Thói hư tật xấu của người Việt: Co mình trong hủ lậu, Văn nặng về đùa giỡn, Lười và hay nói hão
Co mình trong hủ lậu(Văn minh tân học sách, 1904)
Kìa những kẻ ham mê đàn sáo, đầu hồ(1), bài lá, cờ tướng, đố thơ, đánh chữ, số tướng, địa lý, phù thủy ngày ngày dốc cả trí khôn vào những thứ vô dụng, sống say chết mộng, chả kể làm gì. Những hạng cao hơn, đỗ đạt lên một tý được cái tiếng quèn đã vội khủng khỉnh ta đây kẻ cả, tự xưng là bậc giữ gìn thế đạo(2), ngày ngày khoe câu văn hay, khư khư ngồi giữ những thuyết hủ lậu, khinh bỉ hết thảy học mới văn minh. Hạng kém hơn nữa thi chỉ nghe có vấn đề thăng quan lên mấy bực cất nhắc mấy người, chứ không hề biết đến vấn đề nào khác. Có một ông nào đã nói với các bạn hậu tiến(3): "Các thầy muốn ra làm quan, thì phải cẩn thận, đừng đọc sách mới, xem báo mới”, nếu không biết đến sách báo mới thì thôi, chớ đã biết đến mà lại bưng bít che lấp đi khiến cho không nghe không thấy chuyện gì, để tự mình lại củng cố một căn tính nô lệ, nhân cách như thể thiệt nên lấy làm đau đớn!
(1)đầu hồ: một trò chơi của người xưa, ném một cái thẻ xuống một miệng trống rồi tính điểm, được "Đại Nam quốc âm tự vị” miêu tả là "một cuộc chơi lịch sự”.
(2)thế đạo: đạo lý ở đời.
(3) hậu tiến: đây chỉ có nghĩa lớp người thuộc thế hệ sau, chữ không phải người kém cỏi.
Văn chương nặng về chơi bời đùa giỡn(Phan Khôi, Khái luận về văn học chữ Hán ở nước ta, 1939)
Ở nước ta, kẻ học khi chưa đỗ thì chăm về văn khoa cử, khi đỗ rồi thì chăm về văn thù ứng(1). Có những người nổi tiếng mà nhan nhản những bài hết tự tặng người này lại dâng người khác, té ra trời phú cho ông ấy cái văn tài lỗi lạc là để đi thù phụng thiên hạ. Vậy nếu tôi nói một ngàn năm nay người An Nam làm văn chữ Hán chỉ chuyên có hai lối khoa cử và thù ứng và trong văn học chỉ sở trường một cách “jeu de mots"(2) mà thôi, thì cũng chẳng quá nào!
(1)thứ văn thơ làm khi giao tiếp khoản đãi nhau.
(2)chơi chữ.
Lười biếng và hay nói hão(Xuân Diệu, Sinh viên với quốc văn, 1945)
Tật đầu sổ là tật lười, tật làm biếng. Lười suy nghĩ thích nhàn nhã, thích ngồi không. Nếu máu chúng ta chạy mạnh thì tất chúng ta phải xung xăng làm cái nọ cái kia chớ vô vi thì chịu sao nổi. Vậy thì trong văn học thôi ta đừng dùng cái khẩu khí hát cô đầu nữa mà phải thế này: cúc cung tận tuỵ.
Thứ hai là tật "một tấc đến giời". Ngồi mà thanh tịnh vô vi thì dễ hiểu vũ trụ lắm: Ta cho vũ trụ là thế nào thì vũ trụ sẽ thế ấy chớ chi. Nhưng sự thật là ta phải đi nghiên cứu tìm tòi mới hiểu vũ trụ được. Một tật nữa là não(1) huyền hoặc, não chuộng thần quyền. Gần đây trong thơ văn có cái mốt nói chuyện Liêu Trai. Có những thi sĩ nhất định lấy hồ ly làm vợ và nếu buông cụ Bồ Tùng Linh ra thì họ không biết nói gì.
(1)não ở đây là một lối suy nghĩ, nay hay thay bằng "óc”
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn