Quan hệ thầy trò

09:51 SA @ Thứ Năm - 19 Tháng Mười Một, 2009

Trưa nay, mẹ đến trường gặp các thầy giáo của con. Ban đầu cha nghĩ, thành tích của con như vậy thì mẹ không cần đến trường. Nhưng giờ không thể không thừa nhận mẹ đã quyết định đúng, bởi mẹ đã mang từ trường về một số tin tức cha mẹ không biết, và cũng cho các thầy biết nhiều thông tin để hai bên gỡ bỏ khúc mắc.Ví như thầy dạy nhạc đã cho rằng con chỉ bày trò khi xin dùng chiếc piano của trường nên không cho. Sau khi nói chuyện với mẹ, thầy không những đáp ứng yêu cầu mà còn giới thiệu cho con một thầy dạy nhạc nổi tiếng.

Cha mẹ vẫn nghĩ rằng vì con tranh cãi với thầy Anh văn nên bị “trù”, hoá ra vừa gặp mẹ, thầy đã khen con giỏi sáng tác, thầy chỉ đọc một đoạn là biết. Khi mẹ nhắc đến chuyện con tranh cãi với thầy trên lớp, thầy vẫn không cho rằng mình sai, đồng thời giải thích quan điểm cho điểm của mình - rõ ràng thầy đã đúng. Nếu không có cuộc gặp đó, e cha mẹ sẽ luôn nghĩ rằng thầy sai, thầy cũng sẽ mắc mớ vì e con nghĩ là bị “trù”.

Khiến cha mẹ ngạc nhiên nhất là nhận xét của thầy tiếng Pháp. Khi thầy nói con có thái độ không tốt trong giờ học, mẹ không tin, hỏi liền hai lần: “Thầy có nhầm không?” Đến khi thầy nói con trong giờ học toàn nói chuyện với Howard, mẹ mới tin vì Howard là bạn học tiếng Pháp thân nhất của con.

Thầy tiếng Pháp lấy luôn ví dụ, hôm nay họp phụ huynh nên giờ tiếng Pháp rút ngắn chỉ còn 15 phút, vậy mà thầy dạy đến mười phút, con vẫn chưa mở sách giáo khoa ra!

Trời ơi! Con phải biết, mà tin rằng con cũng biết rồi: khi cha lên lớp, cha ghét nhất những học sinh nói chuyện riêng, không những họ không nghe giảng nên học kém mà còn ảnh hưởng tới người khác. Tệ hại hơn, họ làm ảnh hưởng tới việc dạy của cha, làm cho bài giảng bị cắt ngắn.

Hôm nay, trong số những học sinh ngứa lưỡi mà cha rất ghét hoá ra lại có cả con của mình. Con làm cha không biết phải nói sao, đồng thời khiến cha ngượng với thầy dạy tiếng Pháp.

Đúng vậy, con nói rằng mình chỉ nói chuyện khi thầy giáo tán chuyện chứ không giảng bài. Thầy cũng nói vì phương pháp dạy của mình quá thoải mái khiến cho con xem thầy như người anh, thành ra quá trớn.

Nhưng con nên biết, chính vì cách dạy của thầy thoải mái nên con càng cần hợp tác, để những câu nói vui của thầy còn gây được chú ý. Thầy không xem lớp con là học sinh mà như em nhỏ của mình, đó là vì tôn trọng lớp con, vì sao lớp con lại không tự trọng?

Còn nhớ hồi mới đi dạy đại học, buổi đầu cha nói với sinh viên: Để cho các em học được nhiều, tôi sẽ nói đến rất nhiều tên đất, tên người; nhưng dạy nhiều không có nghĩa là thi khó, mọi người không cần lo lắng. Quan trọng là kiến thức chứ không phải điểm số, chỉ cần gắng sức học tập, tôi không lấy điểm số để gây khó dễ cho mọi người.

Dường như cha nói câu đó ở lớp nào là lớp đó loạn. Sinh viên tán gẫu, lớp đã ít, người vắng mặt lại ngày một nhiều. Cha buộc phải “rắn mặt”, tuyên bố sẽ kiểm tra bất ngờ, mới lập lại được trật tự.

Mỗi lần buộc phải “thay đổi chính sách” cha lại nghĩ: Vì sao khi cha tôn trọng sinh viên, họ lại quá trớn như vậy, họ không tôn trọng thầy, không tôn trọng tri thức, lại càng không tôn trọng bản thân.

Thầy tiếng Pháp của con cũng chẳng nghĩ như cha sao? Thầy mong cười đùa vui vẻ sẽ làm tăng tình thầy trò, nhưng liệu kết quả có ngược lại? Khi dành ba ngày nghỉ để đưa lớp con tới vùng nói tiếng Pháp Quebec của Canada, liệu thầy có vì thấy không kiểm soát được nên bỏ mặc lớp con?

Hãy nhớ! Thầy giáo luôn là thầy giáo, bất kể thầy có giống người anh hay không, dù thầy có ngồi lên bục giảng để tán gẫu, thầy vẫn luôn là thầy. Lớp con phải xem thầy là trung tâm, để mỗi lời nói, tiếng cười của thày đều được tương tác, bởi thành tựu của thầy cũng chính là thành tựu của lớp con!

Cuối cùng, cha muốn nói với con, dù trên lớp con có nhiều biểu hiện không đúng, nhưng thầy tiếng Pháp không những cho con điểm cao nhất mà còn vượt tới mức 108 điểm; thầy Anh văn không những không “trù” mà còn cho con điểm cao, lại tình nguyện ở lại thêm để hướng dẫn con sáng tác.

Cha không khen con, chỉ thán phục các thầy của con; và cả mẹ, dù bận tối mắt vẫn dành thời gian đến gặp các thầy.

Mối liên hệ thầy - trò - phụ huynh thật quan trọng!

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: