Nhận thức luôn là nhu cầu mãnh liệt
Là một Giáo sư triết học, ông được biết đến với những nghiên cứu rất sâu về con người và văn hóa Việt Nam. Những lý giải của ông thường đem đến cho người đọc những bất ngờ thú vị.
Người Việt không thích triết học?
PV: Với nhiều người, môn triết học là môn khô khan và khó học nhất. Đó là do cách dạy của ta hay do người Việt không có tố chất để học triết?
GS. Hồ Sĩ Quý: Người Việt học gì cũng giỏi. Điều này đã được chứng minh ở nhiều cộng đồng người Việt trên khắp thế giới. Tất nhiên là cũng có người dốt, nhưng so sánh ở phạm vi nhóm, cộng đồng tương đương thì người Việt bao giờ cũng giỏi. Nếu bạn theo dõi tình hình ở Đức gần đây thì có thể thấy việc học giỏi của cộng đồng người gốc Việt lại còn đang trở thành vấn đề đối với cộng đồng Thổ Nhĩ Kỳ, một cộng đồng cũng rất thông minh và năng động, và với các cộng đồng nhập cư khác.
Tôi muốn nói rằng, không có lý do gì thuộc tư duy hoặc tố chất bẩm sinh khiến người Việt khó học triết học. Chắc chắn là vấn đề thuộc về người dạy, thuộc về cái được dạy, phương pháp dạy và môi trường giảng dạy. Kể cả với triết học Marx.
Dẫn ra một trường hợp ở đây cũng là cần thiết. Tôi được biết, GS. Trần Văn Đoàn, một người gốc Việt hiện đang được coi là “bậc siêu” trong việc dạy triết học ở Đài Loan, Đức, Pháp, Mỹ, Italia... Điều thú vị là ông giảng triết học Marx cũng cực hay. Mấy khoá gần đây ông luôn được bầu là ủy viên thường trực của Hội triết học thế giới, vị trí mà ở vài khoá trước, ngay cả Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản cũng đôi khi không có đại diện. Nếu không coi là ngoại lệ thì GS. Trần Văn Đoàn là trường hợp điển hình cho việc người Việt học triết học và có tư duy triết học.
Nói cho công bằng thì đã có lúc việc dạy và học triết học ở khoa Triết, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng không đến nỗi nào…
GS. Trần Văn Đoàn (người thứ nhất từ phải sang), cùng GS. Tomonobu Imamichi (Nhật Bản), GS. William Sweet (Canada), Dr. Noriko Hashimoto (Nhật Bản), GS. Fr. George McLean (Mỹ) tại Đại hội triết học thế giới 2003.
PV: Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng người Việt Nam không thích tranh luận về triết học?
Vào những năm 80 của thế kỷ trước, GS. Trần Đình Hượu đã nói rằng người Việt ta xưa nay không “say mê tranh biện triết học” và đó là một nguyên nhân khiến ta khó đạt được những đỉnh thật cao của trí tuệ.
GS. Trần Đình Hượu: “Người Việt Nam không có tâm lý kiền thành, cuồng tín tôn giáo, mà cũng không say mê tranh biện triết học. Các tôn giáo đều có mặt, nhưng thường là biến thành một lối thờ cúng, ít ai quan tâm đến giáo lí. Không có một ngành khoa học, kĩ thuật, giả khoa học nào phát triển đến thành có truyền thống. Âm nhạc, hội họa, kiến trúc đều không phát triển đến tuyệt kĩ. Trong các ngành nghệ thuật, cái phát triển nhất là thơ ca. Hầu như người nào cũng có thể, cũng có dịp làm dăm ba câu thơ. Nhưng số nhà thơ để lại nhiều tác phẩm thì lại không có. Xã hội có trọng văn chương, nhưng cũng chưa bao giờ tôn ai là thi bá, và bản thân các nhà thơ cũng không ai nghĩ cuộc đời, sự nghiệp của mình là ở thi ca. Chưa bao giờ trong lịch sử dân tộc, một ngành văn hoá nào đó trở thành đài danh dự, thu hút, quy tụ cả nền văn hoá”. (Trần Đình Hượu. “Về đặc sắc văn hoá Việt Nam”) PV:Theo ông điều đó có đúng không? GS. Hồ Sĩ Quý: Khẳng định này về đại thể nên coi là đúng. Nghĩa là, dẫu sao người Việt vẫn thiếu một kiểu văn hóa tư duy (không phải tư duy mà là văn hóa tư duy) đẩy sự phân tích, chiêm nghiệm, lý giải về sự việc đến tận cùng logic khách quan của nó. Nói cách khác, tư duy của người Việt rất hiếm khi được đẩy đến tận cùng chiều sâu của lý trí. Nhưng nói người Việt không thích tranh biện triết học, thì lại phải bàn thêm. PV: Tại sao vậy, thưa ông? GS. Hồ Sĩ Quý: Ở ta, triết học không giống như ở phương Tây. Có người còn coi Việt Nam, thậm chí, cả Trung Hoa nữa cũng không có triết học, với nghĩa là không có thứ tư duy và văn hóa tư duy theo kiểu “Yêu mến sự thông thái” (nghĩa gốc của từ Philosophy), khởi nguồn từ Triết học Hy Lạp cổ đại. Nhưng không thích tranh biện triết học thì chưa chắc. Có điều, triết học ở ta, nếu có, thường thiên về triết lý, hay như GS. Hoàng Ngọc Hiến gần đây hay nói: triết học ở ta là một kiểu minh triết (Wisdom), Minh Triết Việt. Bằng cớ là những người ưa lý sự, theo nghĩa tốt của từ, rất hay khuyến khích hoặc an ủi người khác về những gì nên được coi là thành - bại, khôn - dại, được - mất, hơn - thua… Đâu đâu ta cũng có thể bắt gặp những người thích khái quát những sự việc to nhỏ ở đời để “đúc” nên những lời răn cho mình và cho người khác. Từ sự thiếu hụt liêm chính của mấy người làm quan đến thói đỏng đảnh của một vài cậu ấm. Từ cái ngớ ngẩn của những người tài ba đến sự thâm thuý của bà bán hàng rong. Từ giá trị của bằng cấp thời nay đến thực chất của những con số tăng trưởng kinh tế… Tất cả những suy tư kiểu đó thực chất là suy tư triết học. Bởi triết học là sự suy ngẫm ở tầm phương pháp luận, thế giới quan và nhân sinh quan về mọi thứ trong quan hệ nhân quả không thể chối cãi được của chúng. Theo tôi người Việt rất thích tư duy theo kiểu này, chứ không phải ngược lại. Một trường đại học ở phương Tây đã quảng cáo cho khoa triết của họ: Đã bao giờ bạn đặt câu hỏi, tại sao mình lại có mặt trên đời ở đây và bây giờ, chứ không phải ở nơi khác và vào lúc khác? Ý nghĩa cuộc đời bạn nằm ở đâu - tiền bạc, của cải hay sự giàu có về tinh thần? Bạn nhất định sẽ thành đạt hay chưa chắc đã thành đạt? Bạn có tin là Chúa luôn luôn đúng hay không? Vũ trụ lớn đến chừng nào và nơi bạn đang ở sẽ ra sao sau khi bạn không còn trên đời này nữa?... Hãy ghi tên nhập học ở khoa chúng tôi nếu bạn có những câu hỏi tương tự như vậy. Tôi muốn nói rằng, lời quảng cáo trên là nhằm đánh thức bản năng tư duy trừu tượng ở mỗi con người. Đã là người, bẩm sinh, dù không ý thức, ai ai cũng phải tìm cách định hướng hành vi và thái độ của mình để tìm hiểu những điều chưa biết trên cơ sở giải thích những điều đã biết. Cái đó rất gần với triết học. Sắp xếp mọi vật quanh mình theo một trật tự nào đó, tìm ra logic hợp lý cho những điều đang diễn ra xung quanh, giải thích nguyên nhân của cái đã có và sẽ có, trong đó có những hành vi đáng yêu hay đáng ghét của mình, v.v… đó là những việc mà con người không tránh được. Được coi là người có tư duy triết học nếu ai đó chủ động tìm hiểu và luôn luôn suy tư theo kiểu như thế. Sẽ là thiệt thòi và rơi vào nghèo nàn nếu ai đó không hứng thú đi theo hướng suy tư như vậy. Những người có tư duy triết học, bằng cách này hay bằng cách khác sẽ chủ động tìm đến các triết thuyết; sức mạnh tư duy của họ sẽ được nhân lên, khi họ biết sử dụng các triết thuyết. Giá trị xã hội có phần lệch lạc PV: Nếu vậy thì có gì khác biệt giữa triết học của ta và phương Tây? GS. Hồ Sĩ Quý: Ngày trước đa phần những người lớn tuổi thường giống như những nhà thông thái. Truyền thống “ra đường hỏi già…” cũng có lý do từ đây. Tuy vậy, cái yếu của tư duy truyền thống ở ta là do ưa khái quát nên thường rơi vào tình trạng bỏ quên các dữ kiện chi tiết, các bằng cớ cụ thể; việc khái quát quá sớm hoặc không đủ dữ kiện rất dễ hoá “khái quát non”. Mặt trái của lối ưa khái quát là rất sính dùng các nhận định to tát, các đánh giá thoạt nghe thì có vẻ sâu sắc, nhưng rất dễ sáo rỗng. Khỏi cần phải trích dẫn; ta có thể bắt gặp khá thường nhật những nhận định như thế trong các diễn văn, các đánh giá, các báo cáo tổng kết... Tình trạng “vuốt bụng ra chân lý” hay “khái quát được những chân lý giông giống như chân lý” cần phải được phê phán. Ngày nay, trên báo chí, nhất là báo mạng và truyền hình, “cỗ máy truyền thông” đôi khi còn làm lệch lạc thêm khi tung hô lối dạy đời đôi khi rất chướng của một vài “vĩ nhân” nhưng có thể chỉ là người có tiền, vài “nhà tư tưởng” nhưng có thể chỉ là người lạm ngôn… PV: Theo ông do đâu mà có khác biệt đó? GS. Hồ Sĩ Quý: Có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân sâu xa thì Việt Nam là một xã hội rất muộn về phát triển khoa học, kỹ thuật và công nghiệp. Những khoa học mà ta biết đến sớm nhất cũng chỉ có ở Việt Nam khoảng một thế kỷ nay. Nền giáo dục truyền thống của ta thì có lịch sử dài hơn, khoảng nghìn năm, nhưng đó không phải là nền giáo dục đề cao phát minh, khám phá, sáng tạo. Lối giáo dục khoa cử dạy làm quan, làm người, trong trường hợp lý tưởng nhất, cũng không hướng con người đến tìm tòi chân lý mà chỉ hướng đến xác lập giá trị - đó là nền giáo dục thiếu sách dạy làm việc, thừa sách dạy làm người. Sau hơn nửa thế kỷ, Việt Nam vẫn chưa có được một nền khoa học và một nền giáo dục có trình độ tương xứng với tiềm năng và đủ bài bản như mô hình phổ biến của thế giới. Nền khoa học và nền giáo dục ở ta đến nay vẫn chưa có nổi một trung tâm khoa học nào có uy tín cỡ như Học viện Viễn Đông Bác cổ trước đây hay một trường đại học nào đạt trình độ như Chulalongkorn hoặc Đài Bắc ngày nay. Ấy là chưa dám so với các thánh đường khoa học tầm cỡ khác. Những từ ngữ “quốc sách” hay “động lực”, “chìa khoá” hay “then chốt”… dường như vẫn còn là những mỹ từ nằm lơ lửng ở đâu đó ngoài rìa cuộc sống, chưa phải là giá trị thực của quan hệ giữa người trí thức và xã hội, giữa tri thức và sự phát triển. Nguyên nhân trực tiếp hơn là bảng giá trị của xã hội lâu nay có phần lệch lạc.Tôi đã có dịp nói điều này trong một bài báo khác, nên xin không nhắc lại ở đây. Cái ta coi trọng, sự thành đạt mà ta tôn thờ, giá trị ta “đặt cược”, hoá ra, không thúc ép nhà khoa học làm ra sản phẩm khoa học, không thúc ép nhà giáo dục đào tạo ra con người có giáo dục. Thậm chí đôi khi còn ngăn trở sự phát kiến sáng tạo của người làm khoa học, nhất là khoa học xã hội và nhân văn. Cái gọi là môi trường khoa học mà gần đây người ta hay nói tới, trên thực tế là cái quy định hành vi người làm khoa học và theo đó gián tiếp quyết định chất lượng sản phẩm khoa học. Môi trường làm khoa học không tốt rất dễ tạo ra các giả vấn đề (Pseudo-problem/Pseudosience), các giá trị ảo, các giá trị lệch lạc. Không chạy theo các giá trị lệch lạc ấy, người trí thức sẽ rơi vào tình huống “dở khóc dở cười” hoặc thậm chí, “khó thở”. PV: Có phải vì thế mà Việt Nam không có những nhà triết học lớn? GS. Hồ Sĩ Quý: Việt Nam không có các nhà triết học theo kiểu Aristotle hay Socrates, Descartes hay Kant, Jurgen Habermas hay Edgar Morin như ở Tây Âu. Cũng không có các nhà tư tưởng theo kiểu Khổng tử hay Lão tử, Lỗ Tấn hay Phùng Hữu Lan như ở Trung Quốc. Cũng chưa có những người như Samuel Huntington hay Alvin Toffler, thậm chí cũng chưa có các chuyên gia chuyên ngành triết học như trong các đại học hay các viện hàn lâm Âu Mỹ. Nếu những nguyên nhân trên không được chú ý khắc phục, tôi e rằng trong tương lai, ta cũng khó mà có được một đội ngũ chuyên gia chuyên sâu về từng tác gia hoặc về từng học phái triết học. Còn mơ đến một nhà triết học, hay một nhà tư tưởng Việt Nam tới đây sẽ xuất hiện thì chắc cũng chẳng ai hoang tưởng đến thế. Hiện nay, ngay về tư tưởng triết học Việt Nam mà cũng đã có những nhà nghiên cứu nước ngoài giỏi hơn chúng ta. Các chuyên gia ít nhiều có tên tuổi về văn hóa Việt Nam, tư tưởng Việt Nam thì nay đều đã cao tuổi và đang thưa thớt dần…Bác Hồ thăm Học viện Viễn Đông Bác cổ năm 1945 tại 26 Lý Thường Kiệt, Hà Nội (nay là trụ sở của Viện Thông tin Khoa học Xã hội). Người mặc complet đứng ở hàng thứ hai là GS. Nguyễn Văn Huyên, người vừa được bổ nhiệm
Giám đốc Học viện Viễn Đông Bác cổ lúc đó.Nhật Minh (thực hiện)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015