Lê Vân chủ quan đến mức không còn tỉnh táo
"Nếu bảo không kể ra thì người ta không biết mình cô đơn, khổ sở, không biết mình phải chịu cay đắng, vậy chứ cay đắng là do ai? Có phải do mình sống cực đoan, không thèm giao lưu với người thân không?", NSƯT Thanh Tú phản ứng trước cuốn sách đang gây sốt "Lê Vân yêu và sống"...
“Anh Trần Tiến mà tôi biết thì khác hẳn”
Tôi quen biết cả gia đình anh Trần Tiến đã 43 năm nay. Chị Lê Mai với tôi gặp nhau thường xuyên, đi ăn uống, trò chuyện, “giao ban” đều đều như vẫn đùa.
Mấy tháng nay chị ấy đi Pháp và tôi cũng không gặp anh Tiến. Hôm qua đến nhà chơi thấy ông ấy mất hẳn vẻ hóm hỉnh thường ngày mà ưu tư, toát lên sự suy sụp. Anh Tiến ở một căn hộ trong khu biệt thự nhà Lê Vân. Căn hộ rất ngăn nắp, nhìn vào không ai nghĩ đó là của một người đàn ông sống độc thân.
Hai anh em ôn lại những ngày đầu tiên tôi mới vào nghề, anh Tiến chị Mai là người đi trước nên dìu dắt, tôi thường xuyên đến chơi nhà họ ở Phan Đình Phùng, bế ẵm các cháu.
Lê Khanh hồi đó ghẻ kềnh ghẻ càng, đẻ ra có một cân bảy, hay thích nằm trên bụng cô Tú như con nhái bén quắp lấy cây măng. Nó tè mà mình không dám cựa, để cho cô nàng thoải mái tè hết bãi.
Rồi có những khi đi công tác, điều kiện chật chội, tôi và hai vợ chồng cùng các cháu có lúc phải ngủ chung một giường, rơi vào tình huống mà diễn viên thường đùa là “hoàn cảnh quy định”. Nhắc lại những chuyện này anh Tiến lại trở nên hóm hỉnh... Tôi thân với gia đình họ đến như vậy.
Cho đến giờ tôi không thể quên được hình ảnh anh Tiến chở con đi học trường múa. Chở, đón các con đi học, đi chơi. Đến đâu cũng khoe con, kể chuyện con.
Chị Mai là người phụ nữ đảm, ngồi đâu đan đấy, gỡ áo lớn đan áo bé, gỡ cả cái chăn ra để đan áo cho các con. Sểnh ra lúc nào là đạp xe đi thăm con ở nơi sơ tán.
Nghệ sĩ không đưa lương về cho gia đình là bình thường, nhưng tôi biết có thời gian ở nơi sơ tán anh Tiến nuôi cả 3 con. Đấy thực sự là một gia đình hạnh phúc theo quan niệm của tôi và mọi người lúc đó.
Một dạo hai người cãi nhau, chị Mai bỏ nhà đến ở rạp Kim Môn, anh Tiến cứ đến gọi ời ời: “Mai ơi về đi”, tình cảnh đúng là “Em đứng trong cửa sắt anh đứng ngoài cửa sắt”. Hai người họ ghen nhau bao nhiêu thì yêu nhau bấy nhiêu.
Có lần nghe tôi khen Lê Khanh, anh Tiến đáp: “Bố nó thế nào nó mới được thế chứ. Khen bố nó đây này”. Câu ấy theo tôi là rất quan trọng. Chị Mai cũng nói, sự có mặt của Lê Khanh là “vết hàn quá đẹp” mối quan hệ của hai người.
“Ai cũng khổ nhưng sao người ta không cực đoan, bức xúc”
Nếu nói về thời chiến tranh và thời bao cấp thì ai chả khổ. Nhưng nghệ sĩ lại đỡ khổ hơn, và gia đình Trần Tiến lại càng không đến nỗi, bởi nghệ sĩ được hưởng đãi ngộ thanh sắc. Lương tôi 51 đồng, tiền thanh sắc được 63 đồng, còn anh Tiến là solist được 72 đồng, Lê Mai 48 đồng. Số tiền này không lĩnh mà quy thành hiện vật: đường, sữa, thịt, 18 kg gạo (mọi người trung bình chỉ được 13,5 kg/tháng). Riêng bán tiêu chuẩn đi thì cả nhà đã ăn nhòe rồi.
Lê Vân cũng được tiêu chuẩn đường sữa gạo thịt, trường múa hồi đó rất được ưu ái. Còn có người bảo đời sống khó khăn thế mà sáng nào anh Tiến cũng cà phê? Nghệ sĩ ai chả cà phê.
Các cụ có câu: “Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo, Áo rách phải giữ lấy lề”. Tôi không hiểu Lê Vân viết như vậy để làm gì, chỉ làm người khác khó sống, kể cả người ruột thịt và không phải ruột thịt.
Một người bạn cũng là nghệ sĩ nổi tiếng nói với tôi: “Con em mà viết về em như thế thì em tự tử ngay”.
Nếu bảo không kể ra thì người ta không biết mình cô đơn, khổ sở, không biết mình phải chịu cay đắng, vậy chứ cay đắng là do ai? Có phải do mình sống cực đoan, không thèm giao lưu với người thân không?
Từ chuyện vì sao hai ông bà không ai nhận nuôi Vân mà chỉ chia Khanh và Vy, nói như bà mẹ - chỉ cần hỏi bố mẹ một câu là ra ngay, sao không chịu hỏi để rồi ôm hận cho đến tận giờ? Tôi nghĩ Lê Vân đã quá bức xúc, chủ quan đến mức không còn tỉnh táo.
Với tư cách đồng nghiệp và người đi trước, tôi thừa nhận về nghề nghiệp thì mấy chị em Vân, Khanh, Vy đều rất nghiêm túc, yêu nghề, không hề rẻ tiền.
Nhưng thành tích điện ảnh của Lê Vân chưa đến mức ghê gớm để bây giờ lớn lối. Chị Dậu không như người ta hình dung về chị Dậu của Ngô Tất Tố. Vai trong Bao giờ cho đến tháng Mười, Đêm hội Long Trì là ăn theo phim.
Còn Trần Tiến là loại diễn viên mà vừa ra sân khấu, chưa làm gì thì người ta đã thấy có duyên rồi, nói một câu đã duyên rồi. Không cần diễn đã có sức hút.
“Không chỉ vì ông Phạm Kỳ Nam”
Trong cuốn tự truyện, Lê Vân nhắc đến ông chồng tôi, đạo diễn Phạm Kỳ Nam, rằng anh ấy mê Vân nhưng cô không thèm đáp lại mà chỉ lo chống đỡ.
Tôi không cần biết chuyện Lê Vân viết là thật hay không thật. Nhưng bây giờ anh ấy chết rồi còn lôi anh ấy ra làm gì. Nào là chết cô độc ở Đồn Đất, yêu cô ca sĩ này kia. Lại “nghe đồn”, chỉ nghe đồn thì viết làm gì? Nếu “nghe đồn” thì giữa ông Nam và Vân hơi bị "có chuyện" đấy ạ.
Bảo rằng viết tự truyện thì phải có chi tiết cụ thể, tên tuổi rõ ràng. Nhưng sao lôi tên ông chồng tôi ra mà lại giấu tên ông Văn Hà mối tình đầu? Ai chẳng biết Phạm Kỳ Nam là chồng tôi. May mà không đưa tên tôi vào. Có phải vì ông ấy chết rồi không cãi được nên mang ra kể không.
Đạo diễn Phạm Kỳ Nam chính là người phát hiện ra Lê Vân, đưa cô vào điện ảnh với phim Chom và Sa, sau này là Tự thú trước bình minh. Người đưa Lê Vân vào phim Chị Dậu là đạo diễn Phạm Văn Khoa, phim Bao giờ cho đến tháng Mười thì Đặng Nhật Minh... Nhưng tôi đọc sách chỉ thấy cô chê mà không hề khen ai, rợn cả người.
Một nghệ sĩ nhân dân như Trà Giang, đóng bao nhiêu vai chính trong đời, tham dự bao nhiêu liên hoan phim quốc tế nhưng đã bao giờ phát biểu một câu phũ như Lê Vân về điện ảnh Việt Nam chưa?
Riêng đối với anh Phạm Kỳ Nam, chị Trà Giang mãi mãi là tri âm tri kỷ của anh ấy, là người bạn của cả gia đình tôi. Không bao giờ tôi quên được những lời vĩnh biệt của Trà Giang khi anh Nam mất, chị ấy bay từ Sài Gòn ra, ôm lấy Quốc Trung con trai anh Nam mà động viên an ủi...
Lẽ ra tôi không lên tiếng mặc dù rất giận vì tên chồng tôi bị dính vào, các con anh ấy đọc được sẽ nghĩ gì. Nhưng rồi hôm qua đến thăm Trần Tiến, tôi thấy anh ấy không còn là mình nữa: “Tôi đau quá cô ạ”.
Tôi không muốn con gái tôi đọc loại sách này nhưng theo trào lưu chung nó vẫn đọc, xong rồi bảo: “Đọc đến đâu phẫn nộ đến đấy. Những cuốn sách thế này chỉ làm hỏng thế hệ 8X chúng con”.
Tôi nghĩ Lê Vân đã viết một cuốn sách chỉ để thỏa mãn bản thân và lòng hiếu kỳ của bạn đọc, còn hậu quả của nó, cô ấy không thể lường hết được.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu Đổng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngTri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?
26/07/2006Đỗ Kiên Cường