Hiện tượng “Thiên nga đen” và một thế giới đầy bất định

08:56 SA @ Chủ Nhật - 23 Tháng Năm, 2010

Tên sách: Thiên nga đen – Xác suất cực nhỏ, tác động cực lớn
Tác giả:
Nassim Taleb
Người dịch: Cam Thảo, Hoàng Trung
NXB: Tổng hợp TP.HCM
Số trang: 440, khổ 16 x 24
Giá bán: 98.000 VND
Bản quyền tiếng Việt thuộc Công ty cổ phần Tinh Văn

Thiên Nga Đen là cuốn sách bao quát nhiều chủ đề: từ hiện tượng kẻ-thắng-lấy-hết, tác động của sự tình cờ, sự bất lực của đường cong hình chuông Gauss đối với hầu hết mọi điều, các khái niệm về tính thang bậc, vô số những bất định xảy ra trên thế giới, đặc biệt là thế giới hiện đại nơi thông tin di chuyển với tốc độ chóng mặt, cho đến những ý tưởng sai lầm về khả năng dự đoán tương lai của con người. Và quan trọng hơn hết, tất cả những ý tưởng này đã được tác giả khéo léo xâu chuỗi thành một lý thuyết chung, giúp ta nhận ra được vốn kiến thức ít ỏi của mình và từ đó thay đổi cách nhìn về thế giới.

Nassim Taleb, tác giả cuốn sách, là một chuyên gia hàng đầu về chống khủng hoảng kinh tế hiện nay. Theo ông, “thiên nga đen” là một biến cố tưởng chừng như không thể xảy ra với ba đặc điểm chính: không thể dự đoán, có tác động nặng nề và sau khi nó xảy ra, người ta dựng lên một lời giải thích để khiến nó ít ngẫu nhiên hơn, dễ dự đoán hơn so với bản chất thật của nó. Thành công bất ngờ của Google có thể xem là một “thiên nga đen”; sự kiện 11 tháng 9 cũng vậy. Với Nassim Nicholas Taleb, “thiên nga đen” ẩn chứa hầu như mọi điều về thế giới này, từ sự trỗi dậy của tôn giáo đến những biến cố trong cuộc sống của chúng ta.

Đây là cuốn sách viết về tình trạng bất định, theo quan điểm của tác giả, sự kiện hiếm hoi cũng được xem là bất định. Chúng ta không biết nhưng lại hành động như thể mình có khả năng dự đoán được tất cả mọi điều. Hãy nghĩ tới vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001: rủi ro ấy đã không xảy ra nếu có thể được nhận thức một cách hợp lý vào ngày 10 tháng 9. Hay đợt sóng thần xảy ra hồi tháng 12 năm 2004 ở Thái Bình Dương. Nếu người ta dự đoán được nó thì hậu quả đã không nghiêm trọng đến thế, bởi dân cư hẳn đã được sơ tán khỏi khu vực chịu ảnh hưởng và một hệ thống cảnh báo sớm hẳn đã được lắp đặt. Thế nên, những gì được biết không thực sự gây tổn hại cho bạn.

Vì sao chúng ta không nhận thấy những hiện tượng “thiên nga đen” mãi đến sau khi chúng xảy ra? Theo Taleb, một phần vì con người chúng ta tự trói buộc mình vào những chi tiết trong khi lẽ ra nên tập trung vào cái tổng quát. Chúng ta chỉ chăm chăm nhìn vào những gì đã biết trong khi hết lần này đến lần khác bỏ qua những thứ mình chưa biết. Do đó, chúng ta không thể đánh giá được các cơ hội, không thể kháng lại xu hướng đơn giản hóa, và không đủ phóng khoáng để tưởng thưởng cho những ai có thể hình dung được “những cái không thể”.

Tuy nhiên, mức độ nghiệm trọng/bất ngờ của các hiện tượng thiên nga đen phụ thuộc vào người quan sát. Tác giả lấy ví dụ về con gà tây được cho ăn mỗi ngày. Mỗi ngày được cho ăn sẽ giúp con gà tin rằng quy luật của cuộc đời nó là được cho ăn mỗi ngày, nhưng rồi vào một ngày “đẹp trời”, có một điều bất ngờ xảy đến với nó. Trong trường hợp này, thiên nga đen là một hiện tượng bất ngờ đối với con gà tây nhưng lại chẳng có gì bất ngờ đối với người mổ thịt. Do đó, ý tưởng chính trong cuốn sách này không phải nỗ lực dự đoán các thiên nga đen, mà là tìm cách xác định những vùng rủi ro để biến các thiên nga đen thành thiên nga trắng.

Với giọng văn trịch thượng pha chút hài hước và các bằng chứng trải rộng qua nhiều nhánh tư duy của tác giả – một chuyên gia về định lượng của Phố Wall, cuốn Thiên nga đen sẽ giúp bạn có được hình dung đầy đủ về một đề tài tưởng chừng như rất khô khan này. Ban đầu, có thể bạn sẽ cảm thấy khó chịu vì hành văn “ngang phè” của tác giả, cũng có thể là bởi câu chuyện mà tác giả nói đến lại thuộc về một lĩnh vực khô khan và khó hiểu đối với nhiều người, tuy nhiên, kiểu trò chuyện nhẩn nha, uyên thâm mà tếu táo của tác giả sẽ khiến bạn nhanh chóng bị mê hoặc. Dù hơi rông dài nhưng lối kể chuyện nhẩn nha này sẽ cho bạn cảm giác đang được hầu chuyện một nhà hiền triết uyên bác nhưng khinh mạn cuộc đời và coi thường các “học giả” hợm hĩnh nhưng dốt nát – những kẻ mà ông gọi là “chuyên gia và những bộ complê rỗng tuyếch”: các kinh tế gia, chuyên gia dự đoán, những người giảng dạy về đường cong hình chuông, những người xem yếu tố thiên nga đen như một loại ngẫu nhiên có thể được nghiên cứu trong lý thuyết trò chơi và thống kê học...

Và bạn cứ muốn nấn ná để nghe ông kể hết câu chuyện của mình, từ những trải nghiệm về cuộc nội chiến Li-băng xảy ra vào thời niên thiếu, câu chuyện về sự kiện 11/9, sự phát triển đột biến của Internet, Google, vụ sụp đổ của Long-Term Capital Management, sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1987... Cho đến khi câu chuyện kết thúc, bạn vẫn còn cảm giác tiếc nuối và muốn xâu chuỗi các sự kiện đó lại để suy ngẫm. Đó chính là thành công của cuốn sách. Một đề tài khô khan, khó hiểu, nhưng qua cách kể chuyện tếu táo của tác giả, cuốn sách thực sự hấp dẫn bất kỳ ai muốn tìm hiểu về thế giới bất định này.

Kể từ khi xuất bản năm 2007, cuốn sách đã nhận được có rất nhiều ý kiến khen chê, nhưng quan điểm của tác giả đã được chính thời gian kiểm chứng. Đợt suy thoái kinh tế toàn cầu vừa qua, hay trận động đất xảy ra ở Haiti, Chile cũng như nhiều biến cố quan trọng khác là những ví dụ hoàn hảo minh họa cho lý thuyết thiên nga đen. Đến nay, cuốn Thiên Nga Đen đã bán được gần 1,5 triệu bản, được dịch ra 27 thứ tiếng và được The Times bình chọn là một trong 12 cuốn sách có ảnh hưởng nhất trong 60 năm qua.

Tinh tế, bao quát và đầy kinh ngạc, Thiên Nga Đen sẽ thay đổi cách nhìn của bạn về thế giới. Taleb thực sự là tác giả của thể loại sách khai trí với những câu chuyện dí dỏm, ngông cuồng và khác thường. Ông là người có kiến thức uyên thâm trong nhiều lĩnh vực, từ khoa học nhận thức, kinh doanh cho đến lý thuyết xác suất. Thiên Nga Đen là cuốn sách mang tính bước ngoặt – bản thân nó chính là một “thiên nga đen”.

Cuốn Thiên Nga Đen hiện đã có mặt tại các nhà sách trên toàn quốc, bản quyền tiếng Việt thuộc Công ty cổ phần Tinh Văn.


Mục lục

Phần mở đầu

Phần 1: Phản thư viện của Umberto Eco, hay cách chúng ta tìm kiếm sự phê chuẩn

  • Chương 1: Thời gian học việc của một người theo chủ nghĩa hoài nghi thực nghiệm
  • Chương 2: Yevgenia và Thiên Nga Đen
  • Chương 3: Kẻ đầu cơ và gái điếm
  • Chương 4: Nghìn lẻ một ngày, hay cách để không trở thành gã khờ
  • Chương 5: Chứng thực hay "trứng" thực
  • Chương 6: Liên tưởng ngụy biện
  • Chương 7: Sống trong căn phòng chờ hy vọng
  • Chương 8: May mắn luôn mỉm cười với Giacomo Casanova: Bài toán về bằng chứng thầm lặng
  • Chương 9: Ngụy biện khôi hài hay tính bất ổn của kẻ lập dị

Phần 2: Đơn giản chúng ta không thể dự đoán được

  • Chương 10: Sự tai tiếng của việc dự đoán
  • Chương 11: Cách tìm kiếm phân chim
  • Chương 12: Epistemocracy, một giấc mơ
  • Chương 13: Họa sĩ Apelles, hay bạn phải làm gì nếu không thể dự đoán được

Phần 3: Những thiên nga xám của Extremistan

  • Chương 14: Từ Medicoristan đến Extremistan và ngược lại
  • Chương 15: Đường cong hình chuông, trò gian lận trí tuệ vĩ đại
  • Chương 16: Mỹ học về tính ngẫu nhiên
  • Chương 17: Những gã mất trí của Locke hay đường cong hình chuông đã ở nhầm chỗ
  • Chương 18: Tính bất định của những thứ giả mạo

Phần 4: Kết thúc

  • Chương 19: 50/50 hay cách để cân bằng với Thiên Nga Đen

Phần Kết

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Con người biến đổi

    22/01/2010Dạ NgânBao giờ thì người Việt Nam được tự hào mình là con dân của đất nước hiền hòa, lành mạnh, văn minh và giàu có? Làm sao cho mỗi người nhận thấy và cùng hành động để thay đổi?
  • Siêu hình sự chết

    23/11/2009Arthur SchopenhauerChết chính là vị thần gợi hứng và vị thần hướng dẫn của triết học, và chính vì thế mà Socrate từng định nghĩa triết học là sự lo chết. Thiếu cái chết, thật khó mà triết lý. Vậy thiết tưởng ta nên viết nên một ý nghĩ đặc biệt về nó vào đầu cuốn sách cuối cùng, đứng đắn nhất và quan trong nhất của chúng ta.
  • Con người, kết quả của một tiến hóa

    18/08/2009Hoành SơnCon người không chỉ là động vật giữa muôn ngàn động vật khác. Bởi vì những động vật khác chỉ cần sống như con vật mà thôi, chứ con người thì còn phải sống sao cho ra người nữa. Mà để sống cho ra người thì phải có văn hóa. Để có văn hóa, nhờ đó sống cho ra người, người ta lại phải sống thành xã hội, bởi lẽ chỉ có văn hóa và phát triển văn hóa giữa lòng một xã hội. Vậy văn hóa là gì, xã hội là gì, và hai đằng liên quan với nhau ra sao? Để đi sâu vào những vấn đề ấy, không thể không chất vấn chính con người, con người trong bản chất của nó, cả về mặt cá nhân lẫn tập thể.
  • Đợt sóng Thứ ba

    25/02/2008GS. Nguyễn Hồng Phong (Viện sử học Việt Nam )Cuốn sách "Đợt sóng Thứ ba" (The Third Wave) do Viện Sử học Việt Nam tổ chức dịch và giới thiệu với bạn đọc là một cuốn sách có giá trị, rất nổi tiếng của nhà xã hội học và tương lai học Alvin Toffler. Để giúp bạn đọc rộng rãi thêm hứng thú để đọc tác phẩm, chúng tôi giới thiệu, nói đúng hơn là lược thuật tóm tắt những nội dung chính của tác phẩm...