Việc chấn hưng giáo dục không thể chậm trễ
Phải đổi mới toàn diện
Nhìn lại trong thời gian qua, ngành giáo dục đã đạt được khá nhiều thành tựu, tuy nhiên, nền giáo dục nước ta đã bộc lộ ngày càng rõ những hạn chế, bất cập. Chất lượng giáo dục phổ thông chưa cao, mặc dầu tỷ lệ thi tốt nghiệp là rất cao, đầu vào của các trường ĐH và CĐ chưa tương xứng với yêu cầu. Trong khi các ngành khoa học cơ bản là xương sống của nền khoa học nước nhà, thì số thí sinh thi vào ngày càng ít, với chất lượng ngày càng thấp. Còn với các ngành khoa học xã hội thì với kết quả hàng ngàn bài thi môn Lịch sử bị điểm 0, đã cho thấy một thực trạng hết sức đáng lo ngại về trình độ của học sinh ta hiện nay. Việc đông đảo thanh niên ham thích được học CĐ, ĐH là chuyện rất đáng quý, nhưng nhiều sinh viên ĐH sau khi tốt nghiệp phải đi tiếp thị mỳ tôm hay các việc làm tương tự để kiếm sống vì không kiếm được việc hoặc không làm được việc đúng chuyên ngành, khiến chúng ta không khỏi trăn trở về nền giáo dục hiện nay.
Thí sinh sau khi hoàn thành bài thi môn Lịch sử tại Hội đồng thi trường Đại học Công đoàn (Hà Nội) ở kỳ thi ĐH, CĐ năm 2013. Ảnh: Quý Trung - TTXVN
Thực tế, cuộc sống đòi hỏi phải đổi mới toàn diện, đồng thời và đồng bộ trên tất cả các yếu tố cấu thành của hoạt động giáo dục từ mục tiêu giáo dục, nội dung chương trình đến phương pháp dạy học, cơ chế tổ chức quản lý và phương thức đánh giá… Mục tiêu phải đổi mới từ con người khoa bảng thành con người thực tế. Nội dung phải giảm lý thuyết, tăng cường thực tế. Thay đổi phương pháp dạy học từ dạy áp đặt một chiều của người dạy sang tương tác đa chiều, làm cho học sinh thích thú, chủ động và tích cực tự tìm tòi học tập. Đồng thời, phải đổi mới đánh giá học sinh cũng như kết quả học tập hiện nay…
Hiện nay chương trình dạy học của ta có độ “vênh” so với thế giới. Ví dụ như chương trình và sách giáo khoa Sinh học ở bậc phổ thông, chương trình nhiều vấn đề nhưng các vấn đề đưa ra ở đây rất "nông", nhiều nội dung không cần thiết, trong khi số giờ lại quá ít. Liệu rằng một học sinh 12 tuổi ở nước ta có nhớ nổi sơ đồ cắt ngang của một thân cây trưởng thành với các thuật ngữ khó hiểu như vỏ, tầng sinh vỏ, thịt vỏ, mạch rây, tầng sinh trụ, mạch gỗ? Học sinh 13 tuổi có thể nhớ các bộ phận thùy khứu giác, thùy thị giác, não trước, tiểu não, hành tủy, tủy sống của con thằn lằn? Tôi thấy cần tham khảo chương trình các nước. Tôi đã mua trên 70 cuốn sách giáo khoa Sinh học ở bậc phổ thông ở các nước và thấy chương trình ở ta chẳng giống nước nào cả.
Ngành nào cũng cần thi sử
Đánh giá lại chất lượng dạy và học cũng như chương trình sách giáo khoa hiện nay, tôi lại xin mạnh dạn nêu lên vài ý kiến về môn Lịch sử ở bậc phổ thông. Sự kiện có kỳ thi đại học, hàng nghìn thí sinh bị điểm 0 môn Lịch sử không thể coi là chuyện bình thường. Lẽ nào Sử học là khoa học thiếu hấp dẫn? Cần thẳng thắn nhận định rằng ở bậc phổ thông số đông các thầy cô giáo dạy môn Lịch sử đã không làm cho học sinh thích thú. Điều đó theo tôi có thể do chương trình môn Lịch sử chưa thỏa đáng, quá nhiều con số, chi tiết không cần thiết. Học Lịch sử là để rèn luyện lòng yêu nước, chí căm thù quân xâm lược, chứ không nhất thiết cần phải nhớ các diễn biến, các tên tuổi phụ- những điều mà nếu muốn cần tìm hiểu thì chỉ cần một cái nhấp chuột trên máy tính là đã có quá đầy đủ mọi chi tiết. Điều này thể hiện ở các đề thi Lịch sử vào ĐH mấy năm qua, với cách ra đề như vậy thì nhiều chuyện có lẽ thầy cô giáo dạy Sử cũng không thể nào tự nhiên nhớ nổi nên dẫn đến tình trạng học vẹt, học gạo.
Theo tôi, không cứ gì chỉ có khối C mới cần thi môn Lịch sử, mà tất cả các ngành học khác như kinh tế, ngoại thương, ngoại giao, quân đội, công an…đều rất cần kiến thức lịch sử khi bước vào hoạt động thực tiễn sau khi tốt nghiệp. Nếu năm nào không thi môn lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT (rất phổ biến, vì không bao giờ hai năm liền có thi môn Lịch sử) thì có thể biết chắc là học sinh đánh cờ carô khi nghe thầy cô giảng lịch sử và chắc chắn không hề mở sách giáo khoa ra lần nào trong năm học cuối.
Cần thẳng thắn nhận định rằng ở bậc phổ thông số đông các thầy cô giáo dạy môn Lịch sử đã không làm cho học sinh thích thú. |
Việc chấn hưng giáo dục theo tôi không thể chậm trễ hơn nữa. Điều quan trọng không phải là sách giáo khoa mà là chương trình chuẩn quốc gia cho từng môn học. Chương trình đó phải không chênh lệch quá nhiều so với tinh thần của chương trình ở các nước có nền giáo dục phát triển và phải phù hợp với hoàn cảnh nước ta và điều kiện học tập của học sinh.
Nguồn:Tin Tức
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý