Phan Châu Trinh toàn tập

02:45 CH @ Thứ Tư - 05 Tháng Mười, 2005

Từ trước đến nay đã có nhiều công trình biên soạn, tuyển chọn Thơ văn của Phan Châu Trinh, được xuất bản thành những Tuyển tập, Chuyên khảo… Tuy nhiên theo ý kiến của đông đảo độc giả và các nhà nghiên cứu thì như vậy vẫn chưa đủ, cần phải có một Toàn tập để họ có điều kiện đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu toàn diện hơn về Phan Chu Trinh.

Phan Châu Trinh (1872-1926), nhà chí sĩ – nhà văn hóa lớn của nước ta, hoạt động tích cực trong phong trào Duy tân nhằm “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” đầu thế kỷ XX. Cả cuộc đời ông là một cuộc đấu tranh kiên cường, gian khổ cho sự nghiệp cứu nước. Bên cạnh những hoạt động đó, Phan Châu Trinh còn sáng tác nhiều thơ văn yêu nước và coi đó như là một mặt hoạt động không thể thiếu trong sự nghiệp cao cả “vì dân vì nước” của mình.

NXB Đà Nẵng đã công bố toàn bộ khối lượng “di cảo” đồ sộ của Phan Châu Trinh qua 3 tập sách Phan Châu Trinh toàn tập. Có thể nói đây là một công trình được sắp xếp, chỉnh lý, bổ sung một cách đầy đủ nhất về cụ Phan: một hồ sơ Di sản văn hóa vô giá của cụ Phan Châu Trinh, là một tác phẩm góp phần kỷ niệm 80 năm ngày mất của nhà chí sĩ Phan Châu Trinh (24/3/2006)

Phan Châu Trinh (1872-1926)

Ông là nhà cách mạng xã hội, có tư tưởng dân chủ đầu tiên, là nhà văn hóa, một nhân cách lớn.

Phan Châu Trinh là một tấm gương sáng trong phong trào Duy Tân đầu thế kỷ 20. Ông là một nhà nho yêu nước có nhiều suy nghĩ tiến bộ. Có thể xem ông là người có tư tưởng dân chủ sớm nhất trong số các nhà nho yêu nước tiến bộ đầu thế kỷ.

Đặc biệt hơn nữa, ông chọn con đường dấn thân tranh đấu nhưng ôn hòa, bất bạo động. Ông coi dân chủ cấp bách hơn độc lập và coi việc dùng luật pháp, cai trị quy củ có thể quét sạch hủ bại phong kiến.

Với tinh thần yêu nước nồng nàn, suốt đời gắn bó với vận mệnh đất nước, với cuộc sống sôi nổi, gian khó và thanh bạch, ông xứng đáng để hậu thế ngưỡng mộ, noi theo ngày hôm nay...

>>Xem trang Tác giả...

Tập 1 của bộ sách giới thiệu các tác phẩm văn vần bao gồm cả thơ, phú, câu đối. Phần này ngoài số lượng thơ chữ Hán được xem là các sáng tác hàn lâm của một nhà nho, các tập thơ quan trọng của Phan Châu Trinh đều được tập hợp ở đây như: Tây Hồ thi tập với 74 bài thơ thất ngôn với nhiều nội dung chủ đề: thơ thù tạc với bạn, làm khi cảm khái thế sự nhân tình, nói chuyện với ông nghè Trương Gia Mô, xướng họa với một số thi hữu.

Đặc biệt trong Tây Hồ thi tập có đến 20 bài liên hoàn họa vận 10 bài tự thuật của Tôn Thọ Tường (cụ Phan họa liên hoàn hai lần), đủ thấy sự bức xúc của Phan Châu Trinh trước thái độ theo Pháp của Tôn Thọ Tường lúc bấy giờ.

Tập thơ đồ sộ “Santé thi tập” với hơn 220 bài thơ ông viết trong thời gian mười tháng bị giam ở nhà ngục Santé của Pháp từ tháng 9-1914 đến tháng 7-1915, đủ thấy sức viết của ông cực kỳ sung mãn.

Điều đặc biệt của tập thơ Santé thi tập là cụ Phan đã dùng thơ thất ngôn bát cú Đường luật chú giải, vịnh những ca dao tục ngữ, thành ngữ của VN. Tư tưởng chính trị của cụ Phan cũng thể hiện qua những bài văn vần trường thiên như Tỉnh quốc hồn ca (I và II).

Đặc biệt, tác phẩm Giai nhân kỳ ngộ diễn ca (cụ Phan dịch từ tác phẩm Kajin no Kigu của Tokai Sanshi thời Minh Trị) cũng được in đầy đủ với phần dịch của cụ Phan 8 hồi, và của ông Trần Tiêu 7 hồi.

Tập II của bộ sách chủ yếu là các tác phẩm chính luận của cụ Phan. Đặc biệt có những chuyên khảo quan trọng như Đầu Pháp chính phủ thư (thư gửi toàn quyền Đông Dương), Đông Dương chính trị luận, Điều trần gửi hội nhân quyền, và Trung kỳ dân biến tụng oan thỉ mạt ký (đây là bài ký quan trọng kể lại đầu đuôi vụ dân biến ở Trung kỳ vào năm 1908), ngoài ra còn một số thư tín và bài báo.

Tập III giới thiệu các bức thư quan trọng của Phan Châu Trinh trong quãng đời họat động cách mạng. Lại có cả các mật báo của chỉ điểm Pháp, ghi lại những tư liệu quan trọng như: cuộc gặp gỡ giữa Phan Châu Trinh, Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh tại Marseille, thư gửi Phan Văn Trường (qua báo cáo của điệp viên Jolin), thư gửi Sarraut năm 1922. Ngòai ra, còn có tác phẩm Thư thất điều gửi đương kim hoàng đế An Nam và một số bài báo.

Bộ sách còn sưu tập các bài viết, các ý kiến của những nhà cách mạng, những nhà nghiên cứu trong và ngoài nước viết về Phan Châu Trinh, như một cách giới thiệu “những lời bình” về thơ văn và tư tưởng, sự nghiệp của Phan Châu Trinh. Cùng một số thủ bút chữ Hán của cụ Phan.

Đây là tập sách đầu tiên sưu khảo toàn bộ trước tác của Phan Châu Trinh, dựa vào nguồn di cảo của gia đình, các nguồn tư liệu từ rất nhiều người đi trước đã từng ngiên cứu về Phan Châu Trinh, là một công trình giá trị đánh dấu sự nỗ lực của người đời sau trong việc gìn giữ di sản văn hóa, tư tưởng, tài liệu của một nhà cách mạng tiền bối.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Dân trí và Dân khí

    03/10/2005GS. Trần Đình HượuHiện nay chứng ta thường nói đến việc nâng cao " dân trí", là một trong những giải pháp cơ bản đế giải quyết những tệ nạn trong xã hội , tình trạng nghèo nàn lạc hậu, khoảng cách ngày càng xa với các nước... Về mặt chiến lược lâu dài thì dân trí là một trong những khâu quan trọng nhất. Còn trước mắt biện pháp tình thế là gì? Dân trí hay dân khí?
  • Tính cập nhật kỳ lạ của một tư tưởng lớn

    19/07/2005Nguyên NgọcLà người đứng đầu phong trào Duy Tân, Phan Châu Trinh đã nêu ba nội dung cơ bản của phong trào duy tân: Dân trí, Dân khí, và Dân sinh. Ba nội dung đó gắn liền với nhau, nhưng như ta có thể thấy ngay trong cách sắp xếp vấn đề, chìa khoá là dân trí. Ông cho dân trí là quyết định hàng đầu...

Nội dung khác