một số để đăng tải kết quả của Stevenson, Ban biên tập phải viết ở lời nói đầu rằng, việc đăng tải có thể bị xem là thiếu khoa học “vì vấn đề cá nhân và khoa học của tác giả, vì tính thỏa đáng của phương pháp nghiên cứu và vì sự mâu thuẫn với các nền tảng của sự duy lý”. Nói cách khác, cả quan điểm, phương pháp và kết quả của Stevenson đều bị xem là trái ngược với tư duy hiện hành, một tư duy đã được thực tế phản nghiệm (nền văn minh công nghiệp và tri thức được xây dựng dựa trên nền tảng tư duy này). Còn trong phần nhận xét, nhà tâm thần học Harold Lief viết: “Hoặc ông mắc sai lầm nghiêm trọng, hoặc ông là Galileo của thế kỉ XX”. Khả năng thứ hai không thể xẩy ra, vì khi đó nhân loại phải bác bỏ toàn bộ nền khoa học hiện hành.
Các nhà khoa học khác không tế nhị như vậy. Trên Tạp chí tâm thần học Mỹ, tháng 4-2005, Carodet cho rằng, các nghiên cứu của Stevenson là “thí dụ của quá trình thu thập bằng chứng từ sự mong muốn”. Nhà triết học Paul Kurtz, sáng lập viên của Ủy ban yêu cầu nghi ngờ CSI, còn đi xa hơn, khi xem chúng chỉ là giả khoa học (pseudoscience).
Tất nhiên trong cộng đồng khoa học vẫn có người ủng hộ Stevenson, nhưng họ chỉ là thiểu số. Điểm yếu lớn nhất của Stevenson và những người đồng quan điểm là vấn đề mà nhà triết học Paul Edwards, một người phê bình Stevenson rất kiên định, gọi là “modus operandi problem” (bài toán cơ chế vận hành). Đó là sự thiếu vắng các cơ chế vật chất để một nhân cách có thể sống sót sau cái chết và cấy vào cơ thể khác. Chính Stevenson cũng thừa nhận sự thiếu hụt này, như thể hiện trong cuộc tranh luận trên BBC năm 1976.
Chúng ta hãy theo dõi một phần cuộc tranh luận thú vị này:
Cohen:Ký ức gắn với bộ não. Không có bộ não thì không có ký ức.
Stevenson:Tôi nghĩ đó là giả định. Ký ức có thể tồn tại trong não và ở một nơi nào đó.
Cohen:Nhưng chúng ta không có một bằng chứng dù là nhỏ nhất về việc ký ức tồn tại ngoài não bộ. Chúng ta chỉ thấy một tổn thương não nhỏ cũng có thể phá hủy trí nhớ chứ không có một ngoại lệ nào.
Stevenson:Tôi cảm thấy vấn đề ở đây là, liệu ký ức có thể sống sót sau khi phá hủy não hay không.
Taylor:GS Stevenson, ông có bằng chứng nào, ngoài các trường hợp luân hồi, về việc trí nhớ có thể tồn tại sau cái chết của tổ chức vật chất?
Stevenson:Không. Tôi nghĩ bằng chứng tốt nhất là các trường hợp luân hồi.
(dẫn theo mục Luân hồitrong Bách khoa thư về các hiện tượng dị thường, NXB Prometheus Books ấn hành tại Mỹ năm 1996, trang 633).
Bạn đọc có thể thấy gì từ cuộc tranh luận này? Trong khi Cohen và Taylor (những người phản đối luân hồi) nhấn mạnh sự phụ thuộc của tâm trí vào bộ não (điều được khoa học thần kinh và khoa học tâm trí khẳng định), thì Stevenson chỉ đưa ra giả định về điều ngược lại, thể hiện qua cách trình bày “tôi nghĩ” hoặc “tôi cảm thấy”. Nhưng khoa học hiện đại, dưới hình thức như chúng ta đã biết, dựa trên các bằng chứng khách quan chứ không dựa trên cách nghĩ hoặc cảm nhận chủ quan của một cá nhân.
Kết luận:
Sau những gì đã trình bày, có thể thấy quan điểm “nhận thức lại bản chất của ý thức và tâm linh” của Hồ Bá Thâm tuy đáng hoan nghênh trên tinh thần dám nghĩ dám làm, nhưng không hề có cơ sở lý luận và thực tiễn xác đáng. Đó chỉ là sự ngộ nhận dựa trên việc thiếu hiểu biết về các vấn đề nền tảng trong triết học, vật lý học, khoa học sự sống và dị thường học. Cá nhân tôi thực sự tin rằng, không chỉ riêng Hồ Bá Thâm, mà không một học giả Việt Nam nào có đủ tầm vóc trí tuệ và nhân cách để bàn về những vấn đề lớn lao như vậy.
Dường như có một thực tế là sau sự sụp đổ của phe xã hội chủ nghĩa, có một sự lảng tránh các quan niệm nền tảng của Marx trong một số giới học thuật Việt Nam. Tôi chỉ muốn thông tin tới bạn đọc rằng, để chào mừng thiên niên kỷ mới, năm 1999, chính khán thính giả của đài BBC đã bầu chọn Marx là nhà tư tưởng vĩ đại nhất thiên niên kỷ thứ hai; và năm 2004, cũng khán thính giả của một kênh BBC lại bầu Marx là nhà triết học vĩ đại nhất. Bản thân tôi cũng có một trải nghiệm khá thú vị, khi một số nhà khoa học tỏ ý chê trách tôi đã dùng duy vật luận biện chứng để làm nền tảng cho những nghiên cứu về ngoại cảm và tâm linh. Và tôi đã gửi lời nhắn tới họ rằng, tôi là người duy vật chủ nghĩa (không tin vũ trụ do một ý chí tối cao tạo ra) và theo phương pháp biện chứng (xem xét sự vật trong tất cả các mối quan hệ có thể có, theo đúng tinh thần lý thuyết hệ thống hiện đại; và do đó đối ngược với sự chia tách các sự vật trong phương pháp siêu hình). Vậy thì tin theo duy vật luận biện chứng có gì sai?
TP Hồ Chí Minh ngày 28-07-2014
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn