Ngày 17/2 - ngày để tôn vinh và tưởng niệm

09:49 SA @ Thứ Sáu - 18 Tháng Hai, 2011

Quá khứ không thể thay đổi, dù đó là quá khứ đau thương hay hào hùng. Chúng ta chỉ có thể thay đổi tương lai, tuy tương lai còn nhiều nét chưa định hình. Gác lại quá khứ, nhưng đừng quên những bài học từ lịch sử, để tương lai không rẽ vào những khúc quanh bi tráng ấy thêm nữa.

Dù 32 năm trôi qua nhưng năm nào ngày 17/2 cũng là khoảnh khắc để chúng ta tôn vinh, tưởng niệm và cảnh giác.

Tôn vinh những hy sinh đóng góp của cả một thế hệ cho sự nghiệp bảo vệ biên cương Đất nước, vì sự tồn vong của Dân tộc. Đấy là những tấm gương để hậu thế soi chung, và từ đấy rút ra những bài học cho hiện tại và tương lai.

Tưởng niệm bao xương trắng máu đào các anh hùng liệt sĩ đã để lại suốt dọc các tỉnh biên giới những năm tháng ấy. Những hy sinh và đóng góp không chỉ mãi mãi được khắc sâu trong tâm khảm bao gia đình có công với Tổ quốc, mà còn vĩnh viễn ghi tạc vào ký ức của Dân tộc.

Cảnh giác đừng để lịch sử lại rẽ vào những khúc quanh bi tráng như vậy!


Tấm bia nằm sâu trong vườn riêng của một gia đình. Không còn nhiều tấm biển, bia, tượng đài ghi dấu tích "Cuộc chiến 16 ngày" như thế này

Lê Đình Chinh,chiến sĩ đã chiến đấu bảo vệ cán bộ và nhân dân địa phương trước một toán "côn đồ" xâm nhập biên giới Lạng Sơn. Anh đã anh dũng chống trả bảo vệ tính mạng đồng bào và anh dũng hy sinh ngày 25/8/1978. Anh là người lính đầu tiên hy sinh ở biên giới phía Bắc trong cuộc chiến chống quân xâm lược giai đoạn đó, sau đó được trao tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Hiện liệt sĩ Lê Đình Chinh đang yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Cao Lộc, Lạng Sơn
.

Lịch sử vốn không thể che đậy! Hơn nữa, ý nghĩa thực sự của ngày 17/2 lại nằm bên ngoài cuộc chiến. Bàn tay không thể che nổi mặt trời. Đánh một nước nhỏ hơn để “cầu” viện trợ nước lớn khác thì không thể nói cuộc chinh phạt phát ra bất cứ một ánh sáng nhân văn nào cả.

Quá khứ không thể thay đổi, dù đó là quá khứ đau thương hay hào hùng. Chúng ta chỉ có thể thay đổi tương lai, tuy tương lai còn nhiều nét chưa định hình. Và lịch sử đòi hỏi phải sòng phẳng. Nó cần được ghi chép lại, mô tả như đã từng xẩy ra. Dù đó là lịch sử của bá đạo hay lịch sử của vương đạo.

Vương đạo vốn là con đường chân chính của bậc thánh nhân, dùng đức và nghĩa mà hóa dân, trị thiên hạ. Đem cả nước hô hào làm việc nghĩa và không làm gì hại đến lễ nghĩa. Chỉ chuộng nhân nghĩa, vương đạo không dùng quyền uy vũ lực hay mưu mô xảo trá mà bức hiếp Man/Di để đạt mục đích.

Bá đạo là con đường chuộng bạo lực uy vũ, mưu kế thâm hiểm để đạt mục đích làm bá chủ thiên hạ, thống trị và áp bức chư hầu. Làm điều bất nghĩa, giết một người không có tội, để được cả thiên hạ, kẻ nhân giả quyết không bao giờ nên làm như vậy.

Tiền nhân từng dạy: Nếu muốn làm vương thiên hạ thì phải phát chính trị vương đạo, thi hành những điều nhân, khiến kẻ làm quan ai cũng muốn phục vụ dưới triều nhà vua, kẻ nông phu ai cũng muốn cày trên đất nhà vua, kẻ buôn bán ai cũng muốn đến chợ của nhà vua, khách lữ hành ai cũng muốn đi đường của nhà vua.

Được như thế, ai “liên hoành” chống lại làm gì nữa!



Nhân ngày kỷ niệm này, hãy cùng đọc lại một bài viết trên báo chính thức của Trung Quốc có nội dung đề cập đến các nước láng giềng, trong đó nêu đích danh Việt Nam.

Tựa đề “Trung Quốc đối phó thế nào với chiến lược của Mỹ kiềm chế Trung Quốc” (How China deals with the U.S. strategy to contain China) xuất hiện trên trang mạng Chinascope ngày 12/2 vừa qua. Đây là bản dịch lại bài viết bằng tiếng Trung trên nguyệt san Qiushi (Cầu Thị), cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tác giả bài viết trên tạp chí Cầu Thị là Từ Vận Hồng, ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương đảng.

Tổng kết các cuộc thao diễn quân sự giữa Mỹ với các đối tác và đồng minh ở khu vực Á Châu Thái Bình Dương, tác giả nhắc lại cuộc tiếp xúc quốc phòng giữa Mỹ và Việt Nam ở vùng biển quốc tế bên ngoài Ðà Nẵng, gồm cả chuyến thăm hàng không mẫu hạm nguyên tử USS George Washington ngày 11/8 năm ngoái.

Bài viết kêu gọi Trung Quốc “hãy tấn công các kẻ thù ở gần”.

Mỹ không những loan báo quay trở lại Ðông Á mà còn tuyên bố muốn lãnh đạo châu Á. Điều đặc biệt không thể chấp nhận được, theo tác giả bài báo là Mỹ đã khuyến khích các láng giềng của Trung Quốc tập hợp lại đối phó với Trung Quốc.

Những nước như Nhật Bản, Ấn Ðộ, Việt Nam, Úc, Philipines, Indonesia, và Hàn Quốc đang gia nhập vào nhóm chống Trung Quốc, vì họ từng có chiến tranh với Trung Quốc, hoặc tranh chấp quyền lợi với Trung Quốc”.

Từ cách nhìn như vậy, tờ Qiushi cho rằng: “ Lợi ích quốc gia không thể nào bảo vệ bằng thương thuyết mà phải bằng chiến tranh. Do vậy, Trung Quốc phải bám lấy nguyên tắc căn bản: Chúng ta không tấn công trừ phi bị tấn công; nếu chúng ta bị tấn công, chúng ta chắc chắn phản công”.

Bài báo viết tiếp: “ Trung Quốc phải gửi tín hiệu rõ ràng cho các nước láng giềng biết rằng chúng ta không sợ chiến tranh và chúng ta đang chuẩn bị cho bất cứ lúc nào chiến tranh xảy ra để bảo vệ quyền lợi quốc gia”.

" Các nước láng giềng cần giao thương với Trung Quốc hơn là chúng ta cần họ. Bởi vậy, họ, chứ không phải Trung Quốc sẽ phải gánh chịu tổn thật nặng nề hơn do thái độ thù địch với Trung Quốc. Trung Quốc nên tận dụng những lợi thế kinh tế và sức mạnh chiến lược này".

Có thể nói, bài viết xuất hiện trên một cơ quan ngôn luận chính thức như thế, ít nhất phản ảnh suy nghĩ của một bộ phận giới cầm quyền hiện nay, nhất là khi người viết nêu tên trên bài nằm trong Ban Chấp hành Trung ương, dù là dự khuyết.

Cầu Thị có thể là tạp chí có ảnh hưởng nhất trong các vấn đề chính trị, thường xuyên trình bày các lập trường chính thức của Trung Quốc hơn là những ngôn từ ngoại giao mà các quan chức thường sử dụng.

Để lịch sử không lặp lại những khúc quanh bi tráng, như đã nói, rất cần thiện chí thực sự của tất cả các bên.




Chiến đấu vì Độc lập, Tự do

Bài hát do nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác vào đêm ngày 17/2/1979, khi nghe tin chiến tranh biên giới Việt-Trung bùng nổ vào sáng ngày hôm đó. Đây là bài hát mở đầu cho dòng nhạc "biên giới phía Bắc". Ca khúc này thường được gọi bằng cái tên không chính thức là Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới - câu đầu tiên trong ca từ.

Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới
Giục toàn dân ta vào trận chiến đấu mới
Quân xâm lược bành trướng dã man đã dày xéo mảnh đất tiền phương,
Lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp nẻo đường biên cương

Đất nước của ngàn chiến công, đang sục sôi khí thế hào hùng
Những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa đang gọi tiếp thêm những bài hùng ca.

Việt Nam, ơi đất Việt yêu thương!
Lịch sử đã trao cho Người cả một sứ mạng thiêng liêng
Mang trên người còn lắm vết thương
Người vẫn nguyện lòng ra chiến trường
Vì một lẽ sống cao đẹp cho mọi người: Độc Lập, Tự Do.

Lời tạm biệt trước lúc lên đường
(Vũ Trọng Hồi, NSUT Trần Thụ)

Ngày ra đi, hướng biên cương, gió bấc tràn về lòng anh lạnh buốt.
Nòng súng đen, níu câu thơ,
Ý thơ thật hay là thơ Lý Thường Kiệt.

Lòng người Việt Nam nào đâu thích gì đạn bom
Ngọn nguồn đau thương trải qua đã nhiều rồi
Việt Nam ơi! Việt Nam ơi!
Trái tim Việt Nam, tình yêu cuộc sống.
Giặc dùng đạn bom thì ta giáng trả đạn bom
Quyết chiến thắng!
Cho hôm nay, cho con, cho cháu và cho khắp mọi miền.

Mùa thật đẹp, gió bát ngát,
Xanh xanh câu hát trời trong sáng tuyệt trần


Ngày ra đi, hướng biên cương, có em tiễn đưa mà mắt lệ ướt
Về đi em, nếu yêu nhau
Hãy yêu rộng hơn là non nước cuộc đời

Cầm bàn tay em nào anh nói gì nhiều đâu,
Cuộc đời đang xuân là thôi nhé tạm biệt,
Dòng nước mắt, dù thiêng liêng, cũng không làm cho giặc kia lùi bước.
Giặc dùng đạn bom thì ta giáng trả đạn bom

Quyết chiến thắng!
Cho hôm nay, cho con, cho cháu và cho khắp mọi miền.
Mùa quả ngọt, trái sẽ chín,
Anh đi em nhé vì chân lý ngời ngời.

Chiều dài biên giới
(Trần Chung)

Chiều dài biên giới
Dài theo bước chân chúng tôi
Những đỉnh núi mờ sương
Tiếng sóng vỗ trùng dương
Nghe đất quê hương hát cùng bước chân chúng tôi

Đường về biên giới
Tình đất nước đẹp núi đồi
Cánh rừng với dòng sông
Mỗi tấc đất ngàn năm
Gian khó đau thương vẫn ngời sắc hương

Hành quân đi ven rừng xưa còn in bóng cờ
Vó ngựa ngàn năm những anh hùng đi giữ nước
Đây Chi Lăng, đây Đống Đa còn vang tiếng thét
Vẫn còn kia
Tiếng sóng xô Bạch Đằng đã cuốn đi cuồng phong
Qua rồi thời vương bá!

Chiều dài biên giới
Từng tấc đất lộng gió ngàn
Đất mẹ đất Việt Nam
Nuôi ta lớn lên từ đây
Gắn bó yêu thương tấm lòng chúng con khắc sâu

Trập trùng biên giới
Dù mưa nắng dù bão bùng
Vẫn dồn bước hành quân
Cho cây lúa hậu phương
Em gái thân thương hát mừng quê hương

Bàn chân đi tô đẹp trang lịch sử sáng ngời
Trên đường hành quân nhớ dáng Người bên Pác Bó
Ta ra đi trong khúc ca tình yêu đất nước
Nghe còn vang
Tiếng Bác vẫn vọng về ấm áp thêm lòng người
Trên đường xa biên thuỳ

Chiều dài biên giới chúng tôi đã qua
Bảo vệ biên giới chúng tôi đứng đây
Cho đất mẹ nở hoa
Trong tình yêu bao la.

Bài hát "Chúng tôi, đồng đội của Lê Đình Chinh"

Chúng tôi là đồng đội của Lê Đình Chinh, nghe đất nước gọi như tiếng gọi của chính mình.
Tạm biệt xa bao người thân, vì đất nước ấm no toàn dân, vì một lý tưởng trong sáng vô ngần.
Khi hòa bình ta không ngơi tay súng, từ trong lửa đạn bão bùng, chúng tôi thành những anh hùng Việt Nam.
Nơi biên giới xa xôi! Nơi hải đảo ngàn trùng khơi!
Đường đi dẫu có lắm gian nan, tuổi trẻ ơi! ra sức anh hùng!
Tuổi trẻ vinh quang, tuổi trẻ là chí kiên cường, tuổi trẻ trong đấu tranh lòng tự hào cuộc sống vinh quang.

Chúng tôi là đồng đội của Lê Đình Chinh, vì nước quên mình, vì đồng đội và nghĩa tình.
Tuổi thanh xuân anh đẹp sao, vì đất nước hiến dâng dòng máu, cả một thế hệ anh dũng quên mình.
Khi hòa bình ta không lơi tay súng, từ trong lửa đạn bão bùng, chúng tôi thành những anh hùng Việt Nam.
Ôi! Tổ Quốc vinh quang!
Ôi! Đất mẹ Việt Nam!
Dù cho dẫu có lắm gian nan, tuổi trẻ ơi! ra sức anh hùng!
Tuổi trẻ vinh quang, tuổi trẻ là chí kiên cường, tuổi trẻ trong đấu tranh lòng tự hào cuộc sống vinh quang.


Tôi đã gặp anh
(Nguyễn Trọng Tạo)

Hình như tôi đã gặp anh
buổi sớm đồng quê bình minh trong mát
Nông trường Sông Âm say mê khúc hát
tuổi lên đường màu áo lá tươi nguyên
người lính trẻ nói tình yêu Tổ quốc
bằng sự ra đi tự nguyện của mình

Hình như tôi đã gặp anh
bình minh rừng-mắt lá nhìn cảnh giác
vai áo xước qua đêm truy kích giặc
đường tuần tra biên giới phía tây nam
người lính trẻ nói tình yêu Tổ quốc:
trước mũi súng của mình
cúi mặt một tù binh !

Hình như tôi đã gặp anh
đêm đơn vị hành quân lên phương bắc
chuyện anh để ngắn dần con đường dốc
nghe dập dồn vó ngựa thuở Quang Trung
người lính trẻ nói tình yêu Tổ quốc
bằng tình yêu từng trang sử anh hùng

Lê Đình Chinh
khi tôi biết tên anh, tôi tìm đến
chỉ gặp đồng đội của anh bồng súng chào nén lặng
trước nấm mộ biên thùy cỏ đắp còn tươi
tuổi hai mươi ! Anh đem tuổi hai mươi
chặn lũ giặc điên cuồng qua biên giới
anh ngã xuống-hạt gieo vào đất ấy
hóa cây rừng xanh mãi tuổi hai mươi...

Tôi đi dọc rừng cây
đi dọc đất đai mình
đâu cũng gặp những người đi giữ nước
những người nói tình yêu Tổ quốc
như là đang trò chuyện cùng tôi !

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bài học lịch sử

    04/08/2019Phạm QuỳnhLịch sử không chỉ có tác dụng giáo dục; nó còn khích lệ. Nó làm nguôi ngoai, đem lại sự bình tâm; nó xoa dịu những nôn nóng cũng như những âu lo và cung cấp chỗ dựa cho niềm tin và hy vọng. Giữa những ưu tư nặng nề trước các khó khăn hiện tại, nó đưa lại sự tĩnh tâm thư thái khi thanh thản chiêm ngưỡng quá khứ vì dường như ta được tham dự vào sự bất tận của thời gian và vĩnh hằng của muôn vật. Nó là một phương thuốc tuyệt vời chống lại sự nản lòng và bi quan.
  • Bản chất của chiến tranh và hòa bình

    02/05/2019Dr. Motimer J. AdlerGiống như hầu hết mọi người, tôi cũng hoang mang trước tình trạng căng thẳng và khủng hoảng quốc tế hiện nay. Chúng ta không có vẻ đang có chiến tranh mà chúng ta cũng không có vẻ gì là đang có hòa bình. “Chiến tranh” là gì? Đây đang là thời chiến tranh hay thời hòa bình? Liệu “bình an dưới thế” có là một khả năng hiện thực cho loài người?
  • Tất cả đã có trong lịch sử

    04/06/2016Vương Trí NhànVề tham nhũng, Đại việt sử ký toàn thư ghi, không phải đến thời vua Lê chúa Trịnh, mà ngay từ đời Lê Nhân Tôn ( sau Lê Thái Tổ và Lê Thái Tôn, trước Lê Thánh Tôn ), tức khi vương triều thịnh trị, đã có hiện tượng “ trên thì tể tướng, dưới thì trăm quan, hối lộ bừa bãi ”...
  • Bài học lịch sử

    16/11/2015Nhà văn Thiếu Sơn (1908-1978)Bỏ được chiếc ngai vàng là một bước tiến vĩ đại giúp cho nhà lãnh đạo phải thân dân, chịu sự kiểm soát của dân. Nhưng cũng do đó mà họ có sự hậu thuẫn thường xuyên của dân tộc. Thiếu sự hậu thuẫn đó hay làm mất sự hậu thuẫn đó, họ sẽ bị lạc lõng cô đơn. Nếu họ không bị nhân dân quật ngã thì họ cũng bị ngoại bang chi phối...
  • Lịch sử và chiến tranh

    30/04/2014Nguyễn Hiến Lê dịchChiến tranh là một trong những sự thực lịch sử thời nào cũng xảy ra, khi loài người bắt đầu văn minh nó đã không bớt, mà khi chế độ dân chủ xuất hiện, nó cũng không giảm. Trong 3421 năm gần đây chỉ có 268 năm là không có chiến tranh. Chúng ta đã chấp nhận rằng chiến tranh là hình thức phát triển nhất của sự ganh đua, sự đào thải tự nhiên...
  • Ký ức chính là một phần của lịch sử

    06/12/2010Nhà sử học Dương Trung QuốcNếu phải tìm một cái mốc thì có lẽ có một tác động nào đó từ cuốn tự truyện của nghệ sĩ Lê Vân. Cách suy nghĩ của một người đã đụng chạm đến quan điểm của nhiều nguời, nhất là về những vấn đề chung như đạo lý, lối sống...
  • Loài người - Chiến tranh & Nỗi niềm

    05/05/2010Nguyễn Tất ThịnhChúng ta từng học, từng biết qua lịch sử hay rất nhiều các cuốn tiểu thuyết về chiến tranh xưa nay…Vậy thực ra Tại sao Loài người lại có chiến tranh và luôn có nguy cơ xảy ra điều đó đến mức các chính khách – xưa Napoleon, nay như Putin, Hồ Cẩm Đào từng phát biểu…và cũng là học thuyết của rất nhiều nước…rằng : muốn Hòa Bình phải chuẩn bị kĩ cho chiến tranh.
  • Đấu pháp chiến lược kết thúc chiến tranh có một không hai

    30/04/2010Merle L. PribenowVào mùa xuân năm 1975, Quân đội nhân dân Việt Nam đối diện với vấn nạn thiếu đạn dược nghiêm trọng, trong khi Quân đội Việt Nam Cộng hòa của chính quyền Sài Gòn “không hề là hổ giấy”. Merle L. Pribbenow, cựu nhân viên CIA về Đông Dương, nhận định như vậy về tình hình hai bên trong một bài nghiên cứu chi tiết có tựa đề: “Tổng tiến công Mùa Xuân 1975: Đấu pháp chiến lược kết thúc chiến tranh có một không hai”.
  • Những bài học chiến tranh

    28/04/20108.000 tấn bom Mỹ ném xuống Miền Bắc Việt Nam, giết hại gần 1 triệu người, cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam thật thảm khốc và ác liệt, biết bao người con ra đi không trở về, biết bao ngôi làng bị tàn phá và biết bao trẻ em sinh ra bị dị tật… Tuy chiến tranh đã qua đi, và chúng ta cần từng bước khắc phục những hậu quả, hàn gắn những vết thương lòng và xây dựng Việt Nam anh dũng năm xưa thành Việt Nam phát triển trong tương lai.
  • Chiến tranh và phản chiến

    03/08/2009Tháng 4, tháng 5 - tháng của mùa hạ rực lửa - lửa thiên nhiên và với Việt nam là lửa của những trận chiến lớn: tháng 4-1968 chiến dịch Khe Sanh, 30-4-1975 Tổng tiến công đại thắng Sài Gòn (tp.HCM), 7-5-1954 chiến thắng Điện Biên Phủ, 9-5-1945 kết thúc những tháng năm ác liệt của Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhân dịp thời gian của những chiến dịch lớn này, chúngta.com muốn bàn về một đề tài của mọi con người, mọi dân tộc, là vấn đề sống còn của nhân loại. Thiết nghĩ đề tài này luôn nóng hổi tính thời sự với chúng ta, bởi vì: muốn sống hòa bình phải biết nhận diện và xa rời chiến tranh...
  • Ý nghĩa Lịch sử

    14/06/2009Một ít người hóm hỉnh từng nhận xét rằng tất cả những gì ta học được từ lịch sử là: ta không học được gì từ lịch sử cả. Chúng ta có thể rút ra được sự hiểu biết hoặc sự hướng dẫn nào từ việc nghiên cứu lịch sử...
  • Chiến tranh - Hệ quả & hệ lụy

    18/04/2009Nguyễn Tất ThịnhXã hội loài người liên miên trong thế kỉ nào cũng có ít nhất vài cuộc chiến tranh với bên trong hay bên ngoài, qui mô lớn hay nhỏ… như là một định mệnh của xã hội Loài người vậy!
  • Chỉ tại lịch sử

    11/11/2008Hà ThịHôm nọ lang thang trên mạng, em đọc được một bài viết có cái titre hào hùng thế này Lịch sử đã hình thành nên tính cách đàn ông Việt", vội vào đọc. Tưởng có nghiên cứu gì mới lạ độc đáo, không nhiều thì ít cũng tải cho mình được một góc nhỏ trong một lĩnh vực mênh mông đầy bí ẩn là tính đàn ông Việt...
  • xem toàn bộ