Toàn cầu hóa văn hóa
Tiến trình toàn cầu hoá không chỉ liên quan đến lĩnh vực chính trị hay kinh tế, mà cả lĩnhvực văn hoá. Nó liên quan đến sự chung sống giữa các nền văn hoá trên quy mô toàn cầu. Do vậy, suy nghĩ về những điều kiện phát triển của toàn cầu hoá nhằm xây dựng khái niệm chung sống giữa các nền văn hoá để trên cơ sở đó, cho phép nghiên cứu mối quan hệ của tam giác bản sắc - văn hoá - truyền thông là hết sức quan trọng và cần thiết. Xuất phát từ thực tế đó, tác giả Dominique Wolton (dịch giả: Đinh Thuỳ Anh, Ngô Hữu Long) đã cho ra mắt cuốn sách Toàn cầu hóa văn hoá.
Về nội dung, ngoài phần mở đầu, cuốn sách có 5 chương, sau mỗi chương đều có phần trích tài liệu tham khảo bằng tiếng Pháp và đã được dịch sang tiếng Việt.
Chương I có tiêu đề thông tin không phải là truyền thông.
Trong chương này, xuất phát từ bối cảnh toàn cầu hoá thông tin hiện nay, tác giả cho rằng toàn cầu hoá thông tin gồm ba thời kỳ: Thời kỳ thứ nhất gắn liền với việc chinh phục lãnh thổ giữa thế kỷ XVI và XVIII. Thời kỳ thứ hai, vào khoảng từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX, là quá trình khai phá các miền đất trên thế giới vốn được coi là "vô hạn". Thời kỳ thứ ba, thời kỳ mà chúng ta đang sống, đặt ra trước mắt chúng ta thực tế là thế giới có hạn, mong manh và do vậy, theo tác giả, vấn đề chung sống giữa các dân tộc và các nền văn hoá từ nay về sau sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng. Ngoài những vấn đề trên, trong chương này, tác giả còn trình bày những vấn đề đáng chú ý khác, như cuộc đụng độ giữa các nền văn hoá, quá trình toàn cầu hoá truyền thông, tính động và bản sắc văn hoá, chủ nghĩa đa nguyên và chủ nghĩa đại đồng... Cuối cùng, tác giả đưa ra nhận định của mình về những việc cần làm trong tương lai, cụ thể là chấp nhận tính đặc thù của các ngành công nghiệp văn hóa, bảo vệ quan hệ xã hội, khuyến khích ý thức phê phán, sử dụng các ngành khoa học xã hội và đề cao vai trò của các nhà báo.
Chương II trình bày bản sắc, văn hóa và truyền thông - tam giác nóng của thế kỷ XXI.
Nội dung của chương dã phân tích cụ thể các vấn đề như các nền văn hoá đó đây, ảo tưởng về chủ nghĩa thế giới, sự quay trở lại của chính trị, những khái niệm trung tâm và đặc biệt là vấn đề về các mối quan hệ giữa bản sắc, văn hoá và truyền thông - một tam giác nóng của thế kỷ XXI, nhất là khi xung đột Đông - Tây kết thúc để lại một thế giới không có sự đối kháng về hệ tư tưởng "chính thức" và chỗ trống này được những nhân tố bị lãng quên trong chiến tranh lạnh thay thế. Tầm quan trọng của những nhân tố này được định đoạt bởi toàn cầu hoá kinh tế và toàn cầu hoá hệ thống thông tin. Theo tác giả, một ý tưởng chính trị sẽ tránh được ba khuynh hướng sau đây: Chủ trương đòi bản sắc văn hoá, chủ trương đa văn hoá và chủ trương cộng đồng. Vì sao như vậy? Vì đưa chính trị vào có nghĩa là buộc bản sắc - ngôn ngừ, tôn giáo, địa lý - với vấn đề chung của xã hội. Chính trị buộc phải đối chiếu và xếp hạng các khát vọng và mâu thuẫn, nghĩa là phải công nhận đây là những vấn đề quan trọng đối với sự cân bằng của các xã hội trong tương lai và chỉ có thể được giải quyết bằng các logic kỹ thuật hoặc kinh tế. Tác giả cũng cho rằng, một vấn đề cần phải làm đó là xây dựng được tầng lớp trí thức trước đây chưa hề có, phù hợp với những mối quan hệ mới giữa truyền thống, văn hoá và bản sắc văn hoá, cho phép phân biệt các thách thức kỹ thuật và kinh tế với các thách thức mang nhiều tính chính trị hơn.
Chương III trình bày sự chung sống giữa các nền văn hoá - một toàn cầu hoá khác với những vấn đề đặt ra là nên suy nghĩ như thế nào về sự chung sống giữa các nền văn hoá trên thế giới?
Làm thế nào để tránh nhầm lẫn sức mạnh của các ngành công nghiệp văn hoá với đa dạng văn hoá? Nên suy nghĩ như thế nào về văn hoá và truyền thông trong nền kinh tế? Làm sao để chấp nhận được rằng, trước một thách thức mang tính chính trị mới, thách thức của sự tôn trọng đa dạng văn hoá, các nước nghèo có thể được sánh ngang tầm với các cường quốc? Theo tác giả, không có "bản sắc văn hoá nhỏ", cũng không có "văn hoá thiểu số” và những người dân trên thế giới càng nắm được nhiều thông tin thì họ càng có phản ứng tốt hơn trước sự bóc lột mà các ngành văn hoá nhắm vào ho. Như vậy, họ trở thành những tác nhân hoàn chỉnh của toàn cầu hoá truyền thông và từng bước trở thành những tác nhân hoàn chỉnh trong trật tự chính trị. Tác giả cũng cho rằng, thế giới hiện nay đang bị thông tin và truyền thông thống trị và do vậy, sẽ phức tạp hơn, khó hiểu và khó điều hành hơn trước đây, khi những nhân tố này vẫn còn thưa vắng và là của riêng của một số ít người. Chính vì điều này mà sự chung sống giữa các nền văn hoá vừa là một thực tế - cần phải tổ chức sự chung sống này trên quy mô toàn cầu - vừa là một thách thức chính trị - cần tránh việc văn hoá và truyền thông trở thành những nhân tố bổ sung gây ra chiến tranh - lại vừa là một quan niệm - cần phải suy nghĩ về toàn cầu hoá.
Chương IV có tiêu đề nước Pháp
Là một xã hội đa văn hoá với 5 triệu dân có nguồn gốc từ các lãnh thổ, các nước thuộc địa cũ, các nước trong khối Pháp ngữ và từ nhiều nền văn hoá khác trên thế giới, Pháp phải đối mặt với sự đa dạng văn hoá. Đứng trước thách thức này, nước Pháp có may mắn đặc biệt bởi đã tiếp cận với sự đa dạng văn hoá từ ba logic và theo tác giả, không nên nhìn nhận tách biệt ba logic này. Trước hết, là mối liên hệ hợp tác giữa Pháp và các nước thuộc địa cũ, sau đó, là mối liên hệ hiện tại giữa Pháp và mười cộng đồng thuộc các tỉnh và lãnh thổ Pháp ở hải ngoại, sau cùng, là mối liên hệ giữa nước Pháp và cộng đồng Pháp ngừ. Điều này tạo ra những thách thức là: Cách tôn trọng lẫn nhau, ngăn chặn một thế giới mà truyền thống bị mai một dần, phát huy giá trị nguyên tắc chính trị dân chủ, một nguyên tắc vượt trên cả sự tôn trọng những bản sắc văn hoá.
Chương 5 có tiêu đề Châu Âu làm gì?
Theo tác giả, Châu Âu là bài học kinh nghiệm dân chủ đầu tiên trong thời đại hiện nay về sự chung sống giữa các nền văn hoá và tính đa dạng của các nền văn hoá hải ngoại là hình ảnh phản chiếu về tính đa dạng của Châu Âu, là con đường tắt để kiểm nghiệm cuộc sống chung giữa các nền văn hoá trong lòng Châu Âu. Các lãnh thổ hải ngoại cũng chính là bài học về lòng khiêm tốn cho Châu Âu. Bởi, có thể có một tiềm lực kinh tế mạnh nhưng Châu Âu phải tỏ ra khiêm tốn trên bản đồ văn hoá. Chính ở đó, thách thức về sự sống chung giữa các nền văn hoá là một vấn đề dân chủ cơ bản. Đứng trước thách thức ấy, tác giả cho rằng, không có những "ông lớn" hay những "thằng lùn” văn hoá, mà chỉ có những nền văn hoá hoàn toàn bình đẳng nhau, chung sống trong sự tôn trọng lẫn nhau.
Có thể thấy, Toàn cầu hoá văn hoá là một công trình nghiên cứu công phu, hệ thống và có ý nghĩa. Từ trước đến nay, dù đã có nhiều bài viết, sách viết về lĩnh vực văn hoá trong bối cảnh toàn cầu hoá nhưng đây là một cuốn sách mà bạn đọc có thể thấy ở đó một cách nhìn nhận đầy đủ và logic về vấn đề toàn cầu hoá văn hoá trên thế giới hiện nay.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan Đăng