Tôi là học trò
Tôi đã tới tuổi xưa nay hiếm, song vẫn muốn tự xưng mình là học trò. Đó tuyệt nhiên không chỉ là ý nghĩa thực sự của đời người, mà còn là sự theo đuổi, sự học không có bến bờ và sự suy nghĩ không bờ bến, một cảnh giới đời người, hiểu được vũ trụ không có nơi nào là dừng.
Có điều tôi không chỉ nói về việc học tập, bởi vì người thầy thuốc tốt nhất là cuộc sống, trường học tốt nhất là thực tiễn. Học tập bao gồm tất cả, học là sống, học là tính cách, học là đặc điểm số Một, sở trường số Một, trí tuệ số Một, bản nguyên số Một của cọn người.Học tập là một cách xây dựng, một loại tiết tháo, một loại công năng miễn dịch, học tập là ngọn đèn trí tuệ của đời người.
Học tập là xương cốt của tôi.
Học tập là xương cốt của tôi, học tập là da thịt của tôi (vật liệu và kết cấu). Học tập là tinh khí, tinh thần của tôi, học tập là sự theo đuổi, sự phấn đấu và sứ mệnh cửa tôi. Học tập cũng là niềm vui, là trò chơi, là môn thể thao trí lực. Học tập là sự chống đỡ của tôi, học tập là dinh lũy không bao giờ chiến thắng được; học tập là tính chủ động, tính tích cực vĩnh viễn của tôi, học tập là sự bảo đảm cho tôi không bao giờ thất bại.
Học tập là sự chống đỡ anh dũng là lặng lẽ đối với tà ác. Cũng như tư tưởng là điều không thể tước đoạt, học tập cũng là điều không thể tước đoạt. Học tập khiến tôi kiên cường tới mức dao súng không thể xâm phạm. Ngươi ta có thể vu cáo, hãm hại tôi, tước đoạt và khống chế nhân thân của tôi, song không cách gì khống chế tôi đọc làu thơ Đường, từ Tống và thơ mười bốn dòng tiếng Anh trong lúc tôi nhắm mắt dưỡng thần; người ta không cách nào cấm đoán tôi ôn lại những từ đơn trong tiếng nước ngoài, không cách nào tước đoạt sự suy nghĩ, sự hồi tưởng, phân tích, quan sát và lắng nghe của tôi, thậm chí lắng nghe một tên ngu xuẩn thao thao bất tuyệt nói bậy nói bạ, hống hách ngang ngược, tự cho mình là đúng. Đó cũng là một cách tìm tòi và truy hỏi tính người, là một cách thể nghiệm và quan sát kinh nghiệm nhân sinh, là một cách học tập. Khi một thằng cha nào đó lên tiếng cấm ta học tập thì hắn đã cung cấp cho ta một bài học tính người là ác rất khó kiếm, cung cấp cho ta một vở hài kịch nhân gian rất hiếm gặp, giải đáp cho ta một vấn đề mà lâu nay ta không giải đáp được về con người có thể ngu xuẩn, xấu xa tới mức nào và việc kẻ ngu xuẩn và kẻ xấu một khi tạm thời nắm quyền thì chúng sẽ diễn trò buồn cười tới mức nào. Đương nhiên, ta cũng nên cố gắng lý giải tâm lý và động cơ của kẻ ngu và kẻ xấu ấy xem chúng rốt cuộc tại sao lại tự cho mình đúng đến thế tự vỗ ngực đắc ý đến thế, để rồi từ chúng mà được gợi mở, được cảnh giác, có được bài học. Thấy kẻ xấu không nên chỉ nghĩ về cái xấu của hắn mà nên tự hỏi mình, thử xem trong một điều kiện khác, mình cũng có làm những việc ngu, việc xấu như thế hay không? Hoặc giả mình có chỗ nào sai lầm và sơ sểnh để hắn ta hoặc mụ ta có thể thừa cơ?
Học tập còn là sự hòa giải, hòa hợp và thông hiểu giữa tôi và thế giới khách quan. Thông qua học tập, tôi phát hiện và trân trọng từng khả năng có thể ở điều kiện hiện thực, điều động và lợi dụng mọi nhân tố tích cực, hiểu biết đầy đủ hơn về thế giới này, đúng như nhà triết học Hà Lan Spinoza đã nói: “Không khóc, không cười mà phải lý giải”. Trong mọi điều kiện ta phải làm cho cuộc sống của mình được đầy đặn, hướng tới trước, có ý nghĩa, từ đó mà giũ bỏ được nỗi thất vọng, sự đau khổ và lời than thở vì phí hoài năm tháng.
Chính vì thế học tập khiến tôi lạc quan, học tập luôn khiến tôi có thu hoạch, học tập khiến tôi luôn không đến nỗi bi quan thất vọng, học tập khiến tôi khiêm tốn, khiến tôi có gan, hơn nữa quen với việc thường xuyên phản tỉnh, tự kiểm tra, tự ước thúc mà tôi gọi là “Học rồi sau đó mới biết mình còn thiếu”. Nếu tự cho bản thân đã hoàn mỹ, không khiếm khuyết thì sẽ chặn đứng sự tất yếu phải học tập và khả năng học tập. Học tập khiến tôi không đến nỗi coi mình cao hơn người, tự tâng bốc, khua chiêng đánh trống cho mình, giam mình trong phòng nhỏ mà xưng vương, xưng hùng. Học tập còn biểu thị sự tôn trọng và hướng tới tri thức, trí tuệ, văn hóa, văn minh nhân loại của tôi, trong đó bao gồm cả cuộc sống sinh động.
Cho đền nay, tri thức của chúng ta còn rất hạn chế, lý tính của chúng ta thường sa vào cảnh khốn cùng. Trí tuệ tự cho mình đúng của chúng ta thường bị đi lầm lạc, dẫn tới tự lừa dối mình và dối người, trong cuộc sống của chúng ta còn đầy rẫy những mặt chẳng ưng ý, nhưng chúng ta không thể vì thế mà vứt bỏ văn minh, vứt bỏ lý tính, vứt bỏ đời người mà phải biết đem hết khả năng tìm kiếm viễn cảnh gần với chân lý, gần với hoàn thiện từ văn minh đã có của nhân loại, từ trí tuệ đã có của tự thân và của nhân loại, từ đủ loại bức tranh cuộc sống sống động, từ câu chuyện của đời người và kinh nghiệm của đời người. Ví như y học. Đương nhiên y học hiện nay còn xa với hoàn mỹ không thiếu sót, y học hiện nay cũng chẳng phải vạn năng song tôi chưa tìm thấy phương pháp nào chữa bệnh tốt hơn là lợi dụng y học hiện có. Bảo không thể tin hoàn toàn lời bác sĩ, nhưng cũng không thể không tin, nói thì dễ như trở bàn tay, nhưng nên tin gì và không nên tin gì? Tùy cơ chăng? Nhờ vận may chăng? Không tin lời bác sĩ mà tin lời không thể tin hết của người khác chăng? Thôi đi, tôi thà tin lời bác sĩ còn hơn tin lời tầm bậy do miệng người khác nói ra. Khoa học là như thế. Ở một nước mà ngu dốt và mê tín còn tràn lan, phê phán điều không đủ tin cậy của khoa học hơn nữa lại là lời phê phán của một số tri thức nhân văn mà kiến thức khoa học của họ vị tất đã hơn những người mù khoa học, thì tôi luôn cảm thấy đó là điều bất bình thường. Theo kinh nghiệm của tôi, chí ít thì bản thân tôi cũng thuộc quần thể mù khoa học, mù y học khi đem so với tiêu chuẩn phát triển của khoa học y học, vì vậy tôi thà nể sợ khoa học còn hơn.
Học tập còn khiến tôi vượt lên và siêu thoát. Học tập giúp tôi hễ gặp chuyện gì thì không chỉ quan tâm tới được mất, thành bại trong một lúc, ở một nơi mà coi đó là cơ hội để học tập, là một khâu trong quá trình lâu dài của học tập; mỗi một việc đều hỏi (kể cả tự hỏi), mỗi một việc đều học, thế là tôi có được sự cảm nhận “lên cao nhìn xa”, “phong thái ung dung”, có được niềm vui của sự đi quanh co một hồi rồi cũng tới chỗ sáng sủa.
Học tập khiến người ta có được thái độ và sách lược lành mạnh hơn. Phê phán cũng là phê phán lành mạnh chứ không phải đại ngôn để lừa đời. Đau khổ cũng là đau khổ lành mạnh chứ không phải phản ứng kiểu nghiện ma túy. Cổ vũ cũng là cổ vũ lành mạnh chứ không phải huênh hoang khoác lác. Thành công phải là sự thành công tỉnh táo chứ không phải như Phạm Tiến thi đỗ (1). Đời người là đời người sáng sửa, là chuyến đi xa sáng sủa chứ không phải ngoi ngóp dưới vũng nước đen tối, buồn thảm. Học tập giúp tôi có được trí tuệ, có được ánh sáng; nếu không có được ngay tắp lự thì ít nhất cũng xoay quanh, tiến gần và cảm nhận được trí tuệ và ánh sáng.
Tôi là học trò
Giả Bình Ao có một lối nói rất nổi tiếng, đó là tự nhận “Tôi là nông dân”. Anh nói rất chân thực, rất sát sao và cũng rất chính xác.
Từ khi Giả Bình Ao đưa ra thuyết trên, tôi cứ nghĩ mãi mình có thể nói mình là gì? Cụ tổ tôi sống ở nông thôn tỉnh Hà Bắc, sau năm 1958 , tôi trước sau lao động ở nông thôn hơn tám năm, bản thân tôi có thể còn lưu giữ một số thói quen nào đó của nông dân, chẳng hạn đi đâu thì luôn luôn sợ nhỡ tàu nhỡ xe, chẳng hạn rất quý hạt thóc hạt gạo, dù có no đến căng mề cũng không muốn đổ bỏ cơm thừa, thức ăn thừa. Nhưng dù sao tôi cũng sinh ra ở thành phố lớn, lớn lên ở thành phố lớn, công tác ở thành phố lớn nên không tiện nhận mình là nông dân. Thực ra, nhận mình là nông dân thì có vẻ chất phác, hơn nữa ít phải chịu trách nhiệm về một số sự việc.
Tôi là thị dân? Không đúng. Từ tuổi thiếu niên, tôi đã tham gia công tác cách mạng. Hầu như tôi có thể nói rằng xưa nay tôi chưa từng sống cuộc sống thường ngày của thị dân.
Có một dạo tôi thậm chí suy nghĩ mình tự nhận là cán bộ cho rồi. Tháng Ba năm 1949, khi mới mười bốn tuổi rưỡi, tôi đã chính thức là cán bộ, đảm nhiệm nhiều chức vụ lớn nhỏ, thậm chí hồi “lao động để rèn luyện” ở nông thôn Tân Cương, tôi còn làm đại đội phó của Công xã Nhân dân, đến nay vẫn có tư cách là cán bộ Nhà nước. Nhận mình là cán bộ chẳng có vấn đề gì, tuy hiện nay một số văn nghệ sĩ không thích danh từ “cán bộ”, còn tôi thì phải thật thà nhận mình là cán bộ. Tôi có tâm lý và thói quen của một loại cán bộ, ưu điểm là biết suy nghĩ tới đại cục, khuyết điểm là thích làm thầy người ta và thích ôm những việc không đâu. Hơn nữa làm cán bộ không phải để kiếm miếng ăn, không phải để được thăng quan, không phải vì muốn có đặc quyền mà là vì lý tưởng cách mạng, vì nhân dân, vì muốn tìm hiểu những nỗi khổ của dân.
Nhưng nói như thế cũng không thật đúng. Tính lại thời gian từ năm 1948 (trước khi lập nước), tôi vào Đảng và tham gia công tác cách mạng, tới nay đã hơn nửa thế kỷ. Trong số thời gian ấy, nhận chức cụ thể khoảng 12 năm, bốn chục năm còn lại hoặc đi học (2 năm), hoặc lao động chân tay (13 năm), hoặc “sáng tác chuyên nghiệp” (12 năm), hoặc “lui về tuyến sau” (13 năm), hoặc “chịu sự thẩm tra” (2 năm), như vậy cũng khó nói đời cán bộ xuyên suốt đời tôi.
Mùa thu năm mười chín tuổi, tôi bắt tay viết bản thảo lần đầu truyện dài “Tuổi xuân muôn năm”, tới nay thời gian đã trôi qua bốn mươi tám năm, có lẽ có thể nói tôi là người sáng tác chăng? Nhưng trong bốn mươi tám năm ấy, có đến hơn hai mươi năm, tôi chẳng những không thể sáng tác mà cũng chẳng có tâm thái sáng tác dù chỉ tự nhủ sau này sẽ sáng tác. Tâm thái của tôi lúc đó là tự nhủ sau này không sáng tác nữa. Vả chăng, nếu tự nhận là người sáng tác thì Giả Bình Ao cũng như vậy. Ở đây nói tôi là gì gì, không phải để chỉ sáng tác mà để sáng tác mà để chỉ một tư cách xã hội, tư cách xã hội, tư cách “tiền sáng tác”, huống hồ xưa nay tôi cho rằng sáng tác chỉ là hoạt động nghiệp dư của loài người. Điều tôi muốn thảo luận ở đây là tư cách xã hội, vai trò vốn có của người sáng tác.
Bỗng nhiên tôi tỉnh ngộ: đặc điểm lớn nhất của tôi, tư cách đi suốt cuộc đời tôi, không phải là gì khác mà chính là học trò. Tôi là học trò. Tuy lý lịch học tập chính thức của tôi chỉ có học năm thứ nhất trung học phổ thông, nhưng tôi chưa hề ngừng học bao giờ. Tôi đọc sách, tối bổ sung cho mình kiến thức về mọi mặt. Tôi càng chú ý học tập trong cuộc sống, mỗi người đều là thầy giáo của tôi, mỗi địa phương đều là lớp học của tôi, mỗi một quãng thời gian đều là học kỳ của tôi. Trong tờ khai lý lịch cán bộ của tôi, tôi điền vào mục xuất thân của cá nhân chính là hai chữ “học sinh”.
Sau khi nghĩ kỹ và thấy rõ mình là học trò, tôi mới vui mừng biết chừng nào! Đó không những là một loại tư cách, mà còn là thế giới quan, nhân sinh quan, tính cách và một phần tình cảm của tôi, một phần rất quan trọng và được làm nên một cách hữu cơ. Tôi coi đời người là một quá trình học tập, nó không trống rỗng, suy đồi, tắt lịm vô nghĩa; nó là mục đích, có sự quan tâm, có hứng thú, có thành tích, có ý nghĩa. Là học trò thì ngày nào cũng có bước tiến, ngày nào cũng có ích nhờ học tập. Nó không bao giờ cho mình là tinh anh, tự thổi phồng mình, không bao giờ là Chúa Cứu thế đứng ở trên cao, không phải loại siêu nhân, loại bá chủ mà thà thấp nhỏ còn hơn.
Tôi tình nguyện bắt đầu làm từ học trò trở đi, bắt đầu từ học tập suy nghĩ, thực nghiệm, khảo sát, phán đoán. Nó tuyệt đối không độc đoán, chuyên quyền, không phải kẻ nào thuận theo ta thì vượng, kẻ nào làm trái ý ta thì tiêu vong, mà là “như thiết như tha, như trác như ma, xuân phong hóa vũ, huệ ngã lương đa”(2). Nó không tự cho mình là người sáng tạo, quên mất nguồn gốc của sự việc, vì thế cũng không chửi đồ tất cả theo kiểu bùng nổ và đầy ý đối nghịch, mà tôn trọng lịch sử, tôn trọng tiên hiền, tôn trọng học vấn và cách suy nghĩ khác nhau, tiếp thu mọi thành quả dù mới dù cũ nhưng hợp lý, có thái độ thân thiện với đồng nghiệp và mọi người. Nó là sự thể hiện phẩm chất văn hóa có tính xây dựng. Nó luôn cố gắng tiếp thu, học hỏi, phát minh, phát hiện tri thức mới, quan điểm mới, góc độ mới. Nó tôn trọng lý tính tôn trọng trí tuệ, tôn trọng cuộc sống, tôn trọng thực tiễn và văn minh. Tiền đề của nó là trân trọng và tôn trọng chứ không phải vứt bỏ và áp đảo. Nó cho rằng người nào cũng học được người nào cũng có quyền và có khả năng học tập, đồng thời bất kỳ người nào cũng không thể là chân lý cuối cùng và lũng đoạn chân lý. Nó không thừa nhận người đang sống trở thành thượng đế vạn năng, thành giáo chủ duy nhất, cũng không dễ dãi cho rằng những ai không cùng môn phái với mình thì đều là đồ tà ác, đồ dị giáo và ma quỷ. Nó đối xử dân chủ và bình đẳng với mọi người, nó còn không biết mệt mỏi là gì, không biết tự mãn, tự cho đã đầy đủ là gì, không hề biết cái già sắp đến.
Rất đáng tiếc là tôi chưa hoàn toàn làm được như thế, song tuy chưa được như thế nhưng lòng tôi luôn hướng về nó. Tôi mãi chưa thể gọi được là một học trò đúng quy cách, nhưng chí ít tôi cũng biết rằng làm học trò thì thật hay.
Trí tuệ số một và bản nguyên số một của nhân sinh
Tôi vui lòng đặc biệt nhấn mạnh và thảo luận về tính tuyệt đối của học tập. Đối với tôi, học tập là một khái niệm tuyệt đối. Vì sao lại bảo học tập là tuyệt đối? Thứ nhất vì học tập là vô điều kiện, bất kể điều kiện nào cũng học tập được. Có sách thì học được mà không có sách vẫn học được như thường. Lúc khoẻ thì học, lúc nằm trên giường bệnh cũng học được. Mọi thể nghiệm và kinh nghiệm đều do học mà có. Thể nghiệm mới, kinh nghiệm mới đương nhiên là nhờ học, sự lặp lại thể nghiệm cũng là một cách học. Ôn cũ mà biết mới vì trong tất cả những cái cũ đều có trời đất mới, khả năng mới, cảm giác mới mà ta chưa từng phát hiện, bởi vì ta không thể hai lần bước xuống cùng một dòng sông.
Thứ hai, vì học tập đi suốt từ đầu chí cuối, cùng trời cuối đất, bắt đầu cùng với sinh mệnh và kết thúc cùng với sinh mệnh. Thời gian học tập mỗi ngày của một người là hai mươi tư giờ, thời gian học tập mỗi tuần là bảy ngày, không có ngày giờ nghỉ ngơi thậm chí trong giấc mơ ta vẫn còn hồi tưởng, ôn tập, suy nghĩ, ấp ủ, đau khổ. Tất cả những cõi mộng và không vào cõi mộng, tất cả những kinh nghiệm ngủ ngọt ngào và cay đắng, bình yên và trằn trọc, thỏa mãn và khổ sở đều là một phần của thể nghiệm đời người, đều có thể gợi ý cho ta về đời người, đều yêu cầu ta phải sáng suốt hơn, cởi mở hơn, cao thượng hơn, thuần thục hơn, thân và tâm lành mạnh hơn; đều yêu cầu ta phải có cảnh giới nhân sinh cao hơn, mà cảnh giới đó thì không thể một bước là tới, không hề trải qua học tập.
Thứ ba, vì học tập là bản lĩnh thực sự của một con người, là đặc điểm số Một, sở trường số Một, trí tuệ số Một, bản nguyên số Một của con người, mọi thứ khác đều là kết quả của học tập, ơn huệ của học tập. Một người cũng như một quần thể, suy cho cùng phải có thực lực, mà thực lực thì hầu hết có từ học tập. Cần phải học mới có bản lĩnh, cần phải học mới có tu dưỡng đạo đức, cần phải học mới có tri thức, phải học thì có mưu trí và phản ứng linh hoạt, muốn cống hiến, muốn hy sinh đều phải học; muốn hưởng thụ cuộc sống, muốn nâng cao chất lượng sống của mình đều cần học tập. Thân và tâm được lành mạnh nhờ học mà biết phương thức sống lành mạnh, đặc biệt là mô thức hoạt động tâm lý lành mạnh, do vậy chính là kết quả của học tập. Tính tuyệt đối của học tập và tính số Một của học tập không hề tách rời nhau.
Thứ tư, vì học tập không bao giờ có ngày kết thúc. Mọi sự học tập, mọi sự giảng dạy đều có thời gian, địa điểm riêng. Mỗi chương trình giảng dạy đều có tính mục đích, tính cụ thể, sức sống cùng tính giới hạn. Mọi tri thức và phán đoán đều không vĩnh viễn và vô điều kiện. Mọi trải nghiệm của con người, một mặt là chân thực và rõ ràng - tôi không chủ trương đời người như giấc mộng - vì thế có thể nắm vững một cách xác định; mặt khác lại là nhất thời, ở một nơi và ở một việc, vị tất chúng có thể tiêu biểu cho mọi thời, mọi chỗ, mọi việc, hơn nữa chúng đang trở thành quá khứ, trở thành ngày xưa chỉ chậm hoặc nhanh mà thôi. Người ta không thể tắm hai lần trong cùng một dòng sông, có nghĩa là ta mãi mãi phải đối mặt với vấn đề mới, không bao giờ có sẵn đáp án trăm phần trăm. Phán đoán và tri thức của ta đều do tính cụ thể của học tập mà trở nên có sức sống, song cũng vì tính cụ thể đó mà không thể sống lâu trăm tuổi, chỉ vất vả một lần là thảnh thơi mãi mãi được.
Triết học đương đại phương Tây chủ trương, đặc điểm của khoa học ở chỗ nó có thể bị chứng minh là giả chứ không phải ở chỗ nó được chứng thực. Kiến giải này quả thực rất cao minh, bởi vì mọi quy tắc khoa học đều thông qua rất nhiều lần thực nghiệm, thí nghiệm, dùng phép quy nạp mà khái quát nên. Nhưng dù thực nghiệm, thí nghiệm hàng trăm vạn lần đều có cùng một kết quả như nhau, thì về lý thuyết vẫn không thể đảm bảo lần thực nghiệm, thí nghiệm thứ một triệu lẻ một lần không phát hiện tình hình mới, số liệu mới, tức khả năng chứng minh kết luận vốn có là giả. Đó chính là tính chất đặc biệt của khoa học. Còn như chẳng hạn một số mệnh đề thần học thì không cách gì chứng minh là đúng, cũng không cách gì chứng minh là không đúng, bởi vậy mà không thuộc phạm trù khoa học. Lối suy nghĩ đó có thể gợi ý cho chúng ta nhận thức về một đặc điểm, một phẩm chất của khoa học và chân lý: tìm tòi và nhìn thẳng vào thiếu sót của mọi thứ đã có, tìm tòi một cách để phá kết luận đã có, dốc sức vào tự phê bình để có thể tự hoàn thiện, mãi mãi đặt mình vào quá trình học tập, tuyệt đối không nên cho rằng chân lý đã đủ dùng, đã đến hồi chung cuộc. Cách nghĩ đó sẽ mở rộng rất nhiều tầm nhìn của chúng ta, xóa bỏ sự thỏa mãn, tự cho là đủ và giữ khư khư những thiếu sót của chúng ta, dẫn chúng ta bước vào một cảnh giới mới của việc cầu học, cầu hiểu biết.
Cuối cùng, học tập là bao hàm tất cả. Sống là học, học là sống. Học tập là tính cách; tự nhận biết phát huy và tự khống chế, tự hoàn thiện tính cách đều nhờ học tập.
Học tập là thành tựu, thành tựu là học tập, những gì học được ắt xây nên thành tựu, hoặc chí ít cũng giúp cho việc giành được thành tựu bản thân việc ấy đã là một sự học hoặc thực hành cực hay. Khi đã giành được thành tựu bước đầu và nhận thức được rằng như thế vẫn chưa đủ, cần phải giành tiếp thành tựu lớn hơn nữa, đương nhiên việc đó càng là một sự học. Phản tỉnh sau khi sai lầm, cố gắng bù đắp sau khi phản tỉnh, biết chờ đợi trong tình thế chưa thể bù đắp nổi, biết trấn tĩnh ung dung trong tình huống xấu nhất, dù nhục dù vinh cũng không kinh hãi. cách học như thế thì ngay cả đến nghiên cứu sau tiến sĩ cũng chưa chắc đã tới được mức ấy.
Điều càng quan trọng hơn đó là thực tiễn tức học tập, nhận thức tức học tập, suy nghĩ tức học tập. Nói trên phương diện ý nghĩa của nhận thức luận, mọi sự thực tiễn đều là một phần không thể thiếu của quá trình nhận thức, vì thế mà cũng là học tập. Phàm những ai nắm vững hoạt động thực tiễn xã hội của mình xuất phát từ ý nghĩa của nhận thức luận thì đều là người có tâm, biết cách học, nói cách khác tức là người có tư tưởng. Biết cách giành lấy tri thức, nắm được nhận thức từ thực tiễn, biết cách làm cho những hoạt động trực quan cụ thể, vụn vặt thăng hoa thành cảnh giới tư tưởng, người đó chẳng phải là nhà tư tưởng hay sao? Không nên cho rằng chỉ đọc một vài quyển sách mới được dịch rồi làm ra vẻ có tư tưởng lớn thì là có tư tưởng; càng không nên cho rằng chỉ có được sinh vào năm tháng đặc định nào đó, phù hợp với số tử vi nào đó thì mới có tư tưởng. Lẽ nào tiếp thu tư tưởng, quan điểm, nguyên tắc và phương pháp trong thực tiễn thì không phải là tư tưởng hay sao? Người nào có thể đạt được trí tuệ sáng suốt trong biển dâu của cuộc đời mới là người có tư tưởng. Chí ít chúng ta cũng nên coi trọng những ai biết cách khái quát kinh nghiệm và cảm thụ rồi làm cho chúng thăng hoa thành tư tưởng. Thực ra, ta chỉ cần học sâu một chút thì sẽ đột phá được tầng thuộc lòng nhớ kỹ để bước vào tư tưởng. Phân tích, khái quát, liên tưởng, gợi mở, tìm tòi, đặt giả thiết đều là tư tưởng, chí ít thì cũng là bước đầu của tư tưởng. Đôi khi chúng ta khen một người nào đó có tư tưởng, hoặc bảo người đó có tâm, thì tức là bảo người đó biết cách suy nghĩ, phán đoán, phân tích, tổng kết, tìm tòi và tổng hợp từ thực tiễn. Tư tưởng của một người là cái đáng được khen ngợi nhất, là điều bảo đảm cho trí tuệ sáng suốt, dụng tâm trong sáng, sâu sắc và thực lực; là sự trừ bỏ ngu muội, mê tín, vô tri, vô năng, hồ đồ và nông cạn.
Học vô bờ, suy nghĩ vô bờ và niềm vui cũng vô bờ. Chớ nên tưởng rằng chỉ có những người Hồng Kông, Đài Loan nào thích dùng kệch cỡm những từ mới của phương Tây, làm ra vẻ tinh anh, hầm hầm nổi giận, oán trách, đầu óc u tối cứ như người khác nợ nần gì họ, hơn nữa còn hồ đồ, cù nhầy mới là người có tư tưởng. Chớ nên tưởng rằng người có tư tưởng đều là người có nỗi khổ lớn, mối thù sâu, lưng giắt lựu đạn, nói mấy lời thường thức vặt vãnh là đã anh dũng, lẫm liệt như kiểu sắp tập kích liều chết. Tư tưởng không phải đặc quyền của một số ít người, không phải làm ra vẻ mà có được. Quý học tức là quý tư tưởng, biết cách học tức là biết cách tư duy. Người nào quý thực tiễn hơn nữa thực tiễn một cách thông minh chứ không phải hồ đồ thì đều là tư tưởng gia, hay chí ít thì người đó cũng có khả năng tiến tới tư tưởng có tính sáng tạo và có giá trị.
Tư tưởng đẹp thì đang học tập cũng đẹp
Tư tưởng có giá trị thì thật đẹp, đang học tập là đẹp, đang trong dòng tư tưởng là đẹp, thực tiễn đang trong nhận thức cũng đẹp. Đề xướng học tập là đề xướng tư tưởng, đề xướng trí tuệ và quang minh, diệt trừ ngu muội và đen tối. Dù có nghĩ ra hàng ngàn từ nữa cũng không nói hết được ý nghĩa của học tập, lợi ích của học tập, tính tuyệt đối của học tập.
Đời người, còn có rất nhiều mối nghi hoặc, nhiều luận điểm sai trái, nhiều điều nhất thời nhìn không tỏ, nói không rành, tiến thoái lưỡng nan. Có lúc một người đã trưởng thành không có cách nào nhưng lại phải lập tức quyết hoặc lập tức phải tỏ thái độ tán thành hay không. Khi ta phải khổ tâm đứng trước một sự lựa chọn, ta càng vững vàng hơn để học tập, dùng học tập và tư duy để an ủi nỗi lo lắng của ta, cởi bỏ hết nỗi đau khổ của ta, gợi mở trí tuệ của ta và tìm lời giải đáp cho ta. Học tập nói cho cùng là đi tới chân lý, đi tới tri thức, đi tới quang minh đi tới sự lựa chọn đúng đắn. Đồng thời học tập còn là nơi, ta hoàn toàn không biết mình nên làm gì, thì ít nhất ta hoàn toàn có thể học tập thậm chí mọi nghi hoặc đó lại khiến ta thấy bức thiết phải học, cảm thấy thèm khát muốn được học, cảm thấy rõ hơn mục đích học và mức độ thiết thực của học. Đấy chẳng phải là thời cơ, cơ hội rất tốt để học tập đó sao? Khi ta nhất thời bị hiểu lầm, bị đả kích, bị xuyên tạc, bị phong bế, mà ta chưa có được biện pháp gì, không làm sao thay đổi được hoàn cảnh của mình thì hãy yên tâm mà học, học bổ sung, học những môn có vẻ ít được chú ý mà trong tình hình thuận lợi, ta dù muốn học cũng không có thời gian. Đó chính là lúc bắt đầu những năm tháng học tập tốt nhất trời dành cho ta. Lúc đó hẳn ta càng học được nhiều học phần, càng đạt tới học vị cao hơn.
Cuộc sống: Bộ “từ điển” và “sách giáo khoa” tốt nhất
Đọc sách là học. Đối với tôi, tài liệu học tập rất quan trọng. Ví như học tiếng Duy Ngô Nhĩ, trước hết tôi dựa vào sách giáo khoa của trường Cán bộ Hành chính tỉnh Tân Cương (lúc ấy chưa thành lập Khu Tự trị) trước giải phóng. Từ quyển sách giáo khoa đó, tôi học các chữ cái, học phát âm, học viết, học một số từ, câu và những câu đối thoại. Ngoài ra tôi còn dựa vào một cuốn tạp chí ngữ văn Trung Quốc của những năm 60 thế kỷ XX, số này có bài giới thiệu tóm tắt ngôn ngữ Duy Ngô Nhĩ do Chu Chí Minh, nghiên cứu viên Sở Nghiên cứu Dân tộc ngành Khoa học Xã hội Viện Khoa học Trung Quốc viết. Bài này tôi đọc không biết bao nhiêu lần; đọc một đoạn, dừng một đoạn, rồi quay trở lại đọc bài viết của Chu tiên sinh từ đầu thì lại có được những hiểu biết mới. Có lúc tôi nghe thấy nông dân Duy Ngô Nhĩ có cách nói mà trước đây chưa từng nghe bao giờ, tôi lại giở bài của ông Chu ra tra thì quả nhiên tìm thấy, hóa ra là như vậy. Biết bao nhiêu quy tắc, ngữ pháp, quy tắc biến đổi, quy tắc phát âm, quy tắc cấu tạo, nguồn gốc từ vựng… tôi đều học được từ bài viết của Giáo sư Chu. Giáo sư Chu là một trong những bậc thầy mà tôi hàm ơn nhiều nhất nhưng đến nay vẫn chưa được gặp mặt. Lúc ấy Lâm Bưu đang thuyết giảng “học linh hoạt, dùng linh hoạt, cần dùng gấp thì học trước, học kèm theo các câu hỏi, học sao cho có hiệu quả” trong việc học tập cương yếu trước tác của Mao, song quả thật tôi đã dùng cách đó để học “trước tác của Chu”. Có điều, đó không phải trước tác của đồng chí Chu Đức mà là trước tác của Giáo sư Chu Chí Minh. Chỉ một bài giới thiệu tóm tắt của ông mà suốt đời tôi dùng không hết.
Đúng vậy, học tập có phương pháp là phải biết kết hợp giữa sách vở và thực tiễn. Tôi thường lần mò trở về gốc để xem ngôn ngữ của nhân loại được học như thế nào. Đứa trẻ mới sinh ra chưa biết một thứ ngôn ngữ nào, nó chỉ nghe, nghe hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn lần rồi sau đó bắt chước; lúc mới bắt chước còn nói sai, sau khi thực hành hàng trăm, ngàn, vạn lần thì nó biết nói đúng. Thoạt đầu là nghe, sau đó biết nói, sau đó nữa mới học đến chữ. Như thế nghĩa là học tiếng thì một là phải nghe nhiều; hai là phải mở miệng để nói, không sợ nói sai; ba là lặp đi lặp lại, lặp đi lặp lại không ngừng; bốn là phải giao lưu, công năng của ngôn ngữ là giao lưu, công năng của ngôn ngữ là ở cuộc sống, ngôn ngữ nhất định liên hệ với cuộc sống, ngôn ngữ nhất định liên hệ với hàm ý thần thái tình cảm giống nhau và khác nhau của những người khác nhau. Ngôn ngữ mà học một cách cô lập thì chẳng qua là chất đống ký hiệu mà thôi, chỉ nhận biết và ghi nhớ ký hiệu thì chúng thú vị gì, vì vậy học rất khó vào. Ngôn ngữ cần phải được học bằng cách có liên hệ với cuộc sống và con người, có như thế việc học mới vô cùng sinh động, vô cùng hình tượng, vô cùng linh hoạt, muôn màu muôn vẻ. Chẳng hạn, có một từ người Duy Ngô Nhĩ hay nói nhiều nhất là “mana”, có người dịch là “đây”, có người dịch là cho “đấy”, nếu cứ dựa vào cách dịch đó thì loay hoay không nắm được yếu lĩnh, nhưng một khi dùng trong cuộc sống thì hiểu rõ ra ngay: khi ta vào một hợp tác cung tiêu mua hàng, lúc trả tiền cho người bán, ta có thể nói “mana”, có nghĩa là “thấy chưa, tiền đây lấy trả cho cô đấy!”. Cô bán hàng trả tiền thừa, cũng có thể nói “mana” với ý như trên. Ta muốn tìm một người nào đó ở nơi công cộng, người khác tìm giúp ta và cuối cùng tìm thấy, nói “mana”, có nghĩa là “đây rồi”, không có hàm ý “cho, trả” nữa. Mấy người đang thảo luận một vấn đề gì đó nhưng mỗi người nói một phách, lúc ấy nhân vật đức cao vọng trọng mới phát biểu, chỉ mấy câu mà nói rằng yếu điểm, ai nấy tâm phục khẩu phục, thế là cùng tán thưởng, nói “mana”, có nghĩa là “Thấy chưa nói như mới trúng phóc chứ!”. Hoặc người lại khi ta cãi nhau với vợ, ta càng nói càng tức giận, càng quá lời, lúc đó vợ ta mới lại buột ra: “Anh cút đi, tôi không muốn thấy anh nữa!”. Thế là ta kêu to: “Mana!” với ý “Thấy chưa, tôi đã nắm được yếu điểm của cô, khiến cô cuối cùng phải buột miệng nói ra điều cô không muốn nói ra nhất!”. Thế đấy, phải tách rời cuộc sống thì ta không bao giờ rõ được hàm ý chân thực các từ “mana”.
Một từ đối ứng với ‘mana” là “kini”. “Kini” như một đại từ nghi vấn, khi ta không tìm thấy người cần tìm, ta có thể dùng “kini” đứng đầu câu hỏi của ta, như: “Kini, anh X đi đâu rồi?”. Hội nghị đã bắt đầu nhưng chưa ai phát biểu, ta cũng có thể dùng “kini”: “Kini, phát biểu đi chứ!”, “kini” ở đây có nghĩa là “có ai” tức: Có ai đó phát biểu không? Ta mời khách ăn cơm, khách đã ngồi vào chỗ, thức ăn đã dọn lên, chủ nhà bèn nói: “Kini, xin mời thưởng thức!”. Một toán người xuống ruộng, ra công trường hoặc cùng vào phòng làm việc, tới giờ bắt tay vào việc, đội trưởng, đốc công hoặc ông chủ bèn nói: “Kini, chúng ta còn chưa bắt tay vào việc à?” Như thế “kini” vừa có hàm ý hỏi lại vừa có ý kêu gọi. Vậy rốt cuộc nên hiểu, nên dịch “kini” như thế nào thì thích hợp nhất. Đây là việc mà mọi cuốn từ điển và sách giáo khoa đều không giải quyết nổi. “Kini”, nếu có điều kiện thì sao chúng ta lại không đến với các anh chị em Duy Ngô Nhĩ để học tiếng của họ nhỉ?
Tiếng Anh cũng vậy, tiếng Anh không chỉ là một loại ký hiệu để biểu đạt ý mà còn là một công cụ biểu hiện tư tưởng tình cảm, một loại văn hóa, một loại logích và một phương thức sống. Hiện nay có cách giảng dạy gọi là “tiếng anh nghịch hướng” và “tiếng Anh điên cuồng”, song chỉ cần gạt bỏ những nhân tố vẽ có tính thương mại thì tinh thần học từ cuộc sống, nghe quen âm vận, cùng thái độ coi trọng khẩu ngữ, niềm tự tin học tiếng Anh, nói tiếng Anh, kể cả thái độ say mê đến phát cuồng khi học một thứ tiếng nước ngoài đều là điều đúng và cần thiết.
Quá trình học tập một ngôn ngữ là một quá trình sống, là một quá trình giao lưu linh hoạt giữa người thuộc các dân tộc khác nhau, là một quá trình văn hóa. Ta không những học được ký hiệu ngôn ngữ, mà còn học được tâm thái, phương thức sống, cách giao tiếp, phong tục tập quán, phương thức tư duy, sự lắng đọng văn hóa của một dân tộc khác. Dùng một từ đặc thù của công việc sáng tác văn học nước ta để nói, thì học tập ngôn ngữ là thể nghiệm cuộc sống, thâm nhập cuộc sống. Làm sống việc học ngôn ngữ nước ngoài là một phương pháp học tập rất tốt, cũng là một cảnh giới tinh thần và một quan niệm không những học trong khi dùng, dùng trong khi học, mà khi tới trình độ nhất định thì dùng tức là học, học tức là dùng, người biết cách học thì không thể phân biệt rành mạch đâu là học, đâu là dùng. Chúng ta thường bảo trẻ con bi bô học nói, nhưng thực ra cũng có thể bảo chúng bi bô sử dụng ngôn ngữ. Làm bất cứ việc gì đều có thái độ học tập thì đó cũng là có thái độ cẩn thận chịu trách nhiệm, có thái độ động não, có thái độ đã tốt rồi còn cầu tốt hơn, có thái độ không ngừng nâng cao, có thái độ cùng hứng thú, từ một điều suy ra nhiều điều khác, coi khó nhọc cũng như không, tham khảo nhiều mặt để thông suốt hoàn toàn. Như vậy, là đã kết hợp ở mức độ cao giữa thái độ học tập với thái độ làm việc và thái độ sống, giữa tinh thần học tập và tinh thần làm việc, giữa lý tính công cụ và lý tính giá trị.
Học vô bờ, suy nghĩ vô bờ thì niềm vui cũng vô bờ
Không phải chỉ học ngôn ngữ mới như thế. Khi coi một ngành học là thành quả cuộc sống và lao động của một quần thể, là ghi chép và phương thức của một cuộc sống, là sự thể hiện tập trung của trí tuệ kinh nghiệm, sự theo đuổi, đau khổ và vui sướng, khi kết hợp giữa tìm tòi, theo đuổi học vấn với tìm tòi theo đuổi cuộc sống, coi quá trình học tập là một quá trình sống, biến việc theo đuổi lý tính công cụ thành một nhận thức về giá trị, coi quá trình phấn đấu, chịu khổ và dâng hiến đồng thời cũng là quá trình tiến tới chân lý, hưởng thụ toàn bộ vẻ đẹp của thế giới và nhân sinh, tìm hiểu toàn bộ bí mật của vũ trụ và sự sống, thì khi đó, việc học tập, sinh sống và công tác của ta sẽ đổi khác vô chừng, vì đó là một lý lẽ có tính phổ biến. Về đại thế, nó cũng thích hợp cho việc đọc một truyện dài, đọc một cuốn sách triết học hoặc sử học, thậm chí là toán học; về đại thể, nó cũng thích hợp dùng vào thực nghiệm khoa học và nghiên cứu khoa học.
Không gì khiến người ta xúc động hơn bằng việc phát hiện một chứng minh về nhân tính mà ta quen thuộc trong một cuốn truyện dài. Từ câu chuyện tình yêu trong truyện, ta liên tưởng tới kinh nghiệm tình yêu bao gồm cả tình cảm nào đó manh nha nhưng chưa phát triển thành tình yêu của chính mình hoặc bạn bè; từ những câu chuyện quái đản mang tính mạo hiểm, ta cảm thụ được sự thách thức của sinh mệnh, lắng nghe tiếng tim đập thình thịch trong lồng ngực; từ những đoạn trữ tình dài của tác giả, ta cảm nhận được tình cảm nồng ấm của đời người và niềm vui buồn khó chia cắt từ sự suy nghĩ cửa tác giả, ta liên tưởng đến cảnh ngộ của bản thân và lời giải đáp của mình. Cách đọc như thế về căn bản không cần đến ghi nhớ bằng cố nhồi nhét hoặc ăn sống nuốt tươi, không cần đến túm tóc buộc lên xà nhà hoặc lấy dùi đâm vào vế.
Cũng như vậy, từ những luận chứng về lý luận, ta có thể tìm thấy đâu mỗi giữa sự trải nghiệm của mình với những điều tai nghe mắt thấy, có thể gạt bỏ lớp sương mù về mặt nhận thức tư tưởng; từ một công thức toán học, ta có thể nghĩ tới lô gích tư duy chặt chẽ của bậc trí giả tiền bối, mường tượng ra quá trình tìm tòi cho đến ngọn nguồn, công việc thử nghiệm, chứng minh trở đi trở lại để đạt tới mức độ có vấp ngã cũng không nản cùng niềm vui của bậc trí giả ấy.
Học tập là một cách phát hiện, học tập là khám phá bí mật, học tập cũng như phá án bởi bí mật của thiên nhiên và đời người ẩn tàng đan xen, không dễ gì nhất thời đã tìm ra được. Bởi vậy, khi ta từ thiên nhiên, lịch sử, xã hội, nhân sinh phát hiện ra sự thật còn ẩn náu, từ thành quả của người đi trước mà hiểu được những sự thật đó thì ta sẽ tràn trề niềm vui, không sao dừng lại được, chẳng khác chi phá được một vụ án mới.
Tôi kính trọng những người khổ học, nên càng muốn nói nhiều về niềm vui học tập. Tôi rất tán thành ý đề xướng “bóng đá vui vẻ” của Bom Milutinovic. Chỉ có những kẻ lý sự cùn không thuốc nào cứu được (tức những kẻ chui vào ngõ cụt, cãi chầy cãi bửa, biện luận lấy được) mới cảm thấy cần phải nhắc nhở huấn luyện viên và cầu thủ chỉ thấy vui là chưa đủ mà còn cần khổ luyện. Bởi vì niềm vui và khổ luyện bao giờ cũng bổ sung cho nhau tuy thuộc hai tầng bậc khác nhau. Nói một cách tổng quát, học tập nắm một bản lĩnh, từ vương quốc bắt buộc từng bước một tiến vào vương quốc tự do, giành được thu hoạch mới, thành tích mới đương nhiên là điều vui thú nhất, mà niềm vui là biểu hiện của thành công. Trong quá trình ấy, phải khắc phục rất nhiều khó khăn, ứng phó với rất nhiều thách thức, bỏ ra rất nhiều tâm huyết và sức lực, đó đương nhiên cũng là điều rất gian khổ. Điều đó về đại thể có điểm chung với lý lẽ coi nhẹ mặt chiếc lược, coi trọng mặt chiến thuật mà Mao Trạch Đông từng bàn tới. Về chiến lược, dám thắng nhất định thành công, không phải sợ hãi, rụt rè; về chiến thuật thì lúc nào cũng có nguy hiểm, có quanh co, như thế sao có thể khinh địch được?
Học tập là xây dựng cách tuần tự nhi tiến, bắt đầu từ lúc đào móng cho đến khi sừng sững xây nên tòa nhà cao to, thành công từng bức tranh phong cảnh một. Học tập là sự mạn du về mặt tinh thần, mở rộng không gian và dung lượng tinh thần. Học tập còn là sự thách thức đối với sinh mệnh có hạn, theo đuổi vũ trụ và thời gian vô hạn bằng sinh mệnh có hạn, không phải như Trang Tử nói là “Nguy thay!” mà là “Hùng tráng thay?”. Học tập là một cách kiên trì, một kiểu cố thủ, một tiết tháo, một khả năng miễn dịch. Trong khi học, tuyệt đối không được dối mình, dối người, không được giả mạo, không được làm bộ làm tịch, không được khoác lác, không được tụ tập làm ồn, kéo bè kéo cánh, cũng không thể làm tôi làm tớ, tâng bốc lấy lòng, chiều theo thói tục. Người học tập là người cao nhất, mạnh nhất, trong sáng nhất, lại gian khổ và vui sướng nhất.
Ngọn đèn trí tuệ tiến vào đường hầm vũ trụ
Cho dù là bài viết triết học và toán học trừu tượng nhất thì bài đó cũng thể hiện sức hấp dẫn và ánh sáng của trí tuệ. Trí tuệ có một niềm tự tin, có hung tâm, có sáng suốt; nó chối bỏ bóng tối, không thừa nhận thất bại, không thừa nhận hỗn loạn và thiếu trật tự. Lý tính luôn tuần tự tiến lên trong đường hầm vũ trụ, bước một bước đặt một dấu chân; lý tính vươn mình ra một cách ngoan cường, gạt bỏ nhiều tầng mây mù, phá vỡ nhiều tầng băng cứng, chiếu sáng phần này và chiếu sáng phần kia. Đằng sau nguyên lý triết học và nguyên lý số học, ta sẽ nhận ra trí tuệ cùng với dũng cảm thâm trầm và kiên nhẫn đã hài hòa và đẹp mỹ mãn như thế nào.
Đời người có rất nhiều niềm vui, vận dụng trí tuệ và thắng lợi của trí tuệ là niềm vui nhất của đời người, là điều thiện bậc nhất của tính người, khi ta vắt óc suy nghĩ một vấn đề của đời người, khi ta làm hàng chục, hàng trăm lần thực nghiệm mà vẫn không giành được thành quả vốn đã tin chắc sẽ giành được, bốn phía mênh mông, không một dấu chân, tìm khắp dưới trên, trái phải đều húc phải tường, mệt mỏi chạy vạy, hầu
như tuyệt vọng thì đột nhiên ta như được gợi mở. Sự gợi ý này không trực tiếp, cũng không nhằm trúng vấn đề, nhưng ta nghe được thanh âm của Phật, thấy được một dòng nước, ngửi thấy một luồng thơm, ta hắt xì một cái thì có cái bóng lướt trước mắt ta, một đám mây ngũ sắc hiện trong không trung phía trên đầu thì bỗng nhiên ta hiểu ra, bỗng nhiên ta đổi sang lối suy nghĩ khác, ta dường như tìm ra một con đường lớn khác. Lúc ấy ta mới biết trước nay ta hiểu sai, ta hướng dẫn lầm bản thân ta nên ta đã đi vào ngõ cụt. "Bể khổ không bờ, quay đầu là bến", thoát chết sống lại, chuyển bi thành hỉ chỉ trong một ý nghĩ, một luồng ánh sáng thiêng chiếu rọi xung quanh, một con đường sáng xuất hiện trước mắt, gió thổi tới từ tám hướng, mùa xuân tươi tắn, cung khuyết chín tầng đột nhiên mở thông, đã thông một thì thông cả trăm, đã thuận một thì thuận cả trăm, trời quang rờ rờ, ánh sáng trí tuệ lóe như chớp, thế là làm đâu được đấy, cúi ngửa đều đúng, thế như chẻ tre, khí như cầu vồng, bay cao phơi phới, ý và khí cùng phát ra như gió, làm thành một thể, không chỗ nào không giác ngộ, niềm vui ấy mới khoái lạc biết bao!
Tôi còn muốn nói trí tuệ là một vẻ đẹp, phẩm chất của trí tuệ là trong sáng, ung dung, sắc bén, chu đáo, nhẹ nhàng, việc nặng mà coi như không. Trí tuệ lại rất nghiêm túc, rất hàm súc, phải dụng tâm, khiêm tốn; là nụ cười không bao giờ tắt, là nét duyên dáng không cần lời, là niềm tự tin khi đứng trước mặt vua, là sự thoải mái của mấy trắng, là sự trong vắt của nước mùa thu, là điều tuyệt đối bất khả bại, bất khả khuất phục. Học thức cũng là một vẻ đẹp, học thức là núi cao, là biển cả, là bầu trời và mặt đất, là bao dung, là cá côn (loài cá vực lớn trong truyền thuyết), là chim bằng và cây lớn chọc trời, là gió ào ạt vô biên, là cỏ xanh mướt và hoai tươi, là màu xanh um vĩnh cửu, là bài ca không bao giờ hát hết!
Hãy trân trọng vẻ đẹp của trí tuệ và học thứ nhé! Tuy ngủ xuẩn bao giờ cũng thâm thù trí tuệ, vô trí mãi mãi thù ghét hữu trí, không chịu học và vô thuật mãi mãi thù địch với học và hữu thức, không hiểu lý lẽ sự việc bao giờ cũng căm ghét học và hiểu rõ lý lẽ, nhưng những ai có trí tuệ và ham học tập hãy tha thứ và hãy giúp đỡ những kẻ đáng thương đã ngu xuẩn vô tri mà còn tự cho mình là hay để họ thông minh lên ít nhiều, thông minh thêm hơn nữa. Hãy để cho kẻ ngu thù ghét trí tuệ cuối cùng rồi cũng bị ánh sáng trí tuệ khuất phục.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn