Virginia Woolf: Nên đọc một cuốn sách như thế nào? (Phần 1)
Dương Thắng dịch từ bản tiếng Pháp. Virginia Woolf, « Comment devrait-on lire un livre? » ou le théoricien du commun. (Bản gốc tiếng Anh xuất bản lần đầu trên Yale Review, tháng 10 năm 1926. Tái bản có chỉnh sửa trong The Common Reader: Second Series, 1932). Bản dịch tiếng Pháp của GS François-Ronan Dubois (ĐH Tổng Hợp Stendhal — Grenoble 3).
Lời Giới Thiệu Của Người Dịch:
Ngày 28 tháng 3 năm 1941 sẽ ghi dấu như một trong những ngày buồn thảm nhất của văn chương thế giới. Virginia Woolf, sau khi nhét đầy những viên đá vào túi đã trẫm mình xuống dòng sông Ouse, gần nhà bà ở ngoại ô thành London. Bệnh suy nhược thần kinh đã hành hạ bà trong suốt cuộc đời, nhưng đến những ngày tháng sau cùng này đã trở nên không chịu đựng nổi với bà. Trong lá thư tuyệt mệnh mà Woolf để lại, bà đã hé lộ cho biết rằng bà không thể đọc và viết được nữa, đó là đòn chí mạng đối với người phụ nữ đã dành cả đời chỉ để đọc và viết, hai niềm đam mê lớn nhất trong đời.
Khi gia đình của bà, một gia đình theo truyền thống Victoria, ngần ngại trong việc gửi bà đến trường đại học, một việc mà theo họ là trái với chuẩn mực, Woolf tìm cách tự học trong thư viện của cha bà, nhà văn Leslie Stephen. Bà luôn hướng tới hình mẫu của những “con mọt sách”, những độc giả bình thường , “ lấy việc đọc sách làm niềm vui sướng cho cá nhân mình chứ không chỉ là một sự hấp thụ / truyền đạt kiến thức” , những cuốn sách mà bà viết ra cũng không hề có ý định răn dạy hay “làm thay đổi quan niệm” của ai đó.
Sách đã tạo ra nữ nhà văn Virginia Woolf. Đam mê sách, bà và chồng mình- Leonard Woolf đã tổ chức ra một nhà sách: Hogarth Press. Nó có quy mô nhỏ xíu đến nỗi hai vợ chồng chính là người điều hành xưởng in. Các cuốn sách chất đầy khắp nơi trong nhà và chúng thường là đối tượng cho những tiểu luận phê bình văn chương tuyệt mỹ của bà.
Hơn 80 năm đã trôi qua kể từ khi Woolf rời khỏi thế giới này, những tác phẩm của bà vẫn không ngừng cuốn hút các thế hệ độc giả. Hãy cùng lắng nghe những lời khuyên nhủ rất nhẹ nhàng của bà: “Đừng áp đặt điều gì với tác giả cuốn sách bạn đang đọc. Hãy cố gắng hòa nhập với anh ta. Hãy trở thành người đồng hành trong công việc và kẻ tòng phạm với anh ta. Nếu bạn còn giữ một khoảng cách, một thái độ dè dặt và một quan điểm phản biện, bạn đã tự tạo ra một rào cản ngăn mình tiếp cận với những giá trị đầy đủ nhất có thể trong những gì bạn đã đọc. Nhưng nếu bạn để tâm trí mình cởi mở nhất có thể, khi đó những dấu hiệu và những manh mối của một sự tinh tế thầm kín, rất khó nhận thấy sẽ cho phép bạn phát hiện ra, có thể ngay từ những dòng đầu tiên, sự hiện diện của một gương mặt độc đáo khác lạ và không giống với bất kỳ gương mặt nào khác”.
Trước hết tôi muốn lôi kéo sự chú ý của người đọc đến dấu chấm hỏi trong tiêu đề bài báo. Dẫu rằng tôi có thể tự trả lời cho câu hỏi này thì câu trả lời đó chỉ có giá trị đối với cá nhân tôi và sẽ không có chút giá trị nào đối với bạn. Thực vậy, lời khuyên duy nhất mà một người có thể trao cho một người khác liên quan đến việc đọc, đó là đừng nghe theo các lời khuyên, hãy làm theo bản năng của bạn, sử dụng lý trí của riêng bạn để đi đến những kết luận của riêng bạn. Nếu chúng ta nhất trí về điểm này, tôi sẽ cảm thấy tự do và thoải mái hơn để đưa ra một số ý kiến và đề xuất, bới vì khi đó bạn sẽ không cho phép các ý kiến này làm thui chột đi tính độc lập của bạn, một phẩm chất quan trọng nhất mà một người đọc sách cần phải có. Rốt cuộc, người ta có thể lập ra các luật lệ gì liên quan đến những cuốn sách. Không ai nghi ngờ rằng trận Waterloo đã từng xẩy ra vào một ngày nào đó, nhưng ai có thể đoan chắc rằng Hamlet là một vở kịch hay hơn Vua Lia? Không ai có thể khẳng định điều đó. Mỗi người phải tự mình đưa ra kết luận. Nếu mời những người có chức quyền đến thư viện và để họ giảng giải cho chúng ta nên đọc như thế nào, đọc cái gì, những thứ ta đọc sẽ có giá trị ra sao... thì đó sẽ là hành động tiêu hủy tinh thần tự do vốn là tâm hồn của những ngôi đền này, ngôi đền thiên của thế giới sách. Có thể ở tất cả những nơi khác, chúng ta phải tuân thủ luật pháp và tôn trọng các phong tục. Nhưng trong Cộng hòa sách này , chúng ta không có bất cứ rành buộc hay cấm kỵ nào.
Nhưng để được hưởng trọn vẹn sự tự do này (mong các bạn thứ lỗi nếu tôi làm các bạn phật ý) xin lưu ý rằng chúng ta cần phải tự kiểm soát bản thân. Chúng ta không được lãng phí các khả năng của mình, bằng sự vụng về và thiếu hiểu biết, làm úng ngập cho cả ngôi nhà khi chỉ cần tưới nước cho một khóm hồng duy nhất. Chúng ta phải thực hiện chúng ( việc tưới những khóm hồng-ND), một cách chính xác và không ngừng nghỉ, cho những đối tượng phù hợp nhất. Đó có thể là một trong những khó khăn đầu tiên mà chúng ta phải đối mặt trong một thư viện. Đâu là “ đối tượng phù hợp nhất”? Dường như ở đây không có gì khác ngoài một tập hợp lộn xộn và hỗn tạp các đối tượng. Các tập thơ và tiểu thuyết, biên niên sử và hồi ký, từ điển và những niên giám quốc hội, những cuốn sách được viết trong đủ loại ngôn ngữ, bởi những người đàn ông và đàn bà thuộc mọi chủng tộc, có đủ các loại tính cách và thuộc về các thời đại khác nhau. Những cuốn sách chen chúc nằm kề bên nhau trên những giá sách trong thư viện. Ở ngoài kia , những người phụ nữ đang buôn chuyện xung quanh giếng nước, những con ngựa non đang phi nước đại trên cánh đồng. Sẽ bắt đầu từ đâu? Làm thế nào để tổ chức lại sự lộn xộn đa dạng này để có thể thu nhận được khoái cảm sâu sắc nhất và rộng lớn nhất từ những gì chúng ta tìm đọc.
Sẽ là cách suy nghĩ “đơn giản hóa” mọi việc nếu bằng lòng với việc giải thích rằng vì có nhiều thể loại sách ( hư cấu, tiểu sử, thơ ca), chúng ta cần phải phân loại chúng và chọn lấy những gì phù hợp mà mỗi thể loại mang lại cho chúng ta. Tuy nhiên có rất ít người đòi hỏi ở sách những thứ mà sách có thể mang lại cho chúng ta. Đa số các trường hợp khi đến với sách, chúng ta ở trong một tâm thế lưỡng lự với những ý tưởng mù mờ : chúng ta yêu sách, đòi hỏi một tác phẩm hư cấu phải là thật , thơ phải giả, tiểu sử phải là tâng bốc còn các biên niên sử chỉ có giá trị nếu chúng củng cố những ý tưởng mà ta đã nạp vào đầu từ trước đó. Nếu chúng ta có thể xua đuổi những loại định kiến như vậy trước khi đọc sách thì đó sẽ là một khởi đầu tuyệt vời. Đừng áp đặt điều gì với tác giả cuốn sách bạn đang đọc. Hãy cố gắng hòa nhập với anh ta. Hãy trở thành người đồng hành trong công việc và kẻ tòng phạm của anh ta. Nếu bạn còn giữ một khoảng cách, một thái độ dè dặt và một quan điểm phản biện, bạn đã tự tạo ra một rào cản ngăn mình tiếp cận với những giá trị đầy đủ nhất có thể trong những gì bạn đã đọc. Nhưng nếu bạn để tâm trí mình cởi mở nhất, khi đó những dấu hiệu và những manh mối tinh tế và thầm kín, rất khó nhận thấy sẽ cho phép bạn phát hiện ra, có thể ngay từ những dòng đầu tiên, sự hiện diện của một gương mặt độc đáo khác lạ và không giống với bất kỳ gương mặt nào khác. Hãy lần theo những manh mối này , hãy trở nên thân thuộc với chúng, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra rằng tác giả đã đem đến cho bạn, hay chí ít là đã cố gắng đem đến cho bạn một điều gì đó rất quan trọng và lớn lao. Nếu chúng ta đọc ba mươi hai chương của một cuốn tiểu thuyết nào đó như là việc bắt đầu tạo dựng một phương pháp đọc tiểu thuyết, chúng ta sẽ nhận thấy đó là một nỗ lực để xây dựng và hoàn thiện một tòa nhà, nhưng từ ngữ thì mềm mại và vô hình hơn những vật thể hình khối hay những hình dạng xác định khác, vì thế đọc là một quá trình phức tạp và lâu dài hơn nhiều so với việc nhìn ngắm. Có lẽ cách nhanh nhất để hiểu được công việc của một tiểu thuyết gia không phải là đọc mà là viết, để tự trải nghiệm những hiểm nguy và những khó khăn trong việc sử dụng từ ngữ. Vì vậy hãy nhớ lại một vài sự kiện trong đời đã lưu lại trong bạn những ấn tượng đạm nét, không thể phai mờ: Ở một khúc cua trên đường phố, bạn đi ngang qua hai người đang trò truyện. Một cành cây rung rinh, ánh sáng ngọn đèn đường vàng vọt, hiu hắt, cuộc trò truyện vừa hài hước vừa bi thương, trong một khoảng khắc, bạn đã nhận ra một chiều kích sâu thẳm nào đó của thế giới mà bạn đang sống.
*
* *
Nhưng nếu bạn muốn tái tạo sự kiện này bằng các ngôn từ, bạn sẽ nhanh chóng nhận thấy nó sẽ vỡ tan thành hàng ngàn mảnh nhỏ gắn với những cảm xúc trái ngược nhau. Bạn phải điều tiết bằng cách bớt đi một số trong chúng và nhấn mạnh hay tô đậm thêm một số thứ khác. Nhưng làm như thế bạn sẽ có nguy cơ “ tụt” hết cảm xúc ở nơi bạn. Đến lúc này bạn hãy rời bỏ những trang bản thảo lộn xộn và bị gạch xóa lung tung mà bạn vừa thử nghiệm và quay trở lại với những trang đầu một cuốn tiểu thuyết nào đó của một trong những tiểu thuyết gia vĩ đại như: Defoe, Jane Austen, Hardy. Bây giờ bạn sẽ thấy rõ khả năng tự chủ của họ cao đến mức nào. Đấy không phải chỉ vì chúng ta nhập vai vào một con người khác ( Defoe, Jane Austen hay Thomas Hardy), không phải chỉ vì chúng ta sống trong một thế giới hoàn toàn khác. Ví dụ trong Robinson Crusoe, chúng ta đi trên một đại lộ thẳng tắp, các sự việc xảy ra tuần tự kế tiếp nhau. Nếu như bầu không khí ngoài trời và cuộc phiêu lưu là toàn bộ thế giới đối với Defoe thì nó lại chẳng có ý nghĩa gì trong trường hợp của Jane Austen. Thế giới của bà là những sa lon, những lời nói của các nhân vật , những cuộc đối thoại của họ giống như những tấm gương, phản chiếu tính cách của họ. Khi chúng ta đã trở nên quen thuộc với những phòng khách đó và những thông điệp ẩn dấu trong những câu chuyện phản chiếu ra từ những phòng khách đó, chúng ta lại quay sang phía Hardy và chúng ta lại rơi vào một sự ngỡ ngàng, mất phương hướng mới. Những cánh đồng hoang vu bao quanh, những ngôi sao cao vời vợi trên đầu chúng ta. Một khía cạnh khác, một gương mặt khác của tâm trí con người đã hiển lộ ra, gương mặt bấy lâu giấu kín, chìm khuất trong sự cô độc chứ không phải là cái gương mặt bấy lâu nay luôn lộ ra ánh sáng và đồng hành cùng chúng ta. Giờ đây chúng ta duy trì và nuôi dưỡng những mối quan hệ, nhưng không phải với con người mà là với Tự nhiên và với Số phận.
Những thế giới ( được tạo dựng trong các cuốn tiểu thuyết- ND) rất phong phú và đa dạng, nhưng chúng luôn có một sự nhất quán tự thân. Các tiểu thuyết gia, những người sáng tạo ra chúng đã chăm chú quan sát các quy luật trong những viễn cảnh của chúng, những thử thách, những cuộc phiêu lưu mà họ bắt chúng ta, những người đọc phải trải qua, sẽ không bao giờ ném chúng ta vào một sự hỗn độn hay mù mờ giống như những nhà văn kém cỏi và vụng về thường làm, đó là đưa vào hai loại hiện thực khác nhau trong cùng một cuốn sách. Vì thế khi chuyển từ một tiểu thuyết gia vĩ đại này sang một người khác, từ Jane Austen sang Hardy, từ Peacock [15] tới Trollope [16] , từ Scott tới Maredith [17], chúng ta sẽ bị ném từ sườn của đỉnh núi này sang vách đá của một ngọn núi khác, từ hoang mạc bị vứt vào giữa đại dương... Đọc một cuốn tiểu thuyết là cả một nghệ thuật phức tạp và khó khăn. Bạn phải có không chỉ một trí thông minh tuyệt vời mà còn phải có một trí tưởng tượng táo bạo nếu bạn muốn tận hưởng được hết những gì mà các tiểu thuyết gia, những nghệ sĩ vĩ đại này đã cung cấp cho bạn.
(Còn tiếp)
Chú thích:
[15] Thomas Love Peacock ( 1785-1866) Nhà văn trào phúng Anh
[16] AnthonyTrollope ( 1815-1882) tiểu thuyết gia vạm vỡ của văn học Anh, ngay từ khi còn sống đã gặt hái được những thành công vang dội. Tác phẩm của ông đụng chạm đến mọi vấn đề của xã hội đương thời.
[17] George Meredith (1828 — 1909), tiểu thuyết gia và nhà thơ Anh. Khi còn sống ông chỉ được chứng kiến những thành công rất khiêm tốn của mình . Nhưng tên tuổi của ông lại trường tồn mãi theo thời gian cùng với thành công của cuốn « Essais sur la comédie »
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchBài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])Tết tự quán chiếu
04/02/2023Cameron Shingleton. H.MINH (dịch)