Virginia Woolf: Nên đọc một cuốn sách như thế nào? (Phần 2)

07:10 CH @ Thứ Sáu - 16 Tháng Bảy, 2021

Dương Thắng dịch từ bản tiếng Pháp . Virginia Woolf, « Comment devrait-on lire un livre? » ou le théoricien du commun. ( Bản gốc tiếng Anh xuất bản lần đầu trên Yale Review, tháng 10 năm 1926. Tái bản có chỉnh sửa trong The Common Reader: Second Series, 1932).

Bản dịch tiếng Pháp của GS François-Ronan Dubois (ĐH Tổng Hợp Stendhal — Grenoble 3).

Đây là phần thứ 2 trong tiểu luận “ Nên đọc một cuốn sách như thế nào”  của Virginia Woolf . Phần này nói về những “ thú vui” khi đọc các loại sách hồi ký, tiểu sử hay sách về lịch sử. Phần 1 cũng đã được đưa lên ở đây, mời các bạn tìm đọc... ( DT)


[.......]
Nhưng một cái nhìn lướt qua những cuốn sách bày trên giá của thư viện, bạn sẽ nhận thấy hiếm hoi các trường hợp mà những tác giả là các nghệ sĩ lớn và những cuốn sách được viết ra đa phần đều không thuộc về thế giới của các tác phẩm nghệ thuật. Các cuốn tiểu sử và tự truyện này, cuộc đời của các vĩ nhân này, những con người đã chết và đã bị lãng quên từ lâu, chúng nằm chen chúc trên giá sách trong thư viện, xen giữa những cuốn tiểu thuyết và các tập thơ, liệu chúng ta có nên chối từ đọc chúng bởi vì chúng không phản chiếu những vấn đề nghệ thuật ? Hay chúng ta vẫn cần phải đọc chúng theo một cách thức khác, với một mục đích khác? Hay là ngược lại, chúng ta cần ưu tiên đọc chúng trước tiên để thỏa mãn cho sự tò mò thường chiếm lĩnh trọn vẹn tâm trí chúng ta, giống như khi vào các buổi tối chúng ta đi dạo ngang qua những ngôi nhà, tất cả những ngọn đèn đã được thắp sáng và vẫn còn che kín bởi những tấm rideau ở cửa sổ. Mỗi một tầng của ngôi nhà hé lộ cho chúng ta thấy một phần khác của cuộc sống con người đang trôi đi theo dòng chảy của nó. Cõi lòng chúng ta vật vã không yên trước những câu hỏi tò mò không ngừng quấy rầy trí não chúng ta: những câu chuyện đàm tiếu của các người hầu gái, bữa ăn tối của các quý ông, cô gái trẻ đang ướm lên người chiếc váy để đi đến vũ hội, bà già ngồi bên cửa sổ thuê thùa...Họ là ai, họ như thế nào, họ nghĩ gì, những cuộc phiêu lưu của họ ra sao?

Tiểu sử và hồi ký đem đến câu trả lời cho những câu hỏi dạng đó, thắp sáng vô số những ngôi nhà, chỉ cho chúng ta thấy mọi người xoay xở như thế nào trong cuộc sống hàng ngày của họ : bồn chồn, thất bại, thành công, yêu ghét... những câu chuyện chỉ dừng lại khi cái chết đến với họ. Và đôi khi những ngôi nhà những cảnh cỗng đột nhiên biến mất, chúng ta nhận thấy mình đang ở trong một khung cảnh hết sức xa lạ: Chúng ta đang săn bắn, chèo thuyền trên các con sông, chúng ta đang cầm vũ khí chiến đấu, chúng ta sống cùng với những bộ tộc man rợ hay hành quân trong đội ngũ của những quân đoàn La mã, tham gia vào những chiến dịch lớn. Còn nếu chúng ta vẫn muốn  lại nước Anh, ở lại London. Khi đó những đường phố đột nhiên nhỏ hẹp lại, cái căn nhà trở nên thấp bé, tồi tàn, chật chội và hôi hám với những bức tường được bồi bằng giấy. Chúng ta sẽ nhìn thấy Done [20], nhà thơ đang tìm cách đào thoát khỏi một ngôi nhà dạng này vì những bước tường quá mỏng, khi khóc lũ trẻ sẽ xé rách chúng ra. Chúng ta sẽ bám theo ông, đi theo những con đường len lõi qua những trang sách [21] đến tậnTwickenham[ 22], đến tận công viên Lady Bedford’s , địa danh nổi tiếng,  nơi gặp gỡ của các nhà quý tộc và các nhà thơ, rồi sau đó chúng ta quay bước trở về Wilton, ngôi nhà lớn nằm trên các ngọn đồi, lắng nghe Sidney [23] đọc “l’Arcadia” cho em gái mình nghe. Chúng ta đi ngang qua những con sông và nhìn thấy những con diệc xám đã từng có mặt trong những bản romance cổ nổi tiếng. Chúng ta sẽ đi cùng Anne Clifford [24], quý cô vùng Pembroke ngược lên phía bắc đến đến với những cánh đồng hoang của cô . Hoặc chúng ta đi sâu vào trung tâm thành phố , ngưỡng mộ ngắm nhìn Gabriel Harvey [25] trong bộ đồ đen thanh lịch, tranh luận với Spenser[26] về thi ca. Không gì hấp dẫn hơn việc mò mẫm và liên tục bị vấp ngã trong cái bóng tối âm u vào ban đêm , cái bóng tối đã che khuất đi vẻ tráng lệ của thành Lon don thời kỳ Elizabeth.  Nhưng chúng ta không thể nán lại ở đây lâu. Temple[27],Swift[28],Harley[29],St John[30] đang vẫy gọi chúng ta. Chúng ta có thể dành ra hàng giờ để theo dõi cuộc tranh luận của họ và qua đó giải mã những tính cách của họ. Khi bắt đầu thấy mệt mỏi, chúng ta có thể tiếp tục lên đường, lướt ngang bên cạnh một mệnh phụ mặc đồ đen đeo những viên kim cương lấp lánh để tới gặp Samuel Johnson[31],Goldsmith[32] và Garrick[33], hoặc nếu muốn, chúng ta sẽ vượt qua biển Manche để tới gặp Voltaire, Diderot, Madame Deffand rồi sau đó quay về Anh quốc và đến Twickenham nơi Lady Bedford từng sở hữu một công viên mang tên bà, nơi mà sau này Pope[34] đã chọn làm nơi cư trú. Chúng ta có thể đến tận ngôi nhà của Walpole[35] ở Strawberry Hill[36], ở đây Walpole sẽ kết nối cho chúng ta hàng loạt những mối quan hệ khác, sẽ có rất nhiều ngôi nhà và nhiều cái chuông để ấn nút, cũng có vài nơi mà chúng ta sẽ lưỡng lự trong giây lát, chẳng hạn như trước hiên nhà của cô Berry[37] và kia là Thackeray[38], bạn của người phụ nữ mà Walpole say đắm. Bằng cách đi đến gặp từng người bạn, đi từ khu vườn này sang khu vườn khác, từ ngôi nhà này sang ngôi nhà khác, chúng ta đã đi từ đầu này sang đến đầu bên kia của nền văn học Anh. Và nếu bây giờ chúng ta tỉnh thức và trở về với hiện tại sau khi đã kết thúc cuộc du ngoạn trong quá khứ được kể ở đoạn trên, chúng ta sẽ nhận thấy những khác biệt lớn lao giữa thời kỳ chúng ta đang sống và những thời kỳ đã diễn ra trong quá khứ. Vì thế, đây là một trong những cách mà chúng ta có thể “ đọc” những cuộc đời này và những lá thư trao đổi giữa những con người này, chúng ta có thể thắp sáng những ngòn đèn đằng sau những ô cửa sổ trong quá khứ. Chúng ta có thể quan sát kỹ những người nổi tiếng, dẫu rằng họ đã chết từ rất lâu rồi. Bằng cách đọc những tiểu sử, hồi ký tự truyện hay những lá thư trao đổi, chúng ta sẽ nhận ra những thói quan thân thiết của họ, thậm chí đôi khi chúng ta cảm thấy mình ở gần họ đến mức có thể phát hiện ra những bí mật mà khi còn sống họ vẫn muốn giấu kín. Một lúc nào đấy chúng ta có thể lấy ra một vở kịch hay một bài thơ để kiểm tra xem có những thay đổi gì khi mà chúng ta đã cảm nhận được sự hiện diện của tác giả ở bên cạnh. Nhưng việc này lại đặt ra những câu hỏi mới. Chúng ta cần phải đặt ra câu hỏi rằng những cuốn sách này đã ảnh hưởng lên cuộc sống của tác giả của nó đến mức độ nào? Độ tin cậy của nó đến đâu khi chúng ta tìm cách giải mã các nhà văn này. Ở những điểm nào chúng ta cần phải kháng cự lại hoặc hòa theo những mỗi thiện cảm hay ác cảm đã gợi ra trong trí não chúng ta thông quan những ngôn từ nhạy cảm và động chạm liên quan đến nhân cách của tác giả. Những câu hỏi dồn dập , chen chúc nhau trong suy nghĩ của chúng ta khi đọc về tiểu sử, đọc những trao đổi thư từ. Những câu hỏi này chúng ta phải tự tìm kiếm câu trả lời bởi không có gì nguy hiểm hơn là việc bị dẫn dắt bởi những những gợi ý hay định kiến của người khác trong một vấn đề rất cá nhân như thế.  

Nữ nhà văn Anh Virginia Woolf (1882-1941)

Nhưng chúng ta cũng có thể đọc những cuốn sách này với một mục đích khác. Không phải để làm sáng tỏ những vấn đề văn chương, cũng không phải để trở nên gần gũi hay thân thuộc với những con người nổi tiếng, mà là để được tiếp thêm sinh lực và nâng cao năng lực sáng tạo của bản thân. Thư viện nào mà chẳng có những cánh cửa sổ nhìn ra một khu vườn tuyệt đẹp. Vui sướng biết bao cái khoảng khắc ngừng đọc và nhìn ra bên ngoài cửa sổ. Khung cảnh bên ngoài của cuộc sống đời thường, trong sự đơn giản của nó, trong sự vận động không ngừng nghỉ của nó thật sự truyền cảm hứng cho chúng ta. Những con ngựa phi nước đại trên các cánh đồng, người phụ nữ đổ đầy nước vào chiếc xô của mình, con la ngửa cổ ra phía sau và hí một tiếng dài và rền rĩ...Phần tuyệt vời nhất khi đọc sách trong thư viện chính là những ký ức về một khoảng khắc thoáng qua với hình bóng thấp thoáng của những người đàn ông, phụ nữ và những con la. Tất cả thể loại văn chương, với tuổi đời già nua của nó, đều sẽ tạo ra một phòng lưu trữ của nó, một bộ sưu tập những khoảnh khắc đã biến mất và những mảnh đời bị quên lãng, được kể bằng một giọng nói yếu ớt và tàn lụi dần. Nhưng nếu bạn đắm chìm vào những câu chuyện vụn vặt tưởng chừng rất phù phiếm này , bạn sẽ cảm thấy ngạc nhiên sững sờ, bởi bạn sẽ ngập chìm trong đống kỷ vật  thuộc về cuộc đời một con người mà giờ đây đã trở thành cát bụi. Có thể chỉ là một dòng chữ, nhưng là một dòng chữ gợi mở cả một viễn cảnh bao la, cấp cho bạn những góc nhìn rất độc đáo. Đôi khi toàn bộ câu chuyện được khớp nối bằng một trí tuệ sắc sảo, dạt dào cảm xúc với một sự hoàn hảo tuyệt đối khiến chúng ta lầm tưởng rằng đây là một tác phẩm của một tiểu thuyết gia vĩ đại. Nhưng không, đó chỉ là một diễn viên già Tate Wilkinson[40], người đã hồi tưởng lại câu chuyện kỳ lạ của Thuyền trưởng Jones[41], đó chỉ là một thuộc cấp trẻ tuổi đang phục vụ Arthur Wellesley[42], đem lòng yêu một cô gái trẻ ở Lisbonne, đó chỉ là Maria Allen[43] người đã đánh rơi cuốn sách trong phòng khách vắng vẻ và đã ước gì mình nghe theo lời khuyên của tiến sĩ Burney[45] không bao giờ bỏ trốn cùng người yêu dấu Rishy[46]. Tất cả những câu chuyện thú vị này đều là những thứ nhỏ nhặt, phù phiếm,  những chi tiết đáng bị vứt bỏ trong những con mắt nhìn nghiêm khắc và chặt chẽ.

Nữ nhà văn Anh Virginia Woolf (1882-1941)

(Còn nữa)  

Chú Thích:

[20] John Donne (1572 - 1631), nhà thơ cực kỳ nổi tiếng người Anh, thuộc nhóm nhà thơ siêu hình học, được biết đến nhiều nhất về các bài sonnet về thần học và tình yêu. 
[21] Tác phẩm của Donne, là một sự hòa trộn không phân biệt rạch ròi giữa chất lãng mạn của tiểu thuyết và sự lãng mạn của những dòng hồi ức
[22] Một quận  của Luân Đôn
[23] Philip Sidney (1554 - 1586), nhà thơ người Anh và cận thần lỗi lạc của triều đình, người có ảnh hưởng lớn trong việc hình thành thể loại sonnet thời Elizabeth
[24] Anne Clifford (1590 - 1676)  phối ngẫu trong cuộc hôn nhân thứ hai của Philip Herbert, Bá tước thứ tư của Pembroke. Bà là người bảo trợ cho nghệ thuật và văn chương, di sản để lại của bà gồm những tập nhật ký và thư từ.
[25] Gabriel Harvey (1545 - 1630), học giả và nhà thơ người Anh, người quảng bá thể thơ 6 câu ở Anh và là người sáng lập Areopagus.
[26] Edmund Spenser (1552 - 1599), nhà thơ quan trọng của Anh, tác giả của sử thi The Faerie Queen và là người phát minh ra thể thơ mang tên ông (tám khổ ngũ ngôn và một khổ lục ngôn)
[27] William Temple (1628 - 1699), chính khách người Anh và là tác giả nhiều tiểu luận có tiếng .
[28] Jonathan Swift (1667 - 1745), tác giả của cuốn truyện nổi tiếng “ Gulliver phiêu lưu ký”  và là thư ký William Temple.
[29] Robert Harley (1626 - 1724), thành viên Nghị Viện Anh.
[30] Henry St John (1678 - 1751), nhà chính trị và triết học quan trọng của nước Anh, người bảo trợ  Swift và Pope.
[31] Samuel Johnson (1709 - 1784), nhà văn, nhà thơ, nhà đạo đức học, nhà phê bình văn học, nhà tiểu luận và nhà từ điển học lớn người Anh. Ông nổi tiếng bởi nỗ lực bênh vực việc đưa vào ngôn ngữ hiện đại trong thơ ca, chống lại sự cổ điển, ông cũng nổi tiếng bởi công trình nghiên cứu về lịch sử nước Anh và những đóng góp trong việc lý thuyết hóa văn học hiện đại
[32] Oliver Goldsmith (1731 - 1774), triết gia, bác sĩ, nhà thơ, nhà viết kịch và tiểu thuyết gia người Ireland.
[33] David Garrick (1717 - 1779), nhà viết kịch, giám đốc nhà hát, một diễn viên vĩ đại của Anh, người bảo trợ của Samuel Johnson . Ông nổi tiếng vì đã có công  dựng lại những tác phẩm kinh điển, đặc biệt là Shakespeare.
[34] Alexander Pope (1688 - 1744), người Anh, nhà thơ châm biếm, dịch giả của Homer và nhà xuất bản các tác phẩm của Shakespeare.
[35] Horace Walpole (1717 - 1797), người Anh, thành viên Nghị viện, nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, nhà phê bình văn học và tiểu thuyết gia.
[36] Một phần của quận Twickenham được Horace Walpole mua vào năm 1749 để làm nơi ở chính của mình.
[37] Mary Berry (1763 - 1852), nữ tác gia người Anh, bạn của Walpole, người đã xuất bản các tác phẩm hoàn chỉnh của bà.
[38] William Thackeray (1811 - 1863), tiểu thuyết gia trào phúng người Anh, người có những thành công vang dội trong triều đại Victoria.
[40] Tate Wilkinson (1739 - 1803), nam diễn viên người Anh, nổi tiếng với những màn bắt chước và giễu nhại, khiến sự thù địch nhắm vào ông cũng nhiều không kém những sự ngưỡng mộ mà ông thu hút được . 
[41] Những trích đoạn hồi ký của Wilkinson, trong đó tác giả kể câu chuyện về Thuyền trưởng Jones, trong hoàn cảnh nghèo khó, được thừa hưởng một gia tài lớn từ một cuộc gặp gỡ tình cờ.
[42] Arthur Wellesley (1769 - 1852), Công tước đầu tiên của Wellington, chiến binh vĩ đại, người hai lần làm thủ tướng , dưới thời William IV và George IV.
[43] Con gái của Elizabeth Allen, vợ thứ hai của Charles Burney (xem bên dưới).
[44] Charles Burney (1726 - 1814), nhà soạn nhạc và sử gia về âm nhạc nước Anh.
[45] Maria Allen đã bí mật kết hôn với Martin Rishton vào năm 1772.
[46] Henry Bunbury (1778 - 1860), sĩ quan quân đội, nhà sử học người Anh.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Virginia Woolf: Nên đọc một cuốn sách như thế nào? (Phần 1)

    14/07/2021Dương Thắng dịchHãy cùng lắng nghe những lời khuyên nhủ rất nhẹ nhàng của bà: “Đừng áp đặt điều gì với tác giả cuốn sách bạn đang đọc. Hãy cố gắng hòa nhập với anh ta. Hãy trở thành người đồng hành trong công việc và kẻ tòng phạm với anh ta...
  • Virginia Woolf: Chiến binh bất hạnh của phong trào nữ quyền

    09/03/2020Thụy OanhBằng ngôn từ nhạy bén và sắc sảo, nữ nhà văn Anh đã dành hơn nửa cuộc đời đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ. Với bà, năng lực của người phụ nữ phải được ghi nhận đúng đắn...
  • Căn phòng riêng

    19/10/2009Trần Ngọc HiếuCăn phòng riêng - cuốn tiểu luận của Virginia Woolf, xuất bản lần đầu tiên vào năm 1929 - đã được khai triển từ luận điểm trên: Một luận điểm mang màu sắc duy vật và đầy khiêu khích. Thẳng thắn, sắc sảo, với một chất hài hước kín đáo, đó là giọng điệu chủ đạo của Căn phòng riêng.
  • Phê bình văn học nữ quyền

    04/03/2009Lý LanTrong nửa thế kỷ qua, các học viện trên khắp thế giới, nhất là ở Âu Mỹ, đã chứng kiến những chuyển biến quan trọng liên quan đến giới tính. Chẳng những số lượng nữ giáo sư và nữ sinh viên tăng nhanh trong các học viện, mà học thuyết nữ quyền còn ảnh hưởng đến nhiều bộ môn học thuật khác, từ triết học, lịch sử, đến ngôn ngữ học, xã hội học, nhân chủng học, truyền thông đại chúng, kinh tế, luật…
  • Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu

    30/11/2005Nguyễn Thanh SơnSo sánh Đỗ Hoàng Diệu với Vệ Tuệ không chỉ là một sự khập khiễng - nó là cả một sự lố bịch. Chỉ có những ai chưa đọc Vệ Tuệ hay Đỗ Hoàng Diệu, hoặc chưa đọc cả hai, mới có thể đưa ra những nhận định như vậy. Hai nhà văn nữ này đi trên những con đường hoàn toàn khác nhau, cảm nhận thế giới bằng những giác quan khác nhau, dựa trên những phông văn hoá khác nhau, và sáng tạo ra những tác phẩm có những giá trị hoàn toàn khác nhau...