Diễn đàn “Ơn thầy cô trả bằng gì?”

12:58 CH @ Thứ Năm - 19 Tháng Mười Một, 2009

Sau bài viết mở đầu diễn đàn của giáo sư – viện sĩ Phạm Minh Hạc nói về một nền giáo dục cần có sự tinh tế trong tri ân thầy cô (Biết ơn người thầy đang thực tế hơn - số báo ngày 13.11) và câu chuyện của nhà văn Trầm Hương, chia sẻ quan niệm cá nhân về việc nên hay không nên tặng phong bì (Phong bì không có lỗi - số báo ngày 16.11), diễn đàn đã thật sự “nóng” lên khi thu hút được nhiều sự trao đổi, quan tâm đặc biệt từ đông đảo bạn đọc.Trong số báo này, chúng tôi tiếp tục chuyển tải một góc nhìn khác qua lăng kính, tiếng nói từ chính các em học sinh, cùng tâm tình của một người thầy nhận quà nhưng lòng trĩu nặng.

Theo thời gian hình ảnh của người thầy đã dần thay đổi. Cách tri ân vì vậy có nên thay đổi? Trong ảnh là một buổi học của thầy và trò ngày xưa.

Ảnh: Tư liệu

Những tiếng nói từ học trò

Đỗ Minh Trí, sinh viên cao đẳng Phát thanh truyền hình II, TP.HCM

Phong bì là chuyện nên làm

Ngày xưa, khi còn học phổ thông, tôi thường tự tay làm thiệp tặng thầy cô. Có năm còn tham gia diễn và dàn dựng các tiết mục văn nghệ của lớp để tri ân thầy cô. Năm nay, không có dịp làm thiệp hay thực hiện các tiết mục văn nghệ nhưng tôi sẽ gửi những tin nhắn với nhiều lời chúc tốt đẹp nhất đến từng thầy cô vào sáng ngày 20.11. Tôi nghĩ việc đưa phong bì cho thầy cô là một chuyện nên làm. Đưa phong bì thực chất là một cử chỉ đẹp để tri ân đối với những người đã dày công dạy mình kiến thức trong thời buổi kinh tế khó khăn và đời sống của nhiều thầy cô còn quá vất vả như hiện nay.


Đặng Lê Trung Nam, học sinh lớp 12 trường THPT Gia Định, TP.HCM:

Quan trọng là tình cảm

Tôi không thích trả ơn thầy cô bằng phong bì vì đưa tiền cũng giống như xúc phạm thầy cô vậy. Quan trọng là tình cảm, sự biết ơn của học sinh dành cho thầy cô, hiểu được vai trò của thầy cô trong sự nên người của mình. Có một dịp ngày 20.11 tôi đã bị cô chủ nhiệm doạ mời phụ huynh lên gặp vì tặng quà cho cô là một… ổ bánh mì không nhân. Thực ra cô chỉ đùa thôi vì đó là món cô thích ăn nhất. Kể câu chuyện đó để thấy rằng không phải tiền lúc nào cũng thay thế được cho tất cả. Trong ngày 20.11, lớp tôi thường tổ chức làm thiệp, tới giờ học sẽ tặng cho thầy cô cùng những bài hát. Sắp tới là thi học kỳ, hiện lớp tôi đang cố gắng hết sức để đều đạt điểm cao, coi đó như một món quà ý nghĩa nhất tặng thầy cô trong năm học cuối cấp này.


Nguyễn Quang Ba, sinh viên đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM

Thấy nó sòng phẳng sao đó

Thời học sinh cũng như bây giờ là sinh viên, tôi chưa bao giờ lựa chọn cách trả ơn thầy cô bằng phong bì vì làm như vậy mất hết ý nghĩa. Càng lớn tôi càng cảm nhận được tình cảm và công ơn thầy cô đã dành cho mình. Tôi thấy thầy cô như cha mẹ của mình ở trường. Chỉ có điều những người cha, người mẹ đặc biệt này chăm lo cho cả ngàn đứa con của bao khoá học. Gửi phong bì cho thầy cô, tôi thấy nó sòng phẳng sao đó. Tình thầy trò thì làm sao đong đếm hết được mà quy ra vật chất. Tôi nghĩ thầy cô cũng chẳng cần học sinh phải trả ơn mình bằng tiền như vậy đâu. Quan trọng là tình cảm của học sinh đối với thầy cô. Có nhớ tới thầy cô không? Có nên người như kỳ vọng của thầy cô không?...


Nguyễn Thoại Ngọc Trâm, sinh viên chương trình liên kết với đại học Broward (Hoa Kỳ):

Sự thành công của trò là quý nhất

Ngày 20.11 tôi thường cùng bạn bè trở lại ngôi trường cấp ba của mình ở Bến Tre để thăm sức khoẻ thầy cô cũ. Chúng tôi cùng nhau thăm hỏi thầy cô trong không khí thật vui: tặng hoa, chúc thầy cô dồi dào sức khoẻ và đặc biệt là “báo cáo” với thầy cô về thành tích học tập của mình. Tôi nghĩ, chính tấm lòng đối với thầy cô và sự thành công của học sinh mới là món quà ý nghĩa hơn bất cứ giá trị vật chất nào khác.


Huỳnh Lưu Đức Toàn, sinh viên đại học Ngoại thương TP.HCM

Không có chuẩn mực cho quà

Chuyện bao thư cho thầy cô theo tôi không nên vì sẽ làm cho ý nghĩa của ngày tri ân giảm bớt đi. Chúng ta tri ân người đưa đò chứ không trả tiền họ vì chuyến đò đã qua. Không có một chuẩn mực nào để quyết định nên tặng quà gì cho thầy cô nhưng sẽ có một chuẩn mực cho tình cảm, đó là phải xuất phát từ tâm hồn học trò. Đôi khi tôi lại thấy có chút ganh tị với các bạn học sinh cấp ba khi được tụ tập thăm thầy cô bởi đó dường như đã thành một nét văn hoá học trò rất dễ thương. Chỉ là đến nhà thầy cô, trò chuyện, uống nước và nói lại chuyện cũ hoặc kể về những điều vui, điều hay mà mình trải nghiệm qua cũng là một hạnh phúc cho cả thầy và trò.


Phan Nhật Nam, sinh viên trường cao đẳng nghề Việt – Mỹ:

Chân thành thì không vấn đề gì

Ngày 20.11 năm nào tôi cũng hẹn bạn bè về thăm thầy cô giáo cũ và những thầy cô đang dạy. Đây là dịp để tôi và bạn bè hỏi thăm sức khoẻ thầy cô và trình bày với thầy cô về kết quả học tập của mình. Đối với thầy cô ở xa, tôi không đến thăm trực tiếp được, tôi thường viết thư để thăm hỏi và chúc thầy cô sức khoẻ để tiếp tục sự nghiệp trồng người của mình. Về việc tặng quà cho thầy cô, tôi nghĩ nếu món quà xuất phát từ tình cảm trân trọng, chân thành thì tuy có giá trị vật chất lớn một chút cũng không phải là vấn đề gì đáng phê phán.

Lá thư của thầy Nguyễn Văn Tú, trường THCS Phạm Văn Đồng (Đà Nẵng) gửi đến diễn đàn, chia sẻ những nỗi niềm của một người thầy không ít lần “bị” nhận quà của học trò trong 23 năm đứng bục giảng. Chúng tôi xin trích đăng.

Nhận quà như thế, thầy buồn hơn vui

Cứ đến ngày Nhà giáo Việt Nam, thấy các em xôn xao làm báo tường, hân hoan bàn với nhau mua quà gì tặng thầy cô, lại đem hoa tươi đặt trên bàn thầy cô, thực hiện tuần học tốt, bông hoa điểm 10, nói lời hay, ý đẹp… không hiểu sao thầy lại buồn hơn vui.

Thực ra có người thầy, người cô nào lại không muốn các em ngoan hiền, lễ phép, học tốt, quý mến, tôn trọng thầy cô, song tất cả những việc làm, những biểu hiện, sự tỏ bày ấy phải xuất phát từ tấm lòng thật, tấm lòng trong trắng, hướng thiện, vô tư của các em thì thầy cô mới thấy lòng mình có niềm vui sướng, sự ấm áp và hạnh phúc thật sự. Thầy buồn, bởi lẽ trong thời gian đến trường, không ít em chưa thật có ý thức vươn lên học tốt, thậm chí có em đến trường như đi chơi cho thoả chí chứ chẳng có ý niệm về việc học. Ấy là chưa nói đến chuyện phấn đấu để trở thành học sinh tốt. Thầy buồn vì có em đi học chẳng bao giờ học bài, làm bài, bao lần kiểm tra bài cũ cũng không thuộc. Thầy cô ân cần, khuyên bảo, dặn dò, bạn bè nhắc nhở lại cứ phớt lờ, thậm chí giỡn mặt, vô phép, vô lễ với thầy cô, có trường hợp lại tỏ thái độ thách đố với thầy cô. Phải nhận quà của những em như thế thì quả thật, chẳng có thầy cô nào thấy vui cho dù các em có nói đó là tình cảm yêu thương, kính trọng, biết ơn của các em đối với thầy cô.

Các em ạ! Thầy cô không giàu tiền bạc, của cải nhưng thầy cô lại giàu tình cảm yêu thương học trò. Thầy cô ai nấy đều mong muốn các em khi đến trường phải thật sự lo lắng về việc học và phải học tốt, phải nghe lời dạy bảo của thầy cô, thực hiện tốt nội quy của nhà trường để sớm trở thành “con ngoan trò giỏi”. Thế là đủ lắm rồi, là thầy cô hạnh phúc, sung sướng lắm rồi! Thầy cô cũng thích các em nghịch ngợm song sự nghịch ấy phải hợp với tuổi học trò, hồn nhiên, vô tư chứ không nghịch kiểu kẻ lớn, của những thanh thiếu niên hư hỏng. Bởi lẽ vậy, thầy cô không mong muốn gì khi đến ngày kỷ niệm nghề của mình mà các em phô trương tấm lòng của mình một cách thái quá, có phần hơi giả tạo nếu như trong những ngày thường các em làm cho thầy cô buồn…

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: