Tâm linh trong khoa học: Các nhà khoa học nổi tiếng nói gì?
Trong một bài viết trên Epoch Times, tác giảTara MacIsaac (được Quý Khải biên dịch trên Đại kỷ nguyên Việt Nam) cho rằng: “Một số người có thể coi khoa học và tâm linh là hai phạm trù không thể đồng thời tồn tại, nhưng một số nhà khoa học vĩ đại nhất thời hiện đại đã nhìn nhận chúng là hai thứ không thể tách rời...”.
Để khẳng định cho quan điểm của mình, tác giả dẫn lời ba nhà khoa học nổi tiếng là Albert Einstein, người cha của thuyết tương đối, Max Planck, cha đẻ của thuyết lượng tử, và chuyên gia Robert Jahn tại Đại học Princeton (Mỹ). Tuy nhiên cá nhân tôi cho rằng, cả hai quan điểm trên đều không đúng sự thật.
Tâm linh theo nghĩa nào?
Như tôi đã từng viết trên Công an TPHCM, khái niệm tâm linh có tới ba nghĩa hoàn toàn khác nhau: trí tuệ hay tinh thần; tôn giáo; và các hiện tượng dị thường. Nếu dùng theo nghĩa đầu tiên (trí tuệ) thì không có gì để nói về quan điểm của Tara MacIsaac, vì đương nhiên trí tuệ và khoa học phải gắn liền với nhau, không có trí tuệ thì không có tất cả mọi sản phẩm văn hóa của loài người, bao gồm cả khoa học. Và quả thật tác giả đã dùng khái niệm theo cả nghĩa thứ hai (tôn giáo) và thứ ba (dị thường học). Vậy tôn giáo và dị thường học có gắn kết với khoa học đến mức không thể tách rời nhau hay không?
Khoa học không gắn kết với dị thường học:
Như tôi đã nhiều lần khẳng định trong mấy chục năm qua, khoa học không những không gắn kết với dị thường học, mà còn ra sức bác bỏ các hiện tượng dị thường như ngoại cảm, lên đồng hay nhập vong... Qua các nghiên cứu quy chuẩn, giới khoa học chân chính xem ngoại cảm là ngụy khoa học, xem các trò nhập vong hay “nói chuyện với liệt sĩ” chỉ là các màn lừa gạt (“nhà tâm linh” Nguyễn Thanh Thủy đang bị truy tố hay “huyền thoại ngoại cảm Việt Nam” Phan Thị Bích Hằng là những điển hình!), xem thiên đường hay địa ngục, thánh thần hay ma quỷ chỉ là sản phẩm của bộ óc con người... Do đó quan niệm của Tara MacIaac, cho rằng dị thường học và khoa học như “hai thứ không thể tách rời”, hoàn toàn sai so với thực tế khách quan.
Khoa học và tôn giáo là hai loại hình văn hóa khác nhau:
Nếu tham khảo một số ý kiến của một số nhà khoa học, thậm chí nổi tiếng như Einstein hoặc Planck, bạn đọc có thể cho rằng khoa học và tôn giáo là “hai thứ không thể tách rời”. Tuy nhiên nếu xem xét kỹ bản chất của khoa học và tôn giáo, có thể thấy rằng chúng là hai phạm trù văn hóa độc lập với nhau, tuy đều có vai trò hết sức quan trọng đối với loài người. Tại sao tôi khẳng định như vậy?
Theo định nghĩa, khoa học là một hệ thống kiến thức về thế giới, được hình thành nhờ các lý thuyết và các phương pháp ngày càng hoàn thiện để tiếp cận dần tới chân lý khách quan. Trên cả hai mặt nhận thức và hành động, nó dựa trên sự nghi ngờ (phủ định biện chứng), khi liên tục bác bỏ các chân lý cũ để hình thành các chân lý mới (bao quát và chính xác hơn các chân lý cũ).
Nhà vật lý vĩ đại Einstein có nhiều quan điểm gây tranh cãi về quan hệ giữa khoa học và tôn giáo
Trong khi đó, theo Bách khoa thư mở Wikipedia trên Internet, tôn giáo là “tập hợp các niềm tin, hệ văn hóa và thế giới quan liên kết nhân loại với trật tự của sự tồn tại”, để từ đó “đưa ra các hệ thống giáo lý, đạo đức và luật lệ tôn giáo hay lối sống được khuyến khích”.
Nếu quan niệm như vậy, có thể thấy mục đích tối hậu của khoa học chân chính là truy tìm những kiến thức khách quan về vũ trụ, bao gồm cả con người (đối tượng của các khoa học sự sống) và xã hội loài người (đối tượng của các khoa học xã hội). Còn mục đích cuối cùng của tôn giáo chân chính là khuyến khích và hướng dẫn loài người sống nhân bản và sống có ích. Đó đều là những mục đích hết sức thiêng liêng và cao cả. Trong một bài viết trên tạp chí Tia Sáng năm 2005 nhân kỷ niệm 100 năm thuyết tương đối, tôi từng viết rằng, tôn giáo có vai trò thậm chí còn hơn cả khoa học trong cuộc sống con người. Tuy nhiên, quan điểm cho rằng khoa học và tôn giáo là “hai thứ không thể tách rời” là sai sự thật, vì chúng là những thực thể văn hóa độc lập và khác biệt nhau.
Trong bài viết của mình, đáng tiếc là Tara MacIsaac không trích dẫn câu nói nổi tiếng nhất của Einetein về quan hệ giữa khoa học và tôn giáo, “khoa học không có tôn giáo thì què quặt, tôn giáo không có khoa học thì mù lòa”. Rất nhiều người ưa thích và thường xuyên trích dẫn quan điểm này mà không hề biết rằng, khoa học và tôn giáo là những phạm trù và thực thể văn hóa độc lập.
Tôi xin đưa thêm một thông tin mà có lẽ tác giả Tara MacIsaac không biết. Robert Jahn tại Đại học Princeton danh tiếng là người ủng hộ nhiệt thành trong lĩnh vực dị thường học. Đầu những năm 1980, ông thành lập Phòng thí nghiệm dị thường công nghệ với sự tài trợ tư nhân để nghiên cứu các hiện tượng lạ như ngoại cảm hay “cách không khiển vật”. Năm 1983, ông khẳng định hai nhà tâm linh mà Phòng thí nghiệm khảo cứu công phu trong hai năm thực sự có những khả năng dị thường. Khi ảo thuật gia James Randi, một đồng sáng lập của Ủy ban điều tra khoa học về các tuyên bố dị thường CSICOP (Mỹ), tuyên bố đó chỉ là hai nhà ảo thuật được ông cấy vào để đánh lừa Robert Jahn, phòng thí nghiệm đã bị đóng cửa!
Xin được nhấn mạnh thêm một lần nữa rằng, tôn giáo và khoa học là những loại hình văn hóa độc lập nhau và đều có vai trò vô cùng quan trọng đối với loài người.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn