Vài lời tản mạn về sách với công cuộc chấn hưng văn hóa
1. Khá đông nhà nghiên cứu lừng danh thuộc nhiều quốc gia và thể chế chính trị khác nhau đã đồng nhất cho rằng lịch sử nhân loại suy cho cùng cũng chỉ có hai thời đại lớn, một là thời đại chưa có chữ viết và hai là thời đại có chữ viết. Thời đại chưa có chữ, Anh ngữ viết là Prehistory, Pháp ngữ viết là Préhistoire, Hoa ngữ viết là 前 史, còn ta thì phiên âm từ Hoa ngữ này là Tiền sử. Nguyên nghĩa, chữ sử có nghĩa là chữ viết. Viết trên xương thú, viết trên da thú, viết trên vỏ cây, viết trên lá cây, viết trên đất nung, viết trên đá, viết trên thẻ tre, viết trên lụa, viết trên giấy và giờ đây còn có cả viết trên mạng nữa… Viết ở đâu cũng đều rất quan trọng vì nhờ có chữ viết mà hậu thế mới có thể hình dung được cuộc sống đa sắc màu của các thế hệ tiền bối.
Cũng theo ý kiến của các nhà nghiên cứu lừng danh, nhờ có chữ viết, con người mới thực sự là con người, vượt xa vạn vật hoang dã để tự mở lối bước vào thế giới văn minh và làm nên muôn vàn kỳ tích. Sẽ thật đáng phê phán nếu có ai đó dám coi thường các bộ tộc chưa có chữ viết nhưng tôn vinh vai trò đặc biệt quan trọng của chữ viết đối với toàn bộ quá trình phát triển của văn minh nhân loại là điều không ai có thể phủ nhận được.
Từ những ký hiệu ban đầu đơn giản đến ký âm các từ đơn, từ ký âm chính xác các từ đơn đến ký âm thật mạch lạc từng câu và từng đoạn văn theo một cú pháp ngày càng chặt chẽ… đó là quá trình tiến triển lâu dài và công phu, trực tiếp tạo ra nền tảng vững chắc cho sự ra đời của vô số sách vở với nhiều dạng thức và thể loại phong phú khác nhau. Sách viết tay, sách in mộc bản, sách in litho, sách quay ronéo, sách đánh máy, sách in chữ chì, sách được chế bản từ computer… Chỉ cần sơ bộ xem qua bề ngoài của một quyển sách, hầu như ai cũng đều có thể hiểu được trình độ văn minh của thời quyển sách ấy khai sinh. Khoan hãy vội bàn đến những giá trị nội dung lớn lao mà chỉ dừng lại ở bề ngoài không thôi cũng đủ để thấy sách là sự xác nhận khách quan và trung thực về bản sắc cũng như năng lực sáng tạo của chính các cộng đồng xã hội quê hương quyển sách ấy.
2. Dù thuộc bất cứ một thể loại nào, dù được sáng tác hoặc biên soạn tại đâu và theo một quy mô lớn nhỏ ra sao, dù chuyển tải những nhận thức hay tư tưởng gì, sách vẫn luôn luôn có những giá trị lịch sử bất diệt của sách. Chẳng phải ngẫu nhiên mà người Việt chúng ta vẫn hay ghép chung sử với sách để tạo ra từ sử sách. Nhờ có sử sách, hậu thế mới dần dần khám phá được cấu trúc và đặc trưng của quá khứ, lại cũng nhờ có sử sách, thế hệ hôm nay mới có thể rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá cho kế hoạch xây dựng tương lai. Nói theo cách của triết gia thì bài học lớn nhất của lịch sử chính là ở chỗ người ta đã không chịu rút ra từ lịch sử những bài học. Phần lớn những bài học vô giá ấy đều kín đáo và lặng lẽ ẩn mình trong sách chứ nào phải công khai hiển hiện trước mắt đâu.
Muốn có văn hiến, triều đại nào cũng phải có kho sách, gọi là văn các là văn khố hay kho lưu trữ đều được, miễn là có ý thức lưu giữ sách. Muốn thuyết phục được mọi người thì phải nói có sách, mách có chứng. Nếu muốn trở thành bậc hiền tài thì bụng phải chứa đầy sách và giá thử chẳng may bị ai đó ví ta với con mọt sách cũng chẳng sao. Người xưa rất quý sách nên kho chứa sách luôn dùng màu xanh chứ không dùng màu đỏ vì màu đỏ trùng với màu lửa, kho sách mà cháy có nghĩa là kho tri thức bị thiêu trụi, hoang tàn lớn hơn tất cả mọi sự hoang tàn. Học trò xưa cũng được coi là kho sách di động nên áo học trò thường có màu xanh. Vào mùa đông giá rét, áo ấm có thể che thân áo màu xanh nhưng cổ áo màu xanh vẫn bắt buộc phải chìa ra ngoài cho mọi người nhìn thấy, vì thế học trò cũng thường được gọi là thanh khâm (cổ áo xanh). Thấy học trò là thấy sách, thấy sách là thấy tương lai của đất nước. Cội nguồn tin cậy và vững chắc của quá trình chấn hưng văn minh nhân loại được hình thành tại đây.
3. Xã hội ngày càng có quá nhiều những xu hướng nhận thức chính trị, khoa học và văn hóa khác nhau, tất cả được đọng lại trong từng trang sách. Lập trường chính trị đối nghịch đến mức quyết chí triệt tiêu nhau. Trình độ khoa học cao thấp đến độ biệt lập như trời với đất, như non cao với vực thẳm. Ứng xử văn hóa ngổn ngang trăm mối, gồm đủ cao thượng và thấp hèn, nhân bản và vô đạo. Hóa ra, giữa người không có cơ may được đọc sách với người không biết nghiêm cẩn chọn lựa sách ngồn ngộn giữa thị trường để đọc, chưa chắc ai đã tệ hơn ai. Đành là ai cũng phải cố gắng tìm điều hay trong sách để học, thấy điều dở trong sách để tránh, nhưng phân biệt rạch ròi giữa điều hay và việc dở nào phải là dễ đâu. Tiến Sĩ Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê viết: những điều ghi chép trong sử sách luôn tỏ rõ sự phải trái, công bằng yêu ghét, vinh hơn hoa cổn, nghiêm hơn búa rìu. Đó đúng là cái cân, là cái gương của muôn đời vậy[1]. Hoàng Giáp Vũ Quỳnh tự sự: dấu xưa còn đó, tất cả chỉ cốt khuyên theo điều thiện, ngăn cấm điều ác, bỏ lòng dối trá và dưỡng tâm chân thực… tức là chỉ mong sao cho phong tục ngày một tốt đẹp mà thôi[2]. Sùng Nham Hầu Tiến Sĩ Dương Văn An bộc bạch: xem lời khen một người thiện thấy vinh dự hơn cả việc được áo gấm vua ban thì phải nuôi lòng hâm mộ đấng trung nghĩa để rồi cố noi theo. Xem lời chê một người ác, thấy ghê gớm hơn cả búa rìu thì phải biết xấu hổ thay cho kẻ loạn tặc để rồi luôn tự răn mình[3]. Cũng theo mạch tư duy này, Bảng Nhãn Lê Quý Đôn nói: ghi chép những lời dạy hay hoặc những lời nói phải của cổ nhân rồi dùng lời đó để lo giữ mình thì có thể được yên thân. Suy rộng những lời đó ra thì ta có thể làm được việc để giúp đời. Nghiên cứu mưu sâu và kế tốt của cổ nhân thì khi có người hỏi ta có thể ứng đối đầy đủ và khi hữu sự thì ta có thể theo đấy để mà châm chước[4]. Tóm lại, các cây đại bút của ngàn xưa đều đánh giá rất cao vai trò của sách vở. Nhưng một khi không phải sách nào cũng đều nặng lòng chuyển tải các giá trị học thuật và nghệ thuật thiêng liêng thì quả đúng tín thư bất như vô thư nghĩa là tin sách chẳng bằng không có sách. Những loại sách mà người Anh gọi là counter-culture, người Pháp gọi là contre-culture và người Hoa gọi là 反 文 化[5] thì không bao giờ vì chính nó hoàn toàn không thể nào tham gia quá trình mở lối vào văn minh và chấn hưng văn hóa nhân loại, ngược lại, chỉ lạnh lùng làm băng hoại luân thường và đại đạo làm người. Cổ nhân vẫn thường nghiêm khắc lên án bảy loại sách sau đây:
Một là cuồng thư(狂 書): sách chuyên bàn những chuyện điên rồ, gây nguy hại cho sự yên bình của xã hội, tạo ra những tác động xấu tới nhận thức và hành vi của mọi người, nhất là tuổi trẻ.
Hai là loạn thư (乱 書): sách vô tình hoặc cố ý gây xáo trộn đối với kỷ cương và phong hóa của cộng đồng, xúi giục bốn phương thiên hạ làm những việc trái với phép nước.
Ba là hoang thư(荒 書): sách chuyên ghi chép những chuyện bịa đặt ly kỳ và khó tin nhằm đáp ứng tính háo sự lạ của bộ phận xã hội ít hiểu biết, khiến họ hay suy nghĩ theo xu hướng hoang đường.
Bốn là huyễn thư(炫 書): sách viết ra chỉ nhằm mục đích tự khoe khoang về họ tộc, gia đình và bản thân, gây nhiễu loạn nhận thức của không ít người, nhất là những người ở xa.
Năm là quái thư(怪 書): sách chuyên viết về những chuyện rất dị thường và quái đản khiến cho tư tưởng mê tín dị đoan có cơ hội phát triển, gây phương hại tới nền nếp gia phong.
Sáu là dâm thư(淫 書): sách cổ vũ hoặc đồng lõa với sự dâm loạn của những kẻ hư hỏng, khiến đạo hạnh làm người bị rẻ rúng và ngày càng suy đồi, sự thấp hèn có cơ hội trỗi dậy.
Bảy là đạo thư(盜 書): sách ăn cắp nội dung, ý tưởng hoặc phong cách diễn đạt của người khác. Ăn cắp, dù toàn bộ hay một phần tác phẩm cũng đều là ăn cắp và do vậy, cần phải nghiêm phê.
Không phải tất cả những quyển ngoài bảy loại nói trên đều là sách tốt nhưng ít ra cũng vô hại. Nếu một đời chỉ chuyên chú đọc sách từ loại vô hại trở lên, ích lợi nào phải là bé nhỏ đâu.
4. Là một trong những người cầm bút lâu năm, từng tham gia cộng tác với khá nhiều nhà xuất bản, đã có hàng trăm đầu sách được xuất bản và rất nhiều lần tái bản, tôi nghiệm thấy quy trình giới thiệu một quyển sách với bạn đọc gần xa ở Việt Nam ta trong mấy chục năm qua cũng biến đổi nhiều lắm, có khi sự biến đổi lớn đến mức không ngờ.
Có một thời, việc in sách sao mà khó khăn quá. Nhà xuất bản thì ít mà cơ quan kiểm duyệt lại quá nhiều. Sự nặng nề luôn bao phủ tư duy của người cầm bút. Các tác giả giàu tâm huyết chẳng dại gì viết cẩu thả nhưng họ rất ngại nghe những lời góp ý quá nặng nề của những người hầu như cả đời không thể nào viết nổi một trang sách nào cả. Bấy giờ, quyển sách nào cũng chỉ được in trên giấy xấu. Sự nhiêu khê khiến không ít tác giả ngán ngẩm, buông bút và tìm niềm vui tao nhã ở những nơi phù hợp hơn.
Có một thời, các nhà xuất bản được thực hiện kế hoạch B, kế hoạch C và mở cửa để liên kết. Biên tập thoáng hơn, sách bề thế hơn, số lượng bản in nhiều hơn và hình thức trình bày trong ngoài cũng đẹp hơn, chỉ tiếc là thượng vàng hạ cám đều có đủ. Thị trường sách khiến độc giả dễ bị choáng ngợp và hoa mắt. Thỉnh thoảng tôi vẫn tự hỏi rằng, tại sao các cơ quan quản lý xuất bản lại có thể để tình trạng này diễn ra công khai và đáng tiếc đến như vậy.
Có một thời, công tác lý luận phê bình luôn được đề cao, nhưng gần đây, các bài thuộc dạng này sao mà tẻ nhạt quá, gần như chỉ mới sơ bộ dừng lại ở mức tham gia quảng cáo ấn phẩm mới. Hiếm hoi lắm chúng ta mới may mắn bắt gặp một vài bài mang phong thái của lý luận phê bình nhưng thú thực, điều khiến tôi rất bận tâm là các nhà lý luận phê bình đọc ít quá. Có người liệt kê rất đầy đủ học hàm và học vị cao sang của mình nhưng có đọc mới biết phương pháp luận (methodology) mà họ sử dụng đã bị thế giới loại bỏ từ hơn nửa thế kỷ nay rồi.
5. Mọi sáng tạo đáng kính hàm chứa trong từng trang sách chỉ thực sự có giá trị khi sách được xã hội trân trọng tiếp nhận nhưng rất tiếc là văn hóa đọc đã và đang bị thu hẹp nhanh quá. Tại các bến xe và nhà ga, trên những phương tiện giao thông công cộng, kể ra cũng có một số người lặng lẽ ngồi đọc sách nhưng nếu đếm được bao nhiêu người thì cũng gần như tất cả đều là người ngoại quốc. Tôi từng cất công tới tìm hiểu ở khá nhiều thư viện của các trường đại học tại thành phố Hồ Chí Minh và thấy có hai hiện tượng rất đáng lưu ý. Một là số lượng sách ít ỏi quá. Hai là có không ít quyển tuy đã được khá nhiều người mượn nhưng vẫn còn có những trang do thợ đóng sách xén không kỹ nên dính chặt vào nhau, vậy mà vẫn chưa có ai chịu rọc ra cả. Chẳng biết họ mượn về để làm gì.
Đương nhiên, không có sách tốt hoặc có sách tốt mà không chịu đọc nghiêm chỉnh thì không thể có tri thức mà đã không có tri thức, làm sao có thể nói đến hiện đại hóa, đến sự phát triển nhanh chóng và bền vững cho non sông này. Văn hóa Việt Nam đang cần được chấn hưng và sách chính là một trong những phương tiện cực kỳ lợi lại, góp phần đắc lực vào toàn bộ quá trình chấn hưng đó. Đã đến lúc người cầm bút, nhà xuất bản và xã hội độc giả cần phải có những cuộc thảo luận nghiêm túc nhằm mở lối thênh thang cho sách thực hiện trọng trách tham gia vào quá trình trang nghiêm này./.
TP. Hồ Chí Minh, 03/2012
[1]ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ (quyển thủ).
[2] Lời đề tựa viết cho bộ LĨNH NAM CHÍCH QUÁI.
[3]Ô CHÂU CẬN LỤC.
[4]KIẾN VĂN TIỂU LỤC.
[5]Phiên âm Hán Việt là phản văn hóa.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn