Thư gửi thầy giáo
Thưa thầy kính mến!
Đến giờ phút này em mới dám cầm bút viết thư cho thầy. Không phải vì em bận (em còn bận gì nữa đâu!), không phải vì em lười, mà vì em cần có thời gian tìm ra con đường của mình.
Như thầy đã biết, em rất khó khăn vượt qua kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, hay nói khác đi, là em suýt chết, suýt trượt. Nhưng không sao, mà suýt trượt không phải là trượt, em vẫn may mắn lọt qua cửa. Phải thú thực em hiểu điều ấy một phần cực lớn nhờ công của thầy đã tận tâm dìu dắt một đứa kém như em. Ơn đấy em không bao giờ quên.
Nhưng đến kỳ thi đại học thì em trượt. Đấy là kết quả tất yếu, là chân lý không gì lay chuyển nổi sau những giờ phút bi-da, những năm tháng chơi trò chơi điện tử và những đêm dạo phố. Thú thực với thầy, ngay trước khi thi em đã không tin là mình đậu và sau khi thi, niềm tin đó trở nên vững chắc như thành trì.
Thầy ơi!
Như vậy là đùng một cái, một chàng trai mười bảy tuổi như em, buổi sáng thức dậy, sau khi rửa mặt, đánh răng không biết phải làm gì. Đi làm thì chưa có nghề, đi học thì chưa có nơi còn đi chơi thì không phải lúc nào mẹ cũng cho tiền.
Nếu xét theo quan điểm thông thường, em phải lo lắng. Và thầy yên tâm, em cũng rất lo vì dù tệ hại tới đâu, em cũng hiểu rằng con người phải có cách sống. Cách đó hoặc phải học, hoặc phải được di truyền hoặc phải tự mày mò ra.
Và thầy ơi, tuyệt vời làm sao, hạnh phúc làm sao khi em đã mò ra rồi. Sau một tuần không có chuyện làm, ngồi trước ti vi, em đã phát hiện ra mình có khả năng trở thành một công dân tốt, một chàng trai tuyệt vời mà chẳng mất công đèn sách, mất công tu dưỡng gì cả.
Đọc đến đây, chắc thầy sẽ hỏi ngay: em định trở thành một kẻ phi pháp, một tên lừa đảo hay buôn lậu à? Không đời nào, thưa thầy, vì có một thứ thầy dạy em thấm thía là dù có gì xảy ra vẫn phải là kẻ lương thiện.
Cách thành đạt lương thiện vô cùng, thậm chí còn luôn luôn được cổ vũ. Nó đơn giản chỉ là cách làm theo những lời khuyên trong quảng cáo, thưa thầy.
Sau khi theo dõi quảng cáo mê mệt một tuần liền, em hiểu một cách sâu sắc rằng ngay khi ra đời, muốn thông minh chỉ cần chọn đúng loại sữa nào đó, muốn vui khỏe thì cần chọn đúng loại tã lót nào đó còn muốn làn da hồng hào đáng yêu chỉ cần chọn không nhầm sữa tắm là xong ngay.
Rồi lớn lên chút nữa, việc của em là tìm được đúng loại thuốc bổ hoặc loại bột ra sao. Nếu chọn chính xác thì em sẽ biết đá bóng như Maradona hoặc chí ít cũng như Công Minh. Thỉnh thoảng khi đá mệt, thì chớ có dại mà nghỉ ngơi, phải dùng nước tăng lực, còn khi bị chấn thương, vấn đề chẳng phải bác sĩ, mà loại keo dán nào.
Nhưng chắc thầy cũng đồng ý rằng con người muốn phát triển không phải toàn cơ bắp mà còn cần tác phong, thái độ. Thầy yên tâm, em cũng nhờ ti vi khám phá nốt rồi.
Để thành đạt, em chỉ cần biết chọn đúng loại hãng máy bay để đi. Muốn được yêu, được chia sẻ, em đâu cần học văn, học sử hay học bất cứ cái gì, em chỉ cần chọn đúng loại sim điện thoại. Còn muốn tự tin, trời ơi, quá dễ, em chỉ cần chọn đúng dầu gội đầu. Sau này khi lập gia đình, muốn cả nhà hạnh phúc, em chỉ cần chọn đúng loại bột nêm hoặc loại xe hơi.
Ôi thầy ơi, nhờ ti vi em phát hiện ra thành công thật là đơn giản, em mới hiểu rằng một loại xà bông tắm còn quyến rũ hơn bằng giáo sư và một cách uống bia cũng tìm được bạn bè trên toàn thế giới.
Vượt lên tất cả, để trở thành một con người cao quý, mang tính nhân bản, em chỉ cần tìm ra công nghệ điện thoại. Rồi sau đó, khi tuổi đã cao, sức đã yếu, em cũng chả hề lo lắng vì có thuốc trị viêm đại tràng và thuốc dưỡng não.
Thầy ơi!
Đúng là biển học vô bờ, và không phải ngẫu nhiên mà chúng ta đang sống trong thế kỷ thông tin. Ti vi không những chỉ cho em cách chọn, mà trong toàn bộ các trường hợp, đều chọn sẵn cho em rồi.
Do đó, em không bi quan, không thất vọng chút nào về tương lai của mình. Em muốn báo để cho thầy đừng quá lo lắng. Em chúc thầy sức khỏe, nếu thầy có vì em mà khó ngủ, trằn trọc hay nhức mỏi, thầy hãy dùng “Hoạt huyết dưỡng não” là khỏi ngay, thầy nhé.
Em trò cũ
Lá thư thứ hai
Thưa thầy kính mến!
Lần trước em đã viết thư cho thầy báo rằng mình trượt đại học. Hôm nay, em xin tiếp tục trình bày cho thầy rõ, nguyên nhân chính của việc rớt này là điểm thi bài lịch sử bằng không.
Nghe đến đây chắc thầy rất giận em. Hơn ai hết, em hiểu thầy tin chắc rằng lịch sử là một kiến thức quan trọng, có lịch sử mới có hiện tại và có hiện tại mới có tương lai. Một kẻ không thuộc lịch sử chẳng khác nào một mảnh bèo không biết tách từ đâu ra.
Em cũng cảm thấy rằng việc nhận điểm không lịch sử này, em thực có lỗi với thầy và có lỗi với mọi người xung quanh. Làm sao có thể chấp nhận một học sinh không biết Quang Trung là ai? Chả hiểu Lê Lợi khởi nghĩa năm nào và tưởng Hai Bà Trưng là chị của ba bà Triệu, chưa kể vô số những nhân vật anh hùng khác mà em thường nhầm lẫn lung tung.
Nhưng thầy ơi, thầy đừng buồn quá, vì chắc thầy cũng biết thi cử chỉ là một khía cạnh của tri thức, và em, tức học trò của thầy, hoàn toàn không dốt như người ta vẫn tưởng.
Em cảm nhận một cách sâu sắc rằng lịch sử không phải chỉ là những gì đã qua, mà còn đang hiện hữu. Lịch sử cũng như điện thoại di động và ti vi, tủ lạnh, đang mang tính toàn cầu.
Cho nên việc em thiếu thốn kiến thức lịch sử Việt Nam, không hề ngăn cản em có một kiến thức sâu rộng về lịch sử đủ thứ, và chuyện em kém cỏi về Trần Hưng Đạo không hề có nghĩa rằng em kém cỏi về Jăng Don Gun.
Đọc tới đây, lập tức thầy hỏi Jăng Don Gun là ai? Anh ấy khởi nghĩa ở đâu và lên làm vua khi nào? Thưa thầy, theo em hiểu (và rất nhiều bạn bè em hiểu) Jăng Don Gun là một anh hùng, phẩm chất cao quý nhất của anh là đẹp trai và hiểu về anh tức hiểu về lịch sử phim... Hàn Quốc. Em vui mừng báo cho thầy biết, để thầy qua đấy có thể tự hào, ngoài Jăng Don Gun, em còn nắm rất vững về Ji Kun Ki, về Gia Ka Gio, về Pak Si Quac... là những ca sĩ và tài tử xứ Hàn.
Em có thể lúng túng về An Dương Vương, nhưng em thông thạo làu làu Chương Tử Di, Lương Gia Huy và Châu Tinh Trì. Thầy biết Nguyễn Trãi làm bao nhiêu bài thơ và Bình ngô đại cáo gồm bao nhiêu dòng chứ gì? Em thì biết chắc Lương Triều Vĩ đã yêu mấy lần, Lý Gia Hân đã mấy đợt mua nhà mới và Châu Nhuận Phát thích lái xe nào trong các kiểu xe hơi. Thầy biết Nguyễn Du sinh năm bao nhiêu và đi sứ mấy lần, còn em biết Trương Mạn Ngọc đang yêu ai và đang sắp ly dị ai, Quách Phú Thành có con riêng hay không và Củng Lợi đeo chiếc vòng kim cương trị giá bao nhiêu triệu.
Thầy có thể đọc thuộc lòng một bài thơ của Lê Thánh Tôn, còn em có thể đọc thuộc lòng một chương của Tây du ký hoặc một hồi của Tam quốc chí. Thầy có thể nắm rõ Dương Vân Nga, nhưng em lại biết tường tận về Võ Tắc Thiên hay Từ Hi Thái Hậu.
Đấy là em còn chưa kể hết những kiến thức rộng lớn của em về lịch sử các vĩ nhân hiện đại Mỹ, Nhật, Thái Lan hay Singapore. Chỉ cần nhắc tới tên một ca sĩ hay một tài tử, em sẽ biết ngay họ có mấy áo, mấy quần và mấy bận đánh ghen.
Thầy sẽ kinh ngạc hỏi em biết những kiến thức phong phú và đa dạng ấy ở đâu? Thưa thầy, ở mọi nơi, thầy ạ. Trên sách báo, trên ti vi, trên màn ảnh chả ngày nào, chả giờ nào không nhắc đi nhắc lại những chuyện về các danh nhân ấy, khiến bất cứ đứa trẻ con nào cũng thuộc lòng nhưng tuyệt đối không có gì cho các nhân vật của ta cả, hoặc có thì trình bày cũng rất khó xem.
Thầy kính mến.
Em viết thư này để thầy đừng thất vọng. Học trò của thầy có thể kém sử nước nhà, nhưng sử thế giới thì không hề thế. Đấy là một bằng chứng hiển nhiên. Thầy cứ tin rằng với mớ kiến thức này, em đủ sức chuyện trò trong các quán cà phê và đánh giá được những sự kiện xã hội. Thầy hãy tin tưởng ở em thầy nhé, em là một kẻ luôn luôn tìm cách học hỏi nếu như sự học hỏi được tiến hành một cách hấp dẫn và đúng với cảm xúc tươi trẻ của mình.
Học trò mãi mãi của thầy
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn