Cách mạng tình dục thầm lặng ở Việt Nam

01:51 CH @ Thứ Hai - 03 Tháng Ba, 2008

“Một cô gái sống với bạn trai nhưng giấu gia đình, những thiếu nữ viết blog về tình yêu và các đôi trai gái tìm những góc kín đáo trong công viên khi đêm xuống”, hãng tin Reuters mô tả.

Sự thay đổi về tình dục đang “âm thầm” diễn ra ở Việt Nam – một xã hội mang nặng truyền thống gia đình, vốn luôn cho rằng phụ nữ đến khoảng 25 tuổi phải kết hôn và có con.

Huyền – một giám đốc PR 30 tuổi – rời Hà Nội đến thành phố Hồ Chí Minh làm việc hai năm trước. Sau thời gian đầu sống tại nhà người dì, cô bí mật chuyển vào căn hộ của bạn trai.

“Tôi không nói cho dì biết”, cô kể. “Việc chung sống như thế này khá phổ biến. Hơn nữa, Sài Gòn rộng lớn và nhiều cặp từ các tỉnh cùng chuyển tới đây cũng sống chung”.

Giới trẻ hẹn hò nhiều hơn, quan hệ tình dục trước hôn nhân nhiều hơn, và có nhiều kênh trên Internet để nói về tình yêu và những vấn đề trong quan hệ hơn các thế hệ trước.

Các công viên trong Sài Gòn vào buổi đêm là nơi hò hẹn phổ biến cho những cặp uyên ương muốn tìm sự riêng tư. Mặc dù kinh tế phát triển đã làm thay đổi hình mẫu ba thế hệ sống dưới một mái nhà, điều này vẫn là phổ biến đối với nhiều gia đình.

Các cặp tình nhân ngồi trên xe máy, lưng xoay ra đường và không để ý tới xung quanh. Những bạn trẻ thường ở độ tuổi trên 20, nhóm dân số chiếm hơn nửa trong 85 triệu người Việt Nam.

Ở giữa thủ đô Hà Nội, con đường rợp bóng cây - có cái tên khéo đặt là Thanh Niên - chạy giữa hai cái hồ. Nó có biệt danh “con đường tình nhân”. Các đôi yêu nhau âu yếm và trao những nụ hôn cho nhau trên xe máy, dưới tán cây, hay trên chiếc xe đạp nước.

Theo nhà nghiên cứu Lê Bạch Dương, truyền thống này đã có từ đầu những năm 1980: “Tôi vẫn còn nhớ người ta hay tắt đèn trên đường Thanh Niên vào lúc 7h30 hay 8h tối. Như thể có một thỏa thuận ngầm giữa sở điện và giới trẻ vậy. Đến đêm, họ lại bật đèn trở lại".

Ngày nay, đèn luôn tỏa sáng.

“Có người nói rằng giờ đang là thời điểm cách mạng tình dục ở Việt Nam, nhưng thực ra nó thầm lặng hơn những gì diễn ra ở Mỹ những năm 1960 và 1970”, nhà xã hội học Khuất Thu Hồng nhận xét. “Thật khó giải thích sự thay đổi nhanh chóng này”.

Thay đổi này đặc biệt rõ nét với những phụ nữ độc thân, những người mà các cơ hội việc làm và sự năng động đã trở nên ngang bằng với nam giới. Những năm gần đây, kinh tế phát triển và thu nhập tăng, khi nước Việt Nam nông nghiệp đang tiến tới công nghiệp hóa.

Cách sống đang thay đổi, nhất là đối với những người rời làng quê ra thành phố học đại học hay làm việc tại văn phòng và xí nghiệp. Các chat room, trang web, blog và chuyên mục trên báo chí trở thành diễn đàn để giới trẻ thảo luận về tình yêu, sex và khuynh hướng tình dục.

Người Việt Nam nói rằng quan niệm về tình dục đã trở nên cởi mở hơn. Tuy nhiên, trong các cuộc phỏng vấn đa số không muốn sử dụng tên đầy đủ của mình, một dấu hiệu cho thấy các giá trị gia đình vẫn có nhiều ảnh hưởng.

Như Khuê, một cô gái nhỏ nhắn 30 tuổi, có blog riêng và là thành viên tích cực của một trang web cho phái nữ, nhận xét: “Ở Việt Nam, những người già vẫn muốn con cháu mình phải trinh nguyên nhưng thời thế đang thay đổi”. Theo Khuê và nhiều người khác, có quan niệm cho rằng chỉ những phụ nữ Việt Nam hò hẹn với đàn ông nước ngoài mới quan hệ tình dục trước hôn nhân.

Ngoại tình

“Bảy ngày, sáu ngày cơm, một ngày phở” là câu bình luận của một số người Việt Nam, ám chỉ một mối quan hệ ngoài hôn nhân hay việc quan hệ với gái mại dâm.

Nghiên cứu của nhiều tổ chức cho thấy giới trẻ cũng hoạt động tình dục tích cực như cha mẹ họ vào tuổi đó. Sự khác biệt là cha mẹ họ khi đó đã kết hôn, còn họ thì chưa. Tình dục giờ đây không chỉ còn là duy trì nòi giống hay có người đỡ đần công việc đồng áng mà còn hơn thế.

“Qua tư vấn, chúng tôi được nghe nhiều bạn trẻ cả nam lẫn nữ nói về niềm vui có được từ sex”, Hoàng Tú Anh, một bác sĩ thuộc tổ chức phi chính phủ Tư vấn và Đầu tư Y tế bình luận. “Trong hai hoặc ba năm qua, có một số lượng tăng vọt các truyện ngắn hay tiểu thuyết của các nhà văn nữ viết về tình dục ở phái nữ”.

Tổ chức này có một trang web tamsubantre.org là diễn đàn cho mọi người thảo luận về hôn nhân, các mối quan hệ, sức khỏe tình dục và sinh sản. Quỹ Dân số Thế giới (UNFPA) và nhiều tổ chức khác tài trợ cho một chương trình vào chủ nhật trên Đài phát thanh Việt Nam có tên là “Cửa sổ tình yêu”, một diễn đàn cho các thính giả thuộc đủ lứa tuổi.

“Thật đáng kinh ngạc là ít nhất là bề ngoài, tất cả những thay đổi này không dẫn tới một sự rạn nứt trong cơ cấu xã hội”, Ian Howie, đại diện của UNFPA tại Việt Nam bình luận. “Có vẻ như xã hội đã thích ứng được với sự thay đổi nhanh chóng này”.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: