Hãy cho, nhận và đọc sách

TS. Viện Nghiên cứu PT KTXH Đà Nẵng
11:28 SA @ Thứ Ba - 13 Tháng Sáu, 2017

Bảng xếp hạng 61 nước đọc sách nhiều nhất thế giới, dựa trên kết quả nghiên cứu của Central Connecticut State University (CCSU), một trường đại học ở Mỹ, công bố vào tháng 10/2016 cho thấy Việt Nam không nằm trong top 61 này. Trong khi đó, khu vực Đông Nam Á có 3 đại diện lọt vào bảng xếp hạng này: Singapore (hạng 36), Malaysia (hạng 53) và Indonesia (hạng 60)...


Em bé say sưa đọc sách "ké" trong Hội chợ sách ở Tp Cần Thơ (tháng 3/2015). Ảnh: Triệu Vinh

.

Việc người Việt Nam ít ham đọc sách đã được đề cập khá nhiều trên báo chí, mạng xã hội và các diễn đàn liên quan trong những năm qua. Tôi cũng ghi nhận việc này từ quan sát trực tiếp: trong các phòng chờ ở bến xe, nhà ga, sân bay; trên các chuyến tàu, chuyến xe, chuyến bay ở trong và ngoài Việt Nam, rất hiếm khi tôi thấy người Việt đọc sách. Họ thích dán mắt vào màn hình smartphone hơn, hoặc nếu có đọc thì là đọc báo. Trong khi đó, du khách nước ngoài thì thường chọn sách để đọc khi trên hành trình du lịch xuyên Việt.

Tôi đi nhiều nơi trên thế giới, thấy người dân ở các nước Âu - Mỹ, Nhật Bản hay Singapore… luôn chọn sách làm bạn đồng hành. Với họ đọc sách là thú tiêu khiển, là cách tiếp nhận tri thức và thông tin để làm giàu kiến thức của mình. Ngược lại, tôi ít khi thấy người dân các nước như Trung Quốc, Thái Lan hay Campuchia… dùng thời gian nhàn rỗi để đọc sách. Phải chăng đây là sự khác biệt trong nhận thức về sách và văn hóa đọc giữa các dân tộc? Tuy nhiên điều dễ nhận thấy là những nơi mà người dân thích đọc sách thì trình độ dân trí ở đó cao hơn và quốc gia đó cũng phát triển hơn.


Thư viện tý hon" trên đường Foster, TP New' Haven (Mỹ). Ảnh: Trần Đức Anh Sơn

.

1.Có hai câu hỏi tôi thường nghe khi hỏi ai đó có đọc sách không? Đó là: “Cuộc sống khó khăn lấy đâu ra tiền để mua sách mà đọc? Đọc sách có lợi gì, hạng người như tôi có cần đọc sách không?”. Quả thật khi cơm chưa đủ no, áo chưa đủ ấm mà dành tiền mua sách đọc thì quả là xa xỉ. Đó là chưa kể những người cần lao luôn đặt mình ra khỏi mối quan hệ với sách vở vì họ cho rằng công việc và nhu cầu của họ thì không cần đến sách. Vì vậy mà họ chưa nhận thức được lợi ích từ việc đọc sách.

Với câu hỏi thứ nhất, tôi luôn chỉ cho người ta thấy rằng, không có tiền mua cũng có sách để đọc. Đó là đọc sách từ các thư viện, các tủ sách cộng đồng, các “không gian đọc”…, là những nơi đọc sách miễn phí, hiện diện khắp Việt Nam. Hầu khắp các tỉnh và thành phố ở Việt Nam đều có mạng lưới thư viện công lập. Nhiều nơi, thư viện công lập đã được triển khai ở cấp quận huyện, thậm chí lan tỏa đến tận các xã, thôn thông qua mạng lưới bưu điện văn hóa. Hoặc như dự án “Sách hóa nông thôn” do anh Nguyễn Quang Thạch quê ở Hà Tĩnh khởi xướng, sau gần 10 năm thực hiện đã lập được hơn trên 10.000 tủ sách các loại ở nhiều vùng quê Việt Nam như: Tủ sách dòng họ, Tủ sách phụ huynh, Tủ sách lớp học, Tủ sách hậu phương chiến sĩ, Tủ sách giáo xứ… thu hút hơn 100.000 thành viên là phụ huynh học sinh, thầy cô giáo, người sống xa quê, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài… tham gia, đồng hành và đóng góp. Đó là chưa kể những “không gian đọc” do các thầy cô giáo hay những người làm trong ngành văn hóa, thông tin… đứng ra thành lập và được các nhà hảo tâm tài trợ sách báo và tài chính để mua sắm bục kệ, bàn ghế phục vụ miễn phí cho người đọc.


Thư viện tý hon" trên đường Foster, TP New' Haven (Mỹ). Ảnh: Trần Đức Anh Sơn

.

Những “không gian đọc” mà tôi biết như: “Không gian đọc Hội An”, “Không gian đọc Cần Thơ”, “Không gian đọc Phú Quốc”, “Không gian đọc Củ Chi”… đã hoạt động rất hiệu quả, không chỉ các em học sinh tìm đến đọc sách, mà có cả người lớn như sinh viên, công nhân, nông dân… cũng đến mượn sách để đọc. Thậm chí, có những thư viện tư nhân cũng đưa những cuốn sách quý hiếm ra phục vụ miễn phí cho những người có nhu cầu, như thư viện của thầy giáo Nguyễn Hữu Châu Phan ở Huế. Có thể nói chưa bao giờ người Việt có nhiều cơ hội tiếp cận sách miễn phí và thuận tiện như thời này.

Với câu hỏi thứ hai, câu trả lời của tôi luôn luôn là “Có”. Bởi lẽ sách vở cung cấp một nguồn kiến thức đa dạng, đa tầng, đa cấp độ, tùy theo nhu cầu và sở thích của người đọc. Không chỉ người có học vấn cao mới cần đến sách như là công cụ để nghiên cứu hay là một kênh để thâu nạp kiến thức và thông tin, mà người ít học cũng cần đến sách vì nhu cầu giải trí, học hỏi, hay đơn giản cho để biết về một sự kiện hay vấn đề nào đó. Tôi đã từng thấy những nông dân trên đường đi làm đồng về thì ghé vào bưu điện văn hóa xã để mượn một ít sách viết về kỹ thuật chăm bón cam; thấy một người nuôi tôm sáng tinh mơ đã tìm đến nhà một kỹ sư nông nghiệp trong vùng mượn cuốn cẩm nang về xử lý các bệnh thông thường của tôm nuôi. Tôi đã nhiều lần hỏi sinh viên của mình rằng có ai đã đọc hết truyện Kiều và truyện Lục Vân Tiên chưa và rất hiếm khi nghe câu trả lời “Có”. Nhưng một người bạn trẻ của tôi, là tiến sĩ sinh học ở đại học Tufts (Massachusette, Mỹ) lại thuộc Kiều và Lục Vân Tiên vanh vách.

Trò chuyện với tôi bạn ấy hay dẫn vài câu Kiều, rất đúng lúc và đúng vấn đề, khiến cuộc chuyện trò rất duyên và đầy thú vị. Trong khi đó, tôi cảm thấy thất vọng với nhiều người, thuộc tầng lớp có chữ hoặc đang hành nghề liên quan đến chữ nghĩa, nhưng lại lười đọc sách, lười tiếp nhận và kiểm chứng thông tin từ sách nên những gì họ nói với công chúng hay viết ra cho công chúng đọc thì vừa sai lạc, vừa ngô nghê, rất phản cảm.


Thư viện tý hon" trên đường Foster, TP New' Haven (Mỹ). Ảnh: Trần Đức Anh Sơn

.

2. Khi sang nghiên cứu ở đại học Yale (Connecticut, Mỹ), vào một ngày đẹp trời, tôi quyết định đi bộ từ thư viện về nơi nhà thay vì đi xe bus như mọi khi, để có dịp nhìn ngắm phố phường. Khi đi qua đường Foster tôi bất ngờ thấy hai điều thú vị “bày” trên hè phố: Một tủ sách con con lồng kính, có ghi dòng chữ: FOSTER ST. TINY LIBRARY (Thư viện tí hon đường Foster), bên trong có khoảng 30 cuốn sách đủ thể loại, phía trước có chiếc ghế tựa bằng gỗ, đủ chỗ cho hai người ngồi đọc sách. Mấy chậu gỗ trồng vài loại rau, bên trên có cắm mảnh giấy bìa bọc nilon, ghi dòng chữ: “Free! Awesome plants” (Miễn phí, những cây rau tuyệt vời). Tôi dừng lại, chụp một vài bức hình, mở tủ lấy ra một cuốn sách, ngồi đọc một chút rồi mới về nhà, không quên ngắt một ngọn rau cho vào miệng nhai để tận hưởng hương vị tuyệt vời như lời quảng cáo của “chủ vườn”.

Liên tiếp mấy ngày sau, tôi đều đi bộ và chọn lối đi qua đường Foster để về nhà. Tôi thấy “thư viện tí hon” đó luôn có sách mới và chiếc ghế tựa phía trước “thư viện” thì thường xuyên có người ngồi đọc sách. Thi thoảng, lại thấy một cậu nhóc đạp xe đến, lấy đi một vài cuốn sách trong “thư viện” sau khi bỏ vào đó những cuốn sách khác. Tôi hỏi một bà lão đang ngồi đọc sách nơi chiếc ghế tựa: “Ai lập ra thư viện này vậy?”. Bà đáp: “Ý tưởng của bọn trẻ nhà Douglas đấy”. Bà chỉ tay vào ngôi nhà gỗ hai tầng nằm cách “thư viện” khoảng 10 m, rồi nói thêm: “Cộng đồng ủng hộ bằng cách đọc sách của tụi nhỏ, rồi đem sách đến để tặng và trao đổi. Cậu thấy đấy, ngày nào trong thư viện cũng có sách mới”. Những người hàng xóm Mỹ đã cho tôi một ví dụ sinh động về cách chia sẻ tri thức và tạo hứng thú đọc sách ngay trên hè phố.

3. Có một cái Tết, tôi đọc trên báo thấy có bài của tác giả Giản Tư Trung viết rằng Tết này ông không muốn tặng và cũng không muốn nhận những giỏ quà giống như mọi năm, nghĩa là không có rượu mứt, bánh kẹo… Thay vào đó ông muốn tặng và nhận những giỏ quà Tết chỉ có sách. Tôi thích ý tưởng này, bởi lẽ trong những món quà ta tặng/nhận cho/từ tha nhân trong mỗi dịp Tết, nếu có được một giỏ sách thì thật thú vị vô cùng. Khi đó cái Tết mà ta và bạn bè đón nhận không chỉ sung túc về vật chất mà còn được thỏa mãn về tinh thần và tri thức mà những cuốn sách mang lại.

Tôi từng đi góp nhặt những cuốn sách, cũ có mới có, từ tủ sách gia đình, từ người thân và bạn bè, để trao tặng cho các “không gian đọc” ở nhiều nơi và cảm nhận được sự vui mừng, hạnh phúc từ ánh mắt lấp lánh của người nhận và người đọc. Nhờ đó mà tôi biết rằng người ta không chỉ cần cơm ăn áo mặc mà còn cần sách vở và tri thức.

Khi tôi chia sẻ trên mạng xã hội những cuốn sách cũ để đổi lấy những cuốn sách mới và phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi mà tôi muốn tặng cho một “không gian đọc” ở phía Nam, thì chỉ trong vòng 1 giờ tất cả những cuốn sách cũ ấy đã có người đăng ký tiếp nhận. Không lâu sau đó, những người đăng ký nhận sách đã liên lạc với tôi ngỏ ý muốn tặng sách cho “không gian đọc” mà tôi giới thiệu. Những đứa trẻ nơi ấy sẽ có thêm những cuốn sách mới, hay mà chúng đang khao khát.

Vậy nên tôi mong Tết này, những người xung quanh tôi, những người đọc bài viết này hãy cùng tôi thay đổi cách trao và nhận quà Tết. Hãy cùng cho, nhận và đọc sách các bạn nhé!

Nguồn:Lao Động
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • 'Với tôi, sách cũ quý hơn vàng!'

    06/05/2017Anh Thư - Nguyên PhươngSách cũ không có giá trị, như đồ bỏ đi với khá nhiều người nhưng nó lại như món đồ quý cần phải gìn giữ, bảo vệ với những ai trân trọng chúng...
  • Trải nghiệm bằng trang sách

    26/04/2017Hồ Anh TháiTrải nghiệm, với nhà văn, có thể bằng cách lăn mình vào đời sống hoặc thông qua những trang sách. Tác giả như Huỳnh Trọng Khang (tiểu thuyết Mộ phần tuổi trẻ) đã chứng minh rằng sự trải nghiệm qua sách cũng có sức thuyết phục, khác với quan niệm của chủ nghĩa hiện thực rằng trải nghiệm phải là vốn sống giữa cuộc đời...
  • Chúng ta biết ơn sách

    21/04/2017Nguyễn Vĩnh NguyênNền văn minh nhân loại sẽ lụi tàn nếu một ngày những người viết tuyệt chủng. Và sự đọc và nhận thức của con người cũng sẽ biến mất. Điều đó sẽ không xảy ra. Giả thiết ấy hoàn toàn trái khoáy trong kỷ nguyên tri thức, cả nhân loại đang tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy sự hiểu biết để vận hành đời sống trên địa cầu theo hướng tích cực. Chúng ta không nằm ngoài dòng chảy ấy.
  • Hãy biến việc đọc sách thành văn hóa

    21/04/2017Nguyễn Quang ThiềuViệc xây dựng một nền tảng văn hóa hay một đời sống văn hóa là theo nguyên lý leo dốc. Nhưng việc phá vỡ một nền tảng hay một đời sống văn hóa lại theo nguyên lý lao xuống dốc. Vận tốc tăng dẫn đều và cuối cùng là vỡ nát...
  • Sách & văn hóa đọc trong đời sống hôm nay

    21/04/2017Nguyễn Công HoanXuất phát từ vị trí, vai trò, tác dụng của sách báo và nhằm tôn vinh văn hoá đọc mà Tổ chức UNESCO trong phiên họp Đại hội đồng lần thứ 28 (1995) đã quyết định chọn ngày 23/4 hàng năm làm “Ngày Sách và bản quyền thế giới".
  • Những hạt cây gieo bằng sách

    16/04/2017Vũ BáchLiệu những thiết bị kỹ thuật số có làm thói quen đọc sách bị... tuyệt chủng? Câu hỏi này đặt ra từ lâu mà đến giờ vẫn còn nhiều tranh cãi.
  • Một cuốn sách có thể thay đổi cuộc đời bạn

    03/04/2017Dưới đây là tổng hợp một số câu hỏi của báo chí và độc giả trên khắp thế giới về tác phẩm "7 Thói quen để thành đạt" và tác giả Stephen R. Covey...
  • Tại sao người Nhật mê đọc sách?

    19/03/2017Nguyễn Xuân Xanh2Những lý do nào khiến dân tộc Nhật đã có một văn hoá đọc có thể nói vào bậc nhất thế giới? Văn hoá đọc này không phải chỉ bỗng dưng bùng nổ vào thời Minh Trị Duy Tân 1868 khi đất nước được mở cửa, hướng về phương Tây, mà có gốc rễ sâu xa từ thời Tokugawa 1600-1868, từ lúc dân tộc chỉ có văn hoá võ sĩ trên chiến trường, từ lúc thầy tu khoẻ mạnh cũng muốn ra trận để thi thố tài năng đi tìm hạnh phúc. Cách đây 300 năm Nhật Bản đã có những con số “khủng” về giáo dục và văn hoá đọc. Những lý do nào khiến cho một dân tộc võ sĩ lại trở thành mê đọc sách như thế? Và đọc sách để làm gì?
  • Hình ảnh về những chuyến xe chở sách của một thời dĩ vãng

    22/02/2017Bích NgọcThuở sách vở còn khan hiếm, di chuyển còn khó khăn, “xe sách” là một hình ảnh rất quen thuộc, giúp đem văn chương, sách vở đến với mỗi người. Mỗi khi có một chuyến xe sách ghé qua, một vùng náo nhiệt, rộn ràng lại hình thành...
  • Đọc sách là chìa khóa cho sự phát triển bền vững

    30/01/2017Hải Quỳnh thực hiệnLà một người rất gần gũi và sát sao với các sinh viên, những chia sẻ của cô Hoàng Ánh chắc chắn sẽ mang lại những góc nhìn thực tế cho các độc giả về phong trào đọc trong các trường đại học...
  • xem toàn bộ