Ngũ hành và khoa học
Lời nói đầu
Tập sách này được viết nhờ sự khích lệ của một nhà nghiên cứu thâm niên về tiền tệ và ngân hàng, vốn là bạn cũ của chúng tôi. Ông muốn có cái nhìn từ góc khác biệt với chuyên môn của ông. Ông hy vọng các môn khoa học tự nhiên có thể cung cấp những kiến giải phi truyền thống về dòng chảy tiền tệ, để nhận chân sự vận động của đồng tiền trong nền kinh tế hiện đại.
Trong thực tế, chúng tôi đang nghiên cứu về đề tài hợp nhất các môn khoa học tự nhiên và xã hội. Hiện nay, các nhà khoa học gần như đã thống nhất rằng nhờ sự phát triển của máy tính và tin học chúng ta đã có thể số hóa mọi quá trình và sự kiện trong thực tế. Điều đó cho phép nghĩ đến một giải pháp liên kết các môn khoa học trong một thể thống nhất mà cơ sở là toán học.
Quá trình đi tìm sự thống nhất đó vô cùng phức tạp, vì khó tìm thấy những sợi dây liên hệ nền tảng cho các lĩnh vực khác nhau, gồm xã hội học, văn hóa, kinh tế, sinh học, y học, vật lý, hóa học, nông nghiệp, hàng hải, chính trị, tâm lý... Tuy nhiên, cái mà mọi khía cạnh của cuộc sống xã hội và tự nhiên có thể chung với nhau là sự biến đổi và vận động không ngừng. Nhưng sự vận động và biến đổi ấy có hình thức như thế nào? Cái biến dạng, cái vô hình thức của chúng ta ra sao?
Thực ra, theo quan điểm toán học hình thức của vận động được mô tả bằng các phương trình động học. Đó là các phương trình phi tuyến đa biến số. Và chỉ có các phương trình phi tuyến mới mô tả được các quá trình đầy biến động và luôn luôn dịch chuyển của cuộc sông xã hội và tự nhiên.
Mặt khác, ngày nay trên thế giới khái niệm "phát triển bền vững" đang ngày càng phổ biến. Xét về ngữ nghĩa thì "bền vững" nghĩa là dài lâu. Hiểu theo nghĩa đó thì những gì được phát kiến trong quá khứ và tồn tại đến ngày nay thì được xét là bền vững. Điểm xuất phát càng sâu trong quá khứ thì càng bền vững, vì chính chúng ta đang mong muốn những gì chúng ta sáng tạo ra ngày hôm nay sẽ bền vững trong tương lai xa.
Xét trong lịch sử, Học thuyết Ngũ Hành có tuổi vài ngàn năm rồi. Cái tuổi đó được xem là bền vững. Những Học thuyết ấy rất huyền bí. Ví dụ, tại sao một người sinh tuổi Dậu thì đa tài nhưng lắm truân chuyên, tại sao khởi hành giờ Mão lại không thuận tiện... Chính vì vậy mà Ngũ Hành được khoa học hiện đại xem là nhảm nhí, đôi khi phản khoa học nữa. Thực tế, chúng ta đang quay lưng lại với Ngũ Hành và quay lưng lại với một "khái niệm văn hóa đã và đang bền vững". Về mặt toán học, nếu vẽ đồ thị của các quá trình vận động, của các đối tượng thực theo Ngũ Hành trong không gian pha thì đó chính là các đường cong diễn tả các phương trình phi tuyến.
Kết hợp hai khai niệm bền vững và phi tuyến để soi xét Học thuyết Ngũ Hành, dùng nó để lật bỏ tấm voan huyền bí đi, chúng ta thấy Ngũ Hành là khoa học. Cái khoa học này cho phép chúng ta tư duy về mọi vấn đề từ tu thân, tề gia đến quản trị doanh nghiệp, xây dựng đất nước theo khoa học. Nó có thể dùng cho học sinh hay Giám đốc, chiến sĩ hay tướng lĩnh, thậm chí người hưu trí hay Cán bộ đương chức đều có ít nhiều ích lợi, vì Ngũ Hành theo cách hiểu Khoa học chính là cái vô-lăng điều chỉnh hướng lái của con tàu cuộc đời của mỗi chúng ta.
Đây mới chỉ là khởi đầu cho các công trình nghiên cứu rộng lớn sau này đặc biệt các nghiên cứu về mối quan hệ giữa Ngũ Hành và Dịch Học, những nghiên cứu dùng Ngũ Hành trong quản lý văn hóa và kinh tế...
Cuốn sách được hoàn thành có sự đóng góp rất lớn của nhiều người, chúng tôi xin chân thành cám ơn TS Vật lý Hạt nhân Trần Đính Trí, KS Lương Thanh Tịnh, Cử Nhân Tống Võ Lệ Hà đã đọc bản thảo và cho các góp ý quí báu. Chúng tôi cũng xin cám ơn Thượng Tướng Hoàng Minh Thảo, TS Ngô Sỹ Thuyết, Nhạc sỹ Đặng Hoành Loan... đã động viên và giúp đỡ chúng tôi trong quá trình biên soạn.
Mục lục cuốn sách
Chương 1. CÁC NGUYÊN LÝ CƠ BẢN
1.1. Các phương pháp tìm đường tối ưu
1.2. Phép biện chứng
1.3. Học thuyết Ngũ Hành
1.3.1.Thuyết âm dương
1.3.2. Lý thuyết big bang trong vật lý học
1.4. Khái niệm sơ đẳng về Ngũ Hành
1.4.1.Ngũ Hành là biểu tượng
1.4.2 Sơ đồ biểu tượng cổ về Ngũ Hành
1.4.3. Trạng thái vận động của một đối tượng theo Ngũ Hành
1.4.4. Vài ví dụ đơn giản về Ngũ Hành
1.4.5. Các khác biệt với cách giải thích kinh điển
1.4.6. Tóm tắt về Ngũ Hành dưới quan điểm mới
1.4.7. Khái niệm về Ngũ Hành thuận và Ngũ Hành ngược
1.5. Tích Kim vấn đề mấu chốt của Ngũ Hành
1.5.1. Tích Kim cá nhân
1.5.2. Tích Kim doanh nghiệp
1.5.3. Tích Kim của một vùng
1.5.3.1. Phạm vi của vùng
1.5.3.2. Trạng thái của vùng
Chương 2 . NGŨ HÀNH TRONG KINH TẾ
2.1.Vài ví dụ về trạng thái nền kinh tế Việt Nam đương đại
2.1.1. Kinh tế mặt tiền
2.1.2 Vỡ hụi
2.2. Xe ôm và nền kinh tế vĩ mô
2.3. Ngũ Hành trong ngành xây dựng
2.4. Ngũ Hành trong ngành giao thông
2.5. Dòng vốn FDI và dòng ngân sách
Chương 3. NGŨ HÀNH VÀ VĂN HÓA
3.1.Văn hóa lùn
3.2. Định nghĩa văn hoá, độ đo văn hóa
3.3. Tinh hoa văn hóa Việt nam
3.4. Mỗi quan hệ giữa Văn hóa và Ngũ Hành
3.5. Mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế
Chương 4. NGŨ HÀNH TRONG GIÁO DỤC VÀ KHOA HỌC
4.1. Bài toán giáo dục Việt Nam
4.2. Khoa học và chiếc bánh
4.3. Ngũ Hành và một Đại học mới
4.4. Ngũ Hành và Internet
4.5. Ngũ Hành và công tác cán bộ
KẾT LUẬN
Đổi mới tư duy từ một triết thuyết cổ
Đổi mới tư duy từ một triết thuyết cổ
(Nhân đọc cuốn “Ngũ hành & Khoa học” của Nguyễn Thế Hùng
Nxb Văn Hóa- Thông Tin 12/ 2007)
Vũ Ngọc Tiến
Nhiều nhà tương lai học trên thế giới dường như cùng thống nhất dự báo, thế kỷ XXI là sự trỗi dậy của châu Á mà điểm nhấn quyết định là hai quốc gia khổng lồ Trung Quốc và Ấn Độ. Dự báo này không chỉ xuất phát từ thực tế hai quốc gia đó chiếm già nửa dân số thế giới mà còn là kết quả nghiên cứu, tiếp cận những tinh hoa triết thuyết cổ xưa của hai nền văn minh sớm và rực rỡ nhất hành tinh chúng ta. Thật ra, từ nửa cuối thế kỷ XX, sau sự thần kỳ về kinh tế nước Nhật vào thập niên 60, tiếp đến sự xuất hiện 4 con rồng châu Á (Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Sinhgapor) vào hai thập niên 70- 80, cả thế giới chợt bừng tỉnh nhận ra các quốc gia này đều nằm trong địa vực của văn minh Hoa- Ấn. Các học giả phương Tây đua nhau hướng về phương Đông tìm kiếm những tinh hoa tư tưởng làm nên sự thần kỳ kinh tế ở các quốc gia Đông Á nói trên và bây giờ là Trung Quốc - Ấn Độ đang trối dậy với những bước tiến phi mã. Là một quốc gia đông dân, nằm trong địa vực văn hóa Hoa- Ấn, Việt Nam không thể không tìm hiểu, gạn đục khơi trong các giá trị tư tưởng, văn hóa phương Đông để hoạch định cho riêng mình một bản lĩnh và hướng đi trên đường phát triển. Đọc cuốn “Ngũ hành & Khoa học” (Nxb Văn hóa- Thông tin, 12/2007) của Thu San Nguyễn Thế Hùng, tôi giật mình về sự thông tuệ và những kiến giải sâu sắc của tác giả trước nhiều vấn đề nhạy cảm trong chính trị, kinh tế, văn học, nghệ thuật, giáo dục… từ một góc nhìn riêng mới đối với thuyết Âm dương- Ngũ hành được quy nạp vào xã hội Việt Nam hiện đại.
Cảm nhận đầu tiên của tôi là cuốn “Ngũ hành & Khoa học” dẫu mỏng (123 trang) song hàm lượng tư duy thật lớn, đặc biệt là chương I – Những nguyên lý cơ bản (55 trang). Để có 55 trang sách ấy, có lẽ tác giả phải đọc hàng chục ngàn trang, từ đó cô đúc lại theo hướng tiếp cận của riêng mình. Tôi thường tâm đắc với cụ Hải Thượng Lãn Ông- Lê Hữu Trác rằng “Đọc sách đã khó, nhưng lý rộng ra ngoài sách lại càng khó hơn, không phải ai cũng làm được”. Ở đây, tác giả đi từ lý thuyết Big-bang trong vật lý học hiện đại để so sánh, quy nạp về thuyết Âm dương- Ngũ hành cổ xưa rồi lại dùng phép biện chứng Âm dương soi chiếu các vấn đề của khoa học tự nhiên và khoa học xã hội trong chu kỳ vận động Ngũ hành để xây dựng những nguyên lý cơ bản của sự phát triển. Coi mỗi hành chỉ là biểu tượng của một cung đọan hay nấc thang trong quá trình của một chu kỳ vận động Ngũ hành, tác giả thiết lập trình tự biện chứng của vận động: hành kim- hành thủy- hành mộc- hành hỏa- hành thổ. Mỗi hành mang một trạng thái vận động khác nhau, trong đó quan trọng là tích nạp ở hành kim và trình diễn, sáng tạo ở hành mộc. Bỏ qua một hành là trái quy luật, tồi tệ hơn nếu vận động theo Ngũ hành ngược (từ hành kim về ngay hành hỏa hoặc hành mộc)…Cái hay, nét độc đáo của 55 trang sách trong chương I còn ở chỗ tác giả đã “diễn nôm” một học thuyết huyền bí, thâm viễn, cao siêu bằng lời văn giản dị, lược đồ biện chứng và công thức toán học phổ quát mà vẫn dễ hiểu. Nó làm tôi liên tưởng đến cuốn “Kinh dịch- Đạo của người quân tử”, cụ Nguyễn Hiến Lê cũng viết bằng văn phong như vậy. Thì ra những người đọc nhiều, biết rộng, hiểu sâu thường có văn phong giản dị chứ không khoe mẽ, lòe người bằng khái niệm to tát, câu chữ mập mờ, bí hiểm.
Chuyển sang các chương II- Ngũ hành trong kinh tế, III- Ngũ hành và văn hóa & IV- Ngũ hành trong giáo dục và khoa học, tôi lại thấy tác giả có vốn sống khá phong phú, cách đặt vấn đề và giải quyết vấn đề vừa bác học lại vừa dân giã. Ở đây, ưu thế về tư duy logic của nhà toán học kết hợp với tư duy thực nghiệm nghiêm cẩn của nhà vật lý đã hỗ trợ tác giả rất nhiều trong ý đồ sử dụng các nguyên lý điều tra xã hội học vào trong công trình nghiên cứu của mình khá đắc dụng. Tôi đặc biệt hứng thú khi đọc phần “Kinh tế mặt tiền” hay phần nói về hành kim trong ngành đóng tàu để lý giải thành công khá ngọan mục của ngành này trong 10 năm lại đây thật tuyệt! Phần “xe ôm và nền kinh tế vĩ mô” hoặc “dòng vốn FDI và dòng ngân sách” cũng hay, rất có ý nghĩa cho các nhà quản lý vĩ mô… Tuy nhiên sách vẫn còn một vài chỗ hơi gợn, khiến tôi chưa hiểu hoặc muốn bàn góp thêm với tác giả:
Phần viết về chơi hụi liệu có hơi võ đoán? Theo tôi hiểu, khởi thủy của chơi hụi (chơi họ) là hình thức tín dụng dân gian ở nước tiểu nông, chưa có sản xuất hàng hóa lớn nên nó sớm hình thành trong giới tiểu thương, tiểu chủ ở đô thị là chủ yếu. Nó giúp cho mỗi dây hụi (thường là 12 người) hỗ trợ cho hành kim của một người trong dây hụi để triển khai một động thái kinh doanh nào đó. Chơi hụi chỉ bị biến tướng thành một tệ nạn xã hội trong điều kiện vô chính phủ, kinh tế thị trường bát nháo và cạnh tranh hoang dã ở Việt Nam khoảng 20 năm lại đây mà thôi. Lúc đó chủ hụi muốn nhanh về hỏa nên bất chấp mọi rủi ro, lập thật nhiều dây hụi; còn những người tham gia trong cùng một dây hụi thì lóa mắt trước tích kim ảo (lãi suất cao bất thường) của kẻ lừa đảo nằm trong dây hụi đưa ra nên mới nhanh vỡ hụi. Và vì thế, ở góc độ hành kim để phê phán tệ nạn này có lẽ tác giả nên tiếp cận theo hướng khác đi chăng?
Khi luận bàn về Ngũ hành trong xây dựng, giao thông, hình như có đôi chỗ tác giả tự mâu thuẫn với chính mình đã viết ở chương I, coi ngũ hành chỉ là biểu tượng của một quá trình vận động chứ không phải là cái vật chất cụ thể. Thế nhưng ở phần nói về xây dựng tác giả lại coi sự bất cập của tiêu thoát nước đô thị là hành thủy? Thật ra đó là hệ quả của hành kim trong xây dựng, khi con người chỉ hám lợi trước mắt, nhăm nhe tích kim vật thể (xi măng, sắt thép) mà không tích kim phi vật thể (kiến thức về quy hoạch và dự báo xa). Với lĩnh vực giao thông, nếu tác giả nghiên cứu kỹ xu thế chung trên thế giới đang đầu tư xây dựng đường cao tốc bằng vốn BOT thay vì dùng vốn ngân sách hoặc ODA chắc sẽ có những kiến giải thú vị về tích kim sơ cấp và tích kim thứ cấp. Theo đó, các tập đoàn kinh tế lớn trong nước liên minh với nhau để bỏ vốn đầu tư đường cao tốc (tích kim sơ cấp). Nhưng vì thu hồi vốn qua thu phí giao thông sẽ rất chậm bởi tổng vốn đầu tư lớn nên Chính phủ sẽ ưu đãi họ bằng thuế và quỹ đất dọc đường cao tốc để đẩy nhanh việc hoàn vốn và có lãi (tích kim thứ cấp). Tại một cuộc hội thảo quốc tế ở Hà Nội gần đây, các chuyên gia trong và ngoài nước dự tính, Việt Nam từ nay đến năm 2025 cần 6000 Km đường cao tốc, trong đó nên có 40% đầu tư bằng vốn BOT. Hay khi mở một tuyến đường nội đô, nếu nhà quản lý coi vận động Ngũ hành bao trùm lên cả 2 lĩnh vực xây dựng và giao thông sẽ chấp nhận dễ dàng phương án đền bù giải phóng mặt bằng theo giá thị trường, song đồng thời nới rộng quỹ đất vào sâu 50m so với hè đường để cho đấu thầu xây nhà cao tầng hiện đại. Như vậy Nhà nước tạo điều kiện tích kim cá nhân bằng tiền nên các hộ dân tạo điều kiện trở lại cho chủ đầu tư tích kim sơ cấp bằng giải phóng mặt bằng. Mặt khác, chủ đầu tư ngay lập tức có điều kiện tích kim thứ cấp bằng lợi nhuận xây nhà cao tầng; còn tuyến đường qua hành mộc, hành hỏa về hành thổ đã ổn định một dãy phố hiện đại làm tiền đề cho một chu kỳ vận động Ngũ hành mới.
Một vài luận điểm, đề xuất ở phần “Ngũ hành trong giáo dục” của tác giả cũng làm tôi lăn tăn một cảm giác dường như là không tưởng trong xã hội Việt Nam hiện tại… Bản thân tôi qua nhiều năm nghiên cứu, viết bài phản biện về giáo dục nên tôi muốn tác giả thông qua góc nhìn riêng mới về thuyết Ngũ hành để bàn sâu hơn nữa, thuyết phục hơn nữa trong lĩnh vực có nhiều vấn nạn trên bước đường phát triển, hội nhập với thế giới của đất nước. Ở chương IV, phần viết về “Ngũ hành trong công tác cán bộ” lẽ ra có nhiều điều thú vị dưới góc nhìn biện chứng vận động của Ngũ hành, nhưng tác giả vì lý do tế nhị mà viết sơ lược qua chăng?...
Cuối cùng, trong phần nói về “Các vòng ngũ hành xã hội” thuộc mục “Tích kim của một vùng” của chương I, tác giả hình như đặc biệt hứng thú, coi trọng yếu tố Ngũ hành âm nhạc đối với phát triển. Tôi cứ phân vân tự hỏi: Tại sao dân ca Nam Bộ, nghệ thuật cải lương và hình thức sinh họat đờn ca tài tử… đều rất bi thương, ủy mỵ, giai điệu dề dà, rõ là đang ở thời hành thổ, nhưng người Nam Bộ từ nhiều thế kỷ nay lại rất năng động, táo bạo trong làm ăn kinh tế so với các vùng miền khác? Phải chăng tích kim của một vùng chịu sự tác động của tổng hòa các vòng Ngũ hành xã hội giao thoa trong nhau, trong đó tác nhân lịch sử, địa lý mới là quan trọng nhất?
Gấp cuốn “Ngũ hành & Khoa học” rồi lại lật mở nhiều lần, tôi cứ phân vân trước câu hỏi hóc búa của Giáo sư- Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, khi ông đọc bản thảo cuốn sách đã viết cho tác giả Nguyễn Thế Hùng: “Đồng chí đã nghiên cứu rất sâu sắc. Vậy có thể trả lời được bao giờ thì dân ta hết đói nghèo, nhân tài nở rộ; nước ta hiện đại hóa, công nghiệp hóa được hay không?” Ở phương Đông thời cổ đại, phát minh lớn tiếp theo, có tính kế thừa triết thuyết Âm dương- Ngũ hành là Kinh dịch, cho phép dự báo xa. Tôi hy vọng và chờ đợi những cuốn sách tiếp theo của Nguyễn Thế Hùng cùng nhóm các nhà khoa học tự nhiên thuộc Viện Vật lý và Điện tử trong đề tài nghiên cứu hấp dẫn này…
Hà Nội ngày 31/5/2008
1.1. CÁC PHƯƠNG PHÁP TÌM ĐƯỜNG TỐI ƯU
Trong thực tế chúng ta thường gặp vấn đề tìm đường tối ưu. Ví dụ: nhân viên chuyển phát nhanh phải tìm được con đường ngắn nhất, ít ùn tắc nhất để đến một số địa điểm trong thành phố nhận thư từ, bưu kiện, mang về trung tâm, sau đó thuê các phương tiện vận chuyển phát tới các địa điểm ở xa, sao cho bảo đảm được thời gian nhanh nhất. Các hãng vận tải cũng vậy.
Bài toán tìm đường tối ưu được gọi là bài toán qui hoạch. Ở mức độ đơn giản ta có bài toán qui hoạch tuyến tính, ở mức độ phức tạp hơn ta có bài toán qui hoạch phi tuyến.
Động từ “qui hoạch” theo định nghĩa đơn giản là phóng tầm nhìn về tương lai, tìm ra con đường tới đích một cách nhanh chóng, tốn ít năng lượng, không gây các phản ứng phá hoại sự bền vững của hệ thống.
Bài toán qui hoạch đơn giản nhất là qui hoạch chuyển phát nhanh thư tín. Bài toán qui hoạch phức tạp là bài toán tìm con đường phát triển bền vững của cộng đồng xã hội (một tỉnh, một nước, một khu vực và cả toàn cầu). Các bài toán vật lý, hoá học, sinh học, giao thông, xây dựng, phát triển đô thị, kinh tế, ngân hàng, …là các bài toán qui hoạch bậc trung.
Các bài toán qui hoạch nhỏ thường do một người tìm lời giải và được thực hiện bởi chính người đó. Trong quá trình thực hiện lời giải họ sửa chữa các sai sót, hòan chỉnh lời giải. Đó chính là quá trình tích lũy kinh nghiệm cá nhân. Các kinh nghiệm ấy đúng với hòan cảnh của chính cá nhân đó, và cũng chỉ đúng với những điều kiện ban đầu (điều kiện biên) cụ thể. Khi mở rộng lời giải và phương pháp giải, người sâu sắc thường thường có thái độ rất thận trọng.
Các bài toán bậc trung, hoặc siêu lớn thường do một tập thể tìm lời giải. Khi đó, vấn đề trở nên ngày càng phức tạp vì các ý kiến và phương pháp mỗi người đưa ra rất khác nhau.
Trên thực tế, gần như không tồn tại các bài toán qui hoạch tuyến tính, mà chỉ có các bài toán qui hoạch phi tuyến. Lời giải của bài toán qui hoạch phi tuyến chỉ đúng trong phạm vi hẹp về thời gian và không gian. Lời giải đó được gọi là tối ưu cục bộ (Local optimal solution).
Việc tìm ra lời giải đúng của bài toán qui hoạch phi tuyến luôn luôn rất khó khăn. Nhiều vị anh hùng cái thế thường chặc lưỡi khi biết mình đã nhận nhầm một lời giải thoạt nhìn tưởng là đúng. Cái chặc lưỡi của Từ Hải không phát ra thành tiếng kêu “chậc, chậc”. Ông đứng im chịu nhận một lời giải sai lầm trong thực tế. Còn nhiều ví dụ đau lòng khác khi chúng ta nhận nhầm lời giải của bài toán qui hoạch phi tuyến. Cái giá phải trả không chỉ là cái “chết đứng” của một cá nhân, mà đôi khi là sự kéo lùi lịch sử của cả cộng đồng đi một khoảng xa.
Vậy có cách thức nào cho phép ta tìm lời giải tối ưu, khả dĩ đúng được không? Đó là nội dung của nghiên cứu này.
1.2. PHÉP BIỆN CHỨNG
Phép biện chứng là nền tảng tư duy của nhiều thế hệ đương đại. Trong thực tế phép biện chứng đã đạt được các kết quả rất tốt. Có thể nói sự thành công của cách mạng tháng 10 Nga, mở ra một kỷ nguyên cách mạng sau năm 1917 là kết quả của tư duy biện chứng của Lê Nin.
Về mặt kinh điển, phép biện chứng có hai nguyên lý cơ bản:
- Nguyên lý về mối liên hệ phổ biến,
- Nguyên lý về sự phát triển.
Diễn giải một cách dễ hiểu ra thì hai nguyên lý ấy như sau: Mọi sự trên đời này có liên quan trực tiếp xa gần với nhau, ảnh hưởng qua lại với nhau. Ảnh hưởng ấy có thể gián tiếp hoặc trực tiếp, mạnh hoặc yếu, nhưng nhất thiết không có một vật nào, một hệ thống nào có thể hoàn toàn độc lập tồn tại một mình. Có nó thì luôn có cái gì đó đối lập với nó.
Hơn nữa mọi hệ thống đều trong quá trình vận động và phát triển không ngừng. Sự vận động ấy là do mâu thuẫn và thống nhất giữa các mặt đối lập trong hệ thống thúc đẩy. Những thúc đẩy ấy tạo ra những thay đổi nhỏ về lượng. Khi tích lũy về lượng đạt ngưỡng thì xảy ra những thay đổi lớn, đột biến về chất. Đó gọi là sự phát triển. Sự phát triển ở giai đoạn sau phủ định giai đoạn trước. Đó gọi là qui luật phủ định của phủ định.
Sự diễn nôm hai nguyên lý cơ bản của phép biện chứng cho thấy phép biện chứng chính là trường hợp riêng biệt của một học thuyết cổ hơn: Thuyết Âm Dương – Ngũ Hành. Khoa học luôn có tính kế thừa và phát triển. Vì vậy để tìm hiểu sâu hơn về phép biện chứng trước hết chúng ta thử gạn những tinh hoa của học thuyết cổ Âm Dương – Ngũ Hành. Sau đó tích hợp với những tiến bộ mới trong thời đại ngày nay để cho học thuyết cổ kia đỡ mang màu sắc mê tín dị đoan.
1.3. HỌC THUYẾT NGŨ HÀNH
1.3.1. Thuyết âm dương
Theo học thuyết âm dương thì mọi sự vật trên đời, từ vật chất đến tinh thần, từ hữu hình đến vô hình, từ hữu hạn đến vô hạn đều bao gồm hai mặt âm và dương. Hai mặt ấy tương sinh và tương khắc nhau. Trong Âm có Dương, trong dương có âm. Âm và Dương luôn trong quá trình vận động và chuyển hoá lẫn nhau. Âm và Dương chỉ là cách nói cổ điển của danh từ mới “các mặt đối lập”.
Nhưng sự chuyển hoá và vận động của hai mặt âm dương xảy ra như thế nào? Có nhất thiết xảy ra theo hình thái phủ định của phủ định hay không? Câu trả lời là không luôn luôn. Mọi sự phủ định đều có tính kế thừa. Nói rộng ra, sự phủ định chỉ là một hình thức chuyển hoá.
Vậy sự chuyển hoá xảy ra như thế nào? Cổ nhân, hay nói cách khác là sự tích luỹ kiến thức góp nhặt của nhiều bộ óc siêu việt trong hàng ngàn năm, đã tổng kết sự chuyển hoá ấy trong học thuyết Âm dương - Ngũ Hành. Theo đó, Âm chuyển hóa dần thành Dương theo quá trình 5 bước, gọi là Ngũ Hành. Nắm vững học thuyết Âm Dương Ngũ Hành chúng ta có thể suy đoán, luận giải, chiêm nghiệm về con đường và động lực của sự phát triển.
Nếu coi âm dương chính là các các mặt đối lập, thì các mặt đối lập ấy có thể là nam nữ, nóng lạnh, trên dưới, trong ngoài,... Khi xem xét mọi đối tượng và quá trình đều có thể nhìn thấy âm dương.
Còn Ngũ Hành chính là cách thức vận động, là cái biểu hiện ra ngoài của quá trình vận động, đồng thời cũng là bản chất của động lực tạo ra sự phát triển. Ngũ Hành có thể được xem là biểu tượng không gian, cũng có thể được xem là thời gian, có thể là vật chất, cũng có thể là tinh thần. Tuy vậy, cách giải thích về Ngũ Hành thường có những ý kiến khác nhau đến mức đôi khi trái ngược hẳn với nhau. Hơn nữa, các sách vở nói về Ngũ Hành gốc thường bằng chữ Hán. Khi dịch ra đôi khi không hết nghĩa, hoặc thậm chí bị méo mó. Mà người ngày nay phàm cái gì của xưa đều cho là cổ hủ, không thèm nhếnh mắt nhìn, chứ chưa nói đến để tâm xem xét. Đó cũng có thể là cội nguồn của sự đánh giá chưa thống nhất về Ngũ Hành.
Cho nên để lột cái áo mê tín của Học thuyết Âm Dương - Ngũ Hành, khoác cho nó các danh từ khoa học, đặng dễ đồng ý với nhau trong các thảo luận dưới về sau, chúng tôi sẽ trình bày cội nguồn sâu xa của Ngũ Hành bằng nhãn quan khoa học hiện đại.
1.3.2. Lý thuyết big bang trong vật lý học
Ngày nay các nhà khoa học đã xây dựng thuyết big bang về những giai đoạn đầu tiên nhất của vũ trụ. Theo học thuyết đó, tại khoảng thời gian vô cùng bé nhỏ (10-43s đầu tiên của vũ trụ) thì cả vũ trụ ngày nay của chúng ta chỉ bé tí xíu, rất đặc và rất nóng, đó là lúc cả vũ trụ bùng nổ. Vụ nổ khai sáng đó được khoa học gọi là vụ nổ lớn, big bang. Sau thời điểm vụ nổ lớn đó, vật chất, năng lượng thoát ra từ vụ nổ được phóng ra vô cùng mạnh mẽ, tạo thành các dòng thác hạt và sóng năng lượng toả ra mọi hướng. Rồi thì toàn không gian nguội dần, tạo thành các đám tinh vân. Các đám tinh vân tạo thành các ngôi sao, các hành tinh, các ngân hà và thiên hà. Trong đó có rất nhiều hệ mặt trời như chúng ta.
Tại một hành tinh đặc biệt, nơi có các điều kiện nhiệt độ, độ ẩm,... thích hợp thì một số nguyên tử và phân tử đã xoắn quyện vào với nhau tạo ra các ADN. Đó là bước đầu của sự hình thành sự sống. Dần dà phát triển đến bây giờ thành một xã hội văn minh. Trong đó con người là sinh vật bậc cao nhất. Họ là những hậu duệ xa vời của bụi tinh vân và ánh sáng sau 15 tỉ năm vận động của vũ trụ.
Quá trình vận động và phát triển của vũ trụ luôn có các chuyển động quay. Trái đất quay quanh mặt trời với quĩ đạo hơi méo so với đường tròn Euclit. Hệ mặt trời quay trong Ngân hà với quĩ đạo méo nhiều. Cả dải Ngân hà lại quay trong Thiên hà với quĩ đạo méo hơn nữa. Nhiều Thiên hà cũng đang vận động vô cùng mãnh liệt.
Như vậy thuyết big bang là một thuyết duy vật. Thuyết đó nói rằng vật chất có trước rồi đến ADN, rồi đến sinh vật, xã hội loài người và các ý thức xã hội khác. Một điểm trong thuyết big bang chưa được sáng cho lắm là thời điểm trước vụ nổ lớn thì toàn vũ trụ là cái gì?
Thực tế, thuyết big bang chấp nhận vũ trụ là một quá trình vận động và phát triển không ngừng. Biên dạng của sự phát triển ấy là dãn nở theo các vòng xoáy. Mỗi cung trong các vòng xoáy phát triển ấy có cái vỏ khác nhau. Nhiệm vụ của khoa học ngày nay là nhận chân các cung đó để phán đoán về cung bậc phát triển tiếp theo.
Những chuyển động ấy luôn phải qua các trạng thái quay, như hình 1 dưới đây.
2.1.Vài ví dụ về trạng thái nền kinh tế Việt nam đương đại
2.1.1. Kinh tế mặt tiền
Người Việt nam ta hiện nay đa số đang thực hiện nền kinh tế mặt tiền. Ai cũng muốn nhà mình có vài mét vuông mặt tiền, để sắm cái cửa hàng buôn bán vặt vãnh. Nếu bạn ở Phố Trần Nhân Tông, Hà nội, là người đầu tiên bán quần áo may sẵn, thì bây giờ bên cạnh của hàng của bạn có hàng ngàn cửa hàng khác. Cái phương thức của bạn đã được sao chép vô tư. Mọi người ào ào bắt chước bạn. Họ không mất công tích luỹ kiến thức và quyết tâm (Kim) để sinh ra cái cửa hàng đầu tiên, họ chỉ phải tích luỹ tiền bạc để thực hiện giai đoạn cuối là Hoả. Bạn đã phải marketing, phải thăm dò thị trường, tìm mối hàng, đắn đo và trăn trở,...Bạn đã trải qua Kim và Thuỷ, rồi mới có Mộc (nảy sinh cửa hàng). Những người khác thấy phương thức làm ăn của bạn đã được thực tế thẩm định, họ ào ào bắt chước, họ tích Kim rất nhanh, bỏ qua Thuỷ, tiến thẳng tới Mộc. Hiện nay, bạn và các cửa hàng lân cận đang làm ăn khá ổn, các bạn đang cùng ở trạng thái Hoả khá bền vững, vì sức nóng cạnh tranh chưa thật khốc liệt, cung - cầu trên thị trường còn tạm cân bằng. Nếu thế cân bằng ấy bị phá vỡ thì giai đoạn Hoả kết thúc, bạn sẽ đi vào giai đoạn Thổ khá buồn tẻ. Giả sử con bạn được sinh ra vào thời Hoả vượng, của hàng làm ăn phát đạt, bạn có thu nhập ổn định cao, thì nó sẽ tích một thứ Kim khác. Có thể là học tập để vươn xa khỏi cái nghề kinh doanh nhỏ lẻ, hoặc dùng vốn để mở siêu thị chứ không thuần là bán mỗi một mặt hàng quần áo may sẵn, cũng có thể lại ăn chơi để tàn phá cái Hoả vượng của cửa hàng. Ngược lại, giả sử con bạn lại sinh ra vào thời Thổ, khi cửa hàng quần áo may sẵn suy thoái, thì chính nó sẽ tích Kim để thoát hiểm cho dòng tộc. Cho nên, nếu nhìn nhận theo 3 điểm khác biệt ở trên chúng ta thấy từ một vòng Ngũ Hành là cửa hàng quần áo may sẵn trên phố Trần Nhân Tông thì có thể có vô vàn vòng khác nảy sinh từ vòng này.
Nhưng các vòng Ngũ Hành tương tự như ở phố Trần Nhân Tông đều có một đặc điểm là buôn bán nhỏ mặt tiền. Mỗi cửa hàng là một đốm lửa, mà nhiều đốm lửa cạnh nhau lại chưa đủ lực liên kết để tạo thành một vòng mới mạnh mẽ hơn. Kinh tế mặt tiền có trên mọi ngành hàng ở nước Việt nam ta. Ngay cả danh từ “Đại gia” mà chúng ta hay dùng hiện nay nhiều khi cũng chỉ là mặt tiền ở mức cao mà thôi. Chẳng hạn phong trào ào ào mở Khu Công nghiệp, mở Đại học, xây cảng biển, làm du lịch, thành lập ngân hàng cổ phần chính là biến thái của kinh tế mặt tiền ở qui mô lớn.
Các nhà lập pháp dùng Ngũ Hành có thể gom nhiều đốm lửa nhỏ mặt tiền thành một tích luỹ lớn, tạo điều kiện cho sự ra đời của một hành Kim mạnh mẽ. (Đây là một nội dung nghiên cứu có thể đào sâu sau này).
2.1.2 Vỡ hụi
Cách đây khoảng hai mươi năm bắt đầu phong trào hụi. Theo định nghĩa nôm na hụi gồm hai đối tượng: chủ hụi và người chơi hụi. Người chơi thì muốn cho vay để thu lãi nhanh và nhiều. Còn chủ hụi lại không phải là một nhà thu gom tài chính để tạo ra lãi bằng các hoạt động sản xuất kinh doanh thực. Nhưng người chơi hụi thường không nhìn rõ bản chất quá trình, thấy mối lợi của vài lần thanh toán đầu là lao vào cuộc chơi như con thiêu thân. Đó là một trạng thái bốc Hoả rất bừng bừng. Trong phép chơi hụi, Hoả rất mạnh nên cũng chóng tàn, người chơi hụi về Thổ thật điêu tàn đôi khi chỉ vài tháng là đã bị về Thổ. Nhiều người phải chịu trốn lủi, phải trả giá bằng một vài thế hệ, thậm chí Thổ của họ lan sang cả đời con và đời cháu. Bởi vì họ đã vào Hoả không phải bằng quá trình tích luỹ hành Kim thực sự. Sự tích luỹ hành Kim bằng năng lượng tự thân, kinh nghiệm, kiến thức,... Họ tích Kim và lao sang Hoả, họ thực sự đã chơi các vòng ngược. Do đó khi Hoả đã đốt cháy chút năng lượng tích luỹ của Kim thì hui về Thổ rất nhanh.
Xét các vòng Ngũ Hành cá nhân trong hụi, ta thấy hành Hoả là một giai đoạn cực ngắn, và đương nhiên các hành khác cũng ngắn. Từ đây suy ra một hệ quả: Tuy thời lượng của các hành trong một vòng Ngũ Hành dài ngắn khác nhau, nhưng độ dài tương đối không khác nhau quá nhiều.
Một đặc điểm quan trọng khác của hụi là bắt chước. Không có ví dụ nào về sự bắt chước mà sinh động như sự bắt chước trong hụi. Người ta lao vào chơi hụi vì thấy người khác chơi hụi giàu lên nhanh quá. Chỉ sau vài phân tích nhỏ, lại được thông tin rằng bà A, ông B lãi nhanh là vay mượn để chơi, bán nhà để chơi. Họ bỏ qua quá trình tích Kim, đốt cháy giai đoạn Thuỷ, bỏ qua Mộc và tiến thẳng vào Hoả. Thực chất quá trình này chỉ khởi phát từ một sự tích Kim “dởm”, vay mượn hoặc cầm cố. Vì Kim “dởm” nên khi vào Hoả cháy như lửa rơm, không bền vững, dễ bị thổi tạt chỉ bởi một luồng gió nhẹ. Các nhà Ngũ Hành gọi sự vào Hoả theo kiểu bắt chước (như trong chơi hụi) là các vòng Ngũ Hành ngược: Từ Kim (non yếu) ngược ngay sang Hoả (mong manh). Bản chất của các vòng ngược là không bền vững, dễ bị đè bẹp bởi các vòng Ngũ Hành khác, đặc biệt các vòng lớn. Hình 7 mô tả các vòng ngược của hụi.
Có lẽ hiếm nơi nào trên thế giới có một hình thức kinh doanh vận tải đặc biệt như ở Việt nam: xe ôm. Bạn có thể thuê xe ôm đi làm, đi viện, đưa đón con đến trường, .....
Hãy xét xe ôm theo Ngũ Hành. Một người muốn trở thành tài xế xe ôm cần có hành Kim để khởi nghiệp. Anh ta phải biết lái xe hai bánh, phải có bằng (?), phải tương đối thuộc đường trong thành phố, phải có một cái xe,... Tích luỹ tất cả các yếu tố đó gọi là tích Kim của vòng Ngũ Hành xe ôm. Sau khi tích Kim anh ta phải tìm được một chỗ đứng chờ xe, ít cạnh tranh (có vài người bạn xe ôm), một góc phố (dễ đón khách), có biển hiệu (thường là một tấm bìa các tông nguệch ngoạc hai chữ xe ôm) càng hay, ít bị săn đuổi, hàng ngày dậy sớm ra đứng chờ khách. Các hành động đó chính là mang cái Kim mà anh ta đã tích luỹ len lỏi vào thị trường, hành Thuỷ. Khi gặp khách là Mộc. Đi một cuốc xe, lúc khách móc ví trả tiền là Hoả. Quay về vị trí cũ tiếp tục chờ khách là Thổ. Mỗi ngày anh ta có thể làm được vài vòng Ngũ hành. Nếu các vòng Ngũ Hànhđủ tích luỹ thì cuộc sống anh dần cải thiện. Giả sử anh ta lại có tài tổ chức, liên kết được nhiều bạn xe ôm lập thành công ty, thì cơ hồ cái công ty ấy có thể trở thành một hãng vận tải. Vòng Ngũ Hành của anh ta là “dương hành phát”, nếu thu nhập hàng ngày đủ chi trả các yêu cầu tối thiểu của cuộc sống gia đình và có đôi chút tích luỹ. Vòng ấy sẽ là “âm hành phát” nếu anh ta không kiếm đủ khách. Anh ta có thể dùng ý chí tác động lên mọi giai đoạn từ Kim, Thuỷ, Mộc đến Hoả, Thổ của vòng này để biến nó thành “dương hành phát”. Giả sử trong thành phố có rất nhiều vòng “dương hành phát” của nghề xe ôm, thế thì, các vòng Ngũ Hành xe ôm ấy sẽ đóng góp phần dương vào tăng trưởng GDP của quốc gia.
Trong một vùng, một quốc gia có hàng triệu triệu vòng Ngũ Hành như vậy. Cái bóng hình tổng thể của các vòng Ngũ Hành ấy chính là sự lưu thông của đồng tiền. Hàng triệu triệu vòng Ngũ Hành ấy thông qua đồng tiền đã đóng góp vào bức tranh tổng thể của nền kinh tế vĩ mô.
Mỗi công ty ra đời, mỗi dự án được thực hiện là một vòng Ngũ Hành mới được xác lập, thêm vào cái hoạt động vô cùng vô tận của đời sống. Thước đo của sự vận động ấy chính là sự lưu thông của đồng tiền. Lượng tiền phát hành ra từ ngân hàng Nhà nước phải tương ứng với quá trình tích Kim của hàng triệu vòng Ngũ Hành kia. Có hai hình thức tích Kim. Tích kim sơ cấp là chuẩn bị điều kiện đủ để nảy sinh một vòng Ngũ Hành mới. Tích Kim thứ cấp là tích Kim của chính các vòng đang tồn tại cho một chu trình tiếp sau nữa. Nếu lượng tiền in ra vượt mức độ tích Kim thì có lạm phát. Lạm phát càng lớn nếu quá trình tích Kim càng yếu ớt.
Đặc điểm của nền kinh tế hiện nay là hội nhập. Do đó, ngoài dòng chảy của nội tệ, còn có dòng chảy của ngoại tệ. Vì vậy, người cầm cân nảy mực cho sự vận hành của đồng tiền quốc gia cần biết rõ sức mạnh của cả hai dòng chảy nội tệ và ngoại tệ. Hiện nay ở nước ta, dòng ngoại tệ khá mạnh. Các đầu vào của dòng ngoại tệ có thể do dòng vốn chính thức FDI, dòng vốn vay của chính phủ, dòng viện trợ, dòng kiều hối, dòng do khách du lịch lẻ đưa vào....
Ngày nay dân ta quá quen với đô la. Mua máy tính, máy điện thoại, các đồ gia dụng cao cấp, mua ô tô xe máy, mua nhà,... người ta có thể tính toán, cân nhắc giá trị món hàng qua đô la. Đôi khi, người ta còn thanh toán trực tiếp bằng đô la. Thậm chí, một du khách có thể trả tiền phòng trọ, tiền ăn một bát phở bằng đô la nữa. Điều đó cho thấy dòng chảy ngoại tệ trên thị trường khá mạnh. Dòng chảy ngoại tệ một phần đi qua các ngân hàng, một phần không đi qua ngân hàng. Thực tế khó đánh giá hai phân lượng đó. Vậy dùng Ngũ Hành có thể phân tích được luồng ngoại tệ ngoài ngân hàng hay chăng. Trên qui mô thế giới, các ngoại tệ mạnh có sức tích Kim và khởi Thủy mạnh mẽ. Vùng ảnh hưởng của các ngoại tệ mạnh chính là bóng dáng các vòng Ngũ Hành của các quốc gia mẹ đẻ của chúng. Việc nghiên cứu phạm vi vùng của các ngoại tệ mạnh sẽ giúp chúng ta có cái nhìn toàn cầu về đường lối phát triển kinh tế của các nước đang phát triển.
Ngày hôm nay, khi chúng tôi đang soạn tài liệu này, thì thông tin trên mạng cho thấy rằng đô la đang ế. Tiền mặt đô la của các ngân hàng bán ra không có khách mua. Đây chính là trạng thái Thổ của dòng chảy đô la bên trong các ngân hàng. Bởi vì Thổ chính là trạng thái ngưng trệ, vận động không mạnh, không có sự giao lưu của dòng đô la bên ngoài với dòng đô la bên trong ngân hàng. Có thể đoán rằng dòng bên ngoài đã tích luỹ đến trạng thái gần bão hòa. Như vậy dòng bên ngoài đang tích Kim. Nếu dòng nội tệ yếu thì sẽ xảy ra Ngũ Hành ngược, dòng đô la cả trong và ngoài ngân hàng sẽ gây áp lực làm dòng nội tệ lao nhanh sang Hoả, sẽ lạm phát lớn.
Ngân hàng Nhà nước muốn tránh trạng thái này phải kiểm soát được dòng đô la ngoài ngân hàng. Muốn kiểm soát được nó phải cho nó chảy qua ngân hàng. Phải có một nghị định hoặc luật, cấm giao dịch trực tiếp bằng đô la dưới mọi hình thức. Mọi hợp đồng hoặc giao dịch dân sự phải thông qua nội tệ. Nhà nước không cấm tích trữ đô la, nhưng khi thực hiện các giao dịch mua bán phải thông qua nội tệ. Cho phép tư nhân mở các điểm đổi tiền tự do.
Người chủ cửa hàng đổi tiền phải có đăng ký, mỗi khi đổi tiền chỉ cần ghi lại số CMND hoặc hộ chiếu, số lượng đổi không hạn chế. Chỉ cần một máy điện tử nối mạng là có thể kiểm soát tại từng thời điểm có bao nhiều đô la đang được đổi, thậm chí đến đồng lẻ. Một người bạn tôi nói, khi anh ta mua một bức hình tháp đôi ở Kuala lamper (Thủ đô Malaixia) giá 10 $, anh ta định trả trực tiếp bằng đô la. Người bán hàng chỉ anh sang bên cửa hàng đổi tiền gần đó đổi ra Ringit, bảo đổi tiền đi rồi thanh toán cho anh ta. Điều này khác với Việt nam. Chúng ta có thể học tập cách làm của nước bạn. Như vậy vừa thu được thuế đổi tiền vừa kiểm soát được dòng chảy ngoại tệ. Dòng chảy ngoại tệ bên ngoài ngân hàng chỉ còn ở mức rất nhỏ không đủ sức tích Kim cho các vòng Ngũ Hành ngoài ý muốn, không đủ gây áp lực cho dòng nội tệ.
2.3. Ngũ Hành trong ngành xây dựng
Ngành hiểu theo Ngũ Hành chính là tổ hợp các vòng Ngũ Hành doanh nghiệp đồng đẳng. Ví dụ, ngành xây dựng chứa vô vàn các vòng Ngũ Hành về xây nhà ở, xây trường học, xây công sở, mở mang thành phố, ....Các vòng doanh nghiệp đó cùng dựa trên một công nghệ tổng quát là kết cấu các khối vật chất đa chủng loại thành một vật thể mới hoặc quần thể mới. Ngành xây dựng nói theo nghĩa tổng quát là sắp đặt các vòng Ngũ Hành cạnh nhau. Sau khi một công trình được xây dựng xong thì coi như ổn định lâu dài, tức đối tượng xây dựng sẽ về Thổ. Nó sẽ là nền móng cho các quá trình tích Kim khác. Vì vậy đối với một đất nước đang trong thời kỳ phát triển như Việt nam thì công tác xây dựng cực kỳ quan trọng.
Trước đổi mới, muốn xây một cái nhà cũng phải có giấy phép mua xi măng, sắt thép. Bây giờ, cứ có tiền là mua thoải mái, mua đủ loại vật liệu, thậm chí cả các tấm trang trí tường khổ cực lớn bằng đá cẩm thạch đen tuyền pha tuyết thửa tận Giang Châu - Trung quốc. Chỉ hơn 20 năm, trạng thái của ngành xây dựng đã phát triển đến mức Hoả. Nhân dân đua nhau xây nhà ở, cơ quan đua nhau xây công sở. Xây nhà dưới mọi hình thức, thậm chí mỏng dính. Kiến trúc cực kỳ lộn xộn, mái vòm, đỉnh nhọn, tháp chuông có cả.
Vậy trạng thái dòng chảy Ngũ Hành xây dựng đang trong Hoả. Nhưng là Hoả không bền, hoả không đượm, đang suy về Thổ. Vì các cá nhân làm việc trong ngành xây dựng đều muốn giàu nhanh nên họ thúc đẩy các vòng Ngũ Hành vận động quá nhanh. Ngay khi có dự án là họ tích Kim (tiền, nhân lực, máy móc,...) rồi thi công luôn, tức là khởi chuyển sang Mộc ngay. Do đó, bộ mặt các thành phố rất lộn xộn. Bức tranh kiến trúc rất xấu. Họ không để ý nhiều lắm đến Thuỷ (cấp nước kém, cống rãnh nhỏ hẹp, không bền vững,...). Việc nôn nóng sang Mộc đi tắt qua Thuỷ làm cho thành phố không thể phát triển bền vững. Hậu quả là hiện nay, môi trường sống trong đô thị bị xuống cấp, phố phường chật hẹp, dân cư đông đúc, cung cấp nước kém, không khí nồng nặc,..
Hơn nữa, vì các vòng Ngũ Hành xây dựng đặt quá gần nhau, nên Hoả xây dựng càng ngày mãnh liệt. Nếu xét theo Ngũ Hànhthì chỉ vài chục năm nữa phần lớn các nhà cửa, công trình hiện tại sẽ sụp nhanh về Thổ. Phải qui hoạch lại, phải mở đường lại, phải giảm mật độ dân số đô thị. Vậy nếu dùng Ngũ Hành có thể đoán trước tình trạng Thổ của ngành xây dựng đang dần đến. Muốn ngành xây dựng phát triển bền vững cần giảm nhiệt của trạng thái Hoả xây dựng, như vậy vừa tiết kiệm cho hiện tại, vừa tiết kiệm cho tương lai.
Để tránh tình trạng quá nóng của Hoả xây dựng, cần phải dãn các vòng Ngũ Hành trong ngành xây dựng. Mà dãn vòng cần có đất. Nhưng hiện nay đất đều thuộc các UBND Tỉnh quản lý. Việc đền bù và giải phóng đều khó khăn.
Do đó muốn tích Kim trong xây dựng phải kiên quyết xây dựng các thành phố cỡ vừa, mới hòan toàn, trực thuộc trung ương. Mỗi thành phố có khởi đầu khoảng 10 vạn dân, dự tính khi phát Hoả có khoảng 1-2 triệu dân. Khi xác lập thành phố mới sẽ tập trung tích Kim tri thức luôn, đó chính là các thành phố công nghệ. Ví dụ Hòa Lạc có thể trở thành một thành phố công nghệ mới, chứ không thuần tuý là khu Công nghệ cao. Một thành phố công nghệ hướng dần tới mức phát triển cao. Trong đó có khu Đại học, Viện Công nghệ, rất nhiều doanh nghiệp, nhiều làng nghề. Đặc biệt có thể học tập Ngọc Linh của Quảng Tây để biến Hòa Lạc thành một trung tâm thuốc nam, với việc tập trung công nghệ đa ngành như sẽ trình bày trong mục “Khoa học và chiếc bánh”. Hòa Lạc là vùng lưng dựa vào núi cao, lên ngược một chút là đến rừng, xuống thấp một chút gặp sông lớn, nhân dân thì khôn ngoan chăm chỉ, lại gần thủ đô, nên có đủ điều kiện tích Kim nhanh chóng cho cá nhân và cho cả doanh nghiệp nữa. Chính vì vậy đây là vùng giảm nhiệt tốt cho trạng thái Hoả quá mức do việc xây dựng thiếu qui hoạch của trung tâm Hà nội. Các thành phố cỡ nhỏ nên được xây dựng đều khắp ở ba miền Trung Nam Bắc để giảm hỏa xây dựng. Đó là các thành phố tích Kim. Nước Việt nam ta có cái lợi thế to lớn gần biển, mà bờ biển lại dài, do đó việc qui hoạch các thành phố tích Kim dọc bờ biển là một điều kiện thuận lợi trời cho để phát triển bền vững. Nhưng việc qui hoạch các thành phố tích Kim nhất thiết phải do chính phủ đảm đương chứ không phải như xây các Khu công nghiệp cấp Tỉnh như hiện nay.
2.4. Ngũ Hành trong ngành giao thông
Ngành giao thông hiện nay cũng đang trong thái Hoả. Người và xe tham gia giao thông quá nhiều, vượt qua chỉ số mật độ an toàn cho phép so với hiện trạng đường xá nhiều lần. Ra đường bất kỳ lúc nào cũng thấy ào ào, bừng bừng. Nguyên do giao thông đạt đến trạng thái Hoả, là do tốc độ phát triển kinh tế cao, tốc độ xây dựng cao, khối lượng người và hàng hóa phải chuyển dịch lớn.
Giao thông và Xây dựng là hai ngành hành chính theo tổ chức chính phủ. Trong chính phủ có hai Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Xây dựng. Nhưng theo Ngũ Hành hai bộ ấy chỉ là một. Xây dựng là dịch chuyển các đơn vị khối lượng vật chất về một khu đất nào đó, rồi kết cấu chúng lại với nhau. Giao thông cũng là dịch chuyển khối lượng vật chất, nhưng trong đó có cả dịch chuyển người và dịch chuyển hàng hoá. Khi ngành xây dựng vào Hoả thì nhất định giao thông còn vào Hoả mạnh hơn, vì dịch chuyển người nhanh và dễ hơn dịch chuyển xi măng gạch ngói.
Có thể nói Hoả trong giao thông hiện nay ở trạng thái hỗn độn rất cao. Cụ thể là nhiều tai nạn, trong khi đường xá không lưu chuyển nhanh và kịp thời được khối lượng lớn hàng hoá và người. Bạn vẫn thấy hàng ngàn người bị tắc đường, hàng vạn người ùn tắc ở các bến xe buýt. Sự ùn tắc ấy là lãng phí xã hội. Cho nên phải biến đổi Hoả trong giao thông. Làm cho nó bớt nóng đi, làm cho nó tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Cách giảm nhiệt cho trạng thái Hoả giao thông một cách bền vững không gì hơn là nỗ lực chủ động đưa giao thông một phần về Thổ. Ví dụ thúc đẩy nhanh việc xây dựng các đường cao tốc (mở ộng Thổ). Tại khu vực đồng bằng sông Hồng nhất thiết phải xây gấp các đường cao tốc nối Hà nội với 7 hướng phụ cận. Mở rộng thật nhanh đường số 32A, đường Láng Hòa lạc, đường số 2, đường số 1, đường số 5, đường số 6, đường số 3. Tất cả các đường kể trên phải được biến thành đường 6 làn xe. Tách riêng đường ô tô ra khỏi đường xe máy. Tại đồng bằng sông Cửu Long cũng phải làm tương tự. Nhưng khi mở rộng đường không làm tràn lan, phải tập trung Kim mãnh liệt để giải quyết dứt điểm từng cung đường.
Tuy vậy, chuyển Hoả giao thông về Thổ rất chật vật, vì khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Việc giải phóng mặt bằng trong giao thông còn khó gấp 10 lần giải phóng mặt bằng trong xây dựng. Vì Hoả xây dựng chuyển về Thổ cực nhanh, nên dễ chuyển thành Kim (tiền) để làm lợi cho người duyệt dự án, lợi cho người thực thi. Trong xây dựng, có đất là có tiền. Trong giao thông không như vậy, vì đất làm đường không trực tiếp sinh ra tiền. Tiền chỉ được lái vào các túi tham nhũng qua ngả chế tác hồ sơ và các thủ tục hành chính. Do vậy, chuyển Hoả giao thông về Thổ bị khó khăn rất lớn. Khó khăn ngay từ chính những người ra quyết định mở đường. Muốn chuyển Hoả giao thông về Thổ nhất định phải tư nhân hoá việc xây dựng cầu phà, đường bộ, đường sắt.
Ngoài ra, trong thành phố phải chuyển Hoả giao thông về Thổ bằng các đường xe điện ngầm. Tuy nhiên tích Kim cho đủ mà làm đường xe điện ngầm rất tốn thời gian. Do đó, có thể nói biện pháp giảm nhiệt giao thông trước mắt và lâu dài vẫn là mở rộng Thổ cho giao thông đường bộ, đường sắt.
Hơn nữa, vì trong Ngũ Hành coi Giao thông và Xây dựng là một cho nên việc giảm Hoả của hai ngành này liên quan trực tiếp với nhau. Điều đó có nghĩa là các biện pháp giảm nhiệt của ngành Xây dựng sẽ ủng hộ tích cực cho giảm nhiệt trong Giao thông. Ví dụ, ngoài Hòa Lạc rất cần xây dựng thêm nhiều thành phố nhỏ khác trực thuộc trung ương. Tại sao lại phải trực thuộc Trung ương, vì xây dựng thành phố mới là tích Kim, mà muốn tích Kim phải có Thổ. Thổ hiện nay, lại đang bị giam giữ bởi tính cục bộ địa phương ở các tỉnh. Một khi đã có nhiều thành phố nhỏ, thì mật độ dân cư ở các trung tâm lớn sẽ giảm xuống, do đó vấn đề giao thông sẽ bớt Hoả.
Tóm lại, có thể liệt kê mấy biện pháp giảm Hoả trong giao thông đã trình bầy ở trên như sau:
- Qui hoạch tốt các trục giao thông chính của vùng,
- Xây dựng các thành phố mới cỡ nhỏ trực thuộc Trung ương,
- Cho phép tư nhân tham gia xây dựng giao thông (tất nhiên cần có các biện pháp giám sát chất lượng đi kèm),
- Xây dựng chính sách mạnh để thu hồi Thổ (giải phóng mặt bằng) về cho giao thông,
- Các biện pháp cấp thời tình thế như đội mũ bảo hiểm, tăng cường xử lý vi phạm là cần thiết trong giai đoạn trước mắt, nhưng không có tính chất bền vững, vì không hề làm giảm được Hoả trong giao thông (mật độ cao).
2.5. Dòng vốn FDI và dòng ngân sách
Năm 2007, mới qua chín tháng mà dòng vốn FDI chảy vào Việt nam đã hơn chục tỉ USD. Đó là một lượng tiền rất lớn, vì nó tương đương ¼ tổng thu nhập GDP của nước ta. Xét trên bình diện vòng Ngũ Hành trừu tượng tầm cỡ thế giới đó là một sự tích Kim rất mãnh liệt cho vùng Việt nam. Trong quá trình tích Kim đó, người điều hành dòng chảy của Kim sang Thuỷ chính là các chủ đầu tư nước ngoài. Chính phủ và nhân dân Việt nam chỉ cung cấp môi trường (Thổ) và các điều kiện phụ trợ khác cho quá trình tích Kim FDI ngoại quốc. Có thể nói về sức mạnh tài chính và nhân sự, phía trong nước không có các quá trình tích Kim tương đương với các dự án lớn mà dòng FDI mang lại. Vậy theo Ngũ Hành đó là dụng khắc thể, khách lấn át chủ.
Khách ngày càng mạnh lên, vì quá trình dòng chảy FDI đang tăng, hơn nữa các nhà đầu tư không những chỉ mang đến tài chính, mà quan trọng hơn là họ mang đến cả công nghệ nữa. Sau quá trình tích Kim họ sẽ khơi Thuỷ, dần dần các công ty có vốn nước ngoài sẽ phát triển mạnh mẽ, sang Mộc, sang Hoả. Đó là điều đáng mừng, vì các công ty đó đã tạo thêm việc làm, tăng thuế cho ngân sách,... Như vậy dòng FDI chảy theo vòng Ngũ Hành thuận.
Trong khi đó, tuy sự tích luỹ vốn của ngân sách nhà nước trong mấy năm qua đã có hiệu quả kinh tế xã hội đáng kể, nhưng Kim từ ngân sách nhà nước không luôn luôn tạo ra các dòng thhuận. Thực vậy, ngân sách nhà nước đã giúp mở mang nhiều công sở, nhiều đường xá, bệnh viện,... Nhưng có thể phán đoán chắc rằng nhiều khoản chi từ ngân sách nhà nước ra có thất thoát, đôi khi thất thoát khá lớn. Những thất thoát ấy được gọi là tham nhũng. Báo chí gọi hiện tượng tham nhũng hiện nay là quốc nạn, chính phủ có một vị phó Thủ tướng đặc trách chống tham nhũng. Tức là tham nhũng đang rất trầm trọng. Vậy dòng vốn sau khi chảy từ ngân sách ra đã vào túi tham nhũng một phần, có thể là lớn hoặc rất lớn. Kim (tiền) của tham nhũng được dùng để chi dùng cá nhân, mua xe, mua đất, ăn chơi, sa đoạ, huỷ hoại cán bộ,...Tất cả các động thái ấy gọi là Thổ. Như vậy dòng Kim đang về Thổ, tức là chảy theo Ngũ Hành ngược. Phần còn lại của ngân sách, không bị tham nhũng đục khoét được chi ra để duy trì các hoat động bộ máy của Chính phủ, tức là dòng tĩnh. Phần tích cực của dòng ngân sách lại được chi dùng phân tán, không tập trung vào các mũi đột phá. Do vậy có thể kết luận rằng đa phần dòng ngân sách đang vận hành theo Ngũ Hành ngược.
So sánh hai phân tích ở trên ta thấy, dòng FDI tạo các vòng Ngũ Hành thuận là chính, trong khi dòng ngân sách bị lợi dụng tạo sinh các vòng Ngũ Hành ngược. Do đó cái trạng thái khách lấn chủ sẽ ngày càng mạnh.
Muốn thay đổi trạng thái đó, cần đảo ngược chiều quay của dòng ngân sách. Mà chỉ có thể đảo chiều quay từ chính cán bộ, tức là phải tích Kim phi vật thể cho cán bộ.
CHƯƠNG III. NGŨ HÀNH VÀ VĂN HOÁ
3.1. Văn hóa lùn
Có lần tôi được mời dự tiệc ở trường Bồi dưỡng Cán bộ Văn hóa, Bộ VH TT DL. Bữa ấy thật vui, có nhiều nhà văn hoá, nhiều nghệ sỹ danh tiếng. Trong lúc vui chén rượu có một ông tóc bạc chê một cậu tóc xanh:
- Này, cậu làm vậy thật là văn hóa lùn!
Hôm đó, cũng nhờ chén rượu mà tôi mạo muội xen vào câu chuyện của người ta, nên đánh bạo hỏi vị tóc bạc:
- Theo Ngài thế nào là lùn và thế nào là cao?
Ông ấy vui vẻ cười, không nói ngay, rồi thành thật bảo:
- Chịu thôi, tôi chỉ biết lơ mơ cao và lùn, nhưng như tôi là văn hóa vừa đủ dùng!!
Tất cả cùng cười vui vẻ.
Nhưng khi ra về tôi cứ băn khoăn. Khái niệm về văn hóa ai ai cũng nói, nhưng đánh giá nó thế nào là cao hay thấp thì lại rất khó khăn. Thực vậy, có đến hàng trăm định nghĩa khác nhau về văn hoá. Đó là một vấn đề lớn của nền văn hóa toàn cầu, vấn đề lớn của hội nhập.
Hơn nữa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đối với đa số chúng ta là khá mơ hồ. Cái gì là chất văn hóa tinh hoa của dân Việt, bảo tồn và phát huy nó như thế nào cũng là các câu hỏi lớn.
Cuối cùng, chúng ta nghe nói nhiều đến mệnh đề: “văn hóa và kinh tế là hai vấn đề có quan hệ mật thiết với nhau, văn hóa có thể là đòn bẩy của phát triển kinh tế”. Nhưng chúng ta cũng chưa xác định rõ được dùng đòn bẩy kinh tế đó như thế nào?
Vậy đối với văn hóa có ba vấn đề quan trọng cần làm sáng tỏ:
- Định nghĩa văn hoá, độ đo văn hoá,
- Tinh hoa văn hóa dân tộc,
- Quan hệ giữa văn hóa và kinh tế.
Dưới đây dùng Ngũ Hành chúng ta sẽ bàn về ba vấn đề đó.
3.2. Định nghĩa văn hóa, độ đo văn hóa
Trong ngôn ngữ châu Âu, văn hóa được viết là”culture”. Các hệ ngữ lớn của nhân loại như tiếng Anh, Pháp, Đức, Tây ban nha, Slavơ,... đều viết như vậy. Nghĩa gốc của từ “culture” là trồng trọt, sau này thêm các nghĩa mới là mở mang, tu dưỡng, trau dồi, văn hoá,... Ta không biết tại thời điểm nào thì từ “culture” biến đổi cái nghĩa gốc trồng trọt của nó thành nghĩa phổ biến hiện nay là văn hoá.
Trong tiếng Hán từ văn hóa được viết là Wén hua. Nó gồm chữ văn trong văn chương và chữ hóa trong biến hóa. Vậy, nghĩa gốc của từ văn hóa theo tiếng Hán là làm biến hóa cái hồn của văn. Mà văn tức là người. Nói rộng ra văn hóa là trình diễn cái tinh tuý nhất mà con người thu nạp được trong tinh thần của mình.
Điều đó không mâu thuẫn với cách nhìn văn hóa theo quan điểm trồng trọt ở phương Tây. Lịch sử loài người bắt đầu biết trồng trọt từ khoảng 8.000-13.000 năm nay. Trong khoảng thời gian đó, các bộ lạc săn bắn hái lượm chuyển dần sang trồng trọt chăn nuôi. Khi đó, có lẽ loài người mới biết đến từ “culture” theo nghĩa trồng trọt. Về bản chất, trồng trọt ngoài việc mang lại thực phẩm, còn mang lại một cuộc sống ít bấp bênh và ít chiến tranh hơn cho các bộ lạc. Nhờ trồng trọt mà cuộc sống con người no đủ hơn và hòa bình hơn. Vì thế cái hình thái lao động trồng trọt lan toả nhanh dần khắp các châu lục. Bộ lạc này học tập bộ lạc khác. Họ học tập nhau trồng trọt để bảo đảm cuộc sống. Cái phương thức sản xuất ấy có sức lan toả mạnh mẽ trong suốt chiều dài lịch sử từ 13.000 năm trước đến nay trên qui mô toàn cầu. Cho đến tận bây giờ người ta vẫn học tập nhau trồng trọt (trong lai ghép, tạo giống, biến đổi gen,...). Trong tiến trình lịch sử giao lưu giữa các bộ lạc, dần dần cái từ trồng trọt kia mang thêm nghĩa văn hóa, văn minh để trỏ một cái gì có sức lan tỏa. Ta không khẳng định được khi nào thì có sự thêm nghĩa ấy. Nhưng có lẽ nó được thêm nghĩa vì người ta muốn gán cho phương thức sản xuất trồng trọt như là một phương thức cao hơn, bền vững hơn, đáng hấp thu hơn so với săn bắn và hái lượm.
Điều đó giống như ngày nay chúng ta vẫn đôi khi dùng từ văn minh cho các cộng đồng biết những phương thức sản xuất tiên tiến hơn mình. Đó chính là quá trình biến đổi của từ “culture” với nghĩa thuần túy là trồng trọt thành ra nghĩa là văn hóa: nếu bạn biết trồng trọt là bạn có văn hóa, tức là bạn có cái phương thức hoạt động ở tầm cao hơn so với việc săn bắn hái lượm thuần tuý.
Muốn học phương thức sản xuất (thao tác) tiên tiến hơn, ta phải hấp thu cái mà người khác đang làm. Sau đó ta phải thực hiện lại. Thực hiện lại nghĩa là phải trình diễn lại. Quá trình hấp thụ và trình diễn đó gọi là văn hóa. Quá trình ấy gồm hai pha: hấp và nhả. Hệt như quá trình phản xạ phôton ánh sáng trong vật lý học. Một điện tử hấp thụ năng lượng bên ngoài từ các photon tới, nhẩy lên mức năng lượng cao hơn, sau đó nó trở về các trạng thái mức dưới và phát ra các photon khác.
Không một ai làm văn hóa mà không thực hiện quá trình hai bước ấy: hấp và nhả (hấp thụ và trình diễn). Nhà văn, nhà thơ, nghệ sỹ điêu khắc, diễn viên, nhà kiến trúc,...đều thực hiện quá trình hai pha ấy. Công trình, tác phẩm của họ chỉ được gọi là tác phẩm văn hóa, công trình văn hóa nếu cái mà họ nhả ra ấy có tác dụng “khả hấp”. Tức là phải khả dĩ để cho người khác hấp thu được. Vậy, văn hóa là quá trình hấp thụ và trình diễn liên tục.
Đó là định nghĩa của chúng tôi về văn hóa. Để mô tả khái niệm nhả hấp này chúng tôi dùng sơ đồ Hình 8 dưới đây.
Trong đó:
-W là độ đo trình độ văn hóa. Nó có giá trị càng cao khi trình độ văn hóa càng cao.
-x là tổng lượng hấp thụ các giá trị văn hóa đã và đang có sẵn trong môi trường. Khả năng cảm thụ, khả năng nhận biết cái hay cái dở, năng lực trí tuệ, tình cảm, trí nhớ, nhân cách, lòng trắc ẩn,... có ảnh hưởng lớn đến tổng lượng hấp thụ x của cá nhân.
-t là kết quả trình diễn. Muốn trình diễn phải có học tập, tích luỹ, nhào nặn và sáng tạo. Nếu không anh sẽ chỉ là máy ghi âm không phải là trình diễn. Trình diễn phải trên cơ sở sáng tạo. Kết quả trình diễn phải có thể được hấp thụ lại bởi cá thể khác, tức là phải “khả hấp”. Mức độ hấp thụ lại cái mà anh trình diễn ra chính là cơ sở để xác nhận và đánh giá độ lớn của t.
Khi đã biết x và t thì ta có thể đánh giá độ đo văn hóa W.
Theo cách tính trên thì một người sẽ có trình độ văn hóa cao khi anh ta hấp thụ nhiều giá trị tinh hoa x và có sáng tạo lớn để trình diễn giỏi, đạt giá trị tlớn. Kết quả là khi trình diễn anh ta đã nâng cái mà anh hấp thụ được lên luỹ thừa, tạo thành một tác phẩm, có tác dụng cho cộng đồng hấp thụ một tinh hoa lớn hơn.
Nếu bạn chỉ hấp thụ, mà không nói năng, chẳng trình diễn thì t=1, kết quả trình độ văn hóa W của bạn bằng t1 = t, tức là không thay đổi, chỉ bằng tổng lượng mà bạn hấp thụ được.
Nếu hành vi của bạn phản văn hóa, không có tính khả hấp, thì cái hành vi hoặc tác phẩm mà bạn trình diễn có t< 1. Khi đó, độ đo văn hóa của bạn giảm W< x. Công lao hấp thụ của bạn bị huỷ hoại, như câu ngạn ngữ: “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”.
Nếu bạn có sáng tạo, sản sinh ra các tác phẩm có độ “khả hấp” cao thì trình diễn của bạn có giá trị lớn và t > 1. Lúc đó, bạn đã làm thăng hoa những thứ mà bạn đã hấp thụ, tạo ra các giá trị văn hóa mới cho cộng đồng. Khi đó trình độ văn hóa W tăng theo hàm mũ. Bạn đã đạt đến trình độ văn hóa rất cao.
Theo định nghĩa độ đo văn hóa W ở trên, thì khái niệm trình độ văn hóa lớp 7 bổ túc hay GS - TSKH trong các trích ngang sơ yếu lí lịch chứa rất ít thông tin về cá thể. Hai trình độ văn hóa lớp 7 bổ túc và GS- TSKH là mù mờ như nhau theo khái niệm mới.
Nếu bạn hấp thụ một lượng x các giá trị, nhào nặn nó, để sáng tạo ra một giá trị văn hóa mới, thì bạn đã có một trình độ văn hóa cao. Một kỹ sư mà không dùng kiến thức của mình để thiết kế một công trình nào cả thì chắc chắn có trình độ văn hóa thấp hơn so với một kỹ sư cùng lớp nhưng có sáng tạo, có trình diễn.
Một người dân thường hấp thu các giá trị văn hóa trong môi trường, hàng ngày anh ta trình diễn ra xung quanh lối sống của mình. Nếu lối sống ấy là cao đẹp và “khả hấp”, thì chưa cần sáng tạo gì anh ta đã tự nâng tầm văn hóa của mình lớn hơn cái mà anh ta đã hấp thụ.
Một cán bộ hấp thụ rất nhiều giá trị cao đẹp, có rất nhiều bằng cấp, nhưng trình diễn một lối sống sa đọa là tự mình làm giảm độ đo văn hóa mà mình đã dày công tu luyện.
Do đó, văn hóa là một khái niệm động. Muốn giữ cho trình độ văn hóa của mình không xuống cấp, hàng ngày chúng ta phải rèn luyện, để không trình diễn cái xấu, như trong kinh Phật dạy chúng sinh phải “tinh tiến”.
Văn hóa theo định nghĩa trên gồm hai pha, hấp thụ và trình diễn. Đó chính là Ngũ Hành. Hấp thụ thuộc về Kim và trình diễn thuộc về Thuỷ, Mộc, Hoả hoặc Thổ. Trình diễn Mộc là sáng tạo giá trị mới. Trình diễn kiểu Thổ là chôn vùi giá trị và làm quay ngược vòng Ngũ Hành cá nhân.
Vì tài liệu này đề cập đến quan hệ giữa Ngũ Hành và Văn Hóa nên chúng tôi không đi sâu phân tích các sắc thái văn hóa của từng bộ môn, cũng như không trình bày khái niệm trình độ văn hóa tổng hợp của cá nhân như là một tổng các vectơ toán học về các hành vi văn hóa, mà chỉ cốt đưa ra một định nghĩa và một thước đo văn hóa. Sau khi có định nghĩa văn hóa chúng ta sẽ tiếp tục thảo luận về tinh hoa văn hóa Việt nam. Sau đó, nghiên cứu quan hệ giữa Văn Hóa và Ngũ Hành. Cuối cùng sẽ tìm lý do vì sao văn hóa có thể được xem là đòn bẩy của phát triển kinh tế.
3.3. Tinh hoa văn hóa Việt nam
Nước Việt nam chúng ta trải qua một chặng đường đấu tranh lâu dài dựng nước và giữ nước, chúng ta luôn phải thực hành sóng đôi hai quá trình hấp thụ và trình diễn, học tập và thực hành, thu vào để bùng ra,...Do vậy, văn hóa của dân tộc Việt nam chúng ta rất cao.
Các nhà nghiên cứu văn hóa hiện nay hay dùng từ tiếp biến văn hóa để chỉ khả năng hấp thụ và cải biên văn hóa. Theo họ, khả năng tiếp biến văn hóa của dân tộc Việt nam cao. Họ cho đó là một trong những nét tinh hoa của văn hóa dân tộc. Theo chúng tôi đó là một nhận xét tinh tế và đúng đắn. Nhưng nếu dùng định nghĩa văn hóa theo kiểu toán học ở trên để phân tích tinh hoa văn hóa thì chúng ta có thể phát hiện nhiều tinh hoa văn hóa khác nữa.
- Tinh hoa văn hóa NEM: Món ăn nổi tiếng của Việt nam là nem. Món ăn đó hợp khẩu vị của nhiều người, là một món khá phổ biến trong hầu hết các bữa tiệc của người Việt. Trong nem có thịt, rau, giá, gia vị, trứng,... Nó là tổng hòa của nhiều thứ thực phẩm cao cấp trong một lá cuốn bằng bột gạo. Có thể chỉ ra nhiều ví dụ khác về sự tích hợp của nhiều thành phần tinh hoa trong một không gian và thời gian hẹp như NEM trong đời sống vật chất và tinh thần của người Việt. Chẳng hạn hoa văn trống đồng cổ, các tác phẩm trạm trổ trên gỗ, phong cách đình đền chùa, sự thờ cúng tam giáo Khổng – Lão - Phật,... Các nốt nhạc rung luyến trong đàn bầu cũng là nén ép các nét tinh hoa trong một thang bậc âm. Các trận thần tốc trong lịch sử dân tộc cũng là kết quả tích hợp của nhiều tinh hoa trong thời gian và không gian hẹp. Cái tài khéo của dân ta trong việc nén ép tinh hoa, nhào nặn nó, để sang tạo cái mới chính là một tinh hoa văn hóa cao đẹp của dân tộc. Tướng quân Cao Thắng của khởi nghĩa Phan Đình Phùng chế tạo ra súng trường trong rừng Hương Khê làm kinh ngạc các kỹ sư Pháp chính là một ví dụ sắc nét của tinh hoa văn hóa NEM.
- Tinh hoa văn hóa LÀNG: Người ta bảo ở Việt nam nhiều khi “phép vua thua lệ làng”. Khía cạnh tiêu cực của câu nói đó chính là sự không tôn trọng phép nước. Nhưng thử hỏi nếu lệ làng không có “tố chất quan trọng đáng kể” nào cả thì làm sao thắng được phép vua. Theo các nghiên cứu nghiêm túc về lệ làng thì mỗi làng cổ đều có các hương ước. Rất nhiều lệ trong hương ước ngày này vẫn còn giá trị. Hương ước được lập bởi một hội đồng làng xã, gồm các chức sắc, các chức mua, các vị tiên chỉ, các nhân sĩ hưu trí, những người cao tuổi,... Vậy lệ làng được lập ra bởi tập hợp các bộ óc thông thái nhất của làng. Đó chính là truyền thống dân chủ cao mà dân ta đã tích luỹ được trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Và đó chính là một tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt nam. Chính vì có tố chất dân chủ cao trong làng, mà làng tồn tại qua hơn ngàn năm bắc thuộc. Bộ máy cai trị của chính quyền phương Bắc không thấm xuống làng được. Làng chính là sức mạnh lớn nhất trong quá trình mở rộng bờ cõi nước Việt từ vùng Hoan Ái đến tận Đồng Nai, Gia Định.
Chúng tôi chỉ nêu vài ví dụ trên để chỉ ra rằng tinh hoa văn hóa Việt nam là nghệ thuật tích Kim, tích Kim trong văn hóa NEM và trong văn hóa LÀNG.
Do đó, trong giai đoạn hiện tại, khi yêu cầu tích Kim rất cấp bách đối với sự phát triển trong hội nhập ngày nay, thì cái tinh hoa cần phát huy nhất chính là tinh hoa văn hóa trong nghệ thuật tích Kim của dân tộc. Điều đó cần được phát huy tối đa, để chúng ta có thể chung sống với bạn bè năm châu, học tập công nghệ của họ, biến thành của mình, để chính chúng ta, người Việt nam, chứ không phải các chuyên gia cố vấn nước ngoài khởi phát các vòng Ngũ hành.
3.4. Mối quan hệ giữa Văn hóa và Ngũ hành
Trong Ngũ Hành thì Kim là cơ sở để xác định độ đo văn hóa của toàn bộ vòng Ngũ Hành, đặc biệt Kim phi vật thể. Quá trình tích Kim phi vật thể đòi hỏi phải rèn rũa ý chí và nhân cách lâu dài, lại phải không ngừng tích luỹ tri thức mới. Kim là quá trình hấp thụ trong định nghĩa văn hóa. Sau khi tích Kim đạt độ, thì cá nhân trụ cột lại qui tụ những người đồng thanh đồng khí, tích luỹ công nghệ để khai Thuỷ, sinh Mộc. Lúc vòng Ngũ Hành đạt đến Mộc, thì Kim đã biểu hiện cái Đức của nó. Lúc đó có thể xác định độ đo văn hóa của Vòng Ngũ Hành mới tạo lập. Nếu Hoả rất mạnh tức là cái Kim đó đã trình diễn một cách rộng rãi. Nhưng nếu Hoả có nhiều nguy cơ về Thổ nhanh thì đó gọi là Hoả yếu. Hoả yếu tức là Kim tích được ít, ăn xổi, ở thì, không bền vững, tính công nghệ không cao. Đánh giá mức độ mạnh yếu của Hoả có thể biết cái gốc Kim của nó. Xét tương quan tỉ lệ Hoả/Kim có thể đánh giá trình độ văn hóa của Vòng Ngũ Hành đang xét. Ví dụ, một người có quá trình phấn đấu lâu dài, được xem là có tích Kim, nhưng khi phát quan (Hoả) lại nhanh chóng bị tha hóa, lao vào tham nhũng, thì Hoả của anh ta đoản. Tương quan tỉ lệ Hoả/Kim yếu. Anh ta chắc chắn là một người văn hóa thấp, mặc dù có thể anh ta có bằng cấp cao, được khen thưởng lớn trước đó.
Theo cách xét đoán Ngũ Hành đó, thì những doanh nghiệp hoặc tổ chức có vòng Ngũ Hành mà tương quan Hoả/Kim nhỏ đều đang bị người có trình độ văn hóa thấp lũng đoạn và sẽ không bền vững.
3.5. Mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế
Phần lớn các hoạt động kinh tế đều có mục đích chung là thu về mối lợi kinh tế có thể đo bằng tiền, tức là tích Kim vật thể. Người ta thường đánh giá một hoạt động kinh tế qua doanh thu và lãi suất. Đối với một quốc gia thì chỉ tiêu quan trọng để đánh giá mức độ tăng trưởng kinh tế là thu nhập trên đầu người, hay GDP,... Tức là đánh giá sự phát triển kinh tế qua tích Kim vật thể là chính.
Trong khi đó, phần lớn các hoạt động văn hóa là hấp thụ các giá trị (chủ yếu là giá tri tinh thần) để phát ra những tác phẩm (thường là ở trình độ cao), để công chúng có thể hấp thụ và mang lại trong tâm hồn người ta những cảm giác hưng phấn tinh thần. Vậy hoạt động văn hóa chủ yếu là tích Kim phi vật thể.
Nếu xem Kim vật thể và Kim phi vật thể là hai mặt đối lập (hay âm dương) trong cùng hành Kim thì có thể mô tả mối quan hệ Kinh tế - Văn hóa như hình 9 dưới đây. Trong hình này, khối Văn hóa của toàn xã hội chủ yếu là Kim phi vật thể, còn khối Kinh tế chủ yếu là Kim vật thể. Nếu phát triển kinh tế mà không hài hòa thì lượng Kim phi vật thể bị lấn át, và có cơ hồ làm cho sự phát triển trở nên thiếu bền vững. Đôi khi, ở một số vùng văn hóa bản địa bị triệt tiêu trong một nền kinh tế mới, và vùng đó bị biến dạng hoàn toàn.