Đọc tiểu thuyết "Dòng đời"
"...tác giả đã tỏ ra rất chắc tay khi không e ngại đi sâu vào những khía cạnh tế nhị, chứa nhiều uẩn khúc tâm lý hoặc nhiều khác biệt chính kiến để đưa ra được một cách trung thực và thẳng thắn - dù vẫn không xa rời hình thức văn học của một cuốn tiểu thuyết - những vấn đề vừa cấp thiết, vừa nóng bỏng đặt ra cho sự phát triển của đất nước ta trong một thời kỳ dài từ quá khứ vừa đi qua cho đến hiện tại hôm nay."
Tôi đã được đọc Dòng Đời hai lần, một lần là bản thảo thứ 11 vào đầu năm 2005, và lần sau là bản thảo thứ 15 vào cuối năm 2005, đầu năm 2006 gần đây. Tuy đã đọc một lần (bản thảo thứ 11), nhưng cuốn tiểu thuyết vẫn đủ sức hấp dẫn tôi đọc lại một lần nữa trọn vẹn từ đầu đến cuối bản thảo thứ 15. Tôi không phải là một nhà phê bình văn học, nên không dám có ý kiến gì nhận xét về giá trị văn học của cuốn tiểu thuyết, chỉ biết rằng Dòng Đời, với 4 tập đầy đặn tổng cộng hơn 1000 trang sách khổ giấy A4, đã cho tôi ấn tượng về một bức tranh tổng thể với nhiều nét minh hoạ tinh tế và sâu sắc của toàn cảnh đất nước ta trong một quãng thời gian dài từ sau ngày thống nhất năm 1975 đến nay.
Chuyện xẩy ra khá là phổ biến trên đất nước ta thông qua một lớp rộng rãi các nhân vật thuộc nhiều tầng lớp, thành phần khác nhau, liên kết với nhau bằng nhiều mối quan hệ bà con, họ hàng, bạn bè, xã hội hết sức phong phú và đa dạng, phản ánh được khá đầy đủ bức tranh xã hội cực kỳ phức tạp của cả hai miền đất nước ta trong thời kỳ sau chiến tranh.
Với vốn hiểu biết sâu sắc về con người và xã hội, tác giả đã tỏ ra rất chắc tay khi không e ngại đi sâu vào những khía cạnh tế nhị, chứa nhiều uẩn khúc tâm lý hoặc nhiều khác biệt chính kiến để đưa ra được một cách trung thực và thẳng thắn - dù vẫn không xa rời hình thức văn học của một cuốn tiểu thuyết - những vấn đề vừa cấp thiết, vừa nóng bỏng đặt ra cho sự phát triển của đất nước ta trong một thời kỳ dài từ quá khứ vừa đi qua cho đến hiện tại hôm nay.
Nội dung của những vấn đề nói trên đã được tác giả thể hiện thông qua một loạt các cuộc đối thoại được chọn lựa và sắp xếp hết sức tự nhiên như cuộc sống vốn thế từ đầu đến cuối cuốn truyện. Và thú thật, đối với tôi phần hấp dẫn nhất của cuốn tiểu thuyết cũng chính ở loạt các cuộc đối thoại này, những cuộc đối thoại thẳng thắn, không né tránh, không úp mở, thậm chí không dấu giếm, không nương nhẹ những đối chọi gay gắt, những chính kiến khác biệt, v.v... Và, tham gia những cuộc đối thoại này, có khi là những người anh em ruột thịt đã từng bị các cuộc chiến tranh tách chia ở hai bên trận tuyến đối địch, tuy trong những năm tháng cuộc chiến tình huynh đệ đã giữ được cho họ ý nghĩ ‘không bao giờ có thể chĩa nòng súng vào đầu người em ruột của mình’ nhưng rồi ngày nay ‘đất nước đã chiến thắng cuộc chiến tranh này, nhưng anh chưa chiến thắng được em’, chiến tranh đã phân chia thắng bại rạch ròi, nhưng thắng bại trong những lựa chọn con đường đi cho đất nước thì không dễ áp đặt lên những đầu óc biết nghĩ suy; có khi là giữa những bậc cha chú đã dạn dầy trận mạc với chiến tích đầy mình với thế hệ con cháu chưa có công lao gì, bước vào đời gần như với bàn tay trắng, vốn liếng vỏn vẹn chỉ là chút sức trẻ, nhưng là sức trẻ của những ý chí và nghị lực; đối thoại có khi là giữa những con người của hai ý thức hệ đối địch nhau, hai ý thức hệ đã từng chia rẽ dân tộc ta suốt nhiều thập kỷ qua và chắc là còn tiếp tục sức mạnh chia rẽ của nó một thời gian khá dài nữa; nhưng đồng thời đối thoại cũng có lúc là giữa những bạn bè chiến hữu đã từng cùng chiến đấu cho một lý tưởng, một hệ ý thức, nhưng ngày nay sau khi chiến tranh đã đi qua, thực tế cuộc sống đã diễn ra không đúng như kịch bản mà các lý thuyết dựa vào các ý thức hệ từng vạch sẵn, tình hình trong nước và trên thế giới có nhiều biến động ngoài mọi dự kiến, bên cạnh những người vẫn ‘kiên định lập trường’ cũng càng ngày càng có nhiều người muốn ‘xé rào’ đi tìm một cách nhìn mới, một cách hiểu mới để lý giải cho những biến động mới của cuộc sống, và những cuộc đối thoại vừa rất chân tình vừa rất thẳng thắn giữa họ với nhau đã gây được trong lòng người đọc những cảm thông và kính trọng chân thành.
Tất cả những cuộc đối thoại đó tiếp nối nhau trong suốt chiều dài của cuốn tiểu thuyết đã cho ta hình ảnh sinh động ở tận bề sâu của cuộc sống đất nước nơi mà những tâm hồn biết yêu thương tha thiết và những trí tuệ không ngừng day dứt vì những lẽ hưng vong của cuộc đời tiếp tục không mỏi mệt những nghĩ suy, tìm kiếm, trăn trở, chất vấn nhau và tự chất vấn mình, để mà... Vâng, để mà... dường như trong cuốn tiểu thuyết chưa có cuộc đối thoại nào có kết cục dứt khoát, có thua được rõ ràng, cho nên dù mỗi cuộc đối thoại đó hẳn phải có một mục tiêu, một kết luận, nhưng chúng ta, những người đọc, xin hãy tạm bằng lòng với những nghĩ suy dang dở đã được trình bày, những biện luận còn đượm nhiều cảm tính đã được bộc lộ, và hãy cùng với các nhân vật tiếp tục những nghĩ suy, những biện luận đó cho đến khi tự mình phát hiện ra cái hướng mục tiêu cần được đi đến, cái kết luận cần được tìm ra.
Tôi chưa bao giờ biết viết tiểu thuyết, và vì thế cũng không biết có cuốn tiểu thuyết nào đã được viết ra bằng tận cùng tâm huyết đối với cuộc đời như cuốn Dòng Đời này chưa. Tôi chắc rằng Dòng Đời cũng sẽ được đông đảo bạn đọc đón nhận với một tâm huyết như tác giả đã dành nó cho cuộc đời và cho những người đọc chúng ta.
Đôi điều cảm nghĩ về “Dòng đời”
Trần Quang Cơ
Cách đây mấy năm tôi có đọc quyển tiểu thuyết “Hiến dâng” (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân) của Nguyên Nguyên. Khi đó tôi đã hiểu luồng suy nghĩ của anh và tôi cảm thấy tác giả như đang ấp ủ những suy tư thầm kín còn kìm nén lại, cần có không gian thông thoáng hơn nữa để bộc lộ.
Theo suy đoán của tôi khi ấy, ngay trong khi viết và cho trình làng cuốn “Hiến dâng”, Nguyên Nguyên đã thai nghén một “Dòng đời” với những ý tưởng mạnh mẽ hơn, táo bạo hơn, rộng rãi hơn. Một “Dòng đời” hiện thực mà anh có thể gửi gắm vào đó cả tâm huyết mình đối với đất nước và con người Việt Nam.
Quả như chờ đợi của tôi, để nói được hết hay ít ra cũng được một mảng lớn những suy tư của mình, trong bộ tiểu thuyết “Dòng đời” – nói cho đúng hơn là qua tập bản thảo mà tôi được đọc sau lần tu chỉnh thứ 7 hay thứ 8 gì đó – Nguyên Nguyên đã đề cập tới khung cảnh rộng lớn hơn và phức tạp hơn nhiều của xã hội chúng ta trong buổi giao thoa giữa thời chiến và thời bình, giữa lúc cuộc sống đang được nối tiếp lại giữa hai mảng đời tạm thời bị chia cắt bởi chiến tranh, chia cắt trong xã hội và trong biết bao nhiêu gia đình Việt Nam.
Dòng đời trong thời kỳ hậu chiến, trong khi xã hội tiếp tục phát triển đi lên, vẫn chứa chất biết bao nhiêu mâu thuẫn, xung đột giữa đen và trắng, xấu và tốt, tiêu cực và tích cực. Cuộc sống đan xen lẫn lộn giữa những lối sống, những nhân cách trái ngược. Xã hội ta vẫn tồn tại những gia đình, những con người đẹp về tinh thần, đẹp về nhân cách, đẹp cái truyền thống Việt Nam, song đây đó cũng nổi lên nhan nhản những Đoàn Danh Tiến, những chính Tạ, những Bạch Liên... làm vẩn đục dòng đời.
Dưới ngòi bút của Nguyên Nguyên, tôi cảm thấy những diễn biến, những nhân vật trong “Dòng đời” không phải là trong tiểu thuyết, mà là những câu chuyện, những nhân vật rất thời sự, rất đời thật. Chính vì vậy “Dòng đời” đã cuốn hút tôi đến dòng chữ cuối cùng.
Đọc xong “Dòng đời”, tôi nghĩ rằng Nguyên Nguyên muốn qua đó chuyển tải bức thông điệp của lòng mình: Làm sao giữ được lòng tin của tương lai... Đó cũng chính là mong ước của bản thân tôi.
Nội dung khác
Hồi ký Hồ Hữu Tường: Một góc lịch sử làng báo
21/03/2018Phạm Quang HuyBí mật và sức mạnh ẩn chứa trong 'Ngôn từ' của Sartre
09/02/2018Hòa BìnhViết Kinh Bắc, trường hợp Trần Thanh Cảnh
23/07/2016Hoài NamTiểu thuyết Cá Hồi - cảm quan phê phán con người từ góc nhìn sinh thái
15/06/2016Trần Xuân TiếnĐi tìm cái tôi đã mất
29/05/2006Nguyễn KhảiCòn không chữ “hiếu”, chữ “tình”
17/11/2006Trịnh Thanh SơnTừ nguồn cội văn chương
06/11/2006PGS, TS Trần Thị Trâm