Để xây dựng một xã hội học tập
Mới đây, Hội Khuyến học Việt Nam cùng với Bộ Giáo dục – Đào tạo và một số ngành liên quan đã có đề nghị lên Chính phủ về việc triển khai cuộc vận động "Toàn dân xây dựng cả nước trở thành một XHHT". Sau khi đã xem xét, ngày 27/10/2003, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã có ý kiến chỉ đạo về đề án "Xây dựng XHHT ở Việt Nam". Theo đó Thủ tướng nhấn mạnh: Việc xây dựng XHHT là hết sức cần thiết. Bộ GD-ĐT chủ trì cùng Hội Khuyến học và các bộ, ngành có liên quan xây dựng đề án về xây dựng XHHT trình Chính phủ trước ngày 30/12/2003.
Để rộng đường dư luận, góp phần vào sự nghiệp lớn lao và cao quí này, Diễn đàn Hànội mới Điện tử mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của bạn đọc gần xa, các nhà nghiên cứu, các thầy cô giáo và tất cả những ai quan tâm đến cuộc vận động “Toàn dân xây dựng cả nước trở thành một XHHT”.
Mở đầu, chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của Giáo sư, Viện sĩ Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, nguyên Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương.
Để mỗi người là một chủ thể sáng tạo trong một xã hội văn hóa và văn minh.
GS. TS Phạm Tất Dong.
Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đã làm thay đổi căn bản kỹ thuật và công nghệ sản xuất, giúp cho loài người tạo ra một lượng của cải vật chất công nghiệp từ năm 1970 trở lại đây bằng lượng của cải công nghiệp đạt được trong suốt 270 năm trước đó. Chính cuộc cách mạng khoa học và công nghệ này đã tạo ra những điều kiện thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa, đồng thời nó buộc chúng ta phải đổi mới tư duy kinh tế và tư duy kỹ thuật của thời đại.
Để sống với thế giới hiện đại, sánh vai với các nước phát triển, các quốc gia đều phải xây dựng cho mình một kho tàng trí tuệ đồ sộ và phong phú, phải có được nguồn nhân lưc chất lượng cao, có đủ năng lực nội sinh về khoa học và công nghệ, phải có đội ngũ lao động tri thức thích ứng cao độ với thế giới công nghệ hiện đại. Muốn vậy, mỗi con người trong xã hội phải lấy sự học hỏi làm lẽ sống của mình. XHHT hình thành từ những lý do đó. Trong XHHT, mỗi con người đều phải được giáo dục thường xuyên, đào tạo liên tục, học tập suốt đời. Khẩu hiệu “Đào tạo một lần cho một đời người” được thay đổi bằng khẩu hiệu “Đào tạo liên tục trong suốt đời người”.
Trong XHHT, mỗi người đều có nhiều cơ hội học tập: Học tập ở nhà trường, học tập trong đời sống kinh tế, xã hội và văn hóa. Do đó, hệ thống giáo dục không chỉ bó hẹp trong các loại hình nhà trường, mà còn trong các hình thức học ngoài nhà trường. Đó là hệ thống giáo dục mềm dẻo, tạo ra sự đa dạng của các ngành học, hình thức học, về những kênh liên thông giữa các loại hình khác nhau.
Có thể nói, XHHT là một hiện tượng có tính qui luật của sự phát triển, là vấn đề chung của thời đại. Song mỗi nước lại có chiến lược xây dựng XHHT của riêng mình. Ở nước ta, theo quan điểm của tôi, khi xây dựng XHHT phải chú ý đến mấy điểm sau:
Giai đoạn phát triển đầu tiên của XHHT phải gắn liền với mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội, xóa đói giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội. Phát triển học tập là để tạo ra sự tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Để làm được điều đó thì phải dựa vào khoa học và công nghệ, dựa vào một nền sản xuất bền vững.
Bảo đảm sự tăng trưởng nhất thời đã là một việc khó, còn phải đảm bảo tăng trưởng bền vững lại càng khó hơn. Đối với bài toán tăng trưởng, dữ kiện quan trọng nhất là trí tuệ của dân tọc. Không ít quốc gia chủ trương khai thác triệt để môi sinh tăng trưởng. Tất nhiên tăng trưởng kinh tế chưa hẳn đã mang lại sự phát triển xã hội, bởi thu nhập tăng nhưng xã hội thiếu công bằng, thiếu dân chủ, văn minh... thì chỉ là xã hội lạc hậu. Mà xã hội phát triển phải là xã hội có nhiều khả năng lựa chọn đối đối với người dân trong đời sống hàng ngày của họ. Chúng ta cũng cần phải hiểu cho đúng khái niệm giảm nghèo, trên cả 3 phương diện: giảm nghèo về tri thức, giảm nghèo về sức khỏe và giảm nghèo về cơ sở vật chất.
Giai đoạn thứ hai của việc xây dựng XHHT là phát triển kinh tế tri thức dựa trên trên nguồn nhân lực chất lượng cao, trên cơ sở đầu tư vào một số vấn đề: Nhanh chóng phát triển hệ thống giáo dục sau trung học trong cộng đồng để trí thức hóa công, nông, tạo đội ngũ lao động tri thức. Đại chúng hóa giáo dục sau trung học phải được coi là một hướng phát triển giáo dục quan trọng; tăng đầu tư cho giáo dục để tăng tư bản con người (vốn con người). Muốn làm được điều này thì ngay từ bây giờ phải đổi mới tư duy giáo dục, xóa quan niệm chi phí cho giáo dục là chi phí tiêu dùng, thay vào đó là quan niệm về chi phí cho giáo dục mang tính sản xuất.
Tư bản con người là tổng hợp các khả năng của người lao động và đồng thời là các khoản chí phí của Nhà nước, của doanh nghiệp và của mỗi người cho việc hình thành và thường xuyên hoàn thiện những khả năng đó; phải có đội ngũ nhân tài đông đảo về các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học, công nghệ, quân sự, quản lý kinh tế và quản lý xã hội, có đủ năng lực sáng tạo ra những công nghệ mới, làm chủ những công nghệ cao, bình đẳng với các quốc gia trong vấn đề trao đổi, chuyển giao công nghệ, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, làm động lực cho sự phát triển xã hội học tập, xây dựng con người Việt Nam hiện đại; thực hiện nền giáo dục 100% dân cư với yêu cầu phát triển hết mọi năng lực sẵn có trong mỗi con người như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn. Đó là nền giáo dục phát triển mạnh mẽ các tính con người, phát huy năng lực con người, làm cho mỗi người là một chủ thể sáng tạo trong một xã hội văn hóa và văn minh.
Tóm lại, để xây dựng và hình thành được một XHHT, phải tập trung thực hiện 4 thay đổi lớn:
Thứ nhất: Phải chuyển từ nhà trường dạy kiến thức sang dạy tri thức. Tạo điều kiện để học sinh chuyển từ học để hiểu được sang học để làm được, biến kiến thức thành tri thức của mình. Thay đổi tình trạng học sinh, sinh viên nước ta hiện nay vẫn thiên về lý thuyết mà kém khả năng thực hành.
Thứ hai: Chuyển từ nền giáo dục chính quy, chỉ chú ý đến việc học của trẻ em mà coi nhẹ việc học tập của người lớn sang nền giáo dục chăm lo việc học tập cho mọi người thuộc mọi lứa tuổi. Nền giáo dục đó bao gồm: hệ thống giáo dục chính quy, không chính quy và phi chính quy. Nhà nước phải tạo điều kiện cho người dân được đăng ký học phi chính quy, học tập ngoài nhà trường, học bất cứ cái gì mà người dân cần.
Thứ ba: Chuyển từ nền giáo dục thuần túy chạy theo văn bằng như hiện nay sang nền giáo dục coi trọng việc hình thành và phát triển nhân cách, không chạy theo bằng cấp. Nếu không người học chỉ cần đạt đến mục tiêu có bằng cấp là thôi, không còn động lực học tập để có tri thức, để làm việc.
Thứ tư: Chuyển từ khẩu hiệu "Giáo dục cho mọi người" sang khẩu hiệu "Cả nước là một xã hội học tập". Nghĩa là chuyển từ cơ chế chỉ có nhà nước phải có trách nhiệm tạo điều kiện học tập cho người dân sang cơ chế mọi người dân đều phải có trách nhiệm học tập, học tập để khỏi bị thất nghiệp, bị xã hội đào thải, để không bị lạc hậu và theo kịp các bước tiến của khoa học và công nghệ./.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam SơnBức tranh muôn mặt của khủng hoảng kinh tế thế giới
01/01/1900Minh Bùi