Nghĩ về người thầy giáo và quan hệ thầy - trò
Có người bảo: "Thầy giáo là người chở đò qua sông", ý nói: Học trò thường quên ơn thầy, cô; người đời không quan tâm đến các cô giáo, thầy giáo. Lời cảm thán đó phần nào có cơ sở thực tế. Nhưng, tôi - một giảng viên đại học đứng trên bục giảng đã 37 năm - lại nghĩ rằng: Trên đại thể, thì không phải như vậy! Nếu chỉ theo câu nói ấy, thì làm sao lý giải được truyền thống "Tôn sư trọng đạo" của dân tộc ta.
Thời phong kiến, rường mối của xã hội được xác lập bởi quan hệ "Quân - Sư - Phụ". "Quân - Sư - Phụ" thể hiện vị trí, vai trò của người thầy giáo còn quan trọng hơn cả cha, chỉ đứng sau vua. Thật vậy, đã bao đời, nhân dân ta truyền tụng câu tục ngữ: "Không thầy, đố mày làm nên", "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư" và lời nhắc nhở: "Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ, thì yêu lấy thầy". Lịch sử từ xưa đến nay lúc nào cũng có biết bao tấm gương về những người thầy cao quý, có tài, có đức! Các bậc thầy đáng kính ấy đã đào tạo nên bao thế hệ học trò đầy tài năng, làm nên một đất nước văn hiến. Rõ ràng, từ xưa đến nay, nhân dân ta luôn luôn tôn vinh người thầy giáo và quý trọng nghề dạy học. Vì thế, không phải không có lý, nhà trường xưa kia quy định học trò phải xưng "con" với thầy. Nghĩa vụ của người học trò đối với thầy là phải: "Sống tết, chết giỗ", như bổn phận của người con hiếu thảo đối với cha mẹ. Tình cảm thầy - trò là tình cảm thủy chung, như nhất.
Ngày nay, chúng ta mở rộng quan niệm về tình thầy - trò: Trong tình thầy - trò phải có tình bè bạn, hiểu theo ý nghĩa đúng đắn nhất của khái niệm này. Giàu trí tuệ và đạo đức, người thầy (cô giáo và thầy giáo) là bậc đáng kính trọng, nhưng không phải như ngày xưa là "kính nhi viễn chi" (kính trọng, nhưng chỉ dám đứng xa mà chiêm ngưỡng). Quan hệ thầy - trò là quan hệ giữa hai con người, hai nhân cách, hai thành viên trong cộng đồng, cùng mục đích và lẽ sống. Bởi vậy, đứng ở góc độ con người và nghĩa vụ công dân, thì thầy và trò là bình đẳng. Trong quan hệ thầy - trò ngày nay, phải có tính dân chủ.
Mặt khác, đứng ở góc độ nhà trường, ở kỷ cương trường học, thì thầy phải là thầy, trò phải là trò. Hiểu bình đẳng và dân chủ - với tư cách công dân - trong quan hệ thầy - trò, không phải là sự suồng sã, "cái đối bằng đầu", "cá mè một lứa". Cách xưng hô "em" với thầy cô, khi thầy cô đáng tuổi cha mẹ, thậm chí ngang tuổi ông bà mình, có lẽ có điều bất ổn.
Để quan hệ thầy - trò đạt được chuẩn mực đạo đức, cần có nhiều điều kiện. Có điều kiện ở chính chủ quan người thầy và người học trò, có điều kiện khách quan do Nhà nước và xã hội tạo nên. Về mặt chủ quan, phẩm chất người thầy được biểu hiện ở hai mặt: tri thức khoa học chuyên sâu và tư cách, đạo đức cao đẹp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức. Tài là văn hóa, chuyên môn; đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức, thì giáo viên phải có đức... Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con". (Bài nói tại lớp học chính trị của giáo viên, năm 1959; dẫn theo "Hồ Chí Minh - Toàn tập", NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm 2000, tập 9, tr. 492). Có người cha, người mẹ tốt, người thầy giáo tốt, tất có người con ngoan, người học trò tốt. Nói tóm lại, phẩm chất của người thầy giáo và người học trò, như lời nhắc nhở chí lý, chí tình của Thủ tướng Phạm Văn Đồng cách đây nhiều năm - là "Thầy phải ra thầy, trò phải ra trò"! Đáng tiếc là trong thời gian qua, một bộ phận giáo viên còn yếu kém năng lực chuyên môn, một số giáo viên lại có những hành vi thấp kém về đạo đức, lối sống. Họ đã đánh mất uy tín xã hội của chính mình.
Về mặt khách quan, Nhà nước và xã hội cần tạo điều kiện để "thầy phải ra thầy". Lương giáo viên thấp so với nhiều ngành nghề khác, tiền thưởng cuối năm hầu như không có gì, đời sống giáo viên còn nhiều khó khăn. Việc dạy thêm của giáo viên thật ra cũng chỉ là vạn bất đắc dĩ, và cũng chỉ có ở một bộ phận giáo viên ở các thành phố, thị xã. Tôi có nhiều dịp đưa sinh viên đi thực tập sư phạm ở các vùng nông thôn, miền núi và hải đảo, trực tiếp thấy đời sống của hầu hết giáo viên ở đấy rất nghèo. Bởi thế, dịp đón Tết nguyên đán Kỷ Sửu (2009), Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân phải khuyến nghị các cấp chính quyền, các doanh nghiệp quan tâm và trợ giúp Tết cho giáo viên! Mà rồi lời khuyến nghị đó cũng rơi vào im lặng. Nhiều lúc nghĩ đến nghề dạy học và các nhà giáo, mà cứ thấy xót xa! Bên cạnh đó, thì lối sống thực dụng của một bộ phận lớn dân cư - lối sống chạy theo đồng tiền bằng bất cứ cách nào; cùng với việc không coi trọng chất xám, sự xâm hại đến nhân cách và cả tính mạng của một số giáo viên, do kẻ xấu bất chấp đạo lý và pháp luật gây ra... tất cả những cái đó, làm cho uy tín xã hội của người thầy bị xúc phạm, bị giảm sút nghiêm trọng.
Bác Hồ dạy: "Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất... Những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh" (Bài nói với cán bộ, sinh viên trường ĐHSP Hà Nội - 21.10.1964; dẫn theo: "Hồ Chí Minh - Về vấn đề giáo dục", NXB Giáo dục, Hà Nội, 1990, tr. 236). Nhân dân ta luôn luôn tôn vinh người thầy giáo đồng thời cũng đòi hỏi rất cao về phẩm chất người thầy.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015