Một năm hội nghị Diên Hồng Hungary
>> Tải file:(Download .PDF file, 1.13 Mbytes)
Dẫn nhập
Bạn đọc cầm trên tay cuốn thứ mười bốn* của tủ sách SOS2, cuốn “Một năm Hội nghị Diên Hồng Hungary”. Tiêu đề của cuốn sách có thể gây hiểu lầm. Hội nghị Diên Hồng là một sự kiện lịch sử Việt Nam diễn ra vào thời Trần với sự tham gia của hơn 200 nhân sĩ, sao lại có hội nghị Diên Hồng ở Hungary? Sao lại kéo dài cả một năm? Đúng là tên của cuốn sách không khéo, nhưng nó muốn gợi ý một quá trình tương tự đã xảy ra ở Hungary khoảng một năm trời từ giữa 1989 đến đầu 1990. Quá trình diễn biến hoà bình từ chế độ chuyên chế sang chế độ dân chủ. Quá trình này có sự tham gia của những người cầm quyền, của những người đối lập, của các đại diện của các tổ chức xã hội, cũng có nhiều nét giống hội nghị Diên Hồng (cũng do nhà cầm quyền khởi xướng với sự tham gia của tầng lớp ưu tú, bàn về vận nước). Tuy vậy điểm khác biệt là hội nghị Diên Hồng bàn về chống ngoại xâm, còn ở đây là bàn về chống nội xâm, bàn về phát triển đất nước. Đầu đề cuốn sách có thể gây tranh cãi song tôi thích đầu đề này.
Đây là một cuốn sách lạ, không có tác giả, hay khó biết đích xác ai là tác giả của các văn kiện này [tuy có thể biết rõ ai đã phát biểu]. Nó là một công trình tập thể. Thực ra, cuốn sách này không có tham vọng giới thiệu diễn biến năm 1989 ở Hungary. Nó làm một việc khiêm tốn hơn nhiều là giới thiệu tóm tắt các cuộc hội đàm, đàm phán Bàn tròn Dân tộc xảy ra trong khoảng 100 ngày từ 13-6-1989 đến 18-9-1989, mà kết quả của nó đã đưa Hungary từ một nền chuyên chính sang một nền dân chủ. Toàn bộ các văn kiện gắn với các cuộc đàm phán kéo dài hơn một năm (mà phần thực chất kéo dài khoảng 100 ngày) được tập hợp lại 10 năm sau khi nền dân chủ đã bén chắc rễ ở Hungary dưới dạng 8 cuốn sách (hơn 4000 trang với tiêu đề Các cuộc Đàm phán Bàn tròn, Kerekasztal Tárgyalások, do NXB Magvető xuất bản cuốn 1 đến cuốn 4 năm 1999, và NXB Új Mandátum xuất bản các cuốn 5 đến 8 vào năm 1999 và 2000). Chúng tôi dựa vào tài liệu đó, các tài liệu khác để viết ra phần dẫn nhập của cuốn sách này. Các phần sau được dịch từ nguyên bản tiếng Hungary.
Tôi nghĩ cuốn sách có thể bổ ích cho các nhà lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, cho những người bất đồng chính kiến, cho các tổ chức chính trị-xã hội ở Việt Nam. Tất nhiên nó cũng có thể lí thú với mọi người quan tâm đến lịch sử Hungary, đến kinh nghiệm Hungary, đến các vấn đề của Việt Nam. Diễn biến hoà bình là một từ rất đẹp, nhưng lại bị gán cho một ý nghĩa xấu xa, đáng lên án. Hãy trả lại cho từ đúng nghĩa của nó. Phải chăng những người ghét diễn biến hoà bình thích diễn biến bạo lực? Tôi nghĩ hơn 80 triệu nhân dân Việt Nam không ai muốn thấy bạo lực tái diễn trên đất nước đã có quá nhiều đau thương vì bạo lực này. Bạn đọc có thể suy ngẫm liệu có học được bài học gì từ kinh nghiệm Hungary hay không. Đó là đề tài của một tiểu luận khác mà tôi mong được sự góp ý của các quý vị.
Tôi chân thành cảm ơn anh Vũ Ngọc Cân đã tham gia giúp dịch một phần chương 7, cảm ơn anh Bohár đã gửi cho đĩa CD.
Cuốn sách chắc còn nhiều thiếu sót mong bạn đọc thông cảm, lượng thứ, và chỉ bảo; xin liên hệ theo địa chỉ Tạp chí Tin học và Đời sống, 54 Hoàng Ngọc Phách Hà Nội [25/B7 Nam Thành Công], hoặc qua điện thư [email protected] hay [email protected]
10-2005, Nguyễn Quang A
1. Vài nét lịch sử
Người Hungary có gốc Á châu và sau nhiều năm di cư đã đến định cư và lập quốc ở châu Âu tại địa điểm nước Hungary ngày nay vào năm 895. Và Hungary có lịch sử thành văn từ khi đó.
Các vua chúa phong kiến đã xây dựng một nước Hungary hùng mạnh. Cách mạng tư sản Hungary xảy ra ngày 13-3-1848.
Trong chế độ Quân chủ Áo-Hung (từ 1867) đã có hoà bình và thịnh vượng, đã có một hệ thống hiến pháp tự do, nhưng không có dân chủ. Từ 1914 nước Hungary đầu tiên bị cuốn vào chiến tranh thế giới lần thứ nhất, sau đó trong tình trạng hỗn độn sau chiến tranh Hungary đã trải qua các cuộc cách mạng ngắn mang tính dân chủ rồi phản dân chủ. Với hiệp định hoà bình Trianon tuy Hungary đã lấy lại được sự độc lập, nhưng bị mất hai phần ba lãnh thổ.
Thời kì Horthy (từ 1919) có thể đặc trưng bởi hỗn hợp các đặc tính theo nguyên lí uy quyền, nửa hiến pháp-nửa dân chủ, mang tính phục thù bao gồm nhiều giai đoạn chính trị khác nhau, nhưng không có giai đoạn nào là dân chủ cả. Tuy quyền bầu cử đã được mở rộng, đã hợp pháp hoá sự hoạt động của một đảng đối lập (Đảng Xã hội Dân chủ Hungary), bầu cử bằng phiếu kín đã được thực hiện ở các thành phố lớn, nhưng ở những nơi khác vẫn là hệ thống bầu để mở. Tuy có nhiều đảng, nhưng đảng nắm quyền đã luôn luôn thắng. Đã có tự do ngôn luận một thời gian dài, nhưng đến cuối thời kì này lại có kiểm duyệt. Từ 1938 với tư cách đồng minh của nước Đức nazi chế độ này ngày càng phân biệt đối xử với người gốc do thái.
Từ tháng 3-1944 cho đến tận 6-1991 các đội quân nước ngoài đã đóng tại Hungary, như thế chủ quyền quốc gia về cơ bản- về mặt quân sự và chính trị - bị hạn chế. Năm 1944 và đầu 1945 đất nước Hungary biến thành chiến trường chính phủ tay sai đã phục vụ các lợi ích nazi.
Với sự kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ hai từ 1945 ở Hungary đã bắt đầu một quá trình phát triển dân chủ đích thực nhưng đã bị sự soviet hoá của những năm 1947-48 phá hỏng. Đã có một hệ thống dựa trên bầu cử tự do, nhưng vẫn chỉ là hệ thống nửa dân chủ giữa các năm 1945-47, bởi vì chế độ do những người soviet kiểm soát đã không để cho phe đối lập tự do hoạt động, các đảng chủ yếu bị dồn vào một đại liên hiệp, đã tước đoạt quyền bầu cử của hàng trăm ngàn người, và đảng cộng sản chiếm các vị trí then chốt trong lĩnh vực kiểm soát các lực lượng vũ trang đã ngày càng hạn chế tầm hoạt động của những người dân chủ. Giữa các năm 1948 và 1963 có các đặc điểm của chế độ toàn trị chuyên chính vô sản -gắn với tên các tổng bí thư đảng cộng sản là Rákosi, Gerő, rồi Kádár – mà cuộc cách mạng 1956 chỉ có thể làm đứt đoạn trong thời gian 12 ngày. Từ 1963 đến 1989 là thời kì của chế độ chuyên chế hậu toàn trị mềm hơn, với đặc trưng là có sự cởi mở kinh tế tương đối và sẵn lòng cải cách, nhưng đảng cộng sản vẫn giữ độc quyền chính trị. Cuối cùng năm 1989 lực lượng lãnh đạo chế độ, đảng CNXHCN đã chấp nhận ý tưởng dân chủ đại diện, đã tiến hành đàm phán với phe đối lập, đã từ bỏ nhà nước-đảng và cùng phe đối lập thoả thuận về hiến pháp mới, về các luật cơ bản tạo điều kiện cho diễn biến hoà bình sang chế độ dân chủ.
Lịch sử Hungary thế kỉ hai mươi ít có thời kì dân chủ và hoà bình. Ý nghĩa lịch sử của diễn biến hoà bình năm 1989 là vô cùng trọng đại.
2. Hoạt động đối lập
Tài liệu này tóm tắt tiến trình dân chủ hoá xảy ra từ đầu năm 1989 đến đầu năm 1990 ở Hungary. Biến cố 1989 không chỉ có ý nghĩa với Hungary, mà có ý nghĩa quốc tế.
Ngược với tình hình Ba Lan, nơi nhà thờ có ảnh hưởng rất mạnh và luôn coi trọng lợi ích dân tộc và ủng hộ các phong trào yêu nước, nơi các lực lượng đối lập hoạt động mạnh mẽ, nhất là thời kì Công đoàn Đoàn kết huy động được lực lượng quần chúng công nhân, và là nhân tố quyết định dẫn đến thay đổi chính trị ở nước này. Hoạt động đối lập ở Hungary, có lẽ do bị đàn áp khốc liệt sau thất bại của cách mạng 1956, khá yếu ớt, chủ yếu xuất phát từ tầng lớp trí thức. Những nhân tố phản kháng luôn tồn tại nhưng ở quy mô nhỏ. Năm 1977 có 34 trí thức kí một thư phản đối việc đưa các nhà lãnh đạo của Charta 77 ở Tiệp Khắc ra toà, trong đó bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với các lãnh tụ của phong trào ở Praha. Năm 1981 xuất hiện một tạp chí tự xuất bản (samizdat) mà trong ban biên tập của nó có nhiều nhà lãnh đạo của Liên minh Những người Dân chủ Tự do sau này. Năm 1985 tại cuộc gặp gỡ ở Monor có 45 người tham gia đàm đạo về việc đánh giá lại sự kiện 1956, về tình hình đất nước và khủng hoảng hệ thống. Năm 1986 tổ chức thu thập được hơn 100 chữ kí phản đối việc cấm tạp chí văn học Tiszatáj, và những người này đã có vai trò chính trong cuộc “nổi loạn” ở đại hội Hội Nhà văn tháng 11-1986, khi họ dùng lá phiếu của mình loại tất cả những người “thân chính quyền” ra khỏi Ban chấp hành Hội. Ngày 27-10-1987 có 181 người đến dự hội thảo ở Lakitelek, trong đó có Pozsgay Imre uỷ viên trung ương đảng cộng sản tham dự và phát biểu. Hội thảo này được phép tổ chức với tên chính thức là “các cơ hội của dân tộc Hungary”. Đây là cuộc gặp gỡ quan trọng của các lực lượng đối lập vì khác với các cuộc gặp trước cuộc gặp này là một hội thảo hợp pháp (tuy xảy ra ở trang trại riêng của Lezsák Sándor và do ông đứng ra tổ chức). Đã có hơn ba mươi báo cáo về tình hình xã hội, kinh tế, chính trị của đất nước và những lo ngại về văn hoá và giáo dục. Những người tham dự gặp gỡ ở Lakitelek đã thúc đẩy thành lập Diễn đàn Dân chủ Hungary, sau một năm trở thành một phong trào. Cuối 1987 đầu 1988 tận dụng các khung khổ pháp lí chính thức Diễn đàn Dân chủ đã công khai hoạt động ở nhiều nơi. Cũng trong thời gian này ngày 30-3-1988 Liên minh Dân chủ Trẻ được thành lập. Ngày 13-11-1988 Liên minh Những người Dân chủ Tự do ra đời. Nhiều tổ chức nghiệp đoàn mới cũng ra đời và các đảng cũ như Đảng Tiểu chủ Độc lập, Đảng Nhân dân Dân chủ Thiên chúa giáo cũng khôi phục. Sự hình thành Bàn tròn Đối lập ban đầu là một sự tự vệ của phe đối lập (tự vệ với chiến thuật xé nhỏ trong đàm phán của đảng CNXHCN) và có tầm quan trọng về phối hợp chính trị của các phe phái đối lập. Sau cuộc biểu tình kỉ niệm cách mạng 15-3-1989 có tác động lớn, cảm nhận được sự ủng hộ của xã hội, theo đề xuất của Diễn đàn Luật gia Độc lập đã hình thành Bàn tròn Đối lập ngày 22-3-1989. Các tổ chức sáng lập ra Bàn tròn Đối lập gồm Hội Hữu nghị Bajcsy-Zsilinszky Endre; Liên minh Dân chủ Trẻ; Đảng Tiểu chủ Độc lập; Diễn đàn Dân chủ Hungary; Đảng Nhân dân Hungary; Đảng Xã hội Dân chủ nước Hungary; Liên minh Những người Dân chủ Tự do, cũng như Liên đoàn Dân chủ các Công đoàn Độc lập với tư cách quan sát viên. Tháng 6-1989 Đảng Nhân dân Dân chủ Thiên chúa giáo gia nhập vào tổ chức có tám thành viên này, và muộn hơn nhiều (tháng 1-1990) Đảng Xã hội Dân chủ Độc lập cũng gia nhập. Như thế từ tháng 6-1989 chín thành viên tạo thành Bàn tròn Đối lập đàm phán thực chất với đảng CNXHCN cầm quyền (8 chính thức 1 quan sát viên). Trước khi trình bày tóm tắt các cuộc họp của Bàn tròn Đối lập và các cuộc đàm phán ba bên có lẽ cũng nên nói tóm tắt về tình hình của đảng cầm quyền, đảng CNXHCN.
...
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu Đổng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh