Muốn trường tốt phải có thầy hay

09:27 CH @ Thứ Tư - 16 Tháng Mười Một, 2005

Chúng ta đang bàn đến xây dựng ĐH chất lượng cao, nhưng tên gọi chính xác nên như thế nào, tiêu chí cụ thể ra sao, và đặc biệt đội ngũ giáo sư giảng dạy ở đó có thực sự là chất lượng cao hay không?

Bài viết ngắn này bàn về một chuyện theo tôi là cốt tử nhất trong việc xây dựng đại học chất lượng cao ở nước ta, nhưng chưa được bàn thảo kỹ lưỡng.

Liên quan chuyện này, trước hết xin bàn về tên gọi của đại học chúng ta đang muốn có, tức là bàn đến các khái niệm cơ bản cũng như mục tiêu cần và có thể đạt được.

Tên gọi “đại học hàng đầu” (ĐHHĐ) không xác định rõ về chất lượng, vì ngay ở Việt Nam ta cũng đã có đại học hàng đầu, chỉ có điều cái hàng đầu ở ta còn tụt xa so với cái “hàng giữa” ở nhiều nơi. Còn để xây được đại học như các ĐHHĐ ở các nước phát triển, thì ít nhất dăm chục năm nữa và dù bằng cách nào chăng nữa chúng ta cũng chưa thể có được.

Tên gọi “đại học đẳng cấp quốc tế” (ĐHĐCQT) cũng là một khái niệm không xác định và dễ tạo ra ngụy biện, vì “quốc tế” là một mỹ từ đã từng bị lạm dụng. Rất nhiều thứ dù chất lượng tầm tầm ở bên ngoài nhưng đã được quá nhấn mạnh ở trong nước về yếu tố “quốc tế” như một đảm bảo về chất lượng (chẳng hạn không phải hội nghị khoa học quốc tế nào cũng chất lượng).

Nước nào cũng có nhiều đẳng cấp của đại học. Nếu ta ngầm nói đến đại học ĐCQT như các đại học tầm cỡ nhất ở Mỹ hay châu Âu, thì đó cũng vẫn chỉ là những ước mơ xa vời, chưa thực hiện được.

Theo tôi, tên “đại học chất lượng cao” (ĐHCLC) xác đáng hơn, vì tuy không định lượng, “chất lượng cao” là một khái niệm tương đối thống nhất ở nhiều nơi.

Trong tình hình khi hầu hết những người tỉnh táo và thẳng thắn đều bức xúc về sự thụt lùi của giáo dục và khoa học ở ta, một cách thiết thực và khả thi hơn, ĐHCLC tại Việt Nam trong một hai chục năm tới đây nên và chỉ có thể hướng đến chất lượng ngang với các đại học hàng đầu trong khu vực, hoặc các đại học loại khá ở các nước có nền giáo dục và khoa học tiên tiến. Nếu đạt được mức này, hy vọng sau đó ta có thể dần đạt đến trình độ quốc tế cao ở một số lĩnh vực.

Để có được ĐHCLC, theo tôi, đại thể các điều kiện sau là cốt tử: (1) Có đường lối sáng suốt và quản lý tốt; (2) Có giáo sư giỏi với lương đủ sống; (3) Có sinh viên giỏi với học bổng (nếu nhà nghèo); (4) Có điều kiện học tập, giảng dạy, nghiên cứu tốt.

Có thể thấy điều kiện (3) là tương đối dễ thực hiện. Phân bố trình độ học sinh hàng năm ở nước ta nói chung không khác biệt nhiều. Năm nào chắc cũng có thể tuyển chọn được đủ số học sinh phổ thông hoặc sinh viên khá giỏi cho ĐHCLC. Trở thành sinh viên của ĐHCLC rồi đây sẽ là mơ ước và mục tiêu phấn đấu của học sinh, sinh viên nước ta.

Điều kiện (4) cũng sẽ không khó. Tuy còn nghèo, Việt Nam chắc có thể dành kinh phí xây dựng và tạo điều kiện cần thiết cho ĐHCLC. Có người đã tính chỉ cần bớt mua một chiếc Boeing là ta có thể xây ngay ĐHCLC. Thật ra cũng không cần bớt mua Boeing, chỉ cần bớt lãng phí hay chống tham nhũng được một chút là dư tiền xây ĐHCLC.

Điều kiện (1) phụ thuộc vào chính sách và quyết tâm của Nhà nước, của những người lãnh đạo có thẩm quyền, và một vài cá nhân xuất sắc chịu trách nhiệm quản lý và điều hành ĐHCLC. Trong bài viết ngắn này, tôi muốn tập trung bàn về điều kiện (2).

Không thể hy vọng cứ lấy được chương trình và nội dung của các đại học hàng đầu trên thế giới về là chúng ta sẽ dạy và đạt được chất lượng của họ. Người dạy một môn học với chất lượng cao cần là người hiểu thật rõ về chuyên ngành này và theo dõi được sự tiến bộ thường xuyên của nó.

Quan trọng hơn, người dạy đó cần tham gia nghiên cứu và có kết quả với cộng đồng quốc tế để có thể dẫn dắt sinh viên thật sự đi vào lĩnh vực này. Một nhà giáo đảm nhiệm được việc dạy và hướng dẫn nghiên cứu như vậy ngoài năng lực còn cần được làm việc nhiều năm trong những môi trường đại học chất lượng cao.

Theo tôi, chúng ta thực sự còn thiếu một đội ngũ giáo sư như vậy trong nước. Lý do chính chỉ vì ta chưa có một môi trường đại học chất lượng cao nên những người thầy vốn xưa rất tài giỏi, thường ở nước ngoài về, phần lớn đã không thể tiếp tục giữ được “phong độ” sau nhiều năm làm việc trong một hoàn cảnh với nhiều bất cập.

Một số đồng nghiệp và tôi cho rằng giải pháp hiệu quả và khả thi hơn cả, là đội ngũ giáo sư của ĐHCLC cần được lựa chọn và thu hút từ 3 nguồn:

(a) Các giáo sư hàng đầu ở các trường đại học và các viện nghiên cứu trong nước,

(b) Trí thức người Việt hiện đang giảng dạy hoặc làm nghiên cứu ở nước ngoài và các trí thức Việt kiều về hưu có tên tuổi,

(c) Những người trẻ tuổi đi du học mới tốt nghiệp loại xuất sắc (nhiều người trong số các trí thức trẻ xuất sắc này sau một thời gian làm việc như các trợ lý giáo sư ở ĐHCLC sẽ trưởng thành và có khả năng dần kế tục các giáo sư từ nguồn (a) và (b)).

Thời điểm này là lúc nhiều trí thức giỏi người Việt ở nước ngoài đang ở quãng tuổi từ trên 50 cho đến tuổi về hưu. Vốn là những người có chí khi đi du học và làm việc nhiều năm trong những môi trường cạnh tranh, nhiều người trong họ đã trở thành những giáo sư hay nhà nghiên cứu xuất sắc.

Một điều quan trọng cần đặc biệt chú ý là họ hầu như cũng là lớp trí thức người Việt cuối cùng ở nước ngoài giỏi tiếng Việt, gắn bó da diết với đất nước, có thể hoặc sẵn sàng hồi hương tham gia hoạt động của ĐHCLC theo những cách thích hợp.

Chúng ta phải nắm bắt ngay trước khi cơ hội này khép lại. Phải làm sao để các anh chị với kinh nghiệm và tri thức làm việc lâu năm tại các ĐHCLC từ nhiều nền giáo dục tiên tiến trở thành một phần cốt yếu của đội ngũ giáo sư trong ĐHCLC ở trong nước?

Chúng ta đã thường mời các doanh nhân người Việt về nước làm ăn. Theo tôi, vốn quý nhất của người Việt ở nước ngoài mấy chục năm qua chính là những trí thức. Những trí thức hàng đầu này cũng chính là vốn quý của đất nước.

Trong những kỳ vọng đang khá phổ biến vào sự giúp đỡ của nước ngoài khi chúng ta không có kinh nghiệm về xây dựng ĐHCLC, liệu có bao nơi và bao người lo được lâu dài việc này như việc của chính mình? Và tôi cho là cũng sẽ không có nhiều giáo sư giỏi người nước ngoài đến dạy ở đại học Việt Nam. Nhưng chính những giáo sư người Việt như vậy đang có rất nhiều.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: