Để có chất lượng cần nhất là cái tâm của người thầy
Đại biểu Quốc hội Phan Thanh Bình, TP Hồ Chí Minh: Giáo dục đang phải giải một bài toán đa mục tiêu
Chúng ta đừng so sánh là tại sao ngày trước chúng ta nghèo, cơ sở vật chất không nhiều mà chất lượng GD lại cao. Thực ra nhận xét như vậy cũng chỉ là võ đoán. Bây giờ khi đời sống kinh tế đã khá hơn, cha mẹ ngày càng đầu tư cho con cái nhiều hơn thì càng đòi hỏi ở ngành GD đáp ứng kỳ vọng của họ, do vậy dường như ai cũng có quyền chất vấn GD. Nhưng chúng ta không thể có được tất cả HS đều phải có chất lượng cao, vì có nhiều lý do, trong đó có cả lý do khả năng, hoàn cảnh của HS và cả sự đầu tư cho GD chưa theo kịp nhu cầu. Nhưng cũng phải nhìn thẳng vào một sự thật là chúng ta chưa rõ triết lý GD của chúng ta là gì, cho nên việc xây dựng chương trình còn dàn trải. Ở châu Âu, các em không đi theo ông thầy mà đi theo ông chủ và đồng lương, nghĩa là GD nếu phải đáp ứng yêu cầu của số đông, vừa đảm bảo việc làm sau khi ra trường, vừa đảm bảo tỉ lệ đỗ điểm cao khi thi vào đại học (ĐH) thì khó quá.
Đại biểu Quốc hội Tôn Thất Bách, Hà Nội: Phải đào tạo lại cách dạy của người thầy chứ không chỉ tập trung vào xây dựng chương trình, sách giáo khoa và cơ sở vật chất
Vừa qua trên báo chí, những phê bình về sách giáo khoa mang tính thiên kiến cá nhân nhiều hơn. Lẽ ra dư luận cần chỉ ra được những cái lớn trong cái được và chưa được của GD để tìm cách khắc phục. Lý giải điểm thi ĐH thấp rất đơn giản, đó là thi vào ĐH là cuộc thi tuyển chọn nên mức độ đề thi phải khó hơn đề thi tốt nghiệp. Mặc dù Bộ có nói là đề thi đảm bảo HS trung bình học tập chăm chỉ là có thể làm bài được nhưng điều đó không có nghĩa là HS đó có thể đủ điểm đỗ vào ĐH, vì tỉ lệ cạnh tranh là rất lớn. Thực ra điều mà tôi lo lắng lại là do HS chỉ chú trọng ôn thi ĐH mà quên mất học tập toàn diện ở bậc phổ thông, trong khi những kiến thức này lại rất quan trọng cho cuộc sống sau này. Giảng dạy 10 năm ở Trường ĐH Y khoa Hà Nội, tôi thấy trong quá trình học, những HS không toàn diện ở bậc trung học phổ thông gặp nhiều khó khăn trong học tập vì kiến thức tối thiểu không toàn diện. Thật đáng tiếc là những HS như vậy lại khá nhiều. Trong đánh giá chất lượng của trường phổ thông, cần dựa vào đầu tư để đánh giá chất lượng. Không thể nóng vội so sánh chất lượng của nước mình với nước khác. Theo tôi, hiện nay sự đầu tư lại quá thiên về đầu tư chương trình, sách giáo khoa, cơ sở vật chất mà ít tập trung cho đội ngũ GV. Chúng ta hãy thử so sánh chất lượng GV của Hà Nội với các tỉnh khác. Rõ ràng, GV ở Hà Hội được đầu tư nhiều hơn, được học hỏi nhiều hơn thì chất lượng nhìn chung khá hơn. GV quyết định chất lượng giảng dạy bởi sự thay đổi phương pháp là vấn đề quan trọng nhất hiện nay. Trên thế giới, chuyển từ học thụ động sang dạy học chủ động đã là một cuộc cách mạng, mà người thầy chính là người tạo ra cuộc cách mạng đó. Sinh viên của chúng ta hiện rất yếu về cách diễn đạt, trình bày khi thảo luận. Lẽ ra, điều đó HS phải được rèn luyện từ thời phổ thông. Chỉ một yếu tố này thôi cũng khiến HS của chúng ta khó khăn trong hội nhập với thế giới.
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị Trung Hà, Hà Nam: Cần có kỳ thi khảo sát năng lực cho học sinh trước khi thi vào đại học
Một trong những lý do điểm thi vào ĐH của nhiều thí sinh thấp như thời gian vừa qua là các em không hiểu rõ năng lực của chính mình, hoặc thi theo yêu cầu "đầu ra" mà bố mẹ đã chọn. Tôi rất đồng ý với ý kiến của phóng viên tạp chí Thế Giới Mới là cần có một kỳ thi khảo sát quốc gia đánh giá đúng năng khiếu, khả năng của HS từ lớp 11, lớp 12, từ đó sẽ giúp các em chọn trường, chọn ngành thi vào ĐH "trúng" hơn. Thời gian vừa qua báo chí có nói nhiều về những bất cập của GD. Nhưng hãy thử nhìn vào những cố gắng rất đáng kể của GV khi vẫn đồng lương như thế mà họ đang không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu của dạy học chương trình mới. Ở Hà Nam, nhiều GV đã tự làm đồ dùng, thiết bị giảng dạy khi nhà trường chưa có kinh phí để mua sắm. Có GV còn tự bỏ tiền túi để mua thiết bị giảng dạy. Có thể nói, dù dư luận có nói gì, những người thầy vẫn đang lao động hết mình vì HS của họ.
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Dã Thanh, Ninh Thuận: Người thầy cần nhất là cái tâm
Tôi chỉ trăn trở có một điều là, cho dù có đánh giá chất lượng GV dựa vào yếu tố nào đi chăng nữa, trong đó có cả việc chuẩn hóa thì cái tâm của người thầy vẫn là quan trọng nhất. Điều đó càng đúng ở những vùng nông thôn khó khăn, vùng miền núi xa xôi hẻo lánh. Tại những nơi như thế, người thầy không có cái tâm thì sẽ không thể dạy được trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, không đủ kiên nhẫn để huy động được các em đến trường vì việc đi học đối với các em là cả một nỗi nhọc nhằn. Điều đó càng đúng trong một xã hội ngày càng thực dụng hơn như hiện nay. Để đánh giá được "cái tâm" là rất khó, nhưng cả xã hội cần phải vun đúc nó và đây mới chính là động lực tạo nên chất lượng GD.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa, Nghệ An: Xây dựng lại đội ngũ giáo viên có năng lực và tâm huyết
Nguyên nhân khách quan dẫn đến chất lượng GD chưa được như mong muốn là "gánh nặng" đặt lên vai ngành GD-ĐT, mà hiện tại thực lực của ngành chưa có điều kiện để kham nổi. Làm sao có thể kỳ vọng xây dựng một nền GD tiên tiến, hiện đại khi chúng ta còn thiếu rất nhiều yếu tố: về cơ sở vật chất, về phương tiện dạy học. Phải đến lúc chúng ta xóa được trường học tranh tre nứa lá, trường học ba ca, đủ phương tiện đồ dùng dạy học đến tận tay người học thì mới có thể khẳng định được rằng đã đến lúc ngành GD-ĐT yên tâm đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng. Còn về nguyên nhân chủ quan thì trước hết hãy nói về chất lượng đội ngũ GV đang trực tiếp đứng lớp. Hiện đang tồn tại một bộ phận GV yếu về năng lực, rất khó tiếp cận với chương trình mới, phương pháp mới. Đây là nguyên nhân có tính lịch sử mà không thể khắc phục ngay được. Ngành GD phải nhanh chóng xây dựng lại một đội ngũ GV đúng chuẩn, có năng lực và tâm huyết, có trách nhiệm, xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội. Thầy có ra thầy thì trò mới ra trò được. Bộ GD-ĐT cần phải nhanh chóng có những quyết sách để chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, hạn chế trong thi cử và soạn thảo chương trình, sách giáo khoa.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết, Lạng Sơn: Giáo dục khó có thể phát triển vượt bậc ngay lập tức mà cần có thời gian
Thực sự, ngành GD-ĐT cũng có nhiều bất cập, so với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhân dân đang chờ đợi một sự phát triển nhanh nhưng nâng cao chất lượng GD không phải là việc có thể diễn ra một sớm một chiều được. GD thuộc thượng tầng kiến trúc. Sự phát triển của thượng tầng kiến trúc bao giờ cũng chịu sự quyết định của hạ tầng cơ sở. Với một hạ tầng cơ sở và trình độ tổ chức xã hội đang còn nhiều vấn đề như thế này mà chúng ta mong có một nền GD phát triển vượt bậc là rất khó. Thu nhập bình quân theo đầu người của Việt Nam chỉ bằng 1/3 của Thái Lan, gần bằng 1/10 của Singapore và về chỉ số phát triển kinh tế, Việt Nam chỉ xếp thứ 130/175 nước. Trong tình hình ấy, thứ hạng về chỉ số phát triển con người mà chúng ta đạt được, trong đó có đóng góp của ngành GD (xếp thứ 109/175 nước, cao hơn chỉ số phát triển kinh tế 21 bậc) là rất đáng kể. Tôi cho rằng đây là một cố gắng lớn. Nhiều người, trong đó có cả những đồng chí vốn là lãnh đạo ngành, sốt ruột về sự phát triển của GD cũng tham gia phê bình ngành. Phê bình thì đúng thôi nhưng không thể nôn nóng được. Có giáo sư viết bài nói nền GD của chúng ta không được nước nào công nhận, bằng cấp của ta không được nước nào công nhận. Trên thế giới không có nước nào được trao quyền công nhận hay không công nhận nền GD của nước khác. Còn về việc công nhận bằng cấp, theo thông lệ, các nước phải ký hiệp định công nhận lẫn nhau. Cho nên thông tin không chuẩn xác rất dễ làm cho xã hội hiểu lầm. Việc công bố kết quả tuyển sinh ĐH vừa qua không có phân tích nên nhân dân không hiểu. Nhiều đại biểu Quốc hội có nói đến con số 10.000 điểm 0 trong kỳ thi tuyển sinh ĐH vừa qua và cho đây là một yếu kém. Nhưng tôi nghĩ số điểm 0 ấy cần phải xét lại xem đó có phải là HS bỏ thi hay bị đình chỉ thi hay không. Tôi nhấn mạnh rằng, đánh giá cuộc cải cách GD hiện nay phải thật đúng, xem ta được cái gì là lớn, những chi tiết nào còn phải tiếp tục hoàn thiện thêm, có như vậy chúng ta mới biết sai chỗ nào mà sửa. Bộ GD-ĐT cần đánh giá khách quan và công bố cho toàn dân biết.
Hương Giang, Thế giới mới 17/11/2003
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam SơnĐánh thức đất trong Tết nguyên đán
01/01/1900Nguyễn Vinh PhúcBức tranh muôn mặt của khủng hoảng kinh tế thế giới
01/01/1900Minh Bùi