Toàn cầu hoá không phải là "tây hoá"
Như nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội, sinh hoạt văn học - nghệ thuật hiện đang phát lộ nhiều vấn đề mà nhìn từ góc độ xã hội học văn hoá, không khó để nhận ra một số chuyển dịch vừa biểu thị sự khởi sắc, vừa chứa đựng một số nội dung cần giải quyết...
Nhìn trên diện rộng, các chuyển dịch đã manh nha từ các năm trước nay càng trở nên rõ nét, và ngày nay, đối với hoạt động văn học - nghệ thuật, dù có hay không mang tâm thế của khát vọng toàn cầu hoá thì trong khi nhấn mạnh vai trò của chủ thể sáng tạo, của hệ thống sản xuất - phổ biến các sản phẩm... vẫn cần đề cập tới vai trò của hệ thống thông tin đại chúng. Vì sự tham gia (có phần thái quá?) của hệ thống thông tin đại chúng vào hoạt động văn học - nghệ thuật đã đẩy tới hai vấn đề đáng chú ý: một mặt làm nổi bật một số vấn đề, sự kiện xã hội - văn hoá lành mạnh, khẳng định một số tác phẩm văn học - nghệ thuật có giá trị...; một mặt lại góp phần đẩy tới sự nhiễu loạn của một số tiêu chí định giá văn học - nghệ thuật, đôi khi là cổ vũ một số hiện tượng văn học - nghệ thuật chưa hẳn đúng mực, nhất là các tác phẩm và bài viết dường như chỉ nhằm để thoả mãn thị hiếu còn thiếu lành mạnh của một bộ phận công chúng...
Vì thế, nếu công chúng tán thưởng, đồng cảm với nỗ lực của nghệ sĩ trong quá trình sáng tạo tác phẩm, tổ chức chương trình nghệ thuật có chất lượng và hấp dẫn, thì họ cũng phản ứng gay gắt với những tác phẩm và chương trình nghệ thuật mà ở đó tác giả tỏ ra dễ dãi, tuỳ tiện hoặc vì chạy theo lợi nhuận mà buông lơi ý nghĩa xã hội tích cực.
Đáng tiếc, với một số tác phẩm gây phản cảm đối với công chúng và những người làm nghề, không phải khi nào báo chí cũng giữ vai trò là gạch nối giữa tác phẩm với người đọc, người xem, không phải khi nào cũng giữ được vai trò hướng dẫn công chúng đến với các giá trị chân - thiện - mỹ, nếu không nói sự quan tâm của báo chí đến các tác phẩm này còn gây tò mò, đôi khi là lăng-xê với động cơ nằm ngoài ý nghĩa văn học - nghệ thuật.
Vài năm trở lại đây, sự ra đời rầm rộ của các lễ hội với sự lặp đi lặp lại đến nhàm chán của mấy màn múa hát loanh quanh với "nón, tay khuỳnh và chạy vòng tròn", cùng các cuộc thi sắc đẹp thường chỉ mãn nhãn ở vòng thi áo tắm... đang nảy sinh một điều đáng bàn là dư âm của các hoạt động này thường không để lại nhiều (nếu không nói đôi khi còn làm xôn xao dư luận qua một số sự, vụ không đáng biểu dương), trong khi tổ chức lại rất tốn kém. Rồi nữa là hội thảo, là các liên hoan và hội diễn do cơ quan quản lý nhiều ngành nghệ thuật tiến hành. Hội Nhà văn, Hội Sân khấu, Hội Điện ảnh... đều tổ chức hội thảo, chủ đề bao trùm là mô tả thực trạng, đề xuất ý kiến cần phải làm gì để bộ môn nghệ thuật có thể phát triển.
Chủ đề quan trọng và cấp bách đấy, song đa số ý kiến phát biểu thì không mới, quá nhiều tham luận tập trung ta thán nhuận bút thấp, trách cứ công chúng thờ ơ, rồi yêu cầu Nhà nước đầu tư nhiều hơn... mà chưa tập trung phân tích yếu tố chủ quan ở chính đội ngũ người làm ra tác phẩm. Nói thế nào thì tình trạng "nghiệp dư" của văn học - nghệ thuật, sự thờ ơ của công chúng... vẫn có nguồn gốc trực tiếp từ người sản xuất ra tác phẩm.
Như trong sân khấu chẳng hạn, liệu có thể đòi hỏi nhiều hơn ở một nền sân khấu mà ở đó, sự "thống trị" đã hàng chục năm trời của một hai vị đạo diễn đã làm cho nó ngày càng nhàm chán, đơn điệu và buồn tẻ. Khôi hài là chính các vị đạo diễn "tài ba" đó lại thường lớn tiếng phê phán thực trạng sân khấu, đòi hỏi sân khấu phải như thế này, phải như thế kia, tảng lờ thực tế là không ai khác, mà chính họ là một trong các tác nhân đẩy tới hiện trạng của sân khấu. Do đó, liệu các tác giả trẻ có "đất dụng võ" hay không nếu trên sàn diễn luôn sừng sững một hai vị đàn anh "chạy sô, bao sân" đạo diễn hết vở diễn này đến vở diễn khác? Và công chúng sẽ nghĩ sao nếu biết vở diễn được báo chí ca ngợi hết lời kia được dàn dựng theo một quy trình khá cẩu thả: đạo diễn nhận vở, phân vai, phác vẽ mấy "mảng miếng", giao cho trợ lý (hay người có vai trò tương đương) phụ trách... rồi "chạy" đến đoàn khác; ít ngày sau đạo diễn quay lại, "chuốt" vở vài lần và... thanh toán thù lao?
Còn âm nhạc, sự sôi động của lĩnh vực này đang mang một diện mạo có tính hình thức hơn là tìm tới chiều sâu của thế giới tâm hồn, đặc biệt là ở các ca từ mà đôi khi sự ngây ngô không khỏi làm người nghe phải ngạc nhiên. Có lẽ vì thế nhạc sĩ Dương Thụ đã viết: "Chiếm lĩnh thị trường mạnh mẽ, nhạc dở đang trở thành một quyền lực. Nó áp đặt cho công chúng trẻ một thị hiếu khác với những chuẩn mực văn hoá mà chúng ta mong muốn, nhưng nó đang đầy sức sống và chưa có dấu hiệu tàn lụi. Nhưng đây cũng là tất yếu trong một xã hội kiểu như của chúng ta hiện nay. Một xã hội mải mê buôn bán kiếm tiền, và có tiền thì bắt đầu nghĩ đến hưởng thụ vật chất, đến giải trí "cho nhẹ cái đầu"...
Giới trẻ lớn lên trong một xã hội như thế lại không được thừa hưởng nền giáo dục tốt, họ chưa được chuẩn bị để đương đầu với một đời sống phức tạp gấp trăm lần thời cha anh họ. Không được "tiêm phòng dịch" nên không có khả năng miễn dịch với nhiều loại "vi rút" văn hoá, vì thế họ rất dễ bị "nhiễm bệnh"... " (Thể thao & Văn hoá Cuối tuần, 26/12/2008).
Tình trạng phân tầng thị hiếu của người xem, người nghe là kết quả của một đời sống văn học - nghệ thuật đang ngày càng đa dạng, phong phú, có nguồn gốc tinh thần khác nhau, song sự phân tầng ấy không phải là nguyên cớ, là động cơ, là mục đích để nghệ sĩ hướng sự quan tâm tới một bộ phận công chúng mà lẽ ra nghệ sĩ cần góp phần nâng cao năng lực, trình độ cảm thụ - đánh giá - tiếp nhận - sáng tạo thẩm mỹ của họ.
Mấy năm gần đây, chủ trương xã hội hoá các hoạt động văn học - nghệ thuật đang từng bước cụ thể hoá trong sinh hoạt xã hội. Đó là giải pháp cần thiết để một số thành phần xã hội có thể tham gia vào quá trình đưa tác phẩm đến với công chúng, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần xã hội. Thực tế cho thấy chủ trương đó là có hiệu quả, như sự ra đời của một số hãng phim, đoàn nghệ thuật sân khấu, công ty tư nhân. Nhưng văn học - nghệ thuật gắn với kinh doanh là không dễ suôn sẻ. Nếu Công ty Bách Việt cố gắng trao giải thưởng thơ đầu tiên và sẽ tiếp tục tổ chức giải thưởng về tiểu thuyết, thì ở giải thưởng Lá Trầu, dù nhà thơ Lê Ngân Hằng hết sức cố gắng thì vẫn phải tạm dừng vì thiếu tài trợ.
Còn điện ảnh tư nhân, dường như lời cảnh báo ngày nào của Margot Cohen rằng: "Việt Nam đã chấm dứt tình trạng độc quyền làm phim và một thế hệ đạo diễn mới đang phấn khích với sự tự do này. Nhưng liệu đây có phải tín hiệu báo trước một thời đại làm phim thương mại rẻ tiền (crass commercial) của điện ảnh?" (Kinh tế Viễn Đông, 29/4/2004) đã và đang trở thành hiện thực với sự ra đời của một số bộ phim gây ồn ào bằng các quảng bá rùm beng hơn là ở chất lượng tư tưởng - nghệ thuật, vì thế "tuổi thọ" của các bộ phim này thường chỉ là một thời gian ngắn!
Chưa nói tới sân khấu hình thể được ca ngợi là "luồng gió mới" đưa tới một số tác phẩm sân khấu "thử nghiệm công phu nghiêm túc và đầy tài hoa", "trình độ chuyên nghiệp vững vàng, hé lộ khả năng diễn tả mới lạ những sự kiện và vấn đề của đời sống đương đại nên đã chiếm lĩnh được cảm tình của khán giả" nhưng xem chừng vẫn ghi dấu ấn trong Liên hoan chứ chưa thể đứng vững giữa đời sống nghệ thuật. Rồi nghệ thuật trình diễn, rồi văn học hậu hiện đại,... với khá nhiều tác phẩm được coi là ra đời từ các xu hướng văn học - nghệ thuật này, không ít lời tán dương được đưa ra, song dường như trước mắt mới chỉ có tác giả và một vài nhà báo coi đó là "sáng tạo có giá trị" còn công chúng rộng rãi vẫn khó có thể thưởng thức, lĩnh hội một cách thích thú, vô tư, toàn vẹn. Hướng ra thế giới để học hỏi, đó là một nhu cầu cần thiết và khả thủ, vấn đề là nội lực của nghệ sĩ ra sao.
Toàn cầu hoá và tiếp biến văn hoá đang đưa tới nhiều cơ hội để tiếp thu, sáng tạo. Nhưng tiếp thu, sáng tạo như thế nào lại là một bài toán không dễ tìm ra đáp số. Trong trường hợp này, nên tham khảo ý kiến của nhà điêu khắc Noell El Farol (Philippines) nói rằng: "Toàn cầu hoá không phải là "tây hoá", mà cái chính của toàn cầu hoá là mỗi dân tộc có cơ hội phát triển tinh hoa của mình. Trong điêu khắc cũng thế, một tác phẩm giá trị không cứ phải giống như Tây, mà ngược lại, tác phẩm đó phải thể hiện được bản sắc địa phương của mình". Qua quan niệm của Noell El Farol có thể thấy, xây dựng nền văn học - nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc không phải là công việc riêng của Việt Nam, không phải là ý muốn chủ quan, đó là nhu cầu tự thân của mọi nền văn học - nghệ thuật đang có khát vọng đồng hành cùng nhân loại thông qua việc giải quyết một cách hài hoà mối quan hệ giữa dân tộc và quốc tế.
Dù là tự giác hay tự phát thì vẫn cần phải nói rằng, văn học - nghệ thuật Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được sự trông đợi của công chúng. Đó là sự thật, một sự thật không phải chỉ các tổ chức và cá nhân có trách nhiệm mới bày tỏ sự quan tâm mà cả xã hội cũng đang tỏ ra lo ngại. Sự lên ngôi của quá nhiều hoạt động có tính giải trí và thương mại đang lôi cuốn nhiều nghệ sĩ chạy theo xu hướng "ăn xổi", câu khách, vì lợi ích vật chất hơn là chú tâm tìm tòi, sáng tạo các giá trị thật sự mới, thật sự có ý nghĩa xã hội - con người.
Trong quá trình chuyển dịch để đi tìm giá trị mới và tích cực, có thể trong thời khắc nào đó nghệ sĩ phải làm việc để thích ứng với cuộc mưu sinh, thì văn học - nghệ thuật đích thực không bao giờ ra đời từ sự dễ dãi, hời hợt, càng không thể ra đời từ mục đích phục vụ thị hiếu thời thượng của một bộ phận công chúng. Và cuối cùng vẫn là tâm huyết, là tài năng của văn nghệ sĩ, là ý thức trách nhiệm của các cơ quan truyền bá...
Làng cổ Ninh Hiệp (tranh sơn dầu, họa sĩ Nguyễn Hữu Thuận)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn