Nghĩ về những thói hư tật xấu của người mình
Không biết có phải vì được chứng kiến những bước tiến mạnh mẽ của nước Trung Hoa trong cuộc cải cách mà dư luận hâm nóng một cuốn sách được xuất bản cách đây hai thập kỷ. Đó là cuốn “Người Trung Hoa xấu xí” của Bá Dương.
Dường như có sự liên tưởng cho rằng sự dũng cảm nhìn nhận ra những yếu kém sẽ mang lại sức vươn lên mạnh mẽ cho một dân tộc. Nhưng cũng chưa ai chứng minh được mối liên hệ giữa sách của Bá Dương và thực tiễn cải cách thành công của nước Trung hoa mới.
Người ta cũng từng nhắc đến Lỗ Tấn cách đây cả thế kỷ cũng đã từng quất ngọn roi phê phán vào lòng tự ái của người Trung Hoa để thức tỉnh một dân tộc còn đang ngái ngủ trước nguy cơ lạc hậu và mất nước...
Cũng không hẳn như anh Thúy Toàn cho rằng “Người Việt Nam bắt đầu dám nói”. Người Việt Nam thế hệ chúng ta thì có thể, chứ các bậc tiền bối thì không hẳn. Do vậy cái đáng tự vấn chính là thế hệ chúng ta chứ không phải là “Người Việt chúng ta".
Những công bố gần đây của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn lục tìm trong sách báo cũ cho thấy, người Việt Nam ta đâu phải không biết tự phán. Ngay trong thời cận đại cũng từng có hai nhà chính trị, cũng đáng là hai nhân vật lịch sử quan trọng đã tự tay viết sách tự phê bình đường lối chính trị của mình. Tác giả “Tự phán” là nhà ái quốc nổi tiếng Phan Bội Châu, còn “Tự chỉ trích” là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương Nguyễn Văn Cừ...
Nhưng tự phán và tự trào tính cách của dân tộc thì phải nói đến một nhân vật nổi danh trên trường văn học và báo chí là Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) ở đầu thế kỷ XX mà năm nay chúng ta sẽ kỷ niệm 70 năm ngày mất của ông.
Khi còn bỉnh bút cho tờ báo quốc ngữ ra đời sớm nhất ở Bắc Kỳ “Đăng cổ tùng báo” (1907) Nguyễn Văn Vĩnh dưới bút danh giả nữ là Đào Thị Loan, ông đã viết những bài phê phán mạnh mẽ những thói hư tật xấu như tục đốt vàng mã, thói hư danh, nạn cờ bạc...
Đến khi trở thành chủ bút tờ “Đông Dương Tạp chí” trong 2 năm 1913 và 1914, ông mở một chuyên mục mang tên là “Xét tật mình” lấy cảm hứng từ một câu của văn hào Pháp Emile Zola: “Nói hết, để biết hết, để chữa hết” (Tout dire pour tout connaitre, pour tout guérir) và giải thích thêm rằng: “Các nết xấu, các hủ tục của người Việt Nam ta, cần nói hết ra, đừng có giấu giếm, ai cũng biết thì mới sửa được. Luân lý là phải dạy người ta biết gốc rễ điều ác để tự nguyện tránh, mầm mống điều thiện để tự giác làm điều thiện”.
Bằng một ngòi bút trào lộng sắc cạnh, Nguyễn Văn Vĩnh đã bàn tiếp đến nhiều thói hư tật xấu thường thấy ở người nước ta như tính ỷ lại, tính ăn gian nói dối, thói ăn uống thành nợ miệng, tính bán tín bán nghi, thói đồng bóng, tính vay mượn kém sáng tạo, tính cơ hội đục nước béo cò, thói “gì cũng cười”, tệ cờ bạc v.v...
Cách viết tự trào và tự phán ấy sau này còn được tờ “Phong Hóa”, “Ngày Nay” tiếp tục bằng ngôn ngữ trào lộng đề cập tới những vấn đề của cuộc sống. Đó là thời điểm của những biến chuyển quan trọng trong đời sống xã hội diễn ra trong quá trình đô thị hóa và phong trào “vui vẻ trẻ trung”. Đối tượng chính là những thói tệ thường thấy trong cơn chuyển đổi từ “người nhà quê” lên lớp thị dân, sự xuất hiện tính cách trọc phú trong lớp người mới giàu có... Đó là thời kỳ xuất hiện những nhân vật như Xuân Tóc Đỏ, Nghị Hách trong văn học, những Xã Xệ, Lý Toét, Nang Bạnh trong biếm họa của báo chí v.v...
Lại còn phải nhắc đến các học giả khi bàn về phong hoá của đất nước cũng lưu tâm đến những mặt hạn chế, thói xấu của người Việt Nam như để góp phần giải thích cái thân phận thấp kém của một quốc gia vừa bị mất nước và bị lạc hậu. Những đánh giá của Phan Kế Bính, Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh... thật nghiêm khắc.
Các nhà hoạt động chính trị cũng không né tránh. Những bài viết của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn An Ninh, Lương Văn Can, Ngô Đức Kế...có tác dụng thức tỉnh hướng vào khát vọng phục hưng dân tộc. Ngay Nguyễn Ái Quốc từng nói thẳng với những đồng chí trẻ trong những lớp đào tạo cán bộ cách mạng ở Quảng Châu về những thói tệ như tính sĩ diện, giấu dốt , thích làm quan của người mình (qua báo “Thanh niên”) v.v...
Như vậy là việc dám nhìn vào gương để tự soi mình, vạch ra những thói hư tật xấu để phê phán và khắc phục đâu phải là chưa từng có ở ta. Tự phê phán đã từng được coi là một vũ khí để tu thân...
Công cuộc Đổi mới được khởi động bằng nguyên lý: “Hãy nhìn thẳng vào sự thật” hoàn toàn phù hợp với tinh thần tự phê phán, tự chỉ trích mà chuyên mục này của báo Tiền phong đang đề cập tới. Tuy nhiên, theo tôi, vấn đề là phải nhìn nhận những thói hư tật xấu một cách biện chứng trong tính cách của mỗi con người, cũng như mỗi dân tộc, tranh phiến diện và tuyệt đối hóa.
Tôi nhớ đến một cách quảng cáo của một bà chủ cửa hàng tiên phong trong việc mở mỹ viện tại Hà Nội: “Không có người đàn bà xấu, chỉ có người đàn bà chưa biết cách làm đẹp”. Một con người đã vậy, với một dân tộc có vậy không?
Tôi lại nhớ đến nỗi băn khoăn của cố Viện trưởng Viện Sử học Nguyễn Hồng Phong. Ông thăm nước Đức và nói lên nỗi bàng hoàng khi tham quan di tích một trại tập trung của Đức quốc xã. Điều làm ông bàng hoàng hơn cả không phải là sự chết chóc thảm khốc của những tù nhân Do Thái mà lại chính là vẻ mặt trí thức và khả ái của những viên trùm chỉ huy các trại tập trung ấy. Thật là nghịch lý, một dân tộc sản sinh ra những thiên tài của sự nhân ái như Goeth hay Beethoven lại có những người đồng bào khát máu như vậy?!
Cũng như khi nói về biểu tượng “con cá gỗ” gắn với một xứ sở nổi tiếng nghèo nhưng cũng nổi tiếng có học ở miền Trung nước ta. Cái biểu tượng ấy có thể gắn với tính bủn xỉn, keo kiệt ở người này nhưng lại là một phần của tính hiếu học, ý chí phấn đấu vượt khó ở người khác...
Vì vậy khi nói về một sự khác biệt trong tính cách của mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng ta có thể nói về một số tính trội hay những tiềm năng mang các khuynh hướng khác nhau chứ không nên hiểu như những hằng số phản ảnh một tính cách tuyệt đối, bất di bất dịch.
Trong sách du ký “Hành trình Xứ Đàng Trong năm 1621” của cố đạo Alexandre de Rhodes có thuật lại trải nghiệm của một thương nhân Bồ Đào Nha. Ông ta đến Đàng Trong (vùng Hội An) và được nhiều người nước ngoài khác cảnh báo về một thói xấu của người bản địa là hay xin xỏ. Rằng người Đàng Trong rất chuộng của lạ, thấy ai có cái gì cũng ngỏ lời “Xin một cái”, do vậy ai có gì thì chớ để lộ ra kẻo họ lại xin mất.
Sự việc diễn ra đúng như vậy. Nhưng một lần, ông thương gia này quyết định thử xem có đúng hoàn toàn như vậy không, bèn đến một gia đình thuyền chài nghèo và để tay lên cái rổ đầy cá rồi nói bằng tiếng bản địa “Xin một cái!”. Điều bất ngờ là người thuyền chài chẳng nói chẳng rằng đưa luôn cả cái rổ cá cho người ngỏ lời xin mặc dù có thể đó là cả bữa ăn của gia đình mình. Thế là ông thương gia người Bồ lại phát hiện một tính cách đối lập với những thiên kiến về người Đàng Trong...
Từ những câu chuyện ấy, suy cho rộng ra thì phải trở về cái nguyên lý “nhân chi sơ, tính bản thiện”. Những cái xấu, những cái đi ngược lại với thiện tính của con người không thuộc về tính cách của một dân tộc mà chủ yếu chỉ là biểu hiện của những con người trong những hoàn cảnh cụ thể đã để mất cái thiện căn của mình. Biết nhận thức cái xấu, biết tự phê phán là thái độ khôn ngoan không chỉ với một cá nhân, một cộng đồng mà có thể của cả một dân tộc. Và đó cũng là ý niệm cốt lõi của hai chữ “giáo dục” như bài thơ “Nửa đêm” (Dạ bán) của Cụ Hồ”:
“Ngủ thời ai cũng hiền lương
Tỉnh ra mới rạch hai phương dữ lành
Dữ lành bá tánh trời sanh
Thường do giáo dục mà thành thói quen”
(Bản dịch của Quách Tấn)
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngTri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?
26/07/2006Đỗ Kiên Cường