Chân dung người học suốt đời

03:51 CH @ Thứ Hai - 14 Tháng Tư, 2014

Xem thêm:

Học tập suốt đời trước hết là vấn đề của mỗi cá nhân vì mục tiêu cuối cùng của các chính sách hay chương trình hành động giáo dục dù ở cấp độ quốc gia hay toàn cầu là giúp cho mỗi cá nhân đạt được những kiến thức, kỹ năng và thái độ mới để đối phó với những thay đổi nhanh chóng của hoàn cảnh xã hội.

Sự thay đổi quan niệm từ “giáo dục suốt đời” đến “học tập suốt đời” từ đầu thập kỷ 20 đến nay là quá trình từng bước đưa người học từ vị trí thụ động trở thành người chủ động và sáng tạo trong quá trình học tập, nhất là đối với những người trưởng thành. Trong hoàn cảnh học tập suốt đời đang trở thành nguyên tắc cơ bản trong đổi mới giáo dục, hướng đến xây dựng một xã hội học tập ở nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay, có lẽ cũng cần thiết để mỗi cá nhân tự soi mình trong “chân dung” một người học suốt đời (NHSĐ).

Người khám phá thế giới với thái độ chủ động và sáng tạo

Nhiều tác giả về học tập suốt đời nhấn mạnh về thái độ quan trọng đối với NHSĐ là thái độ của một người khám phá thế giới một cách chủ động và sáng tạo. Ronald Gross, tác giả của hai quyển sách best seller trên lĩnh vực này mô tả rõ nét hơn những tâm trạng của NHSĐ. Đó là những người luôn cảm thấy hài lòng với chính mình khi được học tập những điều mới mẻ. Tâm trí của họ cởi mở và thích thú với những kinh nghiệm, ý tưởng, thông tin mới dù cho họ đang thử nấu một món ăn hay lắng nghe một nhà khoa học mô tả công việc của họ. Đối với họ, học tập không phải là một công việc quá đặc biệt mà trở thành một phần trong thói quen hàng ngày. Họ cảm thấy hứng thú khi phải đối diện với những thử thách trong cuộc sống, từ việc giải một ô chữ trên tạp chí hay làm chủ cách sử dụng một chương trình vi tính mới.



Một đặc điểm khác của NHSĐ là họ ý thức rất rõ những điều mình không biết nhưng không trở nên buồn phiền, sầu não vì điều đó. NHSĐ hiểu rằng luôn luôn có những điều phải học thêm, hiểu biết sâu sắc hơn hoặc phải học để làm tốt hơn. VÌ không e ngại cái chưa biết của mình nên họ có thể đặt những câu hỏi “ngớ ngẩn” hoặc thừa nhận mình không hiểu khi lần đầu tiên vấn đề đó được giải thích. Thay vì giả vờ, họ sẵn sàng hỏi cho đến khi thực sự hiểu. Để rồi khi bắt tay vào làm việc, họ có thể sử dụng những kiến thức mới một cách nhanh chóng và tìm thấy được sự liên hệ giữa những điều đã biết với những kiến thức vừa được học.

Tự tin vào khả năng của bản thân để học tập và hiểu biết cũng là thái độ quan trọng khác của người học suốt đời. NHSĐ tin rằng mình có thể chiếm lĩnh được tri thức, những điều mình muốn biết bằng khát vọng mãnh liệt và đi theo phương pháp đúng. Đặc biệt, NHSĐ cũng tin tưởng rằng thời gian đầu tư cho học tập là khoản đầu tư tốt nhất cho sự phát triển của cá nhân và nghề nghiệp trong tương lai. Họ bắt đầu học tập những điều mới mẻ ngày hôm nay mà họ mong muốn cho những năm sắp tới.

Theo các tác giả của quyển Thăm lại học tập suốt đời trong thế kỷ 21 (Revisiting lifelong learning in the 21st century) động cơ học tập đúng đắn của NHSĐ dựa trên sự nhận thức được tầm quan trọng của việc học tập đối với sự phát triển toàn diện của cá nhân và xem học tập là niềm vui trong cuộc sống. Đây là động cơ bên trong chi phối những ước muốn bên ngoài của việc học nhưng đạt bằng cấp, vị trí xã hội hoặc các nhu cầu vật chất khác. Hơn thế nữa, chính những động cơ này sẽ giúp người học phát triển tối đa những tiềm năng của cá nhân.

NHSĐ biết sử dụng những “công cụ” khám phá thế giới. Công cụ của NHSĐ là những kỹ năng xã hội cần thiết cho sự phát triển của cá nhân và thành công trong cuộc sống. Việc sử dụng Internet để tìm kiếm, thu thập và trao đổi thông tin là một kỹ năng đầu tiên không thể thiếu của NHSĐ. Tuy nhiên, NHSĐ cũng cần nắm vững những phương pháp học tập thông qua việc xem truyền hình, nghe phát thanh, đọc sách báo, đi bảo tàng, thư viện, nhà sách hoặc tham gia một câu lạc bộ sở thích. Theo học một chương trình đào tạo dài hạn hay dự một hội thảo hai ngày, gặp gỡ một giảng viên đại học hay một công nhân đi làm, đến giảng đường hay đi du lịch, v.v. đều là những trường học của NHSĐ.

Để có thể sử dụng tốt những cơ hội học tập như vậy, NHSĐ cần từng bước làm chủ những kỹ năng tư duy như: suy nghĩ tích cực, sáng tạo và có phê phán để đưa ra những quyết định đúng, phát triển và giải quyết vấn đề.. v.v. NHSĐ là người học trong môi trường xã hội nên những kỹ năng như giao tiếp, làm việc tập thể cũng cần được quan tâm rèn luyện.

Biết cách sử dụng những kinh nghiệm của bản thân ngày càng được xem là một kỹ năng quan trọng của NHSĐ. Vai trò của kinh nghiệm trở nên quan trọng đối với những người học đã trải qua và được giáo dục trong những môi trường học tập không khuyến khích vai trò chủ động và sáng tạo của người học hoặc ở đó những động cơ học tập bên ngoài chi phối động lực bên trong của quá trình học tập. NHSĐ phải biết hạn chế và loại bỏ những thái độ hay thói quen học tập gây trở ngại cho những suy nghĩ có phê phán và sáng tạo khi tiếp cận và giải quyết một vấn đề trong học tập hoặc trong cuộc sống, để kinh nghiệm trở thành một “nguồn tài nguyên” lành mạnh và thiết thực cho NHSĐ.

Bên cạnh việc sử dụng thành thạo tiếng mẹ đẻ, làm chủ một ngoại ngữ khác trở thành một công cụ quan trọng của một NHSĐ. Ngoại ngữ không chỉ giúp người học tiếp cận với tri thức thế giới mà còn để hiểu biết và chấp nhận những nền văn hoá khác. Sự giao lưu văn hóa diễn ra ngày càng đa dạng văn hoá đang được khuyến khích toàn cầu hiện nay chỉ có thể trở thành hiện thực khi có được sự hiểu biết lẫn nhau về văn hoá, trong đó ngôn ngữ là một yếu tố quan trọng. Các chính sách xây dựng xã hội học tập suốt đời ở hầu hết các quốc gia trên thế giới đều xem việc học thêm tối thiểu một ngoại ngữ là một nội dung quan trọng hàng đầu.

Người biết mình

Hiểu biết về bản thân là những kiến thức không thể thiếu được của một NHSĐ. Mục đích, nội dung và phương pháp học tập của NHSĐ cơ bản được quyết định dựa trên những hiểu biết về bản thân người học. Mục đích học tập của từng nội dung hay giai đoạn sống cần phù hợp với mục đích và triết lý sống của người học. Sự quan tâm, sở thích, niềm đam mê sẽ giúp những người học lựa chọn học cái gì. Đã trở thành một xu hướng phổ biến hiện nay trên Thế giới, các website về giáo dục từ xa hay tự giáo dục đều có những chương trình trắc nghiệm tâm lý, nhân cách giúp người học xác định “Tôi là ai?” “Tôi đang ở đâu và thực sự muốn đi đến đâu” khi bắt đầu một quá trình học tập dù để theo đuổi một bằng cấp dài hạn hay một chương trình huấn luyện kỹ năng ngắn hạn.

Ở một khía cạnh khác, không phải ngẫu nhiên mà những kết quả nghiên cứu mới nhất về bộ não thường được giới thiệu trong các hội nghị về học tập suốt đời trên Thế giới. Ý thức được rằng vùng lãnh thổ trên Trái đất con người ít biết đến nhất chính là khách cách từ hai lỗ tai như một nhà khoa học Pháp đã ví von, tác giả Ronald Gross dành chương thứ hai của quyển Học tập đỉnh cao (Peak Learning-1999) để tóm lược những phát hiện mới nhất về não bộ và tâm lý học thần kinh đã làm thay đổi sâu sắc những lý thuyết về học tập. Dựa trên những kiến thức khoa học đó, Ronald Gross cho rằng NHSĐ biết tối ưu hoá khả năng hoạt động của bộ não bằng việc chấp nhận những thử thách trong học tập khi tiếp cận với những vấn đề mới mẻ và khó khăn. Bên cạnh đó, NHSĐ là người biết khai thác và sử dụng hợp lý cơ cấu trí khôn để trong quá trình học tập không chỉ sử dụng những phép suy lý mà còn có tưởng tượng, sử dụng cảm xúc, kể cả trực giác. Cuối cùng vì bộ não người là một tổ chức

LinkedInPinterestCập nhật lúc: