Trần trụi với nhân gian
Xưa nay, đã có nhiều định nghĩa về con người, như: Con người là động vật biết lao động, con người là con thú biết cười, hay con người là sinh vật biết bán dâm, con người là động vật biết mặc quần áo. Cái định nghĩa cuối cùng xem ra không ổn vì có thể lẫn lộn con người với giá áo hay manơcanh. Hơn nữa, cho đến nay, đã sang Thiên niên kỷ mới rồi, mà xem ra cái thú khoả thân và xem khoả thân vẫn hấp dẫn con người lắm lắm.
Xưa nay, đã có nhiều định nghĩa về con người, như: Con người là động vật biết lao động, con người là con thú biết cười, hay con người là sinh vật biết bán dâm, con người là động vật biết mặc quần áo. Cái định nghĩa cuối cùng xem ra không ổn vì có thể lẫn lộn con người với giá áo hay manơcanh. Hơn nữa, cho đến nay, đã sang Thiên niên kỷ mới rồi, mà xem ra cái thú khoả thân và xem khoả thân vẫn hấp dẫn con người lắm lắm.
Có lẽ nên định nghĩa con người là sinh vật biết tìm ra những triết lý khác nhau cho sự khỏa thân.
Khỏa thân chính trị của người phương Tây
Tổ tiên của loài người đã ngang nhiên cởi truồng nồng nỗng hàng vạn năm, trong các nơi thờ cúng còn lưu lại nhiều hình ảnh các vị thánh khỏa thân, ấy vậy là sau khi phát minh ra quần áo, loài người đã phải mất nhiều thế kỷ để giành lại quyền khỏa thân như các cụ tổ. Cho đến hôm nay trên các diễn đàn người ta vẫn tranh cãi với nhau về vấn đề tranh ảnh khỏa thân và những cảnh thiếu vải trên phim. Thay vì hồn nhiên cởi truồng đi họp như các cụ tổ loài người, giờ đây đa số nhân loại phải lén lút khỏa thân ngay cả trên phim ảnh. Mặc dù vậy, cái thú khỏa thân cho nghệ thuật và khỏa thân trước ống kính tivi để đấu tranh chính trị và vận động xã hội ngày càng hấp dẫn con người trong xã hội phương Tây.
Khỏa thân tập thể đang trở thành mốt gắn liền với đổi mới nghệ thuật và đấu tranh chính trị trong xã hội phương Tây. Nhiều đoàn biểu tình khỏa thân để thu hút sự chú ý của xã hội vào một mục tiêu tranh đấu. Nếu sông Thị Vải bị Vedan bức tử mà nằm ở Hoa Kỳ chẳng hạn thì chắc chắn sẽ có hàng ngàn người kéo nhau đến tắm truồng tập thể ở đó để nhất loạt chổng mông phơi ngực phản đối các ông chủ Veddan đòi bồi thường cho người dân chứ không có cái kiểu áo quần kín mít miệng im thin thít như nhiều quý vị có trọng trách ở ta đâu! Cởi truồng tập thể là một công cụ đấu tranh lợi hại mà nhiều tổ chức chính trị xã hội ở phương Tây sử dụng.
Cởi truồng tập thể cũng hấp dẫn các nhiếp ảnh gia, nâng số lượng người mẫu khỏa thân phục vụ cảm hứng sáng tác của anh ta lên gấp trăm gấp ngàn lần số lượng người mẫu khỏa thân dành cho các chàng họa sỹ. Quyền uy của nghệ thuật cho phép người ta cởi truồng tập thể ngay trước mũi các nhà đạo đức.
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Spencer Tunick đã bị thành phố New York đưa ra tòa về vụ đưa 150 người cởi truồng đủ cả lớn bé, già trẻ, gầy béo, trắng đen, lông lá, xăm mình... đến xếp hàng chụp ảnh khỏa thân tập thể dưới chân cầu Williamsburg Bridge, nhưng Tòa tối cao đã bác bỏ đơn vì màn khoả thân tập thể chụp ảnh này được xem như là quyền tự do nghệ thuật. Trước đây, nhiếp ảnh gia này đã bị bắt 5 lần vì tội tổ chức cởi truồng tập thể nơi công cộng. Đến mùa hè năm 1999, sau khi bị hàng chục cảnh sát xuất hiện phá ngang màn chụp ảnh khỏa thân tập thể và bắt những người tham dự, nghệ sỹ nhiếp ảnh đã phản công, phát đơn kiện thành phố vì tội vi phạm quyền tự do của nghệ sỹ được quy định trong Hiến pháp Mỹ. Vì luật New York cho việc cởi truồng nơi công cộng là tội hình sự, nhưng luật tiểu bang không cấm chụp ảnh khoả thân nơi công cộng. Thế là Tunic thắng kiện vì đã dựa vào uy danh của nghệ thuật. Nghệ sỹ, hóa ra là người có quyền được cởi truồng hơn người không phải nghệ sỹ. Làm nghệ sỹ kể cũng sướng vậy thay!
Trước đây, ở các nước phương Tây, những chương trình khỏa thân trên tivi thường chỉ là những bộ phim sex chiếu lúc nửa đêm khi trẻ con đã ngủ để hỗ trợ cho dây thần kinh tình dục của các phụ huynh. Bây giờ, ở Nga có hẳn cả chương trình sex-chính trị chiếu lúc nửa đêm, trong đó các cô phóng viên xinh đẹp khỏa thân cầm micro phỏng vấn các chính khách về những vấn đề nghiêm túc quan trọng nhất. Đó là chương trình Sự thật trần truồng (Naked Truth). Người đọc tin thời tiết của chương trình này cũng lại là một nghệ sĩ thoát y. Thế nhưng chương trình lại cấm nói tới cặp vú phụ nữ.
Người sáng tạo ra chương trình này là ông Sergei Moskvin đã nói rằng, bí mật sự thành công của chương trình này là kết hợp hình ảnh nữ phóng viên khỏa thân với việc thông tin thẳng thắn, nghiêm túc, tạo ra hiệu quả hài kịch rất độc đáo và hấp dẫn châm biếm chính khách và phóng viên kiểu Nga. Chương trình Sự thật trần truồng đã thu hút nhiều lãnh tụ các đảng lớn chờ phỏng vấn. Rõ ràng, ngay cả các chính khách lớn cũng thích đặt những vấn đề nghiêm túc liên quan đến hàng triệu con người trên vai một thiếu nữ khoả thân.
Khỏa thân triết học của người phương Đông
Xem ra, vấn đề khiến nhân loại quan tâm không phải là bản thân sự khỏa thân, mà cái mục đích văn hóa xã hội của sự khỏa thân mới là quan trọng. Khỏa thân vì những mục đích xã hội thánh thiện, khỏa thân vì những cảm xúc thẩm mỹ thanh cao, khỏa thân vì tiếng cười hồn nhiên trong sáng, khỏa thân vì chân lý và tiến bộ - tất cả đều OK! Còn khỏa thân một mình chỉ để cho mát mẻ thì sao? Cũng cần triết lý đấy. Ngày xưa, có một nhà triết học Trung Hoa cởi truồng ngồi trong nhà, khách đến chơi thấy thế bật cười, ông mắng: "Ta lấy Trời làm nhà, lấy nhà làm quần áo, sao lại chui vào trong ống quần của ta mà cười ha hả vậy?". Hóa ra, không chỉ có cởi truồng nghệ thuật, cởi truồng giải trí, mà còn có cả cởi truồng triết học! Cái khác nhau trong triết lý cởi truồng của người phương Đông và người phương Tây là ở chỗ người phương Đông sợ hãi rụt rè khi buộc phải khỏa thân nơi công cộng nhưng lại rất tự tin và ngạo nghễ khi khỏa thân trong không gian cá nhân hoặc giả vờ như đang sống trong không gian cá nhân.
Người Việt Nam coi sự trần truồng là hiện thân sự bình đẳng của nhân loại:
Hơn nhau tấm áo manh quần
Cởi ra ai cũng mình trần như ai
Triết lý khỏa thân đó đã xuyên thấm vào những câu ca dao, những sự tích về nhân vật khỏa thân đậm màu minh triết. Sự tích Chử Đồng Tử là một triết lý hay về cái sự cởi truồng trong không gian riêng. Vì nghèo khổ quá, hai bố con phải chung nhau một cái khố, nên vào một ngày đẹp trời kia, Chử Đồng Tử phải khỏa thân nồng nỗng ra bờ sông vắng vẻ để cho gió trời lồng lộng trên làn da. Không ngờ hôm đó Công chúa Tiên Dung đi qua bờ sông nổi hứng lên muốn tắm. Chàng trai họ Chử phải vội vã vùi mình dưới cát để che tấm thân nghèo khó của mình. Không ngờ, quân lính quây buồng cho Tiên Dung tắm đúng vào chỗ Chử Đồng Tử nằm, nên nước giội qua tấm thân nõn nà của công chúa làm tấm thân trần truồng của Chử Đồng Tử phơi ra. Công chúa cho rằng sự hội ngộ của hai tấm thân trần truồng ở bờ sông là duyên Trời sắp đặt nên quyết định lấy Chử Đồng Tử làm chồng…
Khác hẳn những người phương Tây có kế hoạch cởi truồng tập thể vì một mục đích chính trị xã hội hay nghệ thuật rõ ràng trước khi lột phăng áo quần ra, Chử Đồng Tử và Tiên Dung chỉ muốn khỏa thân một mình thôi. Nhưng khi họ bị số mệnh xô đẩy đến những tình huống khỏa thân trước người thứ hai thì lập tức sự cởi truồng của họ được công khai nâng lên tầm vũ trụ, trở nên thanh khiết cao sang và thơ mộng như hai đám mây trần truồng ngẫu nhiên quấn quýt vào nhau giữa khoảng xanh vô tận làm nên tia chớp của duyên trời lóa mắt cả nhân gian. Cái khoảnh khắc cởi truồng ngẫu nhiên đã trở thành ẩn dụ bất tử vì nếu không có cảnh chàng trai Chử Đồng Tử tồng ngồng hiện ra trong buồng tắm của công chúa Tiên Dung thì cũng chẳng thể nào có những huyền thoại về những làng nghề sầm uất bên sông làm nên Thánh Chử, một trong Tứ bất tử của dân tộc Việt Nam.
Người đàn bà Việt Nam từ ngàn năm xưa cũng đã biết khỏa thân để đấu tranh chính trị như các chị em ở New York bây giờ. Có điều họ phải giả vờ như đang cởi truồng một mình trong ánh trăng đêm:
Sáng trăng suông em tưởng tối trời
Em ngồi em ngỏ cái sự đời em ra
Sự đời như cái lá đa
Đen như mõm chó, chém cha sự đời
Cái câu "Sáng trăng suông em tưởng tối trời" thật là thú vị, nó vừa là lời thanh minh cho sự trung thành với cái văn hóa khỏa thân một mình của người Việt, vừa ỡm ờ thách thức cái văn hóa đó, muốn đem của quý ra không gian công cộng một cách bán chính thức để biến nó thành cái ẩn dụ của sự đời mà rủa xả nó, trút lên nó bao nỗi niềm bi phẫn. Không phải ngẫu nhiên tác giả dân gian ví của quý của người phụ nữ như chiếc lá đa. Cây đa cây đề là ẩn dụ của những người tai to mặt lớn thành danh trong thiên hạ, coi của quý của mình như chiếc lá đa chính là một hành vi quật khởi của văn hóa bình dân muốn hạ bệ những thế lực văn hóa phong kiến chính thống đã hạ nhục đè nén họ. Xem ra, dù khỏa thân một mình, khỏa thân dưới ánh trăng... người Việt cũng luôn có ý thức đem cái sự khỏa thân của mình ra để lột trần thói đời giả dối và lừa mị.
Văn học dân gian hiện đại cũng thể hiện sự lạc quan vượt lên những cảnh ngộ bất hạnh qua những câu thơ tự trào nhìn cái chết qua lăng kính của văn hóa khỏa thân:
Vui đi kẻo nữa chết già
Ngồi trên nóc tủ ngắm gà khỏa thân
Đó là những câu thơ vui của người dân Thái Bình ở một làng có nhiều người bị trọng bệnh vì hậu quả chất độc da cam. Không phải ai cũng có nhãn quan hài hước để nhìn ra cái sự cởi truồng của con gà cúng, nhất là những người đang sống cận kề cái chết. Phải có một cái nhìn lạc quan, minh triết, một tâm thế giải thiêng hậu hiện đại mới có thể nhìn vật thờ thanh cao kia như sinh vật khỏa thân để người chết tiếp tục sống với cái nhìn trần thế! Triết lý khỏa thân của người Việt tỏ ra có sức mạnh xuyên tường, xuyên qua mọi cách biệt âm dương và xã hội để kết nối sự sống và cái chết, con người và con vật, kẻ cùng đinh không manh khố rách và bậc quyền quý quần áo đầy kho.
Có lẽ, cái định nghĩa con người là động vật biết mặc quần áo nên đổi thành: con người là động vật biết tìm ra những lý do, lý thuyết cho cái sự trần truồng
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015